Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
ASEAN - 40 năm nhìn lại và hướng tới
Là tên cuộc hội thảo do trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN tổ chức ngày 19/7/2007. Các vấn đề về chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa, đối ngoại và giáo dục là các chủ đề được hội thảo đề cập tới.

Tham dự hội thảo có sự hiện diện các nhà nghiên cứu Việt Nam, các nước ASEAN và nhiều nhà nghiên cứu của Trung Quốc.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết, lâu đời giữa các nước ASEAN nhưng do các hoàn cảnh lịch sử mà ngày nay các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành một gia đình lớn, tạo dựng một khu vực với bản sắc riêng, cùng với sự phát triển về kinh tế năng động vào hạng nhất nhì thế giới.

GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQGHN phát biểu chào mừng hội thảo.

Hội thảo đã tổng kết 40 năm hoạt động của ASEAN với các tham luận: ASEAN – những cột mốc trên tiến trình phát triển (GS. Vũ Dương Ninh); Logic của hòa bình (GS. Muhadi Sugino – Trường đại học Gadjah Mada), tham luận này được nhiều đại biểu đánh giá cao; 40 năm ASEAN, thành tựu và những vấn đề (PGS. Nguyễn Quốc Hùng); Quan hệ EU – ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới (PGS.TS Nguyễn Quang Thuấn); Những vấn đề đặt ra đối với ASEAN trong quá trình tiến tới cộng đồng kinh tế - AEC (PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn); ASEAN trong chiến lược đối ngoại của Australia của PGS.TS Trịnh Thị Định và Quan hệ Mỹ - ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI của TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ; Biển Đông – Vấn đề an ninh và hợp tác khu vực (PGS.TS Nguyễn Văn Kim); ASEAN từ một quan sát địa – ngôn ngữ học…

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh
Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV

Hội thảo đã nhận định những khó khăn, thách thức to lớn như: Giữa các thành viên vẫn tồn tại những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, mẫu thuẫn trong quá khứ cùng với sự khác biệt về thể chế chính trị, văn hóa, những xung đột mới nảy sinh có thể ảnh hưởng đến an ninh và ổn đinh khu vực; Sự chênh lệch và trình độ phát triển giữa các nước thành viên; Cộng đồng ASEAN đang gặp phải những thách thức lớn trước làn sóng toàn cầu hóa bên cạnh việc gìn giữ bản sắc khu vực; Việc các cường quốc lôi kéo, tạo ảnh hưởng với các quốc gia trong khu vực có nguy cơ chia rẽ, bất ổn định như đã từng diễn ra trong lịch sử; Cơ chế hoạt động và các nguyên tắc tổ chức hiện nay của ASEAN tuy tạo ra sự mềm dẻo, năng động nhưng lại lỏng lẻo, ít ràng buộc và kém hiệu quả…

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu và bày tỏ sự quan tâm sâu sắc với chủ đề của hội thảo và mong muốn sự hợp tác hiệu quả giữa các nhà khoa học trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN ngày 28/7/1995. Năm 1997 là Lào, Myanma và năm 1999 Campuchia trở thành thành viên của ASEAN. Từ 5 nước mở rộng thành 10 nước sau gần 30 năm thành lập.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations) được thành lập ngày 8/8/1967 với các quốc gia đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines, với mục đích ban đầu là hợp tác mang nhiều mục đích chính trị, an ninh như chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên. Năm 1976 tại Hội nghị Bali ở Indonesia, tổ chức ASEAN bắt đầu chương trình cộng tác kinh tế, nhưng các hợp tác bị gián đoạn vào giữa thập niên 1980. Hợp tác kinh tế chỉ thành công lại khi Thái Lan đề nghị khu vực thương mại tự do năm 1991. Các nước ASEAN mới thật sự bước vào giai đoạn mới với hai văn kiện quan trọng được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ tư (1/1992) tại Xingapo: Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế của ASEAN, Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (COPT) và thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).

 Tin & ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :