Đào tạo
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >  
Luật Thương mại quốc tế - Ngành đào tạo mới của ĐHQGHN năm 2019
Sáng ngày 19/7/2019, Khoa Luật – ĐHQGHN tổ chức Lễ ra mắt Chương trình đào tạo trình độ đại học Ngành Luật Thương mại quốc tế và ký kết các thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện chương trình này

 

Ngành Luật Thương mại quốc tế là ngành học mới, nắm bắt xu hướng tất yếu của xã hội cũng như thị trường việc làm hiện tại và tương lai. Ngành học này sẽ tổ chức tuyển sinh, đào tạo từ năm học 2019 - 2020 với chỉ tiêu dự kiến là 60 sinh viên. Tổ hợp xét tuyển là các khối A00; A01; D01; D78 và D82, ngưỡng để xét tuyển là 17 điểm.

 

Mục tiêu của chương trình là trang bị cho người học những kiến thức pháp lý nền tảng và tư duy pháp lý mang tính hệ thống về ngành Luật Thương mại quốc tế bao gồm cả lĩnh vực chính sách thương mại giữa các nước, vùng lãnh thổ và những quan hệ, giao dịch kinh doanh – thương mại mang tính xuyên biên giới giữa các thương nhân, đồng thời giúp người học hình thành, trau luyện một số kỹ năng pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động mang tính cạnh tranh quốc tế.

 

Phát biểu tại lễ ra mắt, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN cho biết, việc mở và triển khai thực hiện Chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế nhằm tiếp nối truyền thống và uy tín của Khoa với tư cách là một trung tâm đào tạo cử nhân Luật đầu tiên của nước Việt Nam XHCN, là một trong ba trung tâm đào tạo luật lớn, uy tín nhất hiện nay. Ra mắt Chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế nằm trong chiến lược phát triển quy mô và năng lực đào tạo của Khoa, theo định hướng nâng cấp Khoa thành Trường Đại học Luật thành viên của ĐHQGHN

 

 

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN phát biểu tại buổi lễ

 

Đại diện Lãnh đạo ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN đã gửi lời chúc mừng đến Khoa Luật, ĐHQGHN. Ông cho biết, chương trình đào tạo trình độ đại học Ngành Luật thương mại quốc tế đã được chuẩn bị, xây dựng và thông qua một cách hết sức nghiêm túc, tuân thủ tốt các yêu cầu của ĐHQGHN, của Bộ GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu phát triển của Khoa Luật nói riêng và của ĐHQGHN nói chung, cũng như đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này của Việt Nam.

 

 

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐH QGHN phát biểu tại buổi lễ

 

Về hướng đi của Bộ môn trong tương lai, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh phụ trách trực tiếp công tác chuyên môn của Chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế cho biết chương trình đào tạo bậc đại học một chương trình mới, đáp ứng những đòi hỏi của một thị trường lao động năng động, chất lượng cao và quốc tế hóa, chương trình được thiết kế nhằm đảm bảo sự cân đối giữa khối kiến thức ngành, chuyên ngành và khối kỹ năng mềm của người học; giữa tính khoa học, hiện đại với tính ứng dụng, thực tiễn cao.

 

 

 PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh – Chủ nhiệm bộ môn Luật quốc tế

 

Để tổ chức triển khai, chương trình đào tạo Luật thương mại quốc tế đã có sự thỏa thuận, cam kết của một số nhà tuyển dụng, các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn là đối tác, hỗ trợ chương trình thông qua các hoạt động: tham gia nghiên cứu, đào tạo… tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, thực tế, cung cấp học bổng, hướng dẫn tốt nghiệp, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp.

 

 

 

 

 Tại lễ ra mắt ngành Luật Thương mại quốc tế, khoa Luật đã ký kết với nhiều công ty, đơn vị, doanh nghiệp... để hỗ trợ đào tạo, việc làm khi sinh viên tốt nghiệp

 

Theo đó, tổng số thời lượng đào tạo của chương trình là 135 tín chỉ. Đặc biệt, ngoài những học phần ngoại ngữ cơ sở (hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp), chương trình còn thiết kế riêng 2 học phần tiếng Anh pháp lý trong thương mại quốc tế.

 

Sau khi tốt nghiệp chương trình, ngoài cơ hội lớn tiếp tục học ở bậc học cao hơn, sinh viên có một sự lựa chọn lớn, đa dạng cho các vị trí nghề nghiệp như: làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực pháp luật thương mại, kinh doanh, đầu tư, tài chính quốc tế; hành nghề luật sư độc lập hoặc làm việc cho các công ty, hãng luật, các trung tâm tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh quốc tế; làm việc trong các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp thuộc bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương...

 

 

Lãnh đạo khoa Luật và các đại biểu trong lễ ra mắt ngành Luật Thương mại quốc tế.

 

 Lan Anh - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :