Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển bậc thạc sĩ vào 187 chuyên ngành của 11 đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN là 1.292 thí sinh tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển bậc tiến sĩ giữ ở mức ổn định với 69 thí sinh đủ điều kiện để được đánh giá hồ sơ chuyên môn. Tập trung phân tích số liệu của từng đơn vị đào tạo có thể thấy, khối ngành có số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển gia tăng nhiều nhất là Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên của Trường ĐH Giáo dục, tăng 128% so với năm 2019; tiếp đến là các chuyên ngành của Khoa Quản trị và Kinh doanh và của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, lần lượt tăng 90% và 50% so với năm 2019. Các khối ngành khác như: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Kinh tế - Luật… giữ ở mức ổn định. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Phạm Văn Thuần cho rằng, công tác quảng bá CTĐT góp phần vào sự gia tăng số lượng thí sinh ĐKDT Lý giải về sự gia tăng này ở Trường ĐH Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Thuần cho rằng, một phần xuất phát từ việc duy trì và nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục sau đại học của Nhà trường như: thu hút chuyên gia, cán bộ giảng dạy trình độ cao; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đánh giá giảng viên từ phía người học, từ đó nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ giảng viên; tổ chức hỗ trợ người học nâng cao các kỹ năng cần thiết phục vụ nhu cầu thị trường lao động… Thí sinh tham dự kỳ thi SĐH đợt 1 năm 2020 Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tích cực trong công tác quảng bá các chương trình đào tạo (CTĐT) thông qua các hoạt động hợp tác với các địa phương, các hoạt động hỗ trợ người học, giáo viên, cán bộ quản lý bằng nhiều nội dung và hình thức đa dạng. Đồng thời, Nhà trường cũng tiến hành quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, qua đó hình ảnh và thương hiệu của Trường ĐH Giáo dục được lan tỏa mạnh mẽ và tiếp cận số lượng lớn thí sinh quan tâm. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Phó trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN cho biết,chủ trương giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo SĐH của ĐHQGHN được toàn xã hội ủng hộ GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Phó trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN nhận định, trong bối cảnh số cơ sở đào tạo SĐH ngày càng tăng, số thí sinh đăng ký dự thi SĐH đang có chiều hướng giảm sút ở rất nhiều cơ sở đào tạo nhưng ĐHQGHN vẫn duy trì được quy mô tuyển sinh, thậm chí có chiều hướng tăng trong năm nay là một tín hiệu đáng mừng. Điều này khẳng định tính đúng đắn của chủ trương giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo SĐH của ĐHQGHN, đồng thời nhận được sự ủng hộ và hô ứng của toàn xã hội. Trong chiến lược phát triển của mình, ĐHQGHN luôn định hướng theo mô hình đại học nghiên cứu, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đào tạo SĐH. Phó trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh Nguyễn Đình Đức cho biết thêm, các CTĐT SĐH mới cũng liên tục được bổ sung vào “bản đồ ngành nghề đào tạo” của ĐHQGHN, đặc biệt là các CTĐT mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, các CTĐT thí điểm và các CTĐT đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này giúp tăng thêm cơ hội cho người học trong việc lựa chọn CTĐT phù hợp để nâng cao trình độ. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, thứ hạng của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng đại học có uy tín không ngừng gia tăng. Mới đây nhất, ĐHQGHN lần thứ 3 liên tiếp đứng trong nhóm 801-1000 đại học tốt nhất toàn cầu với điểm xếp hạng ngày càng tăng, dẫn tới thứ hạng tuyệt đối cũng dần được nâng cao, vươn lên trong nhóm 67,5% các trường đại học hàng đầu thế giới. Cũng trong tháng 6/2020, Tạp chí Times Higher Education (THE) lần đầu tiên xếp hạng ĐHQGHN ở vị trí 201-250 trong nhóm các đại học tốt nhất khu vực châu Á và đứng đầu Việt Nam về xếp hạng tổng thể với các tiêu chí quan trọng như: Giảng dạy, Nghiên cứu, Quốc tế hóa. Trước đó, năm 2019, lần đầu tiên ĐHQGHN và 02 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được THE xếp trong nhóm 801-1000 thế giới và là đơn vị có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
|