Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
“Chạy đâu cho thoát”
Hiện nay giá cả phòng trọ sinh viên ngày càng tăng cao. Các chủ nhà trọ mặc sức mà tăng giá, nơi này tăng, nơi khác tăng. Để chống chọi với tìng trạng trên, hầu hết sinh viên đã nghĩ ra cách “chạy trốn giá cả”. Trong tình hình hiện tại, xem ra sự chạy trốn cũng không còn là thượng sách.

Những phòng có diện tích rộng trên 12m2 giá quá cao sinh viên không thể ở được, những phòng có diện tích hẹp thì chỗ ở chật trội, đời sống sinh hoạt không đảm bảo, thành thử sinh viên phải vất vả lắm mới tìm được một phòng trọ trung bình để ở. Đối với những sinh viên nghèo việc chuyển nhà trở thành một nỗi ám ảnh lớn.

Chuyển nhà trong đêm tối

“Truy đuổi và chạy trốn” - Đó là câu nói của N.V.T (ĐHKHTN - ĐHQGHN), tưởng như bông đùa nhưng đó lại là một cuộc “truy đuổi và chạy trốn” thực sự. T là sinh viên thuộc đối tượng chính sách con nhà nghèo ở vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào hai sào ruộng cộng với số tiền thu được từ cây mía. Hàng ngày, bố mẹ T phải lên đồi đi làm nương làm rẫy, đi vay mượn cố chạy đủ tiền cho con ăn học. Ngoài ra, T còn phải đi làm thêm để có tiền trang chải cho việc học hành. Khi mới vào học năm đầu, giá cả còn dễ chịu một chút, đời sống sinh hoạt cũng tạm ổn. Thế nhưng hiện nay cái gì cũng tăng giá nên đời sống của cậu sinh viên nghèo bị đảo lộn. T cho biết trong một năm đã có tới 5 lần chuyển nhà. Lần thứ nhất trọ ở khu Chùa Láng, một phòng chưa đầy 6 mét vuông , chỗ ở chật trội xe đạp ban đêm cũng phải để ngoài, nạn trộm cắp hoành hành, giá nhà cao…ngất trời, những 550.000đ/tháng. Ở đây được một tháng T lại “chạy” sang Trung Hòa - Cầu Giấy, tưởng rằng giá cả ưu đãi hơn, nào ngờ một phòng 8 mét vuông giá 600.000đ/tháng. T lại “lẩn” đến Khương Hạ, cũng như những lần trước ban đầu giá một phòng 8 mét vuông giá 350.000đ/tháng sau tăng lên 500.000đ/tháng. Một lần nữa, T lại chuyển đến ngách 35/141 phố Khương Hạ, ban đầu giá một phòng 12m2 giá 450.000đ/tháng, sau tăng lên 600.000đ/tháng, qua nhiều lần “trốn” như thế hiện nay cậu sinh viên này lại chạy đến ngõ 250 phố Khương Trung. Trong khi đó tiền mỗi tháng gia đình gửi cho được 700.000 ngàn không đủ chi phí cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, đó là chưa kể đến việc các mặt hàng thực phẩm cũng đồng loạt tăng giá. Ngày trước mì tôm thường là người bạn thân thiết của sinh viên mỗi khi thiếu tiền. Thế nhưng hiện nay giá mặt hàng này cũng đã tăng gần 2000đ/gói và “dần trở thành món hàng xa xỉ”, đậu phụ và các mặt hàng rau quả cũng tăng gấp đôi. Vì vậy muốn có tiền để trang chải cho cuộc sống hàng ngày thì phải đi làm thêm... T tâm sự “chạy trốn đã đành thế nhưng tìm được một nơi để ở cũng cực kì khó. Có khi phải tìm cả tháng, phòng đắt không thể ở được mà phòng rẻ thì không có, nên việc tìm được phòng có giá cả bình dân cũng phải dựa vào vận may”.

Một trường hợp khác đó là Nhâm Ngọc Mai (SV ĐHKHXH&NV), gia đình làm nông nghiệp, thu nhập chủ yếu cũng chỉ dựa vào ba sào rưỡi ruộng, bố mẹ lại phải nuôi ba anh em đều học đại học. Để kiếm ra tiền gửi cho ba anh em mỗi tháng, bố mẹ Mai cũng phải chạy vạy khắp nơi. Đối với Mai ở quê ra Hà Nội học, việc tìm một nóc nhà mà “an cư” là điều rất cần thiết, thế nhưng “an cư” còn chưa xong thì nói gì đến “lạc nghiệp”. Ban đầu chưa tìm được chỗ trọ Mai đành phải ở nhờ một người bạn trong kí túc xá sau đó tìm được một phòng trọ ở gần khu Mễ Trì giá 450.000đ/tháng, phòng cho 3 người ở cũng tạm ổn. Đùng một cái giá phòng trọ tăng lên 550.000đ/tháng Mai đành phải lao vào cuộc chạy trốn vòng vo. Rời Mễ Trì, Mai tìm đến Khương Hạ nhưng Khương Hạ cũng đâu phải là đất nương thân, Mai lại chuyển đến Khương Đình. Cứ như thế, sau 4 lần chuyển nhà cậu sinh viên này chưa biết cuộc chạy trốn của mình đến bao giờ thì kết thúc.

Chỉ là một vài trong số không ít những sinh viên ngoại trú gặp phải hoàn cảnh thuê nhà tương tự như thế! Không biết rằng rồi đây đâu sẽ là mảnh đất nương thân cuối cùng của sinh viên, sự truy đuổi ráo riết của giá cả, cuộc chạy trốn của sinh viên ngày càng trở nên gay gắt và tất cả đều chịu sự truy đuổi của nó. Chạy đâu cho thoát?!

 Bài&ảnh: Văn Dương
K51 Văn học, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :