Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Kỳ họp lần thứ ba của Ủy ban chỉ đạo quốc gia các Trung tâm Đại học Pháp
Ngày 31/5/2010, tại ĐHQGHN đã diễn ra phiên họp lần thứ ba của Ủy ban chỉ đạo quốc gia các Trung tâm Đại học Pháp tại Việt Nam nhằm đánh giá việc triển khai Dự án thời gian qua đồng thời định hướng việc duy trì và phát triển các Trung tâm ĐH Pháp trong thời gian tới.

Tham dự phiên họp có các đồng Chủ tịch kỳ họp là bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT và Ngài Jean-François GIRAULT, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Về phía các ĐHQG có GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN và TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM. Các đồng giám đốc 2 trung tâm ĐH Pháp tại Việt Nam (PUF) cùng đại diện các đơn vị liên quan cùng tham dự phiên họp.

Dự án PUF Việt Nam là một thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp với mục đích thống nhất các quan hệ hợp tác song phương Pháp-Việt trong giảng dạy đại học thành một mô hình mới góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Các Trung tâm Đại học Pháp được xem như "cơ sở thí điểm" nhằm phát triển hệ thống đại học Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế về giảng dạy đại học và theo mô hình quản lý đại học mới.

Theo báo cáo hoạt động của Dự án PUF, trong thời gian 4 năm từ 2006 đến 2010, một số mục tiêu cụ thể của dự án đã có những kết quả đáng khích lệ như: Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, Phát triển mô hình hoạt động hỗ trợ các trường đại học Việt Nam trong tiến trình phát triển, Thúc đẩy sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu, nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu ứng dụng.

Văn bằng của các chương trình đào tạo là do các đại học Pháp cấp và thuộc mô hình LMD. Giảng viên cơ hữu của các đại học Pháp đảm nhiệm ít nhất 30% thời lượng giảng dạy. Vào năm thứ tư của dự án, năm học 2009-2010, các Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tổng số 626 sinh viên, học viên với 13 chương trình đào tạo theo bảng sau (trong bảng nêu rõ trường đại học Pháp triển khai chương trình và đơn vị tiếp nhận chương trình). Số liệu sinh viên theo học và các đối tác đào tạo xem bảng dưới đây:

PUF Hà Nội

Cử nhân Kinh tế - Quản lý (ĐH. Lyon 2 – Louis Lumière / Khoa Quốc tế)

62

Thạc sỹ Thẩm định kinh tế và Quản lý dự án quốc tế (ĐH Paris-Est Créteil / Trường ĐH Kinh tế)

39

Thạc sỹ Quản lý các tổ chức (ĐH.Toulouse II – Le Mirail / Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn)

42

Thạc sỹ Thông tin, Hệ thống và Công nghệ (ĐH. Paris-Sud 11 / Trường ĐH Công nghệ)

24

Thạc sỹ Quản lý Khách sạn (ĐH.Toulouse II – Le Mirail / Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn)

60

Tiến sỹ Luật (ĐH. Toulouse 1-Capitole, Lyon 3 – Jean Moulin, Montesquieu – Bordeaux 4 / Khoa Luật)

11

PUF HCM

Cử nhân Kinh tế-Quản lý (ĐH Toulouse 1 – Capitole)

231

Cử nhân Tin học (ĐH Paris 6 – UPMC, ĐH Bordeaux 1)

38

Thạc sỹ Tin học (ĐH Paris 6 – UPMC, ĐH Bordeaux 1)

54

Thạc sỹ Toán học (ĐH Orléans)

32

Thạc sỹ công nghệ sinh học – công nghệ gien (ĐH Paris-Sud 11)

29

Tiến sỹ Toán học (ĐH Orléans)

2

Tiến sỹ Tin học (ĐH Paris 6 – UPMC, ĐH Bordeaux 1)

2

TỔNG

626

Mục tiêu triển khai các chương trình đào tạo đã được thực hiện. Mức độ yêu cầu của các đại học Pháp hoàn toàn tương đương với mức độ yêu cầu được áp dụng tại Pháp. Chỉ riêng chương trình cử nhân gặp khó khăn trong việc tuyển sinh do yêu cầu về trình độ tiếng Pháp của các ứng viên, vì vậy sinh viên được tuyển chọn dựa vào năng lực chuyên ngành liên quan và không đòi hỏi cao về trình độ tiếng. Một mục tiêu đã được thực hiện thông qua chiến lược phát triển các chương trình đào tạo của PUF với tiêu chí chỉ mở những chuyên ngành mà thị trường lao động Việt Nam có nhu cầu.

Các chương trình đang triển khai hiện nay đều có tham khảo nhu cầu và ý kiến của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước khi triển khai. PUF đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm gắn kết sinh viên, học viên của PUF với doanh nghiệp để tìm các cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên. Hiện PUF đang xây dựng cuốn danh bạ cựu sinh viên, học viên để củng cố mạng lưới cựu sinh viên, học viên của PUF.

Hỗ trợ các trường đại học Việt Nam trong quá trình phát triển là mục tiêu của Dự án, góp phần nâng cao mức độ tiêu chí đào tạo tại Việt Nam khi triển khai các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Công tác chuyển giao năng lực sư phạm giữa các giảng viên Việt Nam và Pháp đã được triển khai khá hiệu quả đối với các chương trình áp dụng hình thức đồng giảng dạy Pháp-Việt.

Các đại biểu của Ủy ban chỉ đạo quốc gia đã trao đổi và cùng nhau thống nhất một số điểm mới như tiếp tục kéo dài dự án sau khi kết thúc nguồn tài trợ của Quỹ Đoàn kết ưu tiên của Bộ Ngoại giao Pháp (2010).

Các đại biểu của các trường đại học Pháp với tư cách đối tác đã ủng hộ định hướng mới là duy trì Dự án PUF bằng việc hòa nhập mạnh mẽ vào các ĐHQG, đặc biệt có nhiều trường đối tác phía Pháp sẽ thanh tóan toàn bộ các giờ giảng của giảng viên Pháp trong chương trình nếu nguồn thu không đủ trang trải.

Phát biểu tại phiên họp, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐHQGHN đã ủng hộ sự phát triển của PUF và đưa ra những kiến nghị được hai bên hưởng ứng như: tăng cường hàm lượng đào tạo kết hợp nghiên cứu khoa học, khuyến khích sinh viên học thêm các ngành đào tạo khác để đến khi tốt nghiệp có thể nhận được 2 bằng đại học (bằng kép), Đảm bảo tính thống nhất các chương trình đào tạo của PUF ở Việt Nam…

Dự kiến trong các năm học tới sẽ có sinh viên người nước ngoài tham dự chương trình đào tạo của PUF Việt Nam.

Một số phương thức quản trị mới của PUF tại Việt Nam cũng đã được hai bên Việt Nam và Pháp đề cập tới cho phù hợp với sự phát triển của PUF trong tình hình mới.

 B.T - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :