Sau đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Sau đại học
Thực hiện Quy chế đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN
Ngày 25/8/2011, ĐHQGHN có công văn số 2461/ĐHQGHN-ĐT, về việc thực hiện Quy chế đào tạo SĐH ở ĐHQGHN. Nội dung và lộ trình thực hiện như sau:

1.Các nội dung cần thống nhất:
a) Thời lượng một số môn học trong chương trình đào tạo thạc sĩ:
- Môn Triết học: 3 tín chỉ đối với các chuyên ngành thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, 2 tín chỉ đối với các chuyên ngành thuộc nhóm ngành khoa học khác. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chịu trách nhiệm xây dựng đề cương môn học và tổ chức giảng dạy môn Triết học cho các chuyên ngành thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Giảng viên lí luận chính trị chịu trách nhiệm xây dựng đề cương môn học và tổ chức giảng dạy môn Triết học cho các chuyên ngành thuộc nhóm ngành khoa học khác;
- Các môn ngoại ngữ cơ bản (Tiếng Anh cơ bản, Tiếng Nga cơ bản, Tiếng Pháp cơ bản, Tiếng Đức cơ bản, Tiếng Trung Quốc cơ bản): 4 tín chỉ;
- Các môn Ngoại ngữ học thuật (Tiếng Anh học thuật, Tiếng Nga học thuật, Tiếng Pháp học thuật, Tiếng Đức học thuật, Tiếng Trung Quốc học thuật): 3 tín chỉ.
b) Điểm thưởng và ưu tiên trong xét chuyển tiếp sinh:
- Điểm thưởng thành tích nghiên cứu khoa học được tính từ 0 đến 0,5;
- Những người tốt nghiệp các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, tài năng, chất lượng cao, tiên tiến được cộng điểm cho các học phần/môn học bổ sung, nâng cao. Nguyên tắc tính như sau: các học học phần/môn học bổ sung, nâng cao đạt từ điểm 4 đến điểm 9 được cộng thêm 1 điểm (thang điểm 10) để tính điểm trung bình chung tích lũy. Việc tính điểm này chỉ áp dụng cho việc xét chuyển tiếp sinh đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
c) Những người tốt nghiệp các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, đã đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của ĐHQGHN được công nhận tương đương với chứng chỉ TOEFL/EILTS được miễn thi môn ngoại ngữ trong các kì tuyển sinh sau đại học ở bậc tiếp theo trong thời hạn 24 tháng tính từ thời điểm kí công nhận tốt nghiệp đến ngày dự thi sau đại học.
d) Một số yêu cầu đối với việc xét tuyển học viên, nghiên cứu sinh người nước ngoài vào học tại ĐHQGHN:
- Yêu cầu về văn bằng: ngành/chuyên ngành phù hợp do các đơn vị chuyên môn xác định và được thủ trưởng đơn vị đào tạo thông qua;
- Những người đăng kí nghiên cứu, học tập và  bảo vệ luận văn/luận án bằng 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc thì có thể được xem xét để miễn chứng chỉ tiếng Việt (trừ trường hợp đăng kí học các chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn nghiên cứu về Việt Nam).
e) Việc cho phép học viên, nghiên cứu sinh nghỉ học tạm thời hoặc đăng kí học ít hơn số tín chỉ quy định cho mỗi học kì do Thủ trưởng đơn vị đào tạo xem xét và quyết định. Không còn thời gian tạm ngừng trong quá trình đào tạo sau đại học. Trường hợp đặc biệt, Giám đốc ĐHQGHN sẽ xem xét và quyết định.
g) Mức điểm đạt yêu cầu của các môn học và chuyên đề trong chương trình đào tạo sau đại học là điểm C trở lên. Điểm F là điểm không đạt, người học phải học và thi lại. Các mức điểm D, D+ là điểm chấp nhận được, không bắt buộc phải thi lại. Nếu người học có các điểm cao hơn bù được cho các điểm này để điểm trung bình chung tích lũy đạt từ 2.5 trở lên thì người học vẫn đủ điều kiện bảo vệ luận văn, luận án và xét tốt nghiệp. Trường hợp điểm trung bình chung tích lũy dưới 2.5 thì người học phải thi lại các môn có điểm D và D+ hoặc học và thi các môn thay thế.
2.Lộ trình thực hiện:
a) Công tác tuyển sinh: áp dụng Quy chế 1555 từ kì thi tuyển sinh sau đại học của năm 2011;
b) Công tác xây dựng chương trình đào tạo mới và điều chỉnh chương trình đào tạo hiện hành: áp dụng Quy chế 1555 từ ngày Quy chế được ban hành;
c) Công tác tổ chức đào tạo:
- Đối với người học thuộc các khóa tuyển sinh trước năm 2011: áp dụng Quy chế 3810;
- Đối với người học thuộc các khóa tuyển sinh từ năm 2011 trở đi: áp dụng theo Quy chế 1555;
d) Kiểm định chất lượng và công khai điều kiện đảm bảo chất lượng: áp dụng Quy chế 1555 từ ngày Quy chế được ban hành.

>> Xem chi tiết tại đây

 VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :