Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
"12 năm nô lệ" - xu hướng làm phim chân thực và dung dị
“12 năm nô lệ” là cuốn tự truyện của Solomon Northup, một người Phi da đen bị bắt cóc và trở thành nô lệ rồi sau đó được trả lại tự do vào năm 1853. Phần lớn các sự kiện chính trong cuốn sách này đã được lấy làm nền cho cuốn tiểu thuyết “Túp lều bác Tôm” của nữ văn sĩ Harier Beecher Stowe, một best seller trong văn học Mĩ, và đã từng rất nổi tiếng ở Việt Nam từ những năm 70 của thế kỉ XX.

Một câu chuyện buồn tưởng như đã bị chôn vùi trong quá khứ bỗng bất ngờ trở lại trong bộ phim cùng tên vừa được vinh danh Oscar đầu năm 2014. Điện ảnh Mĩ gần đây có vẻ như hướng tới tôn vinh những bộ phim chân thực và dung dị…

Thậm chí có người còn cho rằng, 12 năm nô lệ gần hơn với một bộ phim tài liệu. Năm ngoái Hollywood vinh danh Argo, cũng là một bộ phim có nội dung rất gần với một sự kiện có thật: điệp vụ giải thoát 6 con tin người Mĩ bị bắt cóc ở Iran. Oscar 2014, 12 năm nô lệ là sự tiếp nối xu hướng đó.

 

Bộ phim có độ dài 134 phút bám sát gần như từng chi tiết cuốn tự truyện cùng tên, kể về cuộc đời oan khuất, thấm đẫm nước mắt của Solomon Northup (do diễn viên Chiwetel Ejiofor thủ vai), một người đàn ông Mĩ gốc Phi tự do, làm nghề thợ mộc, có tài chơi violon, sống ở NewYork, đã có vợ và 2 con, bất ngờ một ngày kia bị lừa, sau đó bị bắt cóc và đem bán cho các ông chủ đồn điền ở miền Nam, tiểu bang Lousiana, nước Mĩ. Từ một người tự do, chỉ vì một chút sơ suất, sau một đêm Northup đã bị biến thành nô lệ. Anh bị bán cho hết ông chủ này đến ông chủ kia, mà không hề được phép tự bào chữa cho mình. Đạo luật hà khắc của nước Mĩ hồi ấy cho phép những ông chủ da trắng có thể đối xử với bầy nô lệ da đen của mình như những con vật không hơn không kém, đánh đập họ một cách dã man, sẵn sàng giết chết họ bất cứ lúc nào với bất kì lí do “lãng xẹt” nào. Chịu sự đày đọa trong suốt 12 năm, may mắn Northup tình cờ gặp được một người đàn ông da trắng tốt bụng gốc Canada, Bass (do Brad Pitt thủ vai), nhờ lòng tốt của ông, anh mới được trao trả tự do. Thế nhưng, những người đồng bào của anh, “những con vật đen” ở thời điểm ấy vẫn còn sống trong cảnh nô lệ…

Vấn đề nô lệ, sự phân biệt màu da, chính sách kì thị với người da màu, đặc biệt người Phi da đen, từng là một vết thương nhức nhối trong lòng xã hội Mĩ suốt gần hai thế kỉ (từ 17 đến nửa cuối 19). Một đất nước mà ngay trong Tuyên ngôn lập quốc 1776, đã cam kết: “Chúng tôi xem những chân lí sau như hoàn toàn hiển nhiên, rằng mọi con người được sinh ra bình đẳng, rằng họ được Đấng sáng tạo ban cho quyền không thể chuyển nhượng, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, nhưng phải đến tận năm 1865, khi cuộc chiến tranh Bắc Nam kết thúc, vết thương nhức nhối này mới được chấm dứt ở nước Mĩ. Để có được điều kì diệu này, là sự góp công của nhiều người, nhưng những người da đen ở Mĩ hẳn không ai có thể quên được công lao lớn nhất của Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc. Trong nhiệm kì ngắn ngủi của mình, kể từ ngày chính thức nhậm chức (4-3-1861) đến ngày bị ám sát (14-4- 1865), Lincoln đã kiên trì theo đuổi đến tận cùng chính sách nhân đạo, tiến bộ của mình. Với ông, sự tồn tại chế độ buôn bán nô lệ ngay trên một đất nước vốn được mệnh danh là thiên đường, như Mĩ, là một nỗi đau, sự ô nhục cần sớm phải xóa bỏ. Bộ phim của đạo diễn da màu Steve McQueen được tôn vinh tại lễ trao giải danh giá Oscar 2014 vừa qua, trước hết là vì thế.

 

Hai diễn viên Chiwetel Ejiofor và Lupita Nyong’o trong một cảnh phim (nguồn: internet)

Điện ảnh Hollywod về đề tài nô lệ không chỉ có bộ phim của Steve McQueen. Gần đây nhất, chúng ta đã từng được chứng kiến các phim như The Help của đạo diễn Tate Taylor, Django Unchained của đạo diễn Quentin Tarantino, Abraham Lincoln của đạo diễn Steven Spielberg, và một vài bộ phim khác. Tuy nhiên, phải  đến 12 năm nô lệ của Steve McQueen, một đạo diễn da màu làm phim về những người cùng màu da với mình, người xem mới có thể được biết đến một  hiện thực nhức nhối đến như thế về thân phận và sự bất bình đẳng của người da đen trong thế giới hiện đại. Trả lời phỏng vấn về cơ duyên đến với bộ phim này, Steve McQueen đã nói rằng: “Tôi đọc cuốn sách này, và tôi đã hoàn toàn choáng váng […]. Nhân chứng của chế độ nô lệ về cơ bản nó đã làm cho tôi có niềm đam mê để chuyển thể cuốn sách này thành một bộ phim”. 12 năm nô lệ thành công ngay từ khâu đầu tiên là kịch bản. Nhà biên kịch John Ridley, tác giả kịch bản bộ phim đã rất tâm đắc với đề tài này ngay sau buổi gặp gỡ đầu tiên với đạo diễn Steve McQueen tại Công ty Creative Artists Agency nhân buổi ra mắt phim Hunger năm 2008, của ông. Tính chân thực của bộ phim được thể hiện ngay từ hình thức của tác phẩm gốc. Trong văn học, tự truyện được coi là loại tác phẩm viết về sự thật. Cuốn sách không dài (315 trang trong bản dịch tiếng Việt do NXB Phụ Nữ ấn hành tháng 6 năm 2014), chân thực đến “trần trụi” trong từng chi tiết. Làm thế nào dựa vào câu chuyện chân thực đến trần trụi như thế làm thành một bộ phim hư cấu mà vẫn không tạo cho người xem cảm giác đang xem một phim tài liệu? Đó là một thách thức không nhỏ với nhà làm phim trẻ người Anh chưa mấy nổi tiếng này. Tuy nhiên, có lẽ nhờ  là một người da màu giống như nhân vật chính Northup trong tác phẩm, lợi thế của Steve McQueen là hết sức rõ ràng. Được sự động viên, trợ giúp của nhà sản xuất Brad Pitt, một diễn viên rất nổi tiếng người da trắng có tư tưởng tự do, cuối cùng Steve McQueen đã chọn một lối làm phim chân thực và dung dị. Cách lựa chọn đó đã giúp ông tiếp cận được câu chuyện kể trong tác phẩm gốc đầy đủ nhất. Và nhờ thế mà nó lay động được trái tim khán giả.

 

Nhà quay phim tài ba Sean Bobbitt cũng góp một phần quan trọng trong việc tạo ra được những khuôn hình chân thực lay động trái tim người xem. Bộ phim được quay bằng phim 35 ml với tỉ lệ 2.35:1, đã bày ra trước mắt người xem những khuôn hình rộng, khoáng đạt về những đồn điền mênh mông rộng lớn của miền Nam, bang Lousiana nước Mĩ những năm giữa thế kỉ XIX. Tương phản với nó lại là những khuôn hình cận cảnh gương mặt tội nghiệp, đen đúa, rầu rĩ của những “con vật – người” một thế kỉ rưỡi trước đây. Dàn diễn viên, phần lớn đều không phải “siêu sao” nhưng lại góp phần đặc biệt quan trọng vào thành công của bộ phim này. Và cũng nhờ vào lối diễn xuất hết sức chân thật. Chiwetel Ejiofor trong vai Northup, nhân vật chính của bộ phim, với bộ mặt ngơ ngác, cái nhìn thất thần gần như trong tất cả các cảnh quay (chỉ trừ khi anh còn chưa bị bắt cóc, đang sống với vợ và hai đứa con của mình), đúng ra đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Anh hoàn toàn xứng đáng được nhận Oscar cho vai diễn chính của bộ phim, nếu như vai diễn viên phụ của Lupita Nyong’o (người gốc Kenia) không quá xuất sắc.

Ông chủ Epps (do diễn viên Michael Fassbender thủ vai)
và Northup (do Chiwetel Ejiofor thủ vai) (Ảnh: internet)

Chúng ta hãy thử phân tích một vài yếu tố thể hiện tài năng diễn xuất của ba diễn viên trong ba vai quan trọng nhất của bộ phim: Northup, Parsey và Epps. Vai Northup từ đầu tới cuối phim đều cho thấy sự nhập vai hết sức tự nhiên của anh. Kể từ lúc sa vào bẫy của hai tên buôn người với lời hứa sẽ được nhận lương hậu hĩnh trong vai nhạc công của một gánh  xiếc, người đàn ông tự do này không có lúc nào được đối xử như một con người. Luật lệ phi lí và hà khắc của nước Mĩ thời đó bất công đến mức không thể tin nổi. Một con người đang là tự do, chỉ sau một đêm  tỉnh dậy thấy mình đã trở thành nô lệ. Anh không được phép nhận mình là người tự do. Những trận đòn roi phủ đầu khiến anh không dám mở miệng. Trong phim, đôi khi ta cũng thấy người đàn ông dũng cảm này dám đứng lên chống lại cường quyền áp bức (cảnh anh đánh lại gã đốc công Jon Tibeats), nhưng đó chỉ là hãn hữu. Còn lại, trong suốt gần 134 phút phim, ta chỉ thấy những cảnh bất công, ngang trái diễn ra với người đàn ông tội nghiệp này. Cảnh tấm lưng lằn sâu những vết ngang dọc; cảnh anh bị treo cổ trên cây, may mắn không bị chết  ngạt nhờ chạm đầu mũi chân xuống mặt đất, trong khi xung quanh những người nô lệ cùng cảnh dù rất thương anh, chỉ đứng nhìn như những bóng ma, không ai dám liều lĩnh cứu người bạn cùng cảnh ngộ, khiến ta hiểu luật lệ của những ông chủ da trắng hà khắc đến thế nào. Trái tim người xem trào lên sự phẫn uất. Nhân vật Patsey cũng thế. Cô không chỉ là một thứ nô lệ chỉ biết nai lưng làm việc sinh lợi cho ông chủ của mình, mà còn bị biến thành một thứ công cụ tình dục, thỏa mãn những cơn thèm khát của gã chủ Epps dâm ô, độc ác. Cảnh Patsey bị người vợ của Epps vì ghen tuông đánh đập bất cứ lúc nào, cảnh cô bị lột trần truồng, bị trói vào thân cây và bị quật không thương tiếc bằng roi da, đến mức sau trận đòn, người ta không còn nhận ra tấm lưng vốn gầy guộc, đen đủi của cô nữa. Nó chẳng khác nào một vũng bùn đỏ quạch sau một cuộc cày ải. Đã có lúc, do không chịu đựng được nỗi đau đớn về cả thể xác và tinh thần, Patsey đang đêm đã tìm đến van xin nhờ Northup giết cô cho quên đi nỗi đau đớn. Vai ông chủ Epps (do diễn viên Michael Fassbender thủ vai) thì thật là khủng khiếp. Cứ nhìn thấy hắn xuất hiện, quan sát kĩ bộ mặt, chứng kiến hắn đối xử với nô lệ trong nhà, đặc biệt là trường đoạn hắn tự tay cầm roi da quật không thương tiếc vào cô hầu Patsey, người mà hắn vẫn lợi dụng tình dục mỗi cơn thèm khát, người xem không khỏi rùng mình. Ít ai lại tin nổi đó đã từng là một sự thật…

Đoàn làm phim 12 năm nô lệ nhận giải thưởng Phim hay nhất tại Oscar 2014

12 năm nô lệ có thể được xem là một mẫu hình của kiểu cấu trúc 3 hồi Hollywood cổ điển, khác xa với các bộ phim “bom tấn” những năm gần đây. Không kĩ xảo, không đầu tư quá tốn kém (chỉ khoảng 20 triệu USD), bộ phim vẫn  “thu” được bội  tiền của người xem, chỉ bằng cách kể lại một câu chuyện thật dung dị (chỉ trong 5 tháng đầu sau khi công chiếu, phim đã thu về khoảng 160 triệu USD). Theo tiết lộ của đoàn làm phim, để đảm bảo cho tính chân thực của câu chuyện, về trang phục, họa sĩ thiết kế đã hợp tác với Hãng thiết kế Western Costume tạo ra gần 1000 mẫu trang phục cho diễn viên. Họa sĩ thiết kế bối cảnh đã phải mất rất nhiều công sức sưu tầm nhiều mẫu đất tại ba đồn điền miền Nam, bang Louisiana, nơi các nhân vật trong phim xuất hiện, để lựa chọn một mẫu thích hợp nhất phù hợp với trang phục. Về ngôn ngữ thoại, để khôi phục lại cách nói năng của tầng lớp chủ nô và nô lệ cách đó hàng thế kỉ rưỡi, các nhà làm phim đã phải lăn lộn rất nhiều, gặp nhiều người, ghi âm nhiều mẫu thoại, để chọn một cách thoại sao cho phù hợp nhất. Diễn viên Lupita Nyong’o, người gốc Kenia, được trao giải Oscar cho vai diễn viên phụ xuất sắc nhất, từng học diễn xuất tại trường Yale, cũng góp phần quan trọng vào thành công cho bộ phim. Đây có lẽ là bài học cho nền điện ảnh Việt Nam - một nền điện ảnh còn nghèo nàn và thiếu nhiều trang thiết bị hiện đại. Vậy nên, điện ảnh nước ta hoàn toàn có thể chọn lối làm phim chân thực và dung dị để có được tác phẩm lay động trái tim người xem. Tất nhiên, để có được điều đó, còn cần đến chính tài năng của những người trong cuộc một “cơ chế thoáng” để người nghệ sĩ được tự do sáng tạo.

 Trần Hinh - VNU-USSH
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :