Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
Nền giáo dục đại học trên thế giới đang có những chuyển biến nhanh theo tốc độ biến đổi không ngừng của xu thế thời đại với những vận hội mới, thời cơ và thách thức mới – một mặt tăng cường phát triển hợp tác, một mặt phải đương đầu với cạnh tranh quyết liệt; nền giáo dục đại học Việt Nam nếu không nhanh chóng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo thì nguy cơ “thua trên sân nhà” là khó tránh khỏi.

Tìm hướng tiếp cận…

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) với vị thế đầu ngành trong hệ thống giáo dục đại học đang trong lộ trình chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang phương thức đào tạo theo tín chỉ. Một trong các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ là từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo. Đây cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu của mỗi phương thức đào tạo. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để xây dựng một chương trình đào tạo đại học và mỗi cách tiếp cận có tính ưu việt đặc thù, mang tính thời đại.

Cách tiếp cận hàn lâm (academic) với mục tiêu truyền thụ kiến thức cho người học, chương trình đào tạo được thịnh hành vào những thiên niên kỷ trước, điển hình là các chương trình đào tạo của Liên Xô trước đây. Các chương trình đào tạo này thường rất nhiều môn học với khối lượng kiến thức khổng lồ, đa dạng. Thầy và trò say mê khám phá kho tàng kiến thức của nhân loại, tích lũy tri thức và có những hiểu biết thật sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn. Các chương trình này được thiết kế bởi các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học đầu đàn thuộc một lĩnh vực đào tạo (nhưng thường là chuyên gia giáo dục thuộc một đơn ngành, chuyên ngành).

Cách tiếp cận mục tiêu (goal) của chương trình đào tạo được phát triển vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi mà khoa học, kỹ thuật và công nghệ có những thành tựu nhảy vọt, nền kinh tế - xã hội đòi hỏi nguồn nhân lực đa dạng, xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa ngày càng tác động sâu rộng. Các chương trình đào tạo theo cách tiếp cận này luôn phải trả lời câu hỏi: người học tốt nghiệp sẽ làm được gì, cần trang bị cho họ kiến thức cần thiết nào cho phù hợp, trang bị kỹ năng gì để hành nghề… thậm chí ngay mỗi môn học, mỗi tín chỉ cũng phải có mục tiêu và quán triệt mục tiêu này trong việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp, giới hạn kiến thức cốt lõi cho phù hợp. Vì thế chương trình đào tạo đã tiệm cận với nhu cầu xã hội hơn, thực tế hơn; ngoài trang bị kiến thức cho người học còn chú trọng phát triển đạo đức, nhân cách, các kỹ năng, năng lực và nghiệp vụ chuyên môn cho người học. Tuy nhiên, tính đơn ngành, chuyên ngành của chương trình đào tạo còn nặng về chuyên môn chiều sâu hơn là chiều rộng. Mọi người học theo một chương trình cứng, một lộ trình đào tạo cứng theo mô hình “kế hoạch hóa”, chưa chú trọng tới nhu cầu học vượt, học chậm. Những môn học lựa chọn cũng nặng về chuyên ngành, chưa liên thông, liên kết giữa các khóa học, ngành học, các đơn vị đào tạo khác nhau. Điều này dễ dẫn đến việc tổ chức đào tạo khép kín, theo niên khóa và người học thụ động, tuân thủ theo lịch trình giảng dạy cứng cho mọi đối tượng đào tạo.

Cách tiếp cận phát triển (development) của chương trình đào tạo kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm của các cách tiếp cận truyền thống, kết hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đó là cách tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) được khởi đầu ở đại học MIT, Hoa Kỳ vào những năm 90 thế kỷ trước, phát triển và hoàn thiện trên nền các chương trình đào tạo phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ. Khi xây dựng các chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cán bộ giảng dạy giàu kinh nghiệm, cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy trong và ngoài trường với các nhà doanh nghiệp, đại diện cơ quan tổ chức sử dụng sản phẩm đào tạo và một số cựu sinh viên thuộc ngành đào tạo. Với trí tuệ và sự tham gia tích cực của đội ngũ đông đảo đó, chương trình đào tạo mới không xa rời thực tiễn sinh động của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hoàn chỉnh chương trình đào tạo theo module

Từ năm 2006, ĐHQGHN đã tích cực triển khai thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ. Trong giai đoạn I áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ (2006 - 2009), chúng ta đã chuyển đổi các chương trình đào tạo theo niên chế sang chương trình đào tạo theo tín chỉ. Để tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo, ĐHQGHN đã hướng dẫn các đơn vị đào tạo rà soát lại các chương trình đào tạo hiện hành, thiết kế các khối kiến thức thành các mô-đun (module) và tăng cường các môn học lựa chọn (elective subject) tạo điều kiện thuận lợi cho người học dễ dàng đăng ký học theo trình độ, khả năng, tốc độ và nguyện vọng lựa chọn khác nhau.

Thực tế hiện nay, một số môn học thuộc khối kiến thức chung (ví dụ môn Toán), thì chương trình đào tạo dành cho các nhóm ngành khác nhau là khác nhau, ví dụ cùng là Toán giải tích 1 nhưng kiến thức dành cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn không giống với khối khoa học tự nhiên; ngay cả môn học đó (cùng tên là Giải tích 1) thì kiến thức dành cho ngành Vật lý, Hóa học cũng không giống với ngành Toán. Do đó, việc hoàn chỉnh các chương trình đào tạo theo các module là cần thiết, góp phần quan trọng vào thành công của nhiệm vụ triển khai phương thức đào tạo theo tín chỉ.

Một điểm cần lưu ý là, các chương trình đào tạo đang được hoàn thiện thành các module phải được tiếp cận CDIO, phải được triển khai đào tạo để cung cấp được những sản phẩm đào tạo - những nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Chương trình đào tạo của nhiều nước trên thế giới đang đặc biệt chú trọng chất lượng đầu ra (outcome-base) và chúng ta cũng không thể đứng ngoài “dòng chảy chung” này nếu không muốn bị loại ra ngoài hoặc tụt hạng khỏi các đại học có uy tín.

Thế nào là chương trình đào tạo được thiết kế thành các module kiến thức?

Ví dụ, môn học A gồm 4 tín chỉ sẽ được thiết kế thành các modul như sau:

Module 1 (ví dụ 2 tín chỉ) là những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất của môn học mà mọi người học các ngành đào tạo liên quan đều cần được trang bị và được đánh giá kết quả học tập.

Module 2 (ví dụ 1 tín chỉ) là những kiến thức tiếp theo modul 1, dành cho nhóm ngành liên quan gần trong một lĩnh vực khoa học (ví dụ các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên chẳng hạn).

Module 3 (ví dụ 1 tín chỉ còn lại trong tổng 4 tín chỉ) là những kiến thức tiếp theo, sâu sắc hơn, nhưng không trùng lặp những kiến thức của các module trước đó, được dành cho người học chương trình đào tạo mà môn A là môn học cốt lõi.

Tham khảo: Văn bản Hướng dẫn triển khai thực hiện lộ trình đào tạo theo tín chỉ, giai đoạn 6/2009 đến 12/2009 đã được Giám đốc ĐHQGHN ban hành.

 PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 221, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   |