Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Sinh viên đi làm gia sư
Đại bộ phận sinh viên lúc nào cũng ở trong trạng thái “viêm màng túi” và tiền đối với sinh viên thì nhiều cũng thành ít. Không phải vì sinh viên đòi hỏi cao mà sinh viên bây giờ quả là có nhiều khoản cần phải chi tiêu. Không nói ra cũng đủ biết đó là những nhu cầu gì: sách vở, quần áo, xe cộ (xăng xe hoặc hỏng hóc bất thường), sinh nhật, mua sắm rồi cả chuyện yêu đương - “tình phí”… Mặt khác, họ cũng muốn làm quen với cuộc sống tự lập, muốn tự kiếm tiền, “bổ sung” thêm vào “vốn liếng” mà bố mẹ cấp cho để đi học hàng tháng.

Họ cũng tham gia vào rất nhiều công việc để có thể kiếm thêm tiền ngoài giờ lên lớp bằng rất nhiều các hình thức làm thêm khác nhau, tuy nhiên làm gia sư vẫn là công việc chiếm tỉ lệ rất lớn. Quanh việc sinh viên gia sư cũng có rất nhiều chuyện đáng bàn.

Ngay trong một lớp hơn 50 người mà có tới hơn một nửa thường xuyên đi dạy thêm ở các gia đình, chủ yếu là dạy kèm cho học sinh các môn chính như: Văn, Toán, Lí, Hóa, Anh… Thù lao thì tùy nhưng ít nhất cũng từ 25 ngàn trở lên, cao nhất là 50 ngàn; các lớp học theo nhóm thì được trả thù lao cao hơn tầm 80 - 120 nghìn/buổi. Hầu hết là kèm cho những học sinh còn yếu, kém, trung bình nhằm nâng cao điểm số và đạt kết quả cao hơn trước đây với quan niệm “có kém mới cần đến gia sư”. Cũng có nhiều học sinh khá giỏi nhưng gia đình vẫn thuê người dạy kèm cho con em họ.

Không ít các bạn sinh viên làm gia sư được một thời gian tỏ ra chán nản vì học sinh kém quá, chậm hiểu quá, cứng đầu quá, nghịch quá, lười quá, chậm tiến bộ quá. Bên cạnh đó, cũng có một số người tỏ ra hài lòng và yêu thích thực sự công việc của mình. Điều lạ lùng ở đây là có một số sinh viên than phiền không phải vì các lí do trên ở học sinh của mình, mà do học sinh học giỏi, hay hỏi quá, họ phải chuẩn bị bài vở cẩn thận trước khi đi dạy, mất rất nhiều thời gian. Tất cả các sinh viên đi dạy mà chúng tôi hỏi đều nói rằng họ chẳng bao giờ soạn bài cả, cứ đến dạy là dạy thôi, không có gì khó khăn lắm. Dạy các học sinh kém tuy bực mình và không có hứng thú nhưng lại không mất thời gian gì nhiều, không cần chuẩn bị trước, thậm chí không cần sách vở gì mà tháng tháng vẫn lĩnh lương đều đều. Thậm chí các sinh viên nam (không chỉ sinh viên nữ) còn vô tình trở thành “vú em”, thành “chú nuôi dạy trẻ” vì ngoài dạy ra họ còn lãnh luôn trách nhiệm chơi cùng và dỗ cho học sinh (lớp 1, lớp 2) ăn. Nhiều phụ huynh học sinh còn thuê gia sư đến dạy mấy buổi một tuần còn với mục đích có người trông con cho họ.

Cách xưng hô giữa thày – trò cũng rất phong phú. Học sinh cấp 1 thì xưng cô – con, cấp 2 trở lên thì xưng chị - em,… Học sinh cũng thường xuyên tâm sự “chuyện kín, chuyện hở” với gia sư của mình. Gia sư do vậy đã thực sự là một người bạn của các em. Có nhiều suy nghĩ, hành động, tâm sự mà các em không dám nói với bố mẹ; nhiều chống đối với thày cô ở lớp, các em lại thích “bật mí” với các thày, cô giáo ở nhà của mình. Học một thày – một trò xét về một khía cạnh nào đó cũng có hiệu quả cao. Thày cũng có lợi mà trò cũng thế. Trò thì được cung cấp, bổ sung và mở rộng kiến thức một cách thoải mái, dân chủ; thày thì vừa có thêm thu nhập lại vừa tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về kĩ năng sư phạm. Như vậy, tưởng rằng các gia sư sẽ lợi cả đôi đường, sự thật có phải vậy không? Trước đây, có một số trường hợp sinh viên đến nhà học sinh bị người nhà học sinh giở nhiều thủ đoạn lừa gạt, cưỡng đoạt… hay đến trung tâm tư vấn thì bị lừa tiền, làm khó dễ. Cha mẹ học sinh cũng có khi có thái độ không được tôn trọng lắm đối với gia sư; họ chưa coi việc kiếm tiền ngoài giờ học của sinh viên là đáng quí, chưa coi việc lao động và hưởng thù lao của gia sư là việc chính đáng. Cũng có nhiều trường hợp sinh viên mải mê dạy thêm kiếm tiền mà phải thi lại, học lại liên miên, mặc dù có những người lương tháng đến tới 2 triệu đồng.

Vẫn biết đi làm thêm là việc nên làm của sinh viên thời nay không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, song có làm chủ được quĩ thời gian và hiệu quả công việc và quan trọng nhất là học tập hay không - là phụ thuộc vào bản thân sự nỗ lực, ý chí, quyết tâm cũng như sự linh hoạt của họ. Làm gia sư vẫn là công việc khá phù hợp và vừa tầm đối với sinh viên, chỉ có điều bảo đảm “chất lượng” của công việc được hay không là một điều không hề dễ. Mọi người cũng cần có cái nhìn tích cực hơn, thoáng hơn và đúng hơn đối với sinh viên và công việc làm gia sư của họ.

 Đinh Việt Hà
K49 Sư phạm Ngữ văn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :