Các khách mời đang tư vấn tuyển sinh
Chương trình giao lưu trực tuyến Tư vấn tuyển sinh 2013 là dịp để các bạn học sinh, cùng quý phụ huynh hiểu rõ hơn về những thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 và có định hướng phù hợp trong lựa chọn ngành nghề.
Những câu hỏi thắc mắc như:
- Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay có gì khác so với những năm trước?
- Nhu cầu nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 được dự báo như thế nào?
- Ngành nào dễ có việc làm ngay khi tốt nghiệp? Ngành nào đang “hot” hiện nay?
- Làm sao để các bạn trẻ chọn đúng trường, đúng nghề, đúng sở trường của mình?
- Làm thế nào để làm bài thi đạt kết quả cao? Cách thức viết hồ sơ dự thi như thế nào để tránh sai sót?
- Bạn phải làm gì nếu “duyên” vào đại học chưa đến với bạn?
Tất cả sẽ được các chuyên gia tư vấn là những Phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên viên giàu kinh nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội giải đáp, nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn về ngành nghề mà mình lựa chọn, giúp định hướng các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời; đồng thời giúp quý phụ huynh biết được nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới để có sự đầu tư thích hợp vào việc học của con em.
Tham gia chương trình tư vấn gồm:
1. TS. Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội.
2. PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội.
3. Thạc sĩ Phạm Văn Kim - Trưởng phòng Chính trị và công tác học sinh sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội.
4. TS. Đoàn Văn Vệ - Trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội.
5. ThS Đinh Việt Hải - Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQG Hà Nội
6. PGS.TS. Vũ Ngọc Tú – Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế- ĐHQG Hà Nội.
Mời các bạn theo dõi nội dung cuộc trực tuyến:
* Bạn Quốc Đạt: Thưa các thầy, cô, em muốn hỏi, ngành công nghệ thông tin của trường Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay tuyển sinh bao nhiêu thí sinh
* Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Bạn Đạt thân mến, ngành công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay tuyển sinh với chỉ tiêu là 602.
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (phải) đang tư vấn tuyển sinh
Bạn Tuấn Tú: Thầy cô cho em được hỏi: Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay tuyển chọn những khoa nào ạ?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 6 trường đại học thành viên và 4 khoa trực thuộc, với trên 100 ngành đào tạo. Đại học Quốc gia Hà Nội đã thông báo tuyển sinh các ngành đào tạo trên cuốn những điều cần biết về tuyển sinh đại học cao đẳng hệ chính quy năm 2013 của Bộ GD-ĐT. Để biết thêm thông tin chi tiết, em có thể vào Công thông tin tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội ở địa chỉ http://www.vnu.edu.vn/admission/home/ và các trang web của các trường đại học thành viên.
Bạn Lê Hà (17 tuổi, PTTH Trần Phú, Hà Nội): Xin thầy (cô) giới thiệu về các ngành đào tạo tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN? Điều kiện vào Khoa là như thế nào?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Khoa Quốc tế trực thuộc ĐH Quốc gia HN có sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu đa ngành bằng ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế, chuyển giao công nghệ tiên tiến, cung cấp dịch vụ khoa học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.
Thực hiện sứ mệnh đó, từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, Khoa đã hợp tác với trên 30 trường ĐH uy tín trên thế giới triển khai các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ bằng ngoại ngữ. Các chương trình đào tạo của Khoa đều được các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại kiểm định và công nhận.
Về các chương trình cử nhân, có thể liệt kê một số chương trình sau:
1./. Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh:
+ Kinh doanh quốc tế (do ĐH Quốc gia HN cấp bằng)
+ Kế toán, phân tích và kiểm toán (do ĐH Quốc gia HN cấp bằng)
+ Kế toán chất lượng cao (do ĐH HELP, Malaysia cấp bằng)
+ Cử nhân khoa học ngành quản lý (do ĐH KEUKA, Mỹ cấp bằng)
+ Kế toán và tài chính (do ĐH East London, Anh cấp bằng)
2./. Chương trình đào tạo bằng tiếng Nga:
Kế toán, phân tích và kiểm toán (do ĐH Quốc gia HN cấp bằng)
3./. Chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp:
Kinh tế và quản lý (do ĐH Paris Sud, Pháp cấp bằng)
4./. Chương trình đào tạo bằng tiếng Trung Quốc:
Hợp tác với các trường ĐH của Trung Quốc như: ĐH Nam Ninh, ĐH Quảng Tây, Nam Kinh, ĐH giao thông Trùng Khánh, ĐH Trung Y Hồ Bắc, ĐH Kinh tế Tài chính Trung ương Bắc Kinh để triển khai các chương trình đào tạo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau như: Sư phạm, Trung Y dược, Kinh tế tài chính, Hán ngữ…
Thành lập vào tháng 7/2002, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN đã và đang phát triển một cách bền vững về quy mô và chất lượng đào tạo. Hiện nay, Khoa đang hợp tác với hơn 30 trường đại học có uy tín trên thế giới triển khai thành công các chương trình đào tạo đại học, sau đại học bằng tiếng nước ngoài do ĐHQGHN hoặc trường đại học đối tác cấp bằng. Các chương trình đào tạo đại học do ĐHQGHN cấp bằng gồm các ngành: Kinh doanh quốc tế (đào tạo bằng tiếng Anh) và Kế toán, phân tích và kiểm toán (đào tạo bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga). Các chương trình đào tạo do nước ngoài cấp bằng gồm các ngành: Kế toán và Tài chính do Đại học East London (Anh) cấp bằng, Kế toán chất lượng cao do Đại học HELP (Malaysia) cấp bằng, Khoa học Quản lý (chuyên ngành Quản trị doạng nghiệp, Marketing, Kế toán) do Đại học Keuka (Hoa Kỳ) cấp bằng, Kinh tế - Quản lý do Đại học Paris Sud (Pháp) cấp bằng và Sư phạm tiếng Trung, do Đại học Sư phạm Nam Kinh hoặc Đại học Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc) cấp bằng...
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội đang trả lời bạn đọc
Các chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế được thiết kế theo chuẩn cuả các đại học đối tác nước ngoài, hoặc được nhập khẩu “ nguyên đai nguyên kiện” từ các trường đại học uy tín nước ngoài, được các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài kiểm định và công nhận.
Tham gia giảng dạy chương trình là các giảng viên có uy tín của các trường đại học đối tác nước ngoài (chiếm 25-70% thời lượng giảng dạy) và giảng viên cơ hữu của Khoa, của các đơn vị đào tạo trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên không những được nhận tấm bằng có giá trị toàn cầu mà điều quan trọng hơn là các em có chuyên môn vững, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và có những kỹ năng mềm như: kỹ năng tổ chức, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, lãnh đạo… đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Chính vì thế, chỉ 3 tháng sau khi tốt nghiệp, 90% sinh viên có việc làm ổn định, theo đúng chuyên ngành đào tạo và có thu nhập cao.
Về điều kiện xét tuyển:
(i). Đối với chương trình Kế toán và Tài chính, Kế toán chất lượng cao, Khoa học Quản lý, các em phải đạt điểm sàn thi tuyển sinh đại học năm 2012, 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đạo đức tốt; trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.0.
(ii). Đối với chương trình Kinh doanh quốc tế; Kế toán, phân tích và kiểm toán, Kinh tế - Quản lý, các em phải đạt điểm sàn tuyển sinh đại học các khối A, A1, D năm 2012, 2013 của ĐHQGHN.
Nhân đây, tôi cũng xin thông báo để giúp các em sinh viên có đủ trình độ ngoại ngữ theo học các chương trình nói trên cũng như đi du học ở các trường đại học nước ngoài, Khoa Quốc tế tổ chức các chương trình ngoại ngữ dự đại học tiếng Anh, tiếng Nga, Pháp và Trung Quốc nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức ngôn ngữ, các kỹ năng thực hành nghe, nói, đọc, viết. Các chương trình thường kéo dài 1 năm được chia làm các cấp độ khác nhau, phù hợp với trình độ của các em sinh viên.
Bạn Trung Thành (18 tuổi, Bỉm Sơn, Thanh Hóa): Thưa các thầy, cô em muốn thi khối A1 vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy những khoa, ngành nào của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi ạ?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Các ngành tuyển sinh theo khối A1 được thông báo chi tiết trong cuốn những điều cần biết và trên các trang web của các đơn vị thành viên của Đại học quốc gia Hà Nội. Em nên xem thông tin chi tiết trên các trang thông tin của các trường thành viên cũng như trên trang của Đại học Quốc gia Hà Nội ở địa chỉ http://www.vnu.edu.vn/home/
Bạn Hoàng Anh Sơn (hoangsoncdhd12th@gmail.com): Em hiện là sinh viên cao đẳng chính quy năm cuối của trường Đại học Công Nghiệp TP HCM chuyên ngành công nghệ hóa dầu. Em được biết theo Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT quy định về liên thông lên đại học. Các thầy cô cho em hỏi, thủ tục làm hồ sơ?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thí sinh có bằng cao đẳng, trung học chuyên nghiệp dưới 36 tháng nếu có nguyện vọng học liên thông lên đại học chính quy phải tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy, nếu có nguyện vọng liên thông lên đại học vừa làm vừa học sẽ phải tham gia kỳ thi tuyển sinh vừa làm vừa học.
Huyền Thư (Lạc Long Quân, Hà Nội): Là một trong những cơ sở đào tạo công lập đi đầu trong thực hiện các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN hiện có nhiều chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học bằng các ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc… Theo thầy (cô), điều đáng chú ý nhất khi triển khai các chương trình hợp tác liên kết này là gì?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Khoa Quốc tế - ĐHQGHN là một trong những cơ sở công lập đầu tiên của Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Ngay từ đầu, khi tiến hành lựa chọn đối tác, chúng tôi phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản.
Thứ nhất, trường đại học nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền ở nước sở tại kiểm định và công nhận.
Thứ hai, chương trình cũng phải là chương trình chính quy, được kiểm định và công nhận. Những chương trình không được kiểm định thì văn bằng ít giá trị, không thể tiếp tục học cao hơn được. Những chương trình kiểm định online, kiểm định từ xa chất lượng cũng không được đảm bảo.
Thứ ba, điều quan trọng là sự tham gia trực tiếp của trường đại học nước ngoài vào quá trình đào tạo, khảo thí và đảm bảo chất lượng. Ví dụ, các đại học đối tác như Đại học Nantes, Paris Sud (CH Pháp), Đại học East London (Anh), Đại học Keuka (Mỹ), Đại học HELP (Malaysia) phải trực tiếp giảng dạy để đảm bảo chất lượng thực sự như ở nước ngoài.
Thứ tư, Khoa rất chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên. Giảng viên phải thỏa mãn điều kiện ba trong một: trình độ chuyên môn được cập nhật, thành thạo ngoại ngữ và có năng lực sư phạm. Giảng viên phải tâm huyết với nghề và đặc biệt quan tâm đến sinh viên và giúp các em thành công.
Thứ năm là cơ sở giáo dục Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất phù hợp với những chương trình tổ chức đào tạo để sinh viên được học trong môi trường quốc tế và được nhận văn bằng có giá trị thực sự.
Lan hoamuatrang12@yahoo.com Em thích hai ngành Quản trị kinh doanh và Tài chính - ngân hàng của ĐH Kinh tế - ĐH QGHN, không biết điểm chuẩn của hai khoa này như thế nào?
PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-ĐHQG Hà Nội (trái)
- PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-ĐHQG Hà Nội: Hai ngành này ĐHKT - ĐHQG đã tuyển sinh trong nhiều năm nay. Ngành QTKD là ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế, năm ngoái có điểm chuẩn là 21,5 cho cả ba khối A, A1, D1. Ngành Tài chính ngân hàng của trường hiện có hai hệ là hệ chuẩn và hệ chất lượng cao, điểm chuẩn vào ngành này năm ngoái là 21 điểm cho khối A và A1; 21,5 cho D1.
Năm nay điểm chuẩn cũng sẽ phụ thuộc vào chất lượng thí sinh dự thi, độ khó của bài thi. Cũng khó dự đoán được điểm chuẩn chính xác nhưng dự đoán của tôi, điểm chuẩn vào hai ngành này cũng không dao động nhiều so với năm ngoái. Chúc em đạt điểm cao trong kỳ thi này và trở thành sinh viên của Trường năm 2013.
Bạn Mai Hồng (Đông Anh-Hà Nội): Em thấy để có thể trở thành một giáo viên thì phải cực kỳ giỏi, trong khi điểm đầu vào các khoa của trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội lấy khá thấp. Như vậy thì chất lượng cử nhân sư phạm ra trường có cao không? Ra trường có xin được việc làm ngay không, thưa thầy cô?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Trường đại học giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo giáo viên theo mô hình 3+1: 3 năm đầu sinh viên được học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Sư phạm Toán, Lý, Hóa, Sinh) và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Sư phạm Văn, Sử) để tích lũy những kiến thức cơ bản cùng với những sinh viên các ngành khoa học cơ bản của hai trường trên. Năm cuối cùng học tại trường Đại học Giáo dục để tích lũy những kiến thức về nghiệp vụ sư phạm. Với mô hình đào tạo trên, nhiều năm qua sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Giáo dục có nhiều cơ hội có việc làm ngay sau tốt nghiệp.
Bạn Hà Thị Lan (Hà Giang): Em ở Hà Giang, em học khối C. Em muốn học ngành gì đó của ĐHQG HN mà sau này về quê giúp bản làng. Em mong được các thầy tư vấn ạ, em cảm ơn.
- ThS Đinh Việt Hải -Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQGHN: Chào em Lan. Hoan nghênh em sớm có ý thức phục vụ quê hương sau khi tốt nghiệp đại học. Chúc em luôn giữ được ước nguyện này bởi đó chính là động lực, là mục tiêu phấn đấu của em trong việc chọn ngành, chọn trường thi đại học và cả quá trình học đại học sau này. Với ước nguyện của em, Thầy tin và chúc em thi đỗ đại học năm 2013 này.
ThS Đinh Việt Hải - Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQGHN
Vì em chưa nói rõ đam mê, điểm mạnh của em nên việc học ngành gì thì khó có thể tư vấn cụ thể được cho em. Tuy nhiên, qua thực tiễn sử dụng nhân lực cho khu vực miền núi phía Bắc, em tìm hiểu về các ngành học sau:
1. Ngành Công tác xã hội (nếu em muốn trực tiếp chia sẻ, giúp đỡ người khác)
2. Ngành Chính trị học (nếu em muốn trở thành cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị)
3. Ngành Khoa học quản lý (nếu em muốn làm việc trong lĩnh vực chính sách xã hội, phát triển nguồn nhân lực)
4. Ngành Nhân học (nếu em muốn trở thành chuyên gia phát triển cộng đồng)
Một lần nữa, chúc em thành công!
Mai Hoa (18 tuổi, Bỉm Sơn, Thanh Hóa): Em đang muốn đăng ký vào học tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN. Xin các thầy (cô) cho biết, điểm khác biệt của Khoa Quốc tế của ĐHQGHN với các khoa, trường có chương trình đào tạo liên kết quốc tế khác ạ?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Có thể khảng định rằng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế của Khoa Quốc tế đều là chương trình có chất lượng cao của đại học nước ngoài tại Việt Nam. Nội dung chương trình, quy trình khảo thí và đảm bảo chất lượng đều giống như ở các trường sở tại. Sinh viên được học trực tiếp từ các giảng viên nước ngoài cũng như các giảng viên Việt Nam giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn lại thông thạo ngoại ngữ. Các em phải sử dụng ngoại ngữ trong quá trình học tập. Các em cũng được học tập tại phòng đọc, thư viện của Khoa Quốc tế và đặc biệt là sử dụng thư viện điện tử của các trường đại học nước ngoài. Chính vì vậy, chỉ 3 tháng sau khi tốt nghiệp, 90% sinh viên của Khoa Quốc tế vì các em không những nhận được bằng cấp có giá trị toàn cầu, mà còn làm chủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. Các em có thể lựa chọn học toàn phần tại Khoa Quốc tế hoặc du học bán phần theo mô hình: V + N (V là thời gian đào tạo tại Việt Nam và N là thời gian đào tạo tại nước ngoài).
Như vậy, sinh viên được thụ hưởng một hệ thống giáo dục chuyên nghiệp theo đúng chuẩn giáo dục quốc tế ngay tại Việt Nam với chi phí tối thiểu. Tôi cũng xin bổ sung thêm để thành công, sinh viên cũng phải nỗ lực rất lớn.
Hoanguyen964@gmail.com: Em được biết năm nay Khoa Quốc tế tuyển sinh ngành Kế toán, phân tích và kiểm toán bằng tiếng Anh. Xin thầy (cô) giới thiệu cho em về ngành học này? Em có thể làm công việc gì sau khi nhận bằng tốt nghiệp Kế toán, phân tích và kiểm toán?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Chương trình Kế toán, phân tích và kiểm toán được xây dựng theo chuẩn giáo dục châu Âu, trên cơ sở chương trình đào tạo Kế toán, phân tích và kiểm toán của Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Quốc gia Tambov (LB Nga) và chương trình đào tạo Kế toán và Tài chính của Đại học East London (Anh), Đại học HELP (Malaysia). Chương trình được đào tạo bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga. Ngoài việc học tập lý thuyết về kế toán, phân tích tài chính và kiểm toán, sinh viên còn được thực hành các phần mềm kế toán đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và nước ngoài. Thời gian đào tạo là 4 năm, sau khi tốt nghiệp em sẽ nhận bằng Cử nhân kinh tế ngành Kế toán, phân tích và kiểm toán do ĐHQGHN cấp. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể đảm nhiệm các công việc như kế toán viên, kiểm toán viên, chuyên viên phân tích hoạt động kinh doanh, tài chính, thị trường, chuyên gia tư vấn về kế toán, kiểm toán hay giảng viên , nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về lĩnh vực kế toán – kiểm toán, tài chính – ngân hàng, học tiếp lên bậc cao hơn…
Bạn Minh Lan (Phú Thọ): Thưa thầy, chỉ tiêu năm nay của trường ĐHNN-ĐHQGHN là bao nhiêu ạ?
ThS Phạm Văn Kim - Trưởng phòng Chính trị và công tác học sinh sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Tổng chỉ tiêu của trường năm 2013 là 1.042 chỉ tiêu, trong đó:
- Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh Kinh tế Quốc tế, Tiếng Anh Quản trị Kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng: 472 chỉ tiêu
- Ngôn ngữ Nga, Sư phạm tiếng Nga: 60 chỉ tiêu
- Sư phạm tiếng Pháp, Ngôn ngữ Pháp:125 chỉ tiêu
- Ngôn ngữ Nhật, Sư phạm tiếng Nhật:125 chỉ tiêu
- Ngôn ngữ Đức:60 chỉ tiêu
- Ngôn ngữ Trung, Sư phạm tiếng Trung:125 chỉ tiêu
- Ngôn ngữ Hàn Quốc: 75 chỉ tiêu.
ThS. Phạm Văn Kim- Trưởng phòng Chính trị và công tác học sinh sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN
Bạn đọc: Kính chào Ban tuyển sinh Đại học Ngoại Ngữ, Em gái tôi đạt giải ba môn tiếng Pháp cấp Quốc gia năm học 2012-2013. Vậy tôi có một số câu hỏi mong ban tuyển sinh giải đáp giúp tôi như sau:
- Em tôi có đủ điều kiện để được tuyển thẳng vào trường không? Nếu được tuyển thẳng thì ngành học nào em tôi sẽ được xét học?
- Nếu được tuyển thẳng em tôi sẽ phải nộp những hồ sơ giấy tờ gì?
Mong sẽ sớm nhận được trả lời từ ban tuyển sinh của nhà trường.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
ThS. Phạm Văn Kim- Trưởng phòng Chính trị và công tác học sinh sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Chào bạn. Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Em bạn đủ điều kiện tuyển thẳng vào trường chúng tôi. Em bạn có thể lựa chọn học ngành Sư phạmtiếng Pháp hoặc ngành Ngôn ngữ Pháp. Trong ngành
Ngôn ngữ Pháp, em bạn có thể lựa chọn học theo định hướng tiếng Pháp phiên dịch, tiếng Pháp du lịch hoặc tiếng Pháp kinh tế.
2. Các giấy tờ cần nộp thì em bạn có thể tham khảo hướng dẫn tại trường THPT
em bạn học hoặc quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD&ĐT. Trong 1-2 ngày tới, chúng tôi sẽ đăng tải chi tiết hướng dẫn nàytrên trang Web của Trường ĐHNN-ĐHQGHN.
Chúng tôi mong bạn tham khảo thêm các thông tin về cơ hội học bằng kép ở trường và các điều kiệnkhác dành cho SV. Hi vọng em bạn sẽ trở thành sinh viên của ĐHNN- ĐHQGHN năm tới. Chúc các bạn thành công.
Lê Thu (Hà Nội): Em muốn hỏi ngành Kế toán và Kiểm toán có giống nhau không ạ? Ngành nào có cơ hội xin được việc làm nhiều hơn? Thu nhập cao hơn?
PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội: Trường ĐHKT – ĐHQGHNhiện nay chỉ đào tạo cử nhân ngành kế toán trong đó có hai định hướng chuyên sâu là kế toán và kiểm toán, chứ không đào tạo hai ngành chuyên biệt. Nội dung chương trình gồm các khối kiến thức chung, khối kiến thức theo lĩnh vực, theo khối ngành – nhóm ngành, khối kiến thức chuyên sâu và bổ trợ và khối thực tập – khóa luận tốt nghiệp. Ngoài ra các chương trình thực tập thực tế và các khóa ngoại khóa giúp sinh viên có cơ hội thâm nhập thực tiễn công tác kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp, từ đó sinh viên có thể củng cố kiến thức, rèn luyện các kỹ năng mềm để thích ứng và làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.
Chương trình này cũng hợp tác với công ty MISA trong việc hỗ trợ đào tạo trên các phần mềm kế toán chuyên dụng, hợp tác với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) trong việc hỗ trợ học bổng và các tài liệu hướng dẫn phát triển nghề nghiệp (Career Pathway Guidebook) do ACCA phát hành trên phạm vi toàn cầu.
Theo tôi biết, hiện nay hay ngành này xã hội vẫn đang có nhu cầu tương đối cao, nhưng cơ hội xin việc làm và thu nhập cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào từng vị trí công việc, cũng như năng lực của bạn đáp ứng đến đâu, nếu bạn có năng lực tốt sẽ có cơ hội kiếm được việc làm phù hợp với thu nhập cao.
Bạn Hà Thị Thu Thúy (Nghệ An): Sức học của em cũng bình thường, khả năng thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội không cao, nhưng sau này em rất muốn được trở thành một bác sĩ đa khoa. Em thấy trường Đại học Quốc gia Hà Nội mới mở thêm Khoa Y dược. Em muốn hỏi là chương trình đào tạo có gì giống và khác với Đại học Y Hà Nội không? Năm nay điểm chuẩn dự kiến có cao không? Và sau này có xin được việc không ạ?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Chương trình đào tạo bác sỹ đa khoa của khoa Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội về cơ bản là không khác so với chương trình đào tạo của trường Đại học Y Hà Nội. Sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng bác sỹ đa khoa có giá trị pháp lý như của trường đại học Y Hà Nội cấp.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo của khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức đào tạo theo mô hình 2+4: Tức là hai năm đầu, sinh viên được học các môn khoa học cơ bản tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, và 4 năm tiếp theo được học các môn học thuộc ngành bác sỹ đa khoa.
Sinh viên học trong môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều điều kiện tiếp cận với các thành tựu khoa học công nghệ mới thuộc các lĩnh vực khác nhau của khoa học cơ bản (Vật lý, hóa học, sinh học, tin học…) ứng dụng trong khoa học y học.
Ngoài cơ hội làm việc trong các phòng thí nghiệm chuyên sâu, các em còn được học trong một hệ thống các phòng thí nghiệm có tính liên ngành cao như: Sinh y, công nghệ nano, hóa dược, kỹ nghệ y sinh… Sinh viên tốt nghiệp ra trường có năng lực nghiên cứu khoa học tốt.
Bạn Nguyễn Trung Thành (trungthanhnguyenthanhhoa@gmail.com): Các thầy có thể cho em biết là dự kiến điểm sàn của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay như thế nào, có chung với điểm sàn của Bộ GD-ĐT không? Em cảm ơn các thầy.
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Điểm trúng tuyển vào một ngành học tùy thuộc vào chỉ tiêu đã công bố, số thí sinh dự thi và kết quả thi. Vì vậy không thể xác định trước được điểm trúng tuyển. Trong những năm vừa qua, điểm sàn của Đại học Quốc gia Hà Nội cao hơn so với điểm sàn của Bộ GD-ĐT từ 3 điểm trở lên tùy theo khối thi.
Trần Thị Hiên (tranthihien1919@yahoo.com): Học ngành Tâm lý học thì sau này ra trường em có thể công tác ở những đâu và việc làm cụ thể sẽ là như thế nào? Có phải em sẽ trở thành những người tư vấn qua điện thoại không ạ?
ThS Đinh Việt Hải: Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQGHN: Ở đâu có con người, có quan hệ con người cả trong cuộc sống và trong công việc thì ở đó có các quá trình tâm lý người. Xã hội càng phát triển thì đời sống tâm lý con người cũng như tâm lý các cộng đồng càng phong phú. Vì thế, các chuyên gia tâm lý ngày càng trở nên cần thiết, quan trọng cho cộng đồng, tổ chức.
Sinh viên ngành Tâm lý học của Trường Đại học KHXH&NV hiện nay làm việc ở doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông – quan hệ công chúng … trong đó, nhiều nhất là các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện…
Sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học hoàn toàn có thể trở thành người tư vấn qua điện thoại. Người làm tư vấn tâm lý qua điện thoại thì mục tiêu là tư vấn, hỗ trợ khách hàng giải quyết những vấn đề tâm lý của khách hàng hoặc khách hàng quan tâm và vì thế, kiến thức chuyên môn của sinh viên ngành Tâm lý học được phát huy một cách trực tiếp.
Tuy nhiên, em cần biết là sinh viên ngành Tâm lý học còn có thể trở thành điện thoại viên (CSA- Customer Service Representative), làm việc tại các trung tâm chăm sóc khách hàng (call center) của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực ngân hàng, viễn thông … Để làm việc ở đây, sau khi được tuyển dụng, bạn cần học thêm 1 khóa nghiệp vụ, tùy theo vị trí, yêu cầu công việc mà thời gian từ 1 tuần tới 1 tháng.
Bạn đọc: Thầy có thể giải thích giúp em: BẰNG KÉP, NGÀNH KÉP nghĩa là như thế nào ạ?
Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Bằng kép (hai bằng): Nghĩa là sau khi học hết năm thứ nhất, sinh viên có cơ hội được đăng ký học thêm để lấy một văn bằng đại học chính quy thứ hai tại trường thành viên của ĐHQGHN.
Ví dụ: Em học Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Pháp của trường Đại học Ngoại ngữ, hết năm thứ nhất em đăng ký học chuyên ngành Kinh tế Quốc tế của Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Như vậy, sau 4 năm em nhận bằng tiếng Pháp do Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ cấp, sau 6 tháng đến 1 năm nữa em nhận bằng đại học thứ hai Kinh tế Quốc tế do Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế cấp.
Ngành kép (hai ngành): Nghĩa là sau khi tốt nghiệp sinh viên được cấp một bằng đại học chính quy, trong bằng đại học này được ghi cụ thể 2 ngành mà sinh viên đăng ký học.
Ví dụ: khi dự thi đại học, đăng ký học ngành Tiếng Anh Quản trị Kinh doanh, sau khi tốt nghiệp được Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ cấp bằng cử nhân Tiếng Anh Quản trị Kinh doanh.
Minh Hà (Thanh Hóa): Em được biết ĐH kinh tế ĐHQG HN có đào tạo bằng tiếng Anh. Em muốn biết đó những ngành nào? Dự kiến điểm đầu vào cao không? Học xong ra trường có thể sang nước ngoài làm việc được không ạ?
- PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội: Hiện nay trong 6 chương trình đào tạo đại học chính quy của nhà trường có ngành Quản trị kinh doanh đạt chuẩn quốc tế và Hệ chất lượng cao của hai ngành Kinh tế quốc tế và Tài chính ngân hàng có đào tạo các môn tiếng Anh.
Chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh đạt chuẩn quốc tế được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình của Trường Haas School of Business, Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới về Quản trị kinh doanh. Ngoài các môn khoa học Mác – Lê-nin, giáo dục quốc phòng – an ninh, còn lại các môn học trong chương trình này đều được dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên khi ra trường ngoài những kiến thức kỹ năng hiện đại về QTKD, còn có trình độ tiếng Anh đạt 6.0 IELTS trở lên, có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế, ở trong và ngoài nước.
Các chương trình chất lượng cao của trường được nâng cao hơn các chương trình chuẩn về thời lượng học một số môn chuyên sâu của ngành đào tạo, về tiếng Anh và một số môn chuyên môn dạy trực tiếp bằng tiếng Anh, được đội ngũ giáo viên giỏi trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn viết khóa luận trực tiếp bằng tiếng Anh. Khi ra trường ngoài những kiến thức chuyên sâu của ngành đào tạo thì sinh viên có trình độ tiếng Anh đạt tiếng Anh đạt 5.5 IELTS trở lên, có khả năng làm việc tại tốt tại các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, đào tạo hoặc có khả năng tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn.
Ngoài các chương trình đào tạo ĐH chính quy trên, trường ĐHKT-ĐHQGHN còn tuyển sinh các chương trình đào tạo liên kết quốc tế dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm hai chương trình sau:
- Chương trình Cử nhân QTKD liên kết với ĐH Troy – Hoa Kỳ.
- Chương trình Cử nhân kinh doanh, chuyên ngành Kinh tế - Tài chính liên kết với ĐH Massey – New Zealand.
Chúc em lựa chọn đúng ngành mà mình yêu thích và thành công!
nguyenhoale@gmail.com: Em được biết năm nay Khoa Quốc tế tuyển sinh ngành Kế toán, phân tích và kiểm toán bằng tiếng Anh. Xin thầy (cô) giới thiệu cho em về ngành học này? Em có thể làm công việc gì sau khi nhận bằng tốt nghiệp Kế toán, phân tích và kiểm toán?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Chương trình Kế toán, phân tích và kiểm toán được xây dựng theo chuẩn giáo dục châu Âu, trên cơ sở chương trình đào tạo Kế toán, phân tích và kiểm toán của Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Quốc gia Tambov (LB Nga) và chương trình đào tạo Kế toán và Tài chính của Đại học East London (Anh), Đại học HELP (Malaysia). Chương trình được đào tạo bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga. Ngoài việc học tập lý thuyết về kế toán, phân tích tài chính và kiểm toán, sinh viên còn được thực hành các phần mềm kế toán đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và nước ngoài. Thời gian đào tạo là 4 năm, sau khi tốt nghiệp em sẽ nhận bằng Cử nhân kinh tế ngành Kế toán, phân tích và kiểm toán do ĐHQGHN cấp. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể đảm nhiệm các công việc như kế toán viên, kiểm toán viên, chuyên viên phân tích hoạt động kinh doanh, tài chính, thị trường, chuyên gia tư vấn về kế toán, kiểm toán hay giảng viên , nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về lĩnh vực kế toán – kiểm toán, tài chính – ngân hàng, học tiếp lên bậc cao hơn…
Hà Anh (Hải Phòng): Em học sinh chuyên Anh, 3 năm cấp III em đều là học sinh giỏi và đã có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.0. Xin thầy (cô) cho biết em có đủ điều kiện vào học chương trình Kế toán, phân tích và kiểm toán do ĐHQGHN cấp bằng hay không ạ?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Với kết quả học tập 3 năm học cấp III là học sinh giỏi, có chứng chỉ IELTS 5.0 em có thể đăng ký học chương trình Cử nhân Kế toán, phân tích và kiểm toán do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng, nếu em đạt điểm sàn thi tuyển sinh đại học năm 2012, 2013 với các khối A, A1, D do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định. Nhưng nếu em đạt điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em cũng có thể đăng ký học chương trình Cử nhân Kế toán và Tài chính do ĐH East London (Anh) cấp bằng hoặc Kế toán chất lượng cao do ĐH HELP (Malaysia) cấp bằng hoặc chương trình Cử nhân khoa học ngành Quản lý do ĐH Keuka (Hoa Kỳ) cấp bằng tại Khoa Quốc tế.
Linh Hằng (PTTH Lê Văn Linh, Thanh Hóa): Ngoài văn bằng chính quy của các trường đại học đối tác nước ngoài có giá trị toàn cầu mà sinh viên được nhận sau khi tốt nghiệp, sinh viên của Khoa Quốc tế có những thế mạnh gì so với các ứng viên khác khi xin việc?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Sau khi tốt nghiệp các chương trình liên kết quốc tế tại Khoa Quốc tế, sinh viên không những được nhận tấm bằng có giá trị toàn cầu mà điều quan trọng hơn là các em có chuyên môn vững, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và có những kỹ năng mềm như: kỹ năng tổ chức, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, kỹ năng hoạt động cộng đồng. Như vậy, các em được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Chính vì thế, như tôi đã nói ở phần trên, chỉ 3 tháng sau khi tốt nghiệp, 90% sinh viên có việc làm ổn định, theo đúng chuyên ngành đào tạo và có thu nhập cao.
* Nguyễn Thị Thủy (Thanh Hóa): Em rất muốn học ở Học viện Ngân hàng nhưng tự nhận thấy sức học của mình khó có thể thi đỗ. Em muốn hỏi là ĐHQG HN có đào tạo hệ cao đẳng ngân hàng không? Em muốn đăng ký học hệ cao đẳng để sau này học liên thông rồi lấy bằng đại học có được không?
- PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế -ĐHQG Hà Nội: Cảm ơn em đã quan tâm đến ngành TCNH của trường ĐHKT-ĐHQGHN, nhưng rất tiếc toàn ĐHQG nói chung cũng như ĐHKT nói riêng không đào tạo hệ cao đẳng, do đó em có thể tìm ngành phù hợp ở những trường ĐH khác.
Trần Anh Tuấn (Hoàng Hoa Thám, HN): Sau này em muốn trở thành phóng viên thì em nên theo học Khoa Báo chí – ĐH KHXH&NV hay là thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền? Em thấy Học viện phân ra rất nhiều khoa Báo còn trường ĐH KHXH&NV chỉ có 1 khoa Báo chí, như vậy thì khoa Báo chí của ĐH KHXH&NV có đào tạo tất cả báo in, báo mạng, báo ảnh… không?
ThS Đinh Việt Hải: Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQGHN:
Chào bạn Anh Tuấn. Vui vì bạn có câu hỏi rất hay. Trả lời câu hỏi của bạn sẽ gồm điều bạn muốn biết và điều bạn nên biết.
Điều bạn muốn biết là ở Khoa Báo chí của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn từ năm 2012 đã phân chuyên ngành đào tạo bao gồm Báo in – Báo điện tử, Phát thanh – Truyền hình, Quan hệ công chúng – Quảng cáo trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Báo chí. Khi vào học năm thứ 3, sinh viên sẽ tự chọn học 1 trong 3 chuyên ngành nêu trên. Khi tốt nghiệp, sinh viên nhận bằng cử nhân ngành Báo chí và bảng điểm ghi rõ học chuyên ngành nào trong 3 chuyên ngành nêu trên. Cách tổ chức đào tạo này cho phép sinh viên có được kiến thức, kỹ năng nền tảng chung của ngành báo chí và truyền thông để họ có thể làm việc ở các loại hình báo chí khác nhau nhưng đồng thời cũng cho sinh viên có cơ hội chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể.
Điều bạn nên biết là ngay trong quá trình học, nếu bạn chọn Báo in – Báo điện tử thì bạn vẫn có thể học chuyên ngành Quan hệ công chúng – Quảng cáo. Tuy nhiên, bạn cần đăng ký rõ xét tốt nghiệp theo chuyên ngành nào trước khi bắt đầu học.
Ngoài ra còn nhiều bạn nên biết nữa về việc đào tạo ngành Báo chí ở Trường Đại học KHXH&NV như nhà trường có Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông để cho sinh viên thực hành ngay từ những năm đầu khóa học ở tất cả các loại hình báo chí đang đào tạo hay trong những môn học chuyên ngành, mỗi môn luôn có ít nhất một nhà báo đang làm việc ở các cơ quan báo chí có những giờ ngoại khóa cho sinh viên. Đó là vài ví dụ về cách làm nên chất lượng đào tạo của khoa Báo chí và Truyền thông.
Chúc bạn thành công!
Hồng Hà (Ba Đình, HN): Em được biết Khoa Quốc tế không tổ chức thi tuyển sinh. Em xin hỏi liệu muốn đăng ký dự tuyển vào Khoa thì phải cần những điều kiện như thế nào?
TS Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học (Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia HN):Khoa Quốc tế không tổ chức thi tuyển sinh mà tổ chức xét tuyển, căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện bậc THPT cũng như kết quả thi ĐH. Vì vậy, để đăng ký dự tuyển vào Khoa Quốc tế, em có thể đăng ký thi vào bất kỳ một trường nào đấy, bất kỳ khối nào cũng được.
Sau khi có kết quả thi ĐH, em có thể mua hồ sơ tuyển sinh và đăng ký xét tuyển vào Khoa Quốc tế.
Thời gian em nhận được giấy báo kết quả xét tuyển vào khoa là 2 tuần kể từ ngày em nộp hồ sơ.
Điều kiện xét tuyển vào Khoa Quốc tế:
+ Đối với chương trình đào tạo do ĐH Quốc gia HN cấp bằng, kết quả thi ĐH năm 2012, 2013 các khối A, A1, D đạt điểm sàn do ĐH Quốc gia HN quy định đối với năm dự thi (điểm sàn năm 2012 của ĐH Quốc gia HN khối A là 16 điểm, khối D là 17 điểm).
+ Đối với chương trình đào tạo do ĐH nước ngoài cấp bằng, kết quả thi ĐH năm 2012, 2013 của tất cả các khối đạt điểm sàn do Bộ Giáo dục& Đào tạo quy định đối với năm dự thi.
Bạn Nguyễn Biên Cương (nguyenbiencuong92@gmail.com): Các thầy cho em hỏi, trường mình có xét tuyển thẳng đối với thí sinh là học sinh đã học và tốt nghiệp tại khu vực huyện nghèo khó khăn thuộc Dự án 30a của Chính phủ theo Điểm I, Khoản 2, Điều 7 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành không ạ?
Em là một học sinh người dân tộc Kinh nhưng có hộ khẩu thường trú tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai) là huyện thuộc khu vực trên. Vậy trường hợp của em có được xét tuyển vào trường Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia không ạ? Rất mong nhận được sự giải đáp chi tiết cụ thể của thầy cô ạ!
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT vì vậy trường hợp của em vẫn thuộc diện là xét tuyển thẳng với điều kiện là em có hộ khẩu thường trú tử 3 năm trở lên tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Hồ sơ đăng ký xét tuyển, thời gian xét tuyển thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Em có thể xem thông tin chi tiết trên website http://www.vnu.edu.vn/home/ và website http://www2.uet.vnu.edu.vn/uet/ của trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Mạnh Hưng (manhhung21@yahoo.com): Xin thầy (cô) chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn các chương trình các chương trình đào tạo liên kết quốc tế?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Các em nên chọn chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, nguyện vọng ngành nghề, phù hợp với nhu cầu xã hội, khả năng tài chính của bản thân và gia đình các em. Các em cũng phải học thật tốt ngoại ngữ (vì các chương trình của Khoa đều đào tạo bằng ngoại ngữ), tìm hiểu về môi trường học tập quốc tế qua các nguồn thông tin phổ biến hiện nay (xin truy nhập website: www.khoaquocte.vn để biết thêm thông tin), hình thành thói quen chủ động, tự lập, tăng cường giao lưu trong các hoạt động xã hội, tham gia hoạt động tập thể… vì hệ thống các kỹ năng mềm đã có sẵn trong các chương trình đào tạo quốc tế như UNESCO khẳng định: học để biết, học để làm việc, học để làm người, học để chung sống.
Hà Thị Mỳ (Hà Giang): Qua tìm hiểu em thấy học phí của Khoa Quốc tế khác so với các trường đại học khác. Cho em hỏi Khoa Quốc tế có chính sách giúp đỡ sinh viên thi đại học có kết quả cao không ạ?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Đúng, học phí ở Khoa Quốc tế khác so với các cơ sở đào tạo công lập khác, vì: i) Khoa tự chủ tài chính theo Nghị định 43 năm 2006 của Chính phủ; ii) Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế nói chung đều đều có chi phí khá cao. Tuy vậy, khi theo học tại Khoa Quốc tế, sinh viên có nhiều cơ hội được nhận các suất học bổng có giá trị cao của Khoa Quốc tế cũng như của các trường đại học nước ngoài.
Tuy nhiên, để giúp đỡ một số sinh viên cũng như đào tạo nhân tài và khuyến khích sinh viên học tập và rèn luyện, Khoa đã thành lập quỹ học bổng hàng năm lên tới 5 tỷ đồng. Học bổng cao nhất là học bổng Chu Văn An có giá trị hơn 335 triệu đồng/1 sinh viên/khóa học và thấp nhất là học bổng Lê Anh Xuân có giá trị 10 triệu đồng/ năm học. Hàng năm, 12 - 15% tổng số sinh viên được nhận các các loại học bổng nói trên.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình “Khi tôi 18” (năm 2011), “Tuổi trẻ hướng nghiệp” (năm 2012) của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Khoa Quốc tế đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam cấp các suất học học bổng ”Thắp sáng ước mơ” và ”Hướng nghiệp” cho những học sinh lớp 12 đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trở lên.
Bắt đầu từ năm 2012, Khoa Quốc tế triển khai chương trình học bổng “Hỗ trợ phát triển địa phương” dành cho những sinh viên theo diện được cử đi học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Trong năm học vừa qua, Khoa Quốc tế đã cấp 20 suất học bổng theo chương trình này. Khoa Quốc tế thực hiện chương trình học bổng này với mong muốn được tạo điều kiện cho những em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn được theo học những chương trình đào tạo liên kết bằng tiếng nước ngoài theo chuẩn quốc tế.
Song song với các loại học bổng của Khoa Quốc tế, các trường đối tác nước ngoài cũng cấp những suất học bổng có giá trị cho sinh viên trong Khoa:
- Đại học Keuka (Hoa Kỳ) hàng năm cấp 10 suất học bổng trị giá khoảng 22.630 USD/sinh viên/năm học (tương đương khoảng 470.000.000 đồng)
- Đại học Giao thông Trùng Khánh (Trung Quốc) dành 5 suất học bổng, miễn 100% học phí cho sinh viên Khoa Quốc tế học hệ đào tạo tiếng Trung Quốc tại Khoa hay sang Trung Quốc.
- Ngoài ra phải kể đến một số học bổng khác như của ĐH HELP (Malaysia), Lunghwa (Đài Loan) và các trường đối tác tại LB Nga.
Chi tiết về giá trị và điều kiện của các chương trình học bổng em có thể tìm hiểu thêm trên website của Khoa Quốc tế: www.khoaquocte.vn.
Mai Anh Khoa (Gia Viễn, Ninh Bình): Tại trường cấp III em rất thích tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và đoàn thể. Xin cho em hỏi ở Khoa Quốc tế em có cơ hội tham gia vào các hoạt động Đoàn hay không? Đoàn Khoa Quốc tế mang lại cho chúng em những lợi ích gì?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Khoa Quốc tế luôn khuyến khích, động viên và hỗ trợ sinh viên tham gia các hoạt động đoàn do Khoa Quốc tế cũng như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ĐHQGHN tổ chức. Đoàn TNCS Khoa Quốc tế tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực như: chính trị tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao và NCKH.
Hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khoa Quốc tế được đánh giá cao. Đoàn Khoa Quốc tế đã giành được nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội và ĐHQGHN. Một số hoạt động đoàn của Khoa Quốc tế đã gây được tiếng vang trong giới HS – SV Hà Nội như cuộc thi Miss IS, Festival Văn minh IS, Nội san IStudent, bản tin hình IS!TV… Hoạt động đoàn giúp các em phát triển các kỹ năng mềm như: kỹ năng tổ chức, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm… Bên cạnh đó, thông qua hoạt động đoàn, các em còn mở rộng các mối quan hệ, kết nối với các sinh viên trong toàn Khoa và các đơn vị bạn, qua đó em sẽ cảm thấy gắn bó và yêu quý hơn mái trường của mình.
Lê Thị Hiền (Thanh Hóa): Ngành Nhân học của ĐH KHXH&NV cụ thể đào tạo những gì? Sau này làm việc ở đâu? Cơ hội việc làm có cao không?
ThS Đinh Việt Hải: Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQGHN: Chào em Hiền!
Câu hỏi ngành Nhân học đào tạo những gì thì em có thể xem tại đây nhéhttp://tuyensinh.ussh.edu.vn/program/nhan-hoc/khung-chuong-trinh còn nói ngắn gọn thì sinh viên ngành Nhân học sẽ học kiến thức chung của các ngành KHXH&NV với tỷ lệ thời lượng là 38%, kiến thức của khối ngành (bao gồm các ngành Nhân học, Công tác xã hội, Xã hội học, Tâm lý học) với tỷ lệ thời lượng là 14%, còn lại 48% tổng thời lượng chương trình là kiến thức ngành Nhân học.
Trong kiến thức ngành, ngoài các môn học cung cấp cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu của ngành, sinh viên học các môn học theo hướng cụ thể như Nhân học y tế, Nhân học tôn giáo, Nhân học phát triển, Nhân học giới, Nhân học đô thị, Nhân học hình ảnh, Nhân học chữ viết, Nhân học sinh thái và các môn học về các dân tộc thuộc các nhóm ngôn ngữ như Tày – Thái ở Việt Nam, H’mông – Dao ở Việt Nam, Malaya - Polinesien ở Việt Nam ….
Chúc em thành công!
Bạn thanh pham (phamthanh.hh64@gmail.com): Các thầy cô cho em hỏi, năm nay em đăng ký thi vào ngành an toàn lao động của trường Đại học Lao động và Xã hội khối A1, nhưng trường không tổ chức thi khối này, vậy em có phải đăng ký thi nhờ ở một trường khác có khối A1 không?
Trong hồ sơ của thí sinh tự do, ở phần xác nhận người khai em có thể xin dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân hay bắt buộc phải xin dấu xác nhận của Công an phường. Trong phần ghi số chứng minh thư có 12 ô thì em có thể ghi thế nào.
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Em có thể đăng ký thi nhờ vào khối A1 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nếu em là thí sinh tự do, hồ sơ đăng ký dự thi được xác nhận của công an xã/phường hiện đang cư trú.
Trong phần ghi chứng minh thư em có thể ghi bỏ trống 3 ô đầu, điền từ ô thứ 4 trở đi.
Lê Thị Thủy (thuyle97@gmail.com) Được biết Khoa Quốc tế là một đơn vị liên kết đào tạo với nhiều trường đại học có uy tín trên thế giới. Em rất muốn học tại Việt Nam và nhận bằng do một đại học Anh cấp, vậy xin thầy cho em hỏi em sẽ có thể theo học những chuyên ngành gì?
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội: Hiện nay, Khoa Quốc tế đang hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với hơn 30 trường đại học nước ngoài có uy tín tại các nước Anh, Australia, Mỹ, Malaysia, Pháp, Nga, Trung Quốc.
Khoa Quốc tế đang triển khai chương trình đào tạo cử nhân ngành Kế toán và tài chính liên kết với Đại học East London (Anh), do Đại học East London cấp bằng. Chương trình cử nhân Kế toán và tài chính của Đại học East London được Cơ quan kiểm định giáo dục của Anh (The Quality Assurance Agency, UK) kiểm định và công nhận. Tốt nghiệp chương trình Cử nhân Kế toán và tài chính của Đại học East London, sinh viên được miễn 9/14 môn thi chứng chỉ Kế toán Công chứng Anh (ACCA).
Các em có thể lựa chọn học toàn phần tại Khoa Quốc tế hoặc du học bán phần theo mô hình: V + N (V là thời gian đào tạo tại Việt Nam và N là thời gian đào tạo tại nước ngoài).
Bạn Ngoc Nong (ngoc067kxb@gmail.com): Thưa thầy cô, em muốn hỏi điều kiện để được theo học chương trình chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin là gì ạ?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Sau khi sinh viên trúng tuyển nhập học sẽ được đăng ký xét tuyển vào chương trình đào tạo chất lượng cao ngành công nghệ thông tin của trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển, thời gian xét tuyển được công bố công khai trên website của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Le Thuy Dzung <punkrockeur75@gmail.com: Em đang dự định đăng ký dự thi vào Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, ngành Kinh tế phát triển. Xin thầy cô cho em biết, nếu học xong năm thứ nhất, em muốn học thêm một ngành khác của trường hoặc chuyển hẳn sang khoa khác có được không ạ? Em xin cảm ơn.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-ĐHQG Hà Nội: Sau khi học xong năm thứ nhất ngành KTPT của ĐHKT, em có cơ hội học thêm ngành Tài chính ngân hàng của trường hoặc ngành Luật kinh doanh của Khoa Luật ĐHQGHN, hoặc ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐHNN-ĐHQGHN. Em không được chuyển hẳn sang khoa khác của trường.
Em biết trường thầy có liên kết đào tạo với trường đại học Southern New Hampshire của Hoa Kỳ, xin thầy nói rõ hơn ạ? - (Nguyễn Văn Long, 18 tuổi, Nam , Nam Trực , Nam Định)
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Hiện nay, Trường liên kết với ĐH Southern New Hampshire (Hoa Kỳ) tuyển sinh khóa 2 theo hình thức 2+2 chương trình Cử nhân Kinh tế-Tài chính và Kế toán-Tài chính. Điều kiện xét tuyển: - Thí sinh đạt điểm sàn tại kỳ thi TS ĐH – CĐ của Bộ GD-ĐT trở lên hoặc sinh viên các trường đại học. Hiện nay, tại Website của trường (www.ulis.vnu.edu.vn) có đăng tải đầy đủ chương trình học, điều kiện nhập học và kết quả kiểm định của chương trình này. Mời em tham khảo kĩ hơn thông tin.
Em thi đỗ và học hệ phiên dịch của trường thầy nhưng khi ra trường em muốn làm giáo viên ngoại ngữ có được không ạ? - ( Vũ Đức Phúc, 17 tuổi, TT Thành Công Hà Nội)
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Hoàn toàn được. Nếu em đăng ký học một khóa nghiệp vụ sư phạm (06 tháng) để lấy chứng chỉ sư phạm thì em hoàn toàn có thể trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ.
Xin hỏi thầy: nếu điểm thi Đại học của em không đủ điểm chuẩn vào ngành em đã đăng ký, nhưng lại đủ điểm vào ngành khác của trường thì em có cơ hội để học ngành khác hay không? - (Lê Thu Dung, 17 tuổi, Nữ , Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Căn cứ vào kết quả thi của thí sinh, Nhà trường sẽ xem xét để chuyển các em không đủ điểm vào ngành đã đăng kí nhưng đủ điểm vào một ngành khác trong trường. Do vậy, cơ hội của các em là rất cao bởi hiện nay Nhà trường đang có 15 mã ngành đào tạo đại học khác nhau.
Em muốn vào trường ĐHNN học, sau đó em muốn đi du học thì em cần phải đạt được điều kiện gìvà em được đi du học ở những trường nào trên thế giới, thưa Thầy? - (Vũ Thị Linh, 18 tuổi, Nữ , Ninh Giang, Hải Dương)
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Hiện có 2 hình thức du học: Du học tự túc và du học theo học bổng tài trợ của các trường ĐH quốc tế. Nếu em muốn đi du học theo học bổng tài trợ, em cần đạt được các tiêu chuẩn mà các nhà tài trợ đưa ra; Điều kiện đầu tiên là các em phải có điểm TBC tích luỹ đạt loại giỏi trở lên, điểm rèn luyện đạt giỏi….
Hiện nay, trường ĐHNN đang có các học bổng tài trợ của các Trường ĐH ở Pháp, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Nga, Đức… Ngoài ra, nhà trường còn có chương trình tuyển sinh đại học liên kết quốc tế. Thí sinh đạt điểm sàn của Bộ GD-ĐT trở lên tại kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ ở tất cả các khối thi có thể dự tuyển vào một trong các chương trình đào tạo sau:
* Liên kết với trường ĐH SOUTHERN NEW HAMPSHIRE (Hoa Kỳ)
* Liên kết với các trường ĐH Trung Quốc: ĐH Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải và ĐH Sư phạm Thiểm Tây, Tây An.
* Liên kết với trường ĐH Picardie Jules Verne, Pháp.
Xin hỏi thầy: em nghe nói Trường Đại học Ngoại ngữ có hệ đào tạo chất lượng cao. Hệ đào tạo này có gì khác biệt so với hệ thông thường, tại sao trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học – Cao đẳng” không thấy giới thiệu về hệ đào tạo này? Điều kiện để vào hệ này là gì? Chỉ tiêu là bao nhiêu? - (Vũ Đứ Long, 18 tuổi, Nam , Hải Phòng).
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Hiện nay, ĐHNN có 7 ngành đào tạo chất lượng cao (CLC):Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Tiếng Nga, Sư phạm Tiếng Pháp và Sư phạm Tiếng Trung Quốc, Đức, Nhật. Chỉ tiêu đào tạo CLC năm 2012 của trường là 180 SV. Số SV này được lựa chọn từ các SV đã trúng tuyển vào trường, trong đó ưu tiên tuyển thẳng các em đạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia. SV lớp CLC là các SV giỏi, được học một chương trình đào tạo riêng, được đội ngũ giảng viên trình độ cao giảng dạy, được hưởng học bổng khuyến khích học tập và điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt nhất. Đặc biệt, các em SV lớp CLC thường xuyên nhận được học bổng du học nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp, SV lớp CLC được ưu tiên học chuyển tiếp sau đại học và rất nhiều bạn đã trở thành giảng viên của trường.
Nếu em đang theo học chương trình đào tạo liên thông giữa ĐHNN và ĐH kinh tế mà trong quá trình học em cảm thấy không thể theo học được bằng kép thì có được xin học lại chỉ 1 bằng không ạ ? - (Trần Văn Hòa, 18 tuổi, Nữ , Lê Văn Lương, Hà Nội).
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Các sinh viên theo học chương trình đào tạo bằng kép chỉ được cấp bằng ĐH thứ 2 sau khi đã hoàn thành xong và được cấp bằng ĐH thứ nhất. Trong quá trình theo học, sinh viên có thể xin được bảo lưu chương trình đào tạo bằng 2 theo quy chế đào tạo của ĐHQGHN. Do vậy nếu em cảm thấy không thể theo được bằng ĐH thứ 2 thì em vẫn tiếp tục theo học chương trình đào tạo bằng 1
Cơ hội việc làm của em thế nào khi học ngành ngôn ngữ hoặc ngành sư phạm? - (Nguyễn Quang Bình, 18 tuổi, Nam , Lạc Long Quân, Hà Nội)
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở có uy tín nhất của Việt Nam về đào tạo cán bộ ngoại ngữ. Khi ra trường, sinh viên không chỉ có khả năng giảng dạy ngoại ngữ mà còn có thể đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau như biên phiên dịch, thư ký, cán bộ dự án, quản lý văn phòng, quản lý nhân sự… Với nền tảng vững chắc về ngoại ngữ và những kỹ năng được rèn luyện trong nhà trường (thuyết trình, nghiên cứu, làm việc độc lập và theo nhóm), sinh viên tốt nghiệp có rất nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc của mình. Nhiều cựu sinh viên của trường đã và đang đảm nhận những chức vụ quan trọng các bộ, ban ngành trung ương và địa phương
Thưa thầy, em được biết trường ĐHNN-ĐHQGHN của thầy có đào tạo bằng kép. Xin Thầy vui lòng cho biết điều kiện để được học bằng kép là gì? - (Nguyễn Thị Thúy, 18 tuổi, Nữ , Lý Nhân, Hà Nam)
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Điều kiện: Sinh viên đã học xong năm thứ nhất ở trường ĐHNN, có điểm TBC tích lũy từ 2,0/4,0 trở lên được phép đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN. Sau khoảng 4,5 - 5 năm, các em tốt nghiệp sẽ được cấp 2 bằng đại học chính quy. Hiện tại, sinh viên các ngành học của trường ĐHNgoại Ngữ được đăng kí học thêm một chương trình đào tạo thứ hai ngành Kinh tế Quốc tế, Tài chính-Ngân hàng của trường ĐH Kinh tế-ĐHQGHN, Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN và ngành Luật học của khoa Luật-ĐHQGHN. Hiện tại, kể từ năm 2008 đến nay đã có gần 2000 sinh viên của trường ĐHNN-ĐHQGHN theo học các chương trình này.
Em được biết trường ĐHNN-ĐHQGHN của Thầy có đào tạo ngành kép. Xin Thầy vui lòng cho biết điều kiện để được học ngành kép là gì? Điều kiện để chúng em được học?
-Ths Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và học HSSV – trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Hiện nay Trường đang đào tạo ngành kép gồm: Tiếng Anh-Kinh tế quốc tế, Tiếng Anh-Quản trị kinh doanh và Tiếng Anh-Tài chính Ngân hàng do trường ĐH Ngoại ngữ và trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp đào tạo. Để được học ngành kép em phải đăng ký khi nộp hồ sơ tuyển sinh.
Bạn Thanh Trần (thanhtran90.nd@gmail.com): Xin chào Ban biên tập chương trình tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Em có một câu hỏi rất mong chương trình giải đáp như sau: Mẹ em quê ở Cao Bằng, người dân tộc Tày, hiện nay đang sinh sống và làm việc tại Nam Định. Bố em là bệnh binh 61%. Gia đình em có hộ khẩu ở TP Nam Định (KV2). Em xin hỏi, em thi đại học thì được cộng bao nhiêu điểm ạ?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Với thông tin của em, em thuộc đối tượng ưu tiên 1 và khu vực ưu tiên KV2, em sẽ được cộng 2,5 điểm. Tuy nhiên, trong hồ sơ đăng ký dự thi của em cần có đầy đủ các giấy tờ liên quan về đối tượng ưu tiên.
Bạn đọc gửi thư từ email shine_a_light_13@yahoo.com: Cho em được hỏi em, em được giải quốc gia trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và không sử dụng quyền tuyển thẳng. Vậy có thể nhận hồ sơ ưu tiên xét tuyển ở đâu?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Nếu em đoạt giải 3 trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2013 hoặc 2012 mà không sử dụng quyền tuyển thẳng, em phải đăng ký dự thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2013. Nếu em đạt từ điểm sàn đại học của Bộ GD-ĐT trở lên và không có môn thi nào bị điểm 0, em sẽ được ưu tiên xét tuyển vào ngành mà em đăng ký dự thi.
Nguyễn Huy Giang (Từ Sơn, Bắc Ninh): Các thầy cho em hỏi tiêu chuẩn tuyển thẳng vào ĐH KHXH&NV như thế nào ạ? Em học khối C thầy ạ. Cảm ơn thầy.
- ThS Đinh Việt Hải: Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQGHN:
Chào em, ngày 22/03/2013 (thứ 6 tuần trước), Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành văn bản số 1880/BGDĐT- KTKĐCLGD hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2013 (mời em xem tại đây http://www.moet.gov.vn/?page=1.26&view=4842).
Vì vậy, hẹn em vào cuối tuần này sẽ có thông tin trả lời chi tiết của Trường Đại học KHXH&NV.
Hồng Mai (18 tuổi, Nghệ An): Cho em hỏi vào học ngành Quốc tế của trường ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay có thi khối C không ạ? Thường mọi năm khoa này lấy bao nhiêu điểm?
-ThS Đinh Việt Hải: Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQGHN: Chào em Mai. Trước hết là Thầy sẽ sửa lại câu hỏi 1 chút nhé, đó là ngành Quốc tế học (không phải là ngành Quốc tế) của Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQGHN (không phải là Trường ĐH Quốc gia Hà Nội).
Ngành Quốc tế học tuyển sinh khối C, có điểm chuẩn những năm gần đây là 21.5 (năm 2012), 17 (năm 2011), 20.5 (năm 2010). Nhìn chung, mức điểm dao động trong khoảng 20 điểm. Em chú ý năm 2011 do đề thi môn Lịch sử khó quá nên năm đó điểm mới thấp như vậy.
Chi tiết thông tin về ngành Quốc tế học, em xem tại đây http://tuyensinh.ussh.edu.vn/program/quoc-te-hoc
Khoa (khoayeukieu@yahoo.com): Em thấy hiện nay ít người thi vào khoa địa lý – ĐH Tự nhiên vì cho rằng cơ hội xin việc sau này sẽ rất khó. Xin thầy cho em hỏi ngành này có tương lai gì không?.
- TS. Đoàn Văn Vệ - Trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội: Bạn thân mến, dù bạn học khoa nào thì cơ hội việc làm đều tốt. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào bản thân phấn đấu của bạn.
Nếu học khoa này bạn có thể làm ở các lĩnh vực sau: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục đo đạc và bản đồ Việt Nam; Cục Công nghệ thông tin; Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường; Trung tâm Viễn thám Quốc gia; Nhà xuất bản Bản đồ;
- Tổng cục Quản lý đất đai, Trung tâm điều tra đánh giá tài nguyên đất, Công ty đo đạc địa chính và Công trình thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường;
- Viện Chiến lược và chính sách KH&CN, Viện Khoa học & Xã hội, Viện Ứng dụng công nghệ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững, Viện/ Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN;
- Viện Địa chất, Viện Địa lý, Viện Tài nguyên & Môi trường biển, Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Công nghệ vũ trụ thuộc Viện KH&CN Việt Nam;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng; Tổng cục V - Bộ Công an;
- Công ty đo đạc ảnh - địa hình; Công ty tư vấn dịch vụ Công nghệ Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường;
- Sở KH&CN, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh, thành phố;
- Giảng dạy ở các trường Đại học, Cao đẳng, THPT;
- Các tổ chức Quốc tế và các tổ chức phi chính phủ;
- Các doanh nghiệp thuộc khối Nhà nước và tư nhân, Các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân làm nghiệp vụ đo đạc và thông tin đất đai;
- Cán bộ địa chính của các quận, huyện, xã, phường.
Mơ (TP Vinh): Được biết, Trường ĐHKH tự nhiên có hệ đào tạo chất lượng cao. Vậy hệ đào tạo này khác gì so với hệ đào tạo bình thường. Điều kiện để được học tại hệ đào tạo chất lượng cao là gì?
- TS. Đoàn Văn Vệ - Trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội: Chương trình đào tạo chất lượng cao: Địa lý tự nhiên; Khí tượng học; Khoa học môi trường
1. Quyền lợi của sinh viên
Ngoài quyền lợi và nghĩa vụ như SV khác, SV CTĐT chất lượng cao còn được hưởng các quyền lợi sau đây:
- Điều kiện học tập: được ưu tiên sử dụng phương tiện, thiết bị, tài liệu học tập, nghiên cứu; được các giáo sư, tiến sĩ giỏi và có uy tín giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học.
- Học phí: theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với SV hệ đại học chính quy.
- Học bổng: học kỳ I, cấp kinh phí hỗ trợ học tập 200.000 đồng/tháng/SV; từ học kỳ II trở đi xét theo kết quả học tập (mức học bổng xuất sắc: 500.000 đồng/tháng/SV).
- Được ưu tiên cử đi học ở nước ngoài theo chỉ tiêu của Nhà nước hoặc dự án hợp tác của Nhà trường.
- Sau khi tốt nghiệp, được ưu tiên xét chuyển tiếp cao học, nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài, hoặc được ưu tiên tuyển chọn làm cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu của ĐHQGHN và các trường đại học, viện nghiên cứu khác.
2. Đối tượng xét tuyển
a) Tuyển thẳng:
- Thành viên tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và Quốc tế các môn Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học và Sinh học.
- Thí sinh đạt từ giải Ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia các môn Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học và Sinh học.
b) Xét tuyển:
- Cả 3 CTĐT (Địa lý tự nhiên; Khí tượng học; Khoa học môi trường) xét tuyển thí sinh có tổng điểm 3 bài thi tuyển sinh đại học năm 2013 khối A, A1 cao.
- CTĐT chất lượng cao Khoa học môi trường còn xét tuyển thí sinh đã trúng tuyển vào ĐHQGHN có tổng điểm 3 bài thi tuyển sinh đại học năm 2013 khối B cao.
Ghi chú:
Thông báo chi tiết có trên website: http://hus.vnu.edu.vn ; các mức điểm cụ thể sẽ có khi có kết quả thi tuyển sinh.
Bác Nguyễn Văn Nghệ: Hiện nay con trai tôi đang học năm nhất tại Khoa Bác sỹ y học dự phòng- ĐH Y dược Cần Thơ. Năm nay cháu muốn thi lại khoa bác sỹ đa khoa của trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Như vậy có vi phạm quy chế tuyển sinh không? Nếu cháu đỗ thì có được chuyển sang học ngành Bác sỹ đa khoa không? Có khó khăn gì trong việc chuyển hồ sơ không?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Nếu con của bác hiện đang là sinh viên của trường Đại học Y dược Cần Thơ mà có nguyện vọng thi lại vào ngành Bác sỹ Đa khoa của Đại học Quốc Hà Nội thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Cần Thơ. Thủ tục đăng ký dự thi theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Một độc giả ở Thái Bình: Em được biết khi theo học các chương trình liên kết quốc tế tại khoa Quốc tế, sinh viên có cơ hội nhận được các suất học bổng chuyển tiếp tại các trường đối tác. Cho em biết điều kiện để nhận các suất học bổng này như thế nào?
TS Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học (Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia HN): Theo học tại khoa Quốc tế, ngoài các loại học bổng của khoa, sinh viên có cơ hội nhận được các suất học bổng của các trường ĐH đối tác nước ngoài.
Cụ thể: Trường ĐH Keuka (Hoa Kỳ) hàng năm cấp 10 suất học bổng trị giá khoảng 22.630 USD/sinh viên/năm học (tương đương khoảng 470.000.000 đồng).
+ Đại học Giao thông Trùng Khánh (Trung Quốc) dành 5 suất học bổng, miễn 100% học phí cho sinh viên Khoa Quốc tế học hệ đào tạo tiếng Trung Quốc tại Khoa hay sang Trung Quốc.
Ngoài ra phải kể đến một số học bổng khác như của ĐH HELP (Malaysia), Lunghwa (Đài Loan) và các trường đối tác tại LB Nga.
Để nhận được các suất học bổng trên, sinh viên phải đạt được kết quả học tập tại Khoa Quốc tế từ loại Khá trở lên, tham gia tích cực vào các hoạt động đoàn thể, hoạt động xã hội, được tập thể lớp công nhận. Bên cạnh đó, sinh viên phải đáp ứng điều kiện về trình độ ngoại ngữ của trường ĐH đối tác nước ngoài (tiếng Anh IELTS đạt 6.0; tiếng Pháp TCF đạt 400; tiếng Nga đạt chứng chỉ TRKI I; tiếng Trung Quốc: HSK cấp 6). Ngoài ra, sinh viên còn phải vượt qua vòng phỏng vấn của trường ĐH đối tác nước ngoài.
Để biết thêm thông tin các bạn xem tại website của Khoa Quốc tế: www.khoaquocte.vn
Doan Hoang Cong (kiemlangtu@gmail.com): Thầy cô cho em hỏi trường ĐH KHTN và ĐH KHXHNV có ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh tự do có giải Học sinh giỏi Quốc gia năm 2012 không ạ? Nếu có thì thủ tục đăng kí ưu tiên xét tuyển như thế nào ạ? Có phải xin dấu xác nhận của hiệu trưởng THPH như học sinh Lớp 12 của trường không? Nếu thi khối thi trái với môn đạt giải (trong 3 môn thi không có môn đạt giải) thi có được ưu tiên không?
Tiến sỹ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Thí sinh đoạt giải 3 trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2013, hoặc năm 2012 không sử dụng quyền tuyển thẳng mà tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2013, nếu đạt từ điểm sàn đại học trở lên của Bộ GD-ĐT và không có môn thi nào bị điểm 0 thuộc diện ưu tiên xét tuyển.
HA strawberry_ice_cream _0304@yahoo.com.vn: Em có một thắc mắc, xin các thầy giải đáp giúp em. Ngành Quốc tế học có phải là Quan hệ quốc tế không? Nếu như học Quốc tế học thì sau khi tốt nghiệp đại học em có thể thi cao học ngành Quan hệ quốc tế được không ạ? Em xin cảm ơn.
THS Đinh Việt Hải: Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQGHN: Theo Thông tư 14/2010//TT-BGDĐT, ngày 27/04/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học, ngành Quan hệ quốc tế (có mã ngành 52310206) thuộc nhóm ngành Khoa học chính trị (có mã nhóm ngành 523102) cùng với các ngành Chính trị học, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Quản lý nhà nước, Quản lý kinh tế còn ngành Quốc tế học (có mã ngành 52220212) thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài (có mã nhóm ngành là 522202) cùng với các ngành Đông phương học, Đông Nam Á học …..
Chương trình đào tạo đại học ngành Quốc tế học của Trường Đại học KHXH&NV có các chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Châu Âu học, Châu Mỹ học… Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quốc tế học, sinh viên được thi cao học chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Trường.
Mời em xem thêm thông tin về ngành Quốc tế học tại đây http://tuyensinh.ussh.edu.vn/program/quoc-te-hoc
Sau 2 tiếng đồng hồ, các thầy, cô của Đại học Quốc gia Hà Nội đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề tuyển sinh đại học cao đẳng năm nay của hàng trăm độc giả khắp nơi trong cả nước. Hy vọng đây là những thông tin bổ ích giúp các em thí sinh có thêm thông tin để có sự lựa chọn phù hợp cho mình trong mùa tuyển sinh này./.
Các bạn có thể gửi câu hỏi đến địa chỉ: tuvantuyensinh@vnu.edu.vn để được trả lời.
|