Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Tăng cường minh bạch thông tin về hệ thống ngân hàng thương mại
Ngày 21/12/2011, đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Tái cấu trúc Hệ thống ngân hàng - Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam" do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (VNU-UEB), Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) phối hợp đồng tổ chức.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng, Phó giám đốc thường trực ĐHQGHN cùng nhiều nhà khoa học của ĐHQGHN đã tham dự hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của trên 200 đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng tài chính từ các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, và Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các tổ chức tài chính quốc tế khác đang hoạt động tại Việt Nam.
Tái cấu trúc một cách toàn diện và đồng bộ
Hội thảo đã nhận được gần 30 bài viết và tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trong nước và quốc tế. Các bài viết tập trung vào hai mảng vấn đề lớn: Kinh nghiệm quốc tế về mô hình tổ chức, các biện pháp và nguồn lực thực hiện tái cấu trúc ở các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga, Anh, Hàn quốc, Trung quốc, Úc, và các nước Đông Nam Á trong giai đoạn khủng hoảng và hậu khủng hoảng; Một số vấn đề còn tồn tại của của hệ thống NH Việt Nam hiện nay; những tiền đề cho quá trình tái cấu trúc hệ thống NH một cách bền vững và đề xuất lộ trình cho quá trình tái cấu trúc; định dạng hệ thống NH Việt Nam sau tái cấu trúc.
Bối cảnh hậu khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu không chỉ đặt ra cho Việt Nam vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, mà còn có yêu cầu cấp thiết là tái cấu trúc một cách toàn diện và đồng bộ hệ thống ngân hàng như một yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một vấn đề mới, phức tạp - rất “nóng” đối với không chỉ ngành ngân hàng mà của cả nền kinh tế, đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu, đặc biệt là những nghiên cứu và thảo luận về kinh nghiệm quốc tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng Việt Nam cần phải tăng cường minh bạch thông tin về hệ thống ngân hàng thương mại khi tiến hành tái cơ cấu khu vực huyết mạch của nền kinh tế.
Ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia nhấn mạnh: Hệ thống ngân hàng phải hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản như phải hoạt động theo nguyên lý thị trường trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, công khai. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng một hệ thống quy chế để ngăn chặn đầu tư mạo hiểm quá mức vượt quá khả năng chống đỡ của nền kinh tế, cùng với đó là xây dựng một hệ thống chuẩn hóa của quản trị doanh nghiệp, các tổ chức tài chính ngân hàng cần có một hệ thống quản trị rủi ro đủ mạnh để tự cấu trúc lại hệ thống của mình nhằm lường trước được các rủi ro tiềm ẩn, phát sinh trong tương lai.
Về tổng thể, hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn yếu kém, chứa đựng nhiều rủi ro, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức tài chính tín dụng và các công cụ tài chính. Các chuẩn mực, thông lệ tốt về giám sát an toàn vĩ mô, giám sát dựa trên rủi ro của hệ thống ngân hàng đã bị coi nhẹ.
Theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, sở dĩ có điều này một phần là do rủi ro chéo giữa hệ thống ngân hàng với các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán… và thiếu sự phối hợp, liên thông giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành. 
Về các giải pháp cho thời gian tới, ông Tuấn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức tín dụng hoàn thành xử lý dứt điểm nợ xấu, làm sạch bảng cân đối tài sản và phục hồi tình hình thanh khoản mang tính lâu dài và cần ban hành các chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch của các tổ chức tính dụng.
Theo TS. Bùi Khắc Sơn, Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thì hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay đã lâm bệnh nặng, gây bất an cho xã hội và người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng. Chính vì thế, nói là tái cấu trúc thì chưa thể phản ánh hết những khó khăn, yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/10/2011, số lượng ngân hàng ở Việt Nam là quá nhiều so với tiềm lực kinh tế thể hiện qua GDP. Đây là điều vô lý bởi nhiều ngân hàng được hình thành từ những tập đoàn kinh tế và trong nhiều trường hợp là để thu hút vốn phục vụ cho chính tập đoàn đó, hoàn toàn trái với nguyên tắc kinh doanh ngân hàng là dùng tiền huy động được để cho người khác vay.
Do vậy, khi tái cơ cấu nên ưu tiên loại bỏ những ngân hàng nhỏ và yếu kém, những ngân hàng hình thành từ các tập đoàn kinh tế, sáp nhập, hợp nhất những ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả.
Vấn đề… “nóng”
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế trước những đòi hỏi ngày càng cao của quá trình hội nhập và tái cấu trúc hệ thống đã trở thành một chủ đề rất “nóng” tại thời điểm hiện tại. Học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong khu vực là một điều nên làm, tuy nhiên, kinh nghiệm tốt của nước này có thể là thuốc độc cho nước khác. Đây là lời cảnh tỉnh của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trong bài tham luận tại hội thảo.
TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng cần có một yêu cầu cấp thiết là tái cấu trúc một cách chủ động, toàn diện và đồng bộ hệ thống ngân hàng như một yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững. TS. Sơn cũng đưa ra 4 bài học kinh nghiệm của tái cấu trúc, đó là quyết tâm chính trị cao đồng thời với sự ủng hộ của toàn bộ xã hội cũng như các nhà tài trợ. Thứ hai là đánh giá đúng thực trạng, bản chất và mức nghiêm trọng của những yếu kém, xác định đúng nguyên nhân và đưa chương trình tái cấu trúc tổng thể. Thứ ba là tái cấu trúc kịp thời và nhanh nhạy. Và thứ tư là cần kết hợp nhiều biện pháp tái cấu trúc và thực thi một cách tổng thể, nhưng linh hoạt.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được hiểu là quá trình phân bổ lại các nguồn lực tài chính; nhân lực, tổ chức, công nghệ quản lý…; thể chế và cấu trúc sở hữu tài sản nhằm làm cho hệ thống hoạt động vững mạnh, tăng khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với các dịch vụ của ngân hàng.
Trong số các nước tại khu vực Đông Á, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Hàn Quốc thực hiện gần như sau cùng khi mà cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á năm 1997 đã gần kết thúc - được đánh giá là khá tương đồng với hoàn cảnh của Việt Nam lúc này. Tuy nhiên, việc Chính phủ Hàn Quốc tập trung tái cấu trúc hệ thống NH đã tạo ra một sự thay đổi lớn cho nền kinh tế, khi mà hoạt động của hệ thống NH được vận hành theo cơ chế thị trường hiệu quả, ngay cả trong giai đoạn bình thường của nền kinh tế.
PGS.TSKH Võ Đại Lược, Chủ nhiệm văn phòng chương trình KX01 cho rằng: Hiện nay, trên thế giới, hệ thống ngân hàng tốt nhất là Canada chứ không phải là các nước Đông Á. Riêng Việt Nam, tái cấu trúc hệ thống NH thì phải tái cấu trúc Ngân hàng Nhà nước trước tiên, Ngân hàng Nhà nước phải độc lập mới phù hợp với nền kinh tế thị trường. Do đó, cần có đề án tái cơ cấu Ngân hàng Nhà nước về chức năng nhiệm vụ...
Ông Mameer Coyal, điều phối viên quốc gia, chuyên trách Phát triển khu vực tài chính và tư nhân vùng Đông Nam Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Tính minh bạch và công bố thông tin là rất quan trọng khi tái cấu trúc, nhưng hiện nay lại rất hạn chế”.
Ông Coyal nhận định, sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh, hiện nay chất lượng danh mục tín dụng của ngân hàng thương mại đang gặp rủi ro: “Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước cần công cụ và năng lực thẩm tra nhằm tìm hiểu rõ tính nghiêm trọng của vấn đề”. Hiện tại, tổng tài sản của khu vực ngân hàng đã hơn 2 lần GDP, vì thế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay cần nhiều nguồn lực và khác so với kinh nghiệm trước đây của Việt Nam. Khung pháp lý điều tiết hoạt động ngân hàng ở Việt Nam vẫn chưa theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn khẳng định một lần nữa, Việt Nam sẽ không để một ngân hàng thương mại nào phá sản khi tiến hành tái cơ cấu kinh tế.

 Bùi Tuấn - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :