Đảng - Đoàn thể
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >  
Đảng bộ ĐHQGHN với việc phát huy cao độ nguồn lực tri thức trong sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội
Tham luận của Chi bộ Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN trình bày tại Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trong hơn 1000 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đồng hành cùng đất nước và ghi đậm vào lịch sử dân tộc dấu ấn của một Thủ đô, không chỉ là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, quân sự, kinh tế mà còn là một trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước - một biểu tượng văn hiến của quốc gia. Đất Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi tụ hội hiền tài của cả nước, và chính đội ngũ nhân tài đó đã đóng góp tài năng, trí tuệ, tâm sức của mình cho sự cường thịnh của đất nước và đồng thời cũng làm cho Thăng Long - Hà Nội luôn xứng đáng với vị thế và khí phách của đất “rồng bay lên”, tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ và truyền thống văn hóa của dân tộc.

Sự kiện Hoàng đế Lý Thánh Tông lập ra Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long vào mùa Thu năm 1070 và sau đó Hoàng đế Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử Giám vào năm 1076 chính là những dấu mốc lịch sử quan trọng mở đầu cho hành trình Thăng Long - Hà Nội trở thành trung tâm học thuật tinh hoa của cả nước. 950 năm sau, tháng 10 năm 2019, Thủ đô Hà Nội chính thức khởi công xây dựng thành phố thông minh ở Đông Anh, và trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, mục tiêu phát triển của Thủ đô được xác định như sau: “Đến năm 2025, xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo”.

Việc BCH Đảng bộ Thành phố xác định phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị thông minh và thành phố đổi mới sáng tạo là hoàn toàn chính xác, phù hợp với xu hướng của thời đại và yêu cầu phát triển của đất nước, tiếp nối liền mạch truyền thống văn hiến của Thủ đô.

Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá và các giải pháp then chốt, và một trong những khâu đột phá chiến lược là: “Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế và thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; thực hiện tốt đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược”. Một số giải pháp trọng điểm đã được xác định khá cụ thể, như: “Xây dựng cơ sở mới cho các trường đại học ngang tầm với các quốc gia phát triển”, đặc biệt là: “Tập trung xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc, khu vực có Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”.

 

Hoàn toàn nhất trí với những phương hướng và giải pháp được xác định trong Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội. Sau đây chúng tôi muốn làm rõ thêm vấn đề này, để góp phần trả lời cho câu hỏi: Hà Nội của chúng ta sẽ đi đến mục tiêu trên bằng con đường nào? Dựa trên những nguồn lực nào là chủ yếu?

Hiện nay trên địa bàn Thủ đô có 79 trường đại học và học viện công lập, 18 trường đại học tư thục và dân lập, 32 trường cao đẳng. Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Nội còn có hai trung tâm khoa học và công nghệ lớn nhất cả nước là Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ngoài ra còn có hàng chục viện nghiên cứu chiến lược của các bộ, ban ngành, các trung tâm và viện nghiên cứu quốc tế v.v.. Các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu nói trên là nơi quy tụ đội ngũ rất đông đảo các nhà khoa học của cả nước, ước tính khoảng trên 30.000 người, bao gồm các chuyên gia đầu đàn, đầu ngành thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, các ngành công nghệ và các khoa học liên ngành. Họ đều là những người có tài năng, có chuyên môn cao, lại có tâm huyết muốn được cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho Thủ đô.

Cùng với đó là lực lượng sinh viên rất đông đảo, ước tính trên một triệu người, chiếm khoảng 10% dân số Thủ đô. Họ là lực lượng trẻ, có trình độ, rất nhiệt tình, giàu khát vọng, mong muốn được hoạt động và cống hiến cho đất nước, cho Thủ đô.

Đội ngũ này chính là một nguồn lực tri thức, nguồn lực văn hóa và nguồn lực khoa học công nghệ to lớn và quý báu, nếu Thủ đô Hà Nội biết khai thác và phát huy cao độ nguồn lực này thì đó sẽ chính là một đội quân chủ lực, một nguồn xung lực để thực hiện những kỳ vọng phát triển, những khâu đột phá chiến lược và những nhóm giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo định hướng đô thị thông minh và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đây hiển nhiên là một lợi thế đặc hữu của Thủ đô mà không một địa phương nào trong cả nước có được.

Trong thời gian vừa qua, Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm khá to lớn và thiết thực đối với đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và các em học sinh, sinh viên. Lãnh đạo Thủ đô đã thường xuyên quan tâm, lắng nghe ý kiến đóng góp, tư vấn của đội ngũ chuyên gia. Nhiều đề án, nhiều công việc của thành phố đã được tổ chức lấy ý kiến chuyên gia rất cẩn trọng. Hằng năm, lãnh đạo Thành ủy và UBND đều tổ chức các hội nghị gặp gỡ nhân sĩ, trí thức Thủ đô. Tại đó, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã nêu ra nhiều sáng kiến có giá trị, đề xuất nhiều giải pháp giàu tính thực tế, gửi gắm vào đó nhiều tâm huyết và cả những ý kiến phê bình thẳng thắn, nghiêm khắc. Lãnh đạo thành phố đã lắng nghe, cầu thị tiếp thu. Tinh thần “trọng hiền, đãi sĩ” của lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội là rất đáng ghi nhận và trân trọng.

 

Đối với hàng triệu sinh viên và học sinh đang học tập tại Hà Nội, dù quê gốc ở đâu thì họ cũng đều đã rất tự hào có một khoảng thời gian rất đẹp trong đời được sinh sống ở Thủ đô, được đắm mình trong không gian lịch sử - văn hóa kinh kỳ, và họ đã xem Hà Nội như quê hương thứ hai của chính mình. Về phía Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang giang rộng vòng tay nhân ái đón nhận, chăm lo và giáo dục hàng chục thế hệ học sinh, sinh viên đến từ nhiều vùng miền cả nước. Trước kia trong chiến tranh, ngày nay trong hòa bình, và ngay cả trong những lúc khó khăn nhất như thời gian chống chọi với đại dịch Covid-19 gần đây, tinh thần bao dung, nhân ái của nhân dân Thủ đô càng tỏa sáng. Với tư cách là vừa là thầy cô giáo, vừa là phụ huynh, chúng tôi rất cảm kích và chân thành cảm ơn sự giúp đỡ, đùm bọc của Lãnh đạo và nhân dân Hà Nội.

Vì những lẽ đó, đội ngũ cán bộ và sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội luôn luôn tâm niệm rằng: bản thân mình phải có trách nhiệm đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô, coi đó như một bổn phận thiêng liêng, một nhiệm vụ đương nhiên của chính mình. Những thầy, cô giáo lớn tuổi ngồi trong hội trường này vẫn còn nhớ như in kỷ niệm những ngày thứ bảy “lao động cộng sản chủ nghĩa” xây dựng Thủ đô, những đợt tham gia nạo vét sông Tô Lịch, vác đất kè bờ đê Sông Hồng, còn các đồng chí trẻ tuổi hơn thì không quên kỷ niệm tham gia những “Ngày chủ nhật đỏ” được tổ chức ngay tại khuôn viên các trường đại học; những mùa hè ra quân của đội quân tình nguyện áo xanh…

Nhưng đó có lẽ chỉ là tấm lòng, là tâm huyết, chứ chưa phải là ưu thế của đội ngũ thầy và trò Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học và viện nghiên cứu ở Thủ đô.

Thế mạnh của chúng tôi chính là tri thức khoa học - công nghệ và văn hóa, và đội ngũ thầy và trò của Đại học Quốc gia Hà Nội tha thiết mong muốn được góp phần mình vào sự cất cánh của Thủ đô trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp mới bằng chính thế mạnh đó.

Xin được nhắc lại lời của cố GS. Trần Quốc Vượng - một trí thức ngoài Đảng và là một trong những người khai sáng môn Hà Nội học, rằng “Nghiên cứu về Hà Nội là để trả nợ nguồn!”.

Nối tiếp các thế hệ đi trước, những năm gần đây thầy và trò các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu đã có nhiều công trình khoa học, các đề tài, dự án nghiên cứu thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Hà Nội. Riêng các trường, các viện và các đơn vị thành viên của ĐHQGHN, có thể điểm qua một số công việc cụ thể sau đây:

Trong nhiều năm nay, thầy và trò Trường Đại học KHTN, Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường và Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học đã có những nghiên cứu liên ngành, toàn diện về môi trường Hà Nội, trong đó những nghiên cứu xuất sắc được công bố trên Tạp chí Nature rất nổi tiếng; có những nghiên cứu có tính ứng dụng cao về môi trường không khí ở Hà Nội, những nghiên cứu chuyên sâu về đa dạng sinh học, về bảo tồn, quản lý và sử dụng đất ngập nước, những tìm tòi để thay thế xăng dầu bằng nhiên liệu sạch cho hệ thống giao thông, và người dân Hà Nội chắc không mấy ai không biết đến PGS. Hà Đình Đức và tâm huyết của ông trong việc nghiên cứu bảo tồn giống rùa Hồ Gươm quý báu.

Trường Đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN có quan hệ rất chặt chẽ với Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội cũng như nhiều sở, ban, ngành, địa phương và đã tổ chức được hàng chục lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và doanh nhân Hà Nội.

Trường Đại học Công nghệ và Viện Công nghệ thông tin có đóng góp nổi bật trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Hà Nội. Một số nhóm nghiên cứu còn đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để số hóa và đưa các di tích, các món ăn và đặc sản của Hà Nội cùng các địa chỉ du lịch của Thủ đô lên internet, góp phần quảng bá cho văn hóa, con người Thủ đô, và góp phần phát triển du lịch của thành phố.

Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Đại học Giáo dục thuộc ĐHQGHN cũng có đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục Thủ đô. Đặc biệt là gần đây, đội ngũ cán bộ của các trường đã có đóng góp thiết thực cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, phát triển và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình các môn học mới, tổ chức các hoạt động tư vấn học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường vv.

Trường Đại học KHXH&NV và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển từ nhiều năm nay đã liên tục tổ chức thành công hàng chục chương trình, đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô. Chương trình Khoa học và công nghệ đặc biệt KX09 được triển khai thành công, với sự tham gia của hàng chục nhà khoa học của hai đơn vị này, đã cung cấp cơ sở và luận cứ khoa học chắc chắn cho việc tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với tầm nhìn thiên niên kỷ. Tủ sách Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến là bộ sách quý, tập đại thành hàng trăm công trình nghiên cứu về Hà Nội cũng được tổ chức xây dựng với đóng góp tới khoảng 70% là từ công sức của Trường ĐH KHXH&NV và Viện VNH&KHPT. Sau đó, hai đơn vị này còn tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức triển khai rất bài bản Đề án xây dựng “Hồ sơ văn hiến Thăng Long - Hà Nội”, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Trong số rất nhiều các chương trình, đề tài nghiên cứu phục vụ Hà Nội, chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh hai thành tựu to lớn. Thứ nhất là các nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, chuyên gia của ĐHQGHN trực tiếp tham gia khảo sát, khai quật, đánh giá toàn bộ giá trị di sản của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, trên cơ sở đó góp phần xây dựng hồ sơ khoa học để UNESCO công nhận khu di tích này là di sản văn hóa thế giới. Đồng thời, các nghiên cứu này cũng đặt nền tảng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của di sản văn hóa vô giá này của Thủ đô và của cả nước. Thứ hai, trong suốt hơn 10 năm qua, đội ngũ cán bộ của Trường ĐH KHXH&NV và Viện Việt Nam học & KHPT đã tổ chức nghiên cứu sâu rộng về nhiều khu vực nông thôn và thành thị của Hà Nội, từ khu di tích Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm, huyện Đông Anh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, cho tới khu vực nội thành với các mô hình sinh kế của dân cư phố cổ Hà Nội, trên cơ sở đó đã xác lập thành công cơ sở thực tiễn, nền tảng học thuật và các nguyên tắc giáo dục của môn Hà Nội học - một môn học liên ngành, mang ý nghĩa ứng dụng thiết thực đã bắt đầu được triển khai dạy và học ở nhiều trường học ở Hà Nội.

Tuy đã đạt được một số thành tựu có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trên nhiều lĩnh vực, nhưng với tinh thần thực sự khoa học, cầu thị, và với trách nhiệm đầy đủ của người đảng viên và công dân thủ đô, chúng tôi cho rằng những kết quả đạt được là hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của thực tiễn phát triển bền vững của Thủ đô.

Nhận thức như vậy là để khẳng định rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn như thế, tốt hơn như thế để ĐHQGHN cũng như hàng trăm trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu trên địa bàn Thủ đô đóng góp được nhiều hơn cho Thủ đô và cho cả nước.

Qua theo dõi các chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa Hà Nội với ĐHQGHN chúng tôi thấy “nút thắt” nằm ở chỗ cơ chế phối hợp, hợp tác. Hầu hết các chương trình, đề tài nghiên cứu đều vẫn còn là những sáng kiến đơn lẻ, tự phát của các cá nhân nhà khoa học hoặc nhóm nghiên cứu. Do đó, hậu quả không tránh khỏi là các nghiên cứu trở nên rời rạc, manh mún, khó gắn kết với các doanh nghiệp, với chính quyền địa phương, và do đó, gặp khó khăn trong chuyển giao, ứng dụng.

Trong khi đó, đối với các công việc do phía Hà Nội trực tiếp và chủ động “đặt hàng” thì chắc chắn đều đạt kết quả rất tốt. Bên cạnh Chương trình KX09 đã nhắc đến ở trên, khi được Thành ủy, UBND thành phố tin cậy, yêu cầu, ĐHQGHN đã phối hợp tổ chức rất thành công Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”. Đây là sự kiện KHCN duy nhất trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội; Các công trình nghiên cứu về Hoàng thành; lập Hồ sơ văn hiến Thăng Long - Hà Nội, hay xây dựng cuốn “Địa chí Đông Anh” v.v.. sở dĩ hoàn thành tốt được cũng là nhờ có cơ chế hợp tác chặt chẽ, trong đó Hà Nội là bên đặt hàng, xuất phát từ yêu cầu phát triển của chính Thủ đô.

Từ kinh nghiệm thực tế nói trên, chúng tôi đề nghị, ngay sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ Hà Nội, Thành ủy, UBND thành phố nên cùng với ĐHQGHN ký kết lại một Chương trình phối hợp công tác toàn diện, theo đó, với năng lực và vị thế của mình, ĐHQHN hoàn toàn có thể đóng vai trò làm đầu mối quy tụ đội ngũ nhà giáo - nhà khoa học của hàng trăm trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội tổ chức thành công các nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo phục vụ sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô. Với thế mạnh và kinh nghiệm của mình, ĐHQGHN còn có thể làm nhịp cầu kết nối với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu ở các tỉnh và thành phố khác trong cả nước và với hàng trăm đối tác quốc tế để tổ chức các chương trình, đề án nghiên cứu về Hà Nội, phục vụ Hà Nội.

Về phía Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương, điều quan trọng nhất là xác định những vấn đề cần giải quyết nảy sinh trong thực tiễn phát triển của thành phố, trên cơ sở đó đưa ra các “đơn đặt hàng” đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, các trường, viện giải quyết dưới các hình thức đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo hoặc các giải pháp tư vấn chính sách.

Làm được như vậy, chúng ta sẽ vừa tiết kiệm được các nguồn lực, huy động và sử dụng đạt hiệu quả cao nhất các nguồn lực sẵn có, và quan trọng hơn là đáp ứng trúng và đúng hơn yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô.

Cuối cùng, nhân đây chúng tôi muốn nhắc lại rằng, theo chương trình phối hợp công tác giữa UBND thành phố Hà Nội và ĐHQGHN, một đơn vị có tên là Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô đã được thành lập từ năm 2014, đặt tại Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, trụ sở ở số 3 phố Hoàng Diệu. Đây là trung tâm phối thuộc giữa ĐHQGHN và Thành phố Hà Nội. Trong thời gian qua, Trung tâm đã làm được một số việc thiết thực, hữu ích, nhưng rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế mới để phát huy tốt hơn vai trò là cầu nối hợp tác nghiên cứu và đào tạo phục vụ Thủ đô Hà Nội.

 Gia Lộc
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   |