Đào tạo
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >  
Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài qua mô hình đào tạo học sinh chuyên ở ĐHQGHN
Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ luôn được coi là động lực và quốc sách hàng đầu, là then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Gần 40 năm trở lại đây đã có nhiều Nghị quyết của Trung ương ban hành về các nội dung này: Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IV, năm 1979; Nghị quyết số 04 NQ/HNTW khóa VII năm 1993, Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo… trong đó có đề cập đến việc phân ban, bồi dưỡng nhân tài và phát triển các trường phổ thông chuyên trong cả nước.

Nhân sự kiện học sinh của Trường THPT chuyên KHTN, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN vừa đạt huy chương vàng trong kỳ thi quốc tế (7.2014) và hướng tới kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 do Trường Đại học KHTN – ĐHQGHN chủ trì tổ chức, tại Việt Nam (khai mạc 21.7.2014), chúng tôi đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN về một số nội dung liên quan đến việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài qua mô hình phát triển các trường THPT chuyên của ĐHQGHN.
- Thưa GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, có một triết lí riêng của ĐHQGHN về phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài, Giáo sư có thể chia sẻ thêm thông tin về nội dung này?
Thời đại nào cũng vậy, nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự hội nhập và cạnh tranh kinh tế đang diễn ra nhanh và quyết liệt trên quy mô toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy chìa khóa của sự tăng trưởng vượt bậc của các nước châu Á trong những thập kỷ gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chính là bởi các nước này đã thành công trong việc phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài. Nếu không có nguồn lực trí tuệ để tạo ra những bước phát triển đột phá, các nước kém phát triển sẽ ngày càng tụt hậu và chịu sự lệ thuộc vào các nước phát triển.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức hướng dẫn sinh viên tại phòng thí nghiệm
Chính vì vậy, việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng, trọng dụng, tạo điều kiện để nhân tài được phát huy tài năng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một yêu cầu cấp bách, không thể chậm trễ, có ý nghĩa sống còn vì thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các trường đại học, trong đó có ĐHQGHN đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Triết lý trong đào tạo của ĐHQGHN là đào tạo nhân tài, đào tạo tinh hoa. Đào tạo ở ĐHQGHN không chỉ nhằm trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức, mà còn chú trọng đào tạo cho sinh viên các kỹ năng và năng lực tổ chức, đặc biệt là phát triển tư duy, tầm nhìn, tạo cho sinh viên có đầy đủ bản lĩnh và nghị lực để vào đời và sáng nghiệp.
Để có thể hoàn thành được sứ mệnh này, ĐHQGHN luôn coi trọng việc phát hiện tài năng ngay từ bậc học phổ thông và tiếp theo đó là những năm trên giảng đường đại học. ĐHQGHN đã xây dựng và hoàn chỉnh các mô hình đào tạo chất lượng cao liên tiếp từ học sinh phổ thông năng khiếu, đến đại học các hệ chất lượng cao, khoa học tài năng và chuẩn quốc tế hay còn gọi là nhiệm vụ chiến lược (riêng chuẩn quốc tế có cả ở cả bậc đại học và sau đại học).
Người học được tuyển chọn kỹ, học tập dưới sự dìu dắt của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học thành viên của ĐHQGHN, các thầy cô dạy chuyên có trình độ chuyên môn cao, đầy đam mê nghề nghiệp và tâm huyết, với chương trình đào tạo tiên tiến được chọn lọc tiếp thu từ các trường đại học danh tiếng của thế giới và có nâng cao cả về ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng.
Triết lý của ĐHQGHN là đào tạo chất lượng cao, trình độ cao phải gắn với nghiên cứu, thông qua nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của trí thức, từ đó quay trở lại phục vụ đào tạo. Việc đào tạo và trưởng thành của mỗi cá nhân và nhà khoa học được hình thành và tôi luyện trong các nhóm nghiên cứu, các trường phái học thuật. 
Từ năm 1995 đến nay, trải qua gần 20 năm tổ chức đào tạo các hệ đặc biệt, khởi đầu từ cử nhân khoa học tài năng, rồi đến chất lượng cao, và sau đó là các chương trình chuẩn quốc tế và gần 50 năm đào tạo học sinh phổ thông chuyên đã góp phần quan trọng làm rạng danh uy tín và thương hiệu của ĐHQGHN.
Mô hình đào tạo tài năng, CLC của ĐHQGHN sau đó đã được nhân rộng ở một số trường đại học của Việt Nam. Các hệ, chương trình đào tạo này đã góp phần đưa lĩnh vực khoa học tự nhiên của ĐHQGHN vào top 100 các trường đại học của châu Á trong 2 năm vừa qua, cũng như góp phần vào việc nâng xếp hạng của ĐHQGHN lọt vào top 170 trường đại học hàng đầu của châu Á năm 2014.
Học sinh khối PT Chuyên Toán - Tin, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN luôn giành giải cao trong các kì thi quốc tế.
- Giáo sư có thể cho biết tóm tắt về lịch sử hình thành 2 trường phổ thông chuyên trong 2 trường đại học thành viên của ĐHQGHN và ý nghĩa của các trường chuyên này đối với ĐHQGHN trong việc thực hiện sứ mạng về bồi dưỡng nhân tài cho đất nước?
Ngay từ những ngày đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ Tịch đã khẳng định “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài” và Người đã ký ban hành sắc lệnh tìm người tài đức để sử dụng vào sự nghiệp kiến quốc. 
Năng khiếu là bẩm sinh, nhưng nhân tài, những người tài đức không phải tự nhiên sinh ra là có, mà phải do được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện mà nên. Chính vì vậy, việc phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài luôn là điều quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta.
Ý tưởng đầu tiên về việc mở Lớp chuyên toán A0 ở Việt Nam thuộc về GS. Hoàng Tụy, nguyên là Chủ nhiệm khoa Toán, Trường ĐHTH Hà Nội, có tham khảo cách làm của các nhà toán học Xô Viết vĩ đại như A. N. Kolmogorov, P. S. Alexandrov, I. M. Gelfand,... Đề xuất của GS. Hoàng Tụy được sự ủng hộ mạnh mẽ của GS. Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng; GS. Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng; của GS. Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN; đặc biệt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là việc đào tạo học sinh giỏi. Ngày 14.9.1965, Phó Thủ tướng Phạm Hùng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 14-CP cho phép lần đầu tiên mở lớp chuyên về toán tại ĐHTH HN và một số tỉnh, thành phố. Cũng từ đó, các lớp chuyên Toán, Vật lý, Tin học, Hóa học và Sinh học của trường ĐHTH HN dần dần được hình thành và phát triển.
Đến năm 1997, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN đã có 5 khối THPT chuyên thuộc các khoa Toán - Cơ - Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học của trường. Đến năm 2010, phù hợp với chiến lược phát triển hệ thống các trường THPT chuyên của Chính phủ, Trường THPT chuyên ĐH KHTN được thành lập (trên cơ sở thống nhất các Bộ môn THPT chuyên của trường) theo Quyết định số 2695/QĐ-UBND ngày 14/6/2010 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phốHà Nội.
Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ khởi đầu là khối phổ thông chuyên ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được thành lập theo quyết định số 488/KH ngày 21/6/1969 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trường PT Chuyên Ngoại ngữ được chính thức thành lập theo Điều lệ Trường chuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại quyết định số 1844/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2009 của UBND thành phố Hà Nội.
Theo quyết định này, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc hệ thống các trường công lập nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trường chịu sự quản lý của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính, chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về chương trình, kế hoạch giảng dạy, thi tốt nghiệp THPT và cấp bằng tốt nghiệp.
Như vậy có thể thấy hai trường chuyên của ĐHQGHN đều đã có gần 50 năm lịch sử hình thành và phát triển. Điểm khác biệt và chìa khóa quan trọng trong thành công của hai trường chuyên này là trực thuộc hai trường đại học thành viên của ĐHQGHN.
Các học sinh chuyên được thừa hưởng và tiếp thu những bài giảng của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành; các em cũng được các thầy cô giỏi nhất và nhiều kinh nghiệm nhất trong giảng dạy học sinh chuyên của cả nước tham gia trực tiếp giảng dạy.
Việc các nhà khoa học đầu ngành tham gia vào đào tạo học sinh phổ thông năng khiếu là cơ sở vững chắc và tin cậy để Việt Nam tự tin tổ chức thành công Olympic Toán học quốc tế (2007), Olympic Vật lý quốc tế (2008) và lần này là Olympic Hóa học quốc tế (2014). Chỉ riêng công việc chuẩn bị nội dung chuyên môn cho kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần này (2014) đã được trường ĐHKHTN chuẩn bị công phu và khởi động từ 2010.
Với quá trình tuyển chọn đầu vào chặt chẽ và khắt khe, quá trình đào tạo bài bản, học sinh trường chuyên luôn được rèn luyện tích cực về tư duy, phương pháp và kỹ năng, được nâng cao về kiến thức. Có thể khẳng định học sinh các trường chuyên là những tài năng.
Nói về vai trò của hai trường THPT chuyên, có thể khẳng định chính là nơi tạo nguồn cho hệ đào tạo sinh viên tài năng, CLC, chuẩn quốc tế của ĐHQGHN và các trường đại học khác ở trong và ngoài nước.
Trên thực tế có thể thấy danh tiếng của các trường đại học nhiều khi được biết đến qua những thành công và tên tuổi của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, sự thành đạt và nổi tiếng của các cựu sinh viên.
Chỉ lấy ví dụ điển hình các cựu học sinh chuyên như Đàm Thanh Sơn đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1984 nay là Giáo sư Vật lý tại Khoa Vật lý, Trường Đại học Chicago ở Hoa Kỳ; Ngô Bảo Châu đạt Huy chương Vàng Olympic Toán các năm 1988 và 1989, giải thưởng Fields (2010) và hiện đang là Giáo sư Toán học tại Khoa Toán của Trường Đại học Chicago - Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán của Việt Nam đã cho thấy thành công đặc biệt hiệu quả của mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu của ĐHQGHN.
Hai trường trung học phổ thông chuyên là niềm tự hào và là bộ phận hữu cơ không thể tách rời trong lịch sử hình thành và phát triển ĐHQGHN.
- Trải qua nhiều thập kỉ, các học sinh khối PT chuyên của ĐHQGHN luôn đoạt giải cao trong các kì thi Olympic quốc tế. Giáo sư có thể thông tin về các thành tích của học sinh khối chuyên cụ thể hơn?
Đến nay, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ và trường THPT chuyên KHTN đã trở thành cái nôi phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu của cả nước. Thương hiệu và uy tín của hai trường chuyên ở trong và ngoài nước được khẳng định bởi chất lượng đào tạo. Học sinh của hai trường này thực sự đóng vai trò nòng cốt của các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, đội tuyển quốc gia đi thi Olympic quốc tế. Thành tích đào tạo học sinh giỏi, cụ thể như sau:
Khối chuyên Toán học: ĐHTH HN đã tham khảo kinh nghiệm và nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, CHDC Đức và một số nước XHCN anh em, để phân tích, cân nhắc, đề xuất và cuối cùng lần đầu tiên vào năm 1974 Việt Nam đã cử đoàn gồm 5 học sinh giỏi đầu tiên đi dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO 1974) tại CHDC Đức và ngay lần đầu tiên đó Hoàng Lê Minh đã giành Huy chương Vàng, Vũ Đình Hòa Huy chương Bạc, Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng Huy chương Đồng và Nguyễn Quốc Thắng thiếu 1 điểm thì được Huy chương Đồng. Suốt từ năm 1974 đến nay, các học sinh của Khối là thành viên nòng cốt của đội tuyển quốc gia tham dự Olympic Toán quốc tế. Các học sinh của khối đã đoạt 67 Huy chương Olympic Toán quốc tế trên tổng số 165 Huy chương của cả nước, trong đó có 24 Huy chương Vàng trên 30 Huy chương Vàng của Việt Nam. Trong các kỳ thi Olympic Toán quốc tế, có nhiều học sinh của khối dự thi hai năm liền đều đạt Huy chương Vàng như Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn và Lê Hùng Việt Bảo và có những học sinh đã đạt điểm tuyệt đối 42/42 như Đỗ Quốc Anh.
Khối chuyên Vật lý: Bắt đầu từ năm 1995, học sinh Khối chuyên Vật lý thường chiếm tỉ lệ đa số trong đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic Vật lý quốc tế. Đặc biệt năm 1999, cả 5 học sinh của đội tuyển Vật lý Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tại Italia đều là của khối. Các năm 2001 và 2005 có 4 học sinh Khối chuyên Vật lý được chọn vào đội tuyển quốc gia. Nhiều học sinh chuyên Lý là thành viên đội tuyển Vật lý quốc gia, tham dự Olympic Vật lý quốc tế hai lần (năm lớp 11 và lớp 12) như: Trần Thế Trung, Nguyễn Đức Trung Kiên, Bùi Văn Điệp, Đặng Ngọc Dương, Đỗ Hoàng Anh.
Đặc biệt, phải kể đến thành tích của Trần Thế Trung (Nauy, 1996) nhận Huy chương vàng và trước đó, năm 1995, khi đang là học sinh lớp 11 học sinh Trần Thế Trung đã nhận giải thưởng đặc biệt cho 1 bài thi lý thuyết xuất sắc nhất trong Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Australia.
Học sinh Nguyễn Bảo Trung với chuỗi thành tích liên tiếp trong năm 2001: giải Nhất quốc gia, Huy chương Bạc Olympic Châu Á, Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế và nay đang là cán bộ giảng dạy của nhà trường.
Học sinh Đặng Ngọc Dương 3 lần lên nhận giải tại Bali (Indonesia, 2002): đoạt Huy chương vàng; thí sinh đạt tổng điểm cao nhất; thí sinh có bài thi thực nghiệm xuất sắc nhất.
Học sinh Đỗ Hoàng Anh, người được mệnh danh là “Vua huy chương” vì trong hai năm 2007 và 2008 đã đạt giải Nhất và giải Nhì quốc gia, đồng thời hiện đang nắm giữ kỷ lục Việt Nam về số lần dự thi Olympic Vật lý Châu Á và quốc tế với 4 lần đi thi, đạt 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Đến nay Khối chuyên Vật lý đã đạt được 56 giải trong các kỳ thi Olimpic Vật lý quốc tế và Châu Á, gồm 6 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc và 25 Huy chương Đồng.
Khối chuyên Hóa học: Năm 1996, đoàn học sinh Việt nam lần đầu tiên tham dự kỳ thi Olympic Hoá học tại Matxcova. Từ đó đến nay các học sinh Khối chuyên Hoá đã đạt được 8 Huy chương Vàng (trong tổng số 10 Huy chương Vàng của Việt Nam), 9 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng tại các kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Đặc biệt có học sinh Vũ Minh Châu hai năm liền đạt Huy chương Vàng.
Khối chuyên Tin học: Kể từ khi tham gia Olympic Tin học quốc tế lần đầu tiên năm 1989, các học sinh Khối chuyên Toán và sau là Khối chuyên Toán - Tin đã mang về cho đất nước 36 Huy chương trong các kỳ thi Olympic Tin học quốc tế.
Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Huy đã hai lần đạt Huy chương Vàng các năm 1999 tại Thổ Nhĩ Kỳ và năm 2000 tại Trung Quốc. Phạm Bảo Sơn hai lần đạt Huy chương Bạc. Bùi Thế Duy hai lần đạt Huy chương Đồng.
Năm 2003, toàn bộ đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Tin học tại Hoa Kỳ đều là học sinh của lớp chuyên Tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và đều được giải.
Khối chuyên Sinh học: Các lớp chuyên trẻ nhất trong Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên là chuyên Sinh học, được thành lập năm 1998. Tuy là một khối chuyên mới thành lập, nhưng các học sinh của khối cũng đã đạt được nhiều thành tích vẻ vang. Từ năm 2001 đến nay các học sinh Khối chuyên Sinh học đã mang về 11 Huy chương Olympic Sinh học quốc tế.
Năm 2014 là năm được mùa của trường chuyên KHTN: Đến giờ phút này, trước khai mạc kỳ thi Olympic Hóa học, các học sinh trường chuyên KHTN đã giành được 1 huy chương vàng Olympic toán học quốc tế, 1 huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng Olympic tin học quốc tế.
Học sinh Trường PTTH Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN trong một hoạt động tập thể
- Còn thành tích chung của học sinh chuyên ngoại ngữ như thế nào thưa Giáo sư?
Gần 50 năm qua, Khối PTCNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là đào tạo những học sinh bậc PTTH giỏi về ngoại ngữ trên cơ sở vững vàng các bộ môn văn hóa phổ thông để tiếp tục đào tạo thành những cán bộ giỏi về ngoại ngữ cho mọi chuyên ngành, mọi lĩnh vực văn hóa xã hội và kinh tế của đất nước.
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã trở thành một địa chỉ tin cậy và hấp dẫn đối với học sinh và phụ huynh học sinh khắp mọi miền (Trường THPT chuyên Ngoại ngữ tuyển học sinh trên toàn quốc). Qua gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, đơn vị đã không ngừng phát triển về quy mô, số lượng và đặc biệt là chất lượng đào tạo.
Năm học 1969 - 1970 khi mới thành lập, chỉ có 2 lớp và 105 học sinh. Đến nay, trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã phát triển thành 37 lớp với gần 1500 học sinh chuyên 6 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.
Khối Chuyên Tiêng Nga: Qua 6 lần tham gia cuộc thi Olympic Tiếng Nga quốc tế, tổ chức tại Maxcơva, học sinh chuyên tiếng Nga đã mang về 07 huy chương vàng và đồng.
Trong cuộc thi Quốc tế Nhịp cầu Hán ngữ tại Trung Quốc tháng 7 năm 2008, Đoàn Việt Nam do 3 học sinh chuyên tiếng Trung của trường THPT chuyên Ngoại ngữ tham dự đã dành giải nhì toàn đoàn, 01 giải nhì và một giải ba cá nhân.
Từ năm 1989 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vòng chung khảo Học sinh giỏi quốc gia các môn ngoại ngữ, học sinh của trường đã đạt 420 giải học sinh giỏi quốc gia về 4 môn ngoại ngữ là: Tiếng Anh, Tiếng Nga, tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc.
Hàng năm học sinh khối 12 có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 100%, đỗ vào các trường đại học là 98-100% (3 năm gần đây là 100%).
Nhiều năm, trường PTCNN có học sinh đạt điểm thủ khoa toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 2 em đạt 60/60 điểm, một em được Thủ tướng Chính phủ tặng khen. Nhiều em đỗ thủ khoa vào các trường đại học thuộc ĐHQGHN như Trường ĐKHTN, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH An ninh, Học viện Tài chính - kế toán…
Các học sinh của Trường PTCNN đã được đào tạo tiếp ở các trường đại học để trở thành những cán bộ, giáo viên giỏi cho Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN và các trường đại học khác, cho các ngành Ngoại giao, Ngoại thương, Quân đội, Công an, cho các cơ quan Báo chí và các lĩnh vực khác trong cả nước. Hiện nay có khoảng 150 cán bộ giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN là cựu học sinh của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ.
Học sinh Trường THPT CNN không những học giỏi mà còn được giáo dục toàn diện về đạo đức, lối sống thông qua nhiều chương trình hoạt động ngoại khoá có qui mô và ý nghĩa giáo dục lớn.
Nhiều học sinh đạt được các giải cao trong các cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, “ Khám phá thế giới Computer”… do VTV tổ chức, các giải về thơ của các báo, các giải cao trong các cuộc thi TDTT của Trường ĐH Ngoại ngữ và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sự thành đạt của các cựu học sinh chuyên, các thành tích đào tạo của các khối Chuyên, nay là các trường trung học phổ thông chuyên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế trong gần 50 năm qua là các minh chứng có sức thuyết phục nhất về sự thành công của mô hình các trường phổ thông năng khiếu, khẳng định quyết định đúng đắn, sáng tạo, độc đáo của chính sách đào tạo nhân tài quốc gia đang được Đảng và Nhà nước ta đề xuất, thực hiện và đang được triển khai cực kỳ thành công và hiệu quả ở ĐHQGHN.
 Có được những thành công ấy, bên cạnh những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của lãnh đạo ĐHQGHN và các trường đại học thành viên, ban chủ nhiệm các khối Chuyên (trước kia) và nay là Ban Giám hiệu các trường chuyên, phải kể đến sự tâm huyết và lòng yêu thương học trò vô bờ bến của các thế hệ thầy cô giáo khối Chuyên, trường chuyên qua các thời kỳ. Đa số các em học sinh chuyên từ nhiều địa phương khác nhau và nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nhờ luôn có sự chăm lo, tận tụy của các thầy cô và nghị lực, sự nỗ lực của bản thân, các em đã thành công. Nói đến 2 khối chuyên, trường chuyên, không thể không nhắc đến công lao và tên tuổi của các thầy như thầy Phan Đức Chính, thầy Đàm Trung Đồn, thầy Từ Vọng Nghi, thầy Hồ Sĩ Đàm, thầy Nguyễn Văn Mậu, thầy Phạm Văn Lập, thầy Nguyễn Vũ Lương, thầy Đỗ Thanh Sơn, thầy Trần Thành Văn, thầy Đào Hữu Vinh, …ở chuyên KHTN; Thầy Ngô Ngọc Bửu, thầy Thao Lược, thầy Nguyễn Minh Cầu, thầy Nguyễn Văn Thiêm, thầy Trần Thụy, thầy Đàm Hưng Hữu, cô Lương Thị Phúc, thầy Phan Hồng, thầy Đỗ Ca Sơn, cô Nguyễn Thục Phương, thầy Nguyễn Cảnh Bình, cô Vũ Thị Việt, thầy Nguyễn Phú Cường, cô Nguyễn Thị Chi, cô Lê Thị Chính, thầy Nguyễn Thành  Văn,…và các thầy cô giáo khác của nhiều thế hệ đã và đang công tác tại 2 trường chuyên. Không chỉ là các nhà giáo, nhà sư phạm tài năng, với tấm lòng cao cả và sự hy sinh, các thầy các cô còn là điểm tựa, là những cánh chim không mỏi đưa các thế hệ học trò đến thành công.
 - Các trường đại học danh tiếng đã sẵn sàng trao học bổng có giá trị cao để thu hút người học tài năng của ĐHQGHN. Giáo sư đánh giá thế nào về điều này? Việc học tập và nghiên cứu trong một môi trường hiện đại, tiên tiến có ý nghĩa thế nào đối với sự nghiệp khoa học của cá nhân và mang lại lợi ích gì cho khoa học Việt Nam, thưa Giáo sư?
Hiện nay, cuộc chạy đua để thu hút nhân tài đang được diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu: từ tầm vĩ mô ở cấp quốc gia, cho đến các tổ chức, doanh nghiệp. Các trường đại học lớn cũng không là ngoại lệ.
Việc thu hút nguồn lực chất lượng cao, tài năng để đào tạo, bồi dưỡng và tham gia phát triển các nhóm nghiên cứu có ý nghĩa sống còn với từng nhóm nghiên cứu nói riêng và với các trường đại học nghiên cứu tiên tiến nói chung.
 Danh tiếng của các trường đại học lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn. Nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng khoa học, xây dựng được trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm cộng sự và học trò (tức là phải xây dựng được nhóm nghiên cứu).
Chính vì vậy, các trường đại học lớn thường “săn” tài năng. Điển hình như các trường đại học của Mỹ và Nhật,… khi cấp học bổng cho NCS, họ thường nghiên cứu hồ sơ và phỏng vấn, tuyển chọn rất kỹ lưỡng.
Những sinh viên, nghiên cứu sinh, đến lượt mình, được học bổng tại các trường đại học danh tiếng với môi trường nghiên cứu và học thuật hiện đại, có điều kiện thuận lợi trau dồi nâng cao tri thức, sử dụng các trang thiết bị, kiến thức hiện đại để tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới của khoa học, từ đó nảy sinh các bài báo quốc tế, các sáng chế, phát minh,… Điều này làm tăng giá trị, tăng công bố quốc tế, tăng ảnh hưởng của tổ chức, từ đó nâng được thứ bậc và xếp hạng của trường đại học.
Việc được học tập và nghiên cứu trong một môi trường hiện đại, tiên tiến có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nhất là với các khối ngành khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên và công nghệ.
Quá trình học tập và rèn luyện trong các nhóm nghiên cứu mạnh ở các trường đại học danh tiếng, hiện đại, nơi có nhiều giáo sư giỏi sẽ đào tạo, làm biến đổi từ một học sinh giỏi với những năng lực tiềm ẩn bẩm sinh thành nhà khoa học giỏi, thành một nhân tài.
Một ví dụ trong quá trình trưởng thành của GS. Ngô Bảo Châu. Ngay từ nhỏ, Ngô Bảo Châu có tư chất thông minh và là người luôn luôn nỗ lực, say mê nghiên cứu toán học. Song Châu chưa chắc đã thành đạt như ngày nay, nếu không được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng.
Ít ai biết được là vào năm 1990, khi Châu đang chuẩn bị đi học đại học tại Hungari, nhân dịp Viện sĩ, Tổng Thư kí Viện Hàn lâm khoa học Pháp - Paul Germain, nhà cơ học nổi tiếng thế giới, sang thăm Việt Nam theo lời mời của GS.VS Nguyễn Văn Đạo, Tổng Thư kí Viện Khoa học Việt Nam và khi đó cũng là Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam (và sau nay là Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN) đã đề nghị Viện sĩ cấp học bổng cho Ngô Bảo Châu sang học đại học tại Pháp.
Ngô Bảo Châu đã có điều kiện làm việc tại một trung tâm toán học lớn nhất của châu Âu, được nghiên cứu toán học với những nhà toán học hàng đầu thế giới và được tiếp cận với những thông tin mới nhất về sự phát triển của toán học hiện đại và đã có thành công vẻ vang đẳng cấp quốc tế như các bạn đã biết.
Qua ví dụ này tôi muốn nhấn mạnh là người tài phải được tạo điều kiện, được sống trong môi trường thuận lợi mới có thể phát huy cao được tài năng của mình. Các nhà khoa học được đào tạo bài bản, thành đạt ở nước ngoài, khi về nước sẽ là những nhân tố tích cực xây dựng nền KHCN hiện đại, hội nhập của Việt Nam, đồng thời góp phần hiệu quả vào đổi mới, hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học.
Hiện nay, ở ĐHQGHN có trên 60% tiến sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài về, trong đó có nhiều TS. là cựu học sinh của hai trường chuyên. Cùng với đội ngũ trí thức của ĐHQGHN, những tiến sĩ trẻ, các NCS, sinh viên và học sinh năng khiếu chính là chủ nhân xây dựng và phát triển ĐHQGHN trong hiện tại và tương lai.
- Thưa Giáo sư, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài đã khó, song việc thu hút nhân tài dường như còn gặp nhiều khó khăn hơn. Chiến lược bồi dưỡng nhân tài cho đất nước của ĐHQGHN cũng như chính sách với hai trường chuyên hẳn sẽ có những thay đổi để thích hợp với hoàn cảnh mới, khi tình trạng các học sinh xuất sắc đều vươn đến các đại học danh tiếng. Giáo sư có thể chia sẻ thêm điều này?
Trong các khâu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài thì khâu sử dụng là vấn đề then chốt. Có trọng dụng nhân tài thì mới thu hút nhân tài được.
Hiện nay, ĐHQGHN đang xây dựng Đề án đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý nhằm phát hiện, quy hoạch và có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn, các trưởng nhóm nghiên cứu, các cán bộ khoa học trẻ tiềm năng và các cán bộ quản lý trẻ được quy hoạch.
ĐHQGHN cũng đã xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu, khen thưởng và tôn vinh các nhà khoa học có nhiều công bố quốc tế, bằng phát minh, sáng chế, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ và đang xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh.
Với sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo thường xuyên của Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ về việc nghiên cứu các phương án và điều kiện thuận lợi để hai trường chuyên bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, ĐHQGHN đang xây dựng Quy chế mới về hoạt động của trường chuyên trong trường đại học thuộc ĐHQGHN. Quy chế mới phải tạo cơ chế tổ chức và hoạt động tốt nhất, năng động và tự chủ cao nhất, đồng thời phát huy được cao nhất lợi thế của mô hình trường THPT chuyên trong trường đại học đầu ngành.
Mức đầu tư cho hai trường chuyên cũng sẽ được đầu tư tương xứng hơn trong thời gian tới (hiện nay mức đầu tư cho 2 trường chuyên mới đạt khoảng 5,5 triệu VNĐ/học sinh, quá thấp so với yêu cầu, và thấp hơn nhiều so với mức đầu tư cho trường chuyên Amsterdam của Thành phố Hà Nội).
Tôi tiếp tục quay trở lại vấn đề các trường đại học danh tiếng trên thế giới có chiến lược “ săn” nhân tài, “săn” học sinh giỏi bằng các học bổng và chính sách ưu đãi khác. ĐHQGHN cũng sẽ có chiến lược tương tự như vậy.
Mới đây, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo Ban Đào tạo nghiên cứu đề xuất phương án và cơ chế xét tuyển các học sinh của hai trường chuyên vào thẳng đại học ở các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc tại ĐHQGHN; đồng thời đề xuất tiêu chí và chính sách để ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐHQGHN một số em xuất sắc của trường chuyên các tỉnh, học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; nghiên cứu đề xuất hướng dẫn, quy định cho phép học sinh giỏi của hai trường chuyên được học trước một số môn học, tích lũy trước cáctín chỉ ở bậc đại học, điều này tạo sức hút cho các em học sinh chuyên tiếp tục học bậc đại học ở ĐHQGHN và cho phép các em có cơ hội tốt nghiệp đại học sớm, có thêm thời gian học ngành kép để có bằng đại học chính quy thứ hai, vào chương trình NCS sớm. Hy vọng với những chính sách đột phá như vậy, hai trường chuyên sẽ có sức hút mạnh mẽ, có thêm nhiều cơ hội và điều kiện phát triển vượt bậc trong thời gian tới, khẳng định sự tiên phong và vai trò trụ cột, đầu tàu đổi mới trong cả nước của ĐHQGHN trong việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài nói chung cũng như đào tạo các học sinh trung học phổ thông năng khiếu nói riêng.
-  Là nhân chứng trải nghiệm thời kì học tập tại trường phổ thông chuyên, giai đoạn đất nước trong thời kỳ bao cấp, GS có thể chia sẻ không khí của những trường chuyên giai đoạn này?
(Cười) Thời kỳ tôi học chuyên toán là thời kỳ đất nước mới qua chiến tranh,  đang còn trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống của nhân dân cả nước khi đó còn rất nhiều vất vả, khó khăn, thiếu thốn.
Mặc dù học sinh chuyên chúng tôi được hưởng chế độ như của cán bộ (tem phiếu loại E), nhưng nhiều bữa ăn vẫn không đủ no. Khó khăn là vậy, nhưng cả thầy và trò đều luôn ngập tràn hoài bão và say mê học tập.
Tình cảm, niềm tin yêu của các thầy cô, hoài bão và mơ ước được hình thành và ấp ủ trong những năm tháng học chuyên chính là hành trang đã theo tôi suốt cả cuộc đời, giúp cho tôi có được lòng kiên trì và say mê theo đuổi con đường khoa học đến ngày hôm nay.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.
 
Bảng 1: Thành tích thi Olympic quốc tế của học sinh Trường THPT Chuyên KHTN, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN

TT
Thời gian
Môn thi
Số huy chương Olimpic quốc tế
Vàng
Bạc
Đồng
Tổng
1
1974 - 2014
Toán học
25
27
16
67
2
1989 - 2014
Tin học
6
13
20
36
3
1988 - 2014
Vật lý
4
14
15
31
4
1996 - 2013
Hóa học
8
9
3
20
5
1999 - 2013
Sinh học
0
1
10
11
Tổng
43
64
64
165

 
Bảng 2. Thành tích thi học sinh giỏi quốc gia của học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN

STT
Thời gian
Môn
Giải học sinh giỏi quốc gia
Nhất
Nhì
Ba
K. khích
Tổng
1
2004 - 2013
Tiếng Anh
2
28
47
07
84
2
2004 - 2013
Tiếng Nga
03
08
06
06
23
3
2004 - 2013
Tiếng Pháp
03
18
19
20
60
4
2008 - 2013
Tiếng Trung
0
10
12
14
36
Tổng
8
64
84
47
203






 Trần Đỗ Chi Anh (thực hiện) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   |