Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Bế mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4
Sau 3 ngày làm việc, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” đã thành công tốt đẹp và bế mạc sáng 28/11/2012, đánh dấu một bước phát triển quan trọng về của ngành Việt Nam học trên toàn thế giới.

Hội thảo đã nhận được hơn 1700 phiếu đăng kí tham gia và tóm tắt báo cáo trên cơ sở đề xuất của Hội đồng chuyên môn của các tiểu ban. Ban tổ chức đã tuyển chọn được gần 1000 tham luận có chất lượng chuyên môn cao đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Hội thảo này thu hút nhiều nhà khoa học từ các nước lần đầu tiên tham gia như Mông Cổ, Băngladet,… báo hiệu một giai đoạn phát triển mới của ngành Việt Nam học ngày càng đi vào chiều sâu với tính liên ngành rất cao.
Trên cơ sở nhất trí cao về cách tiếp cận liên ngành dựa trên lí thuyết khu vực học, Hội thảo đã bổ sung những tiếp cận mới về địa chính, chính trị, nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững, nhân học - văn hóa, nhân học -phát triển, quản lí xã hội và quản lí quá trình phát triển, đào tạo và phát huy vai trò của nguồn nhân lực và nguồn trí tuệ,… Trên cơ sở những phương pháp và cách tiếp cận mới, nhiều khám phá khoa học đã được ghi nhận tại Hội thảo bao gồm những vấn đề về chiến lược phát triển, chiến lược an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế để nhận diện rõ hơn thực trạng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Không chỉ nhiều ý tưởng học thuật mới đã đưa chia sẻ và cọ sát mà nhiều nguồn thông tin hữu ích, nhiều tư liệumới phát hiện cũng được giới thiệu tại Hội thảo.
Kết quả nghiên cứu trình bày tại Hội thảo cho thấy mối quan tâm của các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước ngày càng gần hơn với thực tin phát triển Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đều tỏ ra có giá trị ứng dụng cao. Bên cạnh những nghiên cứu cơ bản vốn đã khẳng định được uy tín học thuật thì giờ đây các nghiên cứu ứng dụng và thực chứng đang mang lại diện mạo và giá trị mới. Đây là xu hướng mới của ngành Việt Nam học và là điểm khác biệt quan trọng của Hội thảo này. Điều này thể hiện rõ nhất khi thảo luận trong các tiểu ban về văn hóa, giáo dục, tài nguyên và môi trường.
Trên nền chung của Hội thảo, phạm vi quan tâm khá rộng và các ý tưởng vô cùng phong phú,các nhà khoa học tham gia Hội thảo đã tỏ rõ sự quan tâm sâu sắc của mình đến 5 vấn đề có thể coi là câp bách nhất, nóng bỏng nhất trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay, đó là: an ninh khu vực và toàn cầu; ứng phó thông minh với những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và các tác động khác của quá trình toàn cầu hóa; bài toán phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế toàn cầu; chuyển dịch sinh kế của các cộng đồng dân cư ở nhiều khu vực, nhiều vùng khác nhau; chất lượng của nguồn nhân lực.
Phát biểu kết luận Hội nghị, GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, Hội thảo Việt Nam học là diễn đàn khoa học lớn nhất, nơi các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới quy tụ, trao đổi những kết quả mới nhất về đất nước, con người, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Nét đặc trưng tạo nên thương hiệu của Hội thảo Việt Nam học là tính liên ngành và liên lĩnh vực. Hội thảo còn góp phần củng cố phát triển mạng lưới nghiên cứu việc đào tạo Việt Nam học, thúc đẩy hợp tác cùng nhau phát triển về đào tạo và nghiên cứu Việt Nam học, thông qua đó thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Giáo sư khẳng định, các tiểu ban đã đề xuất nhiều kiến nghị cho Việt Nam hội nhậpphát triển bền vững. Bên cạnh đó, những nội dung thảo luận của các tiểu ban cũng nêu lên nhiều vấn đề gợi mở cho việc áp dụng sâu rộng, tiếp cận liên ngành và khu vực trong đào tạo nghiên cứu về Việt Nam học.
Giáo sư mong muốn, các học giả, nhà khoa học hãy chung tay phát triển mạng lưới đào tạo và nghiên cứu Việt Nam học ở Việt Nam và trên thế giới.
 
>>> Thông tin về Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 trên báo chí:
 
 

 Bùi Tuấn - Việt Hà - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :