Con đường tới trường đại học
Trần Quốc Hoàn sinh năm 1981 tại Vũ Quang, một huyện miền núi nghèo thuộc Hà Tĩnh. Là con út trong gia đình thuần nông có 5 anh chị em, vừa lọt lòng đã không còn nhìn được, cậu bé Hoàn vẫn luôn khao khát được đi học như bạn bè cùng lứa.
Gia đình nghèo, nhưng bố mẹ toàn tâm toàn lực lo cho con được đến trường, tuy nhiên khi ấy ở quê không có trường dạy cho người mù. May thay có người họ hàng xa mách cho biết ngoài Hà Nội có trường Nguyễn Đình Chiểu. Vậy là cậu bé Hoàn khi đó mới 9 tuổi khăn gói ra tận thủ đô với khát khao trẻ thơ là “mọi người đi học thì mình cũng phải đi học”.
Hoàn còn nhớ, ngày đầu tiên được bố và ông nội đưa ra Hà Nội học, bố và ông ở lại 20 ngày rồi về, khi ấy còn nhỏ chưa biết lo, chỉ biết nhớ nhà, nhưng rồi mải vui với bạn bè cũng quen dần. Những năm đầu, cứ hè và tết là bố lại ra tận nơi đón Hoàn về nhà, hết kỳ nghỉ lại đưa lên tận nơi. 7, 8 năm sau thì Hoàn tự biết bắt xe về quê.
Ký ức lần đầu xa nhà Hoàn vẫn nhớ như in, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm, lo lắng, bỡ ngỡ, địa hình chưa thuộc nên cứ vấp ngã hoài. Hồi còn ở nhà, chưa bao giờ gặp ai “như mình”, cứ ngỡ mỗi mình bị mù. Nhưng vào học trường Nguyễn Đình Chiểu, thấy rất nhiều người bị khiếm thị mà vẫn đi lại rất nhanh nhẹn, thuận tiện, những lo lắng dường như tan biến, chỉ còn lại niềm khát khao cháy bỏng là được học.
Từ nhỏ, Hoàn đã bị lôi cuốn bởi âm thanh trầm bổng của tiếng đàn bầu trên đài phát thanh. Niềm đam mê âm nhạc dường như cũng theo cậu bé Hoàn từ đó, học lớp 7 Hoàn thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Năm 2005, Trần Quốc Hoàn đã tốt nghiệp nhạc viện khoa Âm nhạc truyền thống, chuyên nghành đàn bầu. Anh luôn mong muốn ra một CD riêng, đó sẽ là những bản nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh được cất lên từ tiếng đàn bầu.
Hiện nay, Trần Quốc Hoàn cũng đang là sinh viên năm thứ 4 lớp tại chức báo chí của trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đây là lớp báo chí đầu tiên có người khiếm thị.
Anh tâm sự mỗi lần đến lớp là một khó khăn, vừa cố hiểu ngay lời thầy giảng vừa chép bài cho kịp. Nhất là những khi thi cử, bạn bè viết trên giấy thì anh phải đánh máy chữ thường, không soát được lỗi, nhiều khi không nhớ mình đã viết tới đâu, phải nhờ bạn bè đọc hộ câu cuối cùng mình viết là gì.
Nhưng có lẽ vất vả nhất là những ngày mưa gió, có khi phải bắt 2,3 tuyến xe buýt mới về đến nhà. Có khi 9h đêm vẫn còn ở bến xe buýt, bến vắng tanh không có ai để hỏi, không biết mình phải lên xe nào. Rồi có khi xe đi nhanh không bắt kịp, lỡ 2, 3 chuyến là chuyện bình thường.
Không có ai bên cạnh, lúc đấy thấy rất nản, nhưng rồi phải bình tĩnh lại, hết mưa trời lại nắng. Những khó khăn đó mình phải can đảm vượt qua. Anh mong sau khi ra trường sẽ được một toà soạn nhận vào làm một công việc gì đó phù hợp.
Anh nhớ mãi lời bố mẹ dặn dò trước khi ra Hà Nội: “Con cố chăm chỉ học hành, sau này bố mẹ có mất đi thì còn tự chăm sóc cho bản thân được, chị em mỗi người một phận, con phải biết cố gắng”.
Hạnh phúc cho ai biết vươn lên
Tôi đến nhà Trần Quốc Hoàn khi căn phòng nhỏ đang rộn ràng tiếng đàn hát của vợ chồng anh và mấy người bạn. Người thanh niên khiếm thị có gương mặt rất đẹp và sáng đang lướt những ngón tay trên phím đàn ghi-ta, giọng hát thật ấm áp và trong sáng.
Họ gặp nhau tại nhà một người bạn. Khi đó Hường đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trẻ trung và ưa nhìn. Lần đầu tiên gặp nhau, không tự tin lắm, nhưng anh vẫn có một cảm xúc rất đặc biệt về cô.
Trước đây anh vẫn mơ có một người vợ là giáo viên. Tuy nhiên, chỉ dám mơ thôi, chẳng bao giờ dám nghĩ có thể lấy được vợ. Vậy mà giờ đây điều đó đã trở thành hiện thực. Hai người đã kết hôn năm 2006 và sắp sửa có thêm thành viên mới. Đó là món quà quý giá mà cuộc đời ban tặng cho anh.
Hoàn quê tận Hà Tĩnh, còn Hường quê ở Quảng Ninh, hai người trọ ở nhà một người quen, cuộc sống khó khăn nhưng lúc nào cũng tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Thỉnh thoảng anh đi diễn ở các trường, quán cà phê, làm cho Trung tâm nghệ thuật thuộc Hội chữ thập đỏ do NSND Tường Vi và cố nhạc sĩ Văn Cao sáng lập ra. Nhưng số tiền nhỏ từ các buổi biểu diễn thưa thớt của anh và các buổi dạy thêm của vợ không trang trải hết được cho cuộc sống gia đình. Thương vợ, nhưng nhiều khi anh không dám nói ra vì sợ vợ buồn.
Ngoài những lời thương yêu, nghe những lời động viên của vợ “những lúc khó khăn vượt qua được thì đâu lại vào đấy” anh lại cảm thấy vững lòng hơn. Những khi ấy anh càng cố gắng “phải luôn phấn đấu, nỗ lực làm việc, trước tiên phải là người có hiểu biết, không ỉ lại mình là người khiếm thị mà không làm việc này việc kia”.
Anh bùi ngùi kể về những kỷ niệm nhớ nhất của đời mình. Đó là những ngày yêu nhau - đầy khó khăn nhưng không kém phần lãng mạn. Hoàn thương vợ vô cùng khi nghĩ đến những thiệt thòi mà Hường phải chịu. Nếu yêu người bình thường thì cô ấy được người yêu đưa đi đây đó, nhưng đằng này toàn cô ấy phải đạp xe đèo 2 đứa đi thăm thú các nơi. Bây giờ khi có bầu to rồi, cô ấy vẫn phải chở mình đi diễn, hoặc đi đâu đó.
Giờ sắp có em bé, Hoàn bảo vừa mừng vừa lo. Lo về kinh tế, nhưng vui vì sắp được làm bố. Nhưng anh bảo anh thích thế, thích được lo cho gia đình. Mong ước của 2 người là sau này con cái sẽ được bay cao bay xa hơn. “Cuộc sống diệu kỳ, nếu cố gắng, sẽ có sự đền đáp. Hãy cố gắng phấn đấu, ai cũng sẽ có cơ hội của mình” - Hoàn nói rất tự tin.
|