1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thu Thủy
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 05.08. 1964
4. Nơi sinh: La Miệt, Yên Giả, Quế Võ, Bắc Ninh.
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 2388/SĐH của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 29 tháng 6 năm 2007.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Ra hạn thêm 01 năm và tạm ngừng 01 năm.
7. Tên đề tài luận án: Modal Verbs in English and Vietnamese: A Cognitive Perspective (Động từ tình thái trong tiếng Anh và tiếng Việt: Nghiên cứu từ góc độ tri nhận)
8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh
9. Mã số: 62 22 15 01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Võ Đại Quang; GS. TS. Hoàng Văn Vân
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Luận án mô tả, phân tích và so sánh/ đối chiếu về tình thái căn bản và tình thái nhận thức của động từ tình thái trong tiếng Anh và tiếng Việt theo khung lý thuyết về động lực (force dynamics) từ góc độ tri nhận. Mục đích của nghiên cứu là tìm ra những nét tương đồng và dị biệt giữa tình thái căn bản (bao gồm tình thái bắt buộc (obligation), cho phép (permission), năng lực (ability), ý chí (volition)) và tình thái nhận thức (bao gồm tình thái cần thiết (necessity), khả suất (probability), khả năng (possibility)) trong tiếng Anh và tiếng Việt được biểu hiện qua các động từ tình thái dựa trên khung lý thuyết về động lực (force dynamics).
Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được lấy từ hai kho khối liệu: một bằng tiếng Anh có tổng số 500.000 từ trong 91 văn bản khoa học xã hội và một bằng tiếng Việt có 500.000 từ trong 119 văn bản khoa học xã hội. Những văn bản này là bài báo đăng trên các tạp chí khoa học viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt trong 7 lĩnh vực: Giáo dục, tâm lý học, khoa học xã hội, kinh tế, ngôn ngữ học, văn hóa và pháp luật, được xuất bản từ năm 2000 đến 2011. Với sự trợ giúp của phần mềm phân tích khối liệu TexSTAT-2, dữ liệu được phân tích định tính và định lượng để tìm sự tương đồng và khác biệt của tình thái căn bản và tình thái nhận thức của động từ tình thái trong tiếng Anh và tiếng Việt theo khung lý thuyết về lực tương tác. Trong quá trình nghiên cứu, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ nguồn và tiếng Việt là ngôn ngữ so sánh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy người Anh và người Việt đều sử dụng tình thái bắt buộc (obligation), cho phép (permission), năng lực (ability), ý chí (volition), cần thiết (necessity), khả suất (probability), và khả năng (possibility) với những cấu trúc về lực (forces) và rào cản (barriers) khác nhau để trình bày ý kiến / thái độ khác nhau của họ đối với các mệnh đề hoặc các sự kiện. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy rằng có lực tương tác (force opposition) tồn tại một cách phổ biến ở động từ tình thái tiếng Anh và tiếng Việt. Đó là lực tương tác giữa tác nhân (Agonist) (chủ ngữ của cú) và đối kháng (Antagonist). Có nhiều loại lực tương tác có độ mạnh/ yếu khác nhau. Lực có thể mạnh, bắt buộc người tham gia hoặc buộc sự tình/ sự kiện xảy ra (Ví dụ: động từ tình thái must trong tiếng Anh và phải trong tiếng Việt). Lực có thể ngăn chặn người tham gia hoặc tình huống xảy ra (VD: cannot trong tiếng Anh và không thể trong tiếng Việt). Có thể có những trường hợp không có lực (absence of force), hoặc loại bỏ các rào cản (removal of restraint) hoặc không có rào cản nên sự tình/ sự kiện có thể xảy ra (mặc dù không cần thiết) (VD: can trong tiếng Anh và có thể trong tiếng Việt).
Tuy nhiên, hai ngôn ngữ cũng khác nhau về mức độ thể hiện kinh nghiệm khoa học trong giao tiếp bằng cách sử dụng các động từ tình thái khác nhau với độ mạnh của lực trong nhận thức, trong tương tác xã hội và trong suy luận. Một trong những khác biệt điển hình là trong tiếng Anh những động từ tình thái có độ mạnh của lực thấp (can, could, may, might) chiếm ưu thế so với những động từ tình thái có độ mạnh trung bình (will/ would/ should/ ought) và những động từ tình thái có độ mạnh cao (must/ have to/ need/ cannot). Điều này thể hiện xu hướng là dùng tình thái để giảm nhẹ hơn là để nhấn mạnh những nhận định trong văn bản học thuật. Ngược lại, trong tiếng Việt, những động từ tình thái có độ mạnh cao (phải, cần, không thể) chiếm ưu thế hơn so với những động từ tình thái có độ mạnh trung bình (nên, sẽ, muốn, định, toan) và những động từ tình thái có lực thấp (có thể/ có lẽ). Điều này có thể suy luận rằng khi viết bài báo trên tạp chí khoa học xã hội, các tác giả người Việt có xu hướng dùng động từ tình thái để nhấn mạnh sự bắt buộc (obligation) và sự cần thiết (necessity). Nói cách khác, họ chủ quan, cảm tính và kinh nghiệm khi họ nhấn mạnh lập trường/ thái độ của mình đối với sự tình/ sự kiện. Đây cũng là một đặc trưng trong lối nhận thức, tư duy của người Việt. (cf. Thêm 1998, Bochner 1986, & Marr 1981).
Tác giả hy vọng rằng những phát hiện từ luận án này sẽ đóng góp vào sự hiểu biết về tình thái căn bản và tình thái nhận thức của động từ tình thái trong tiếng Anh so với tiếng Việt nhìn từ góc độ tri nhận theo khung lý thuyết về lực tương tác (force dynamics) và những nét tương đồng và dị biệt trong diễn đạt tình thái bắt buộc, cho phép, năng lực, ý chí (trong miền tương tác vật lý xã hội) và tình thái chỉ sự cần thiết, khả suất và khả năng (trong miền suy luận). Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng có thể ứng dụng hiệu quả trong dạy học và dịch thuật tiếng Anh và tiếng Việt.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
Những phát hiện từ luận án này sẽ đóng góp vào sự hiểu biết về tình thái căn bản và tình thái nhận thức của động từ tình thái trong tiếng Anh so với tiếng Việt nhìn từ góc độ tri nhận theo khung lý thuyết về lực (force dynamics) và những nét tương đồng và dị biệt trong diễn đạt tình thái bắt buộc, cho phép, năng lực, ý chí (trong miền tương tác vật lý xã hội) và tình thái chỉ sự cần thiết, khả suất và khả năng (trong miền suy luận). Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng ứng dụng hiệu quả trong dạy học và dịch thuật tiếng Anh và tiếng Việt.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Nếu có thể, luận án sẽ mở rộng thêm hướng nghiên cứu về tình thái trong các văn bản khoa học tự nhiên trong tiếng Anh và tiếng Việt hoặc dùng khung lý thuyết về lực tương tác để nghiên cứu, khúc giải các phương tiện từ vựng – ngữ pháp khác diễn đạt tình thái như danh từ, động từ thường, tính từ, trạng từ, tiểu từ tình thái.
14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
1. Nguyễn Thị Thu Thủy (2011), “Modality in Vietnamese and English Social Science Texts”, Vietnam Social Sciences (VSS) Vietnam Academy of Social Sciences. No 2 (142) – 2011, pp. 86-93.
2. Nguyễn Thị Thu Thủy (2012), “Động từ tình thái tiếng Anh và tiếng Việt trong các văn bản khoa học xã hội”, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 3 (197) năm 2012, pp. 33-39.
3. Nguyễn Thị Thu Thủy (2012), “Tính tình thái chủ quan và tình thái khách quan trong các văn bản khoa học tiếng Anh và tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ số 6 – 2012, pp. 40-56.
4. Nguyễn Thị Thu Thủy (2011), “Tính tình thái trong các văn bản khoa học xã hội tiếng Anh và tiếng Việt từ góc nhìn của Ngữ pháp Tri nhận”, Tập san Khoa học – Giáo dục, Trường Cao Đẳng Sư Phạm Bắc Ninh số 13, tháng 11 năm 2011, pp. 77-81.
5. Nguyễn Thị Thu Thủy (2010), “Subjectification and Objectification Modalities in English and Vietnamese Social Science Texts from Cognitive Perspective”, In Abstracts of Presentation and Poster Session at “The 8th ASIA TEFL- 2010 Hanoi International Conference”, Hanoi, August 6-8th, 2010; Hanoi: Vietnam National University Publishers, pp. 259.
6. Nguyễn Thị Thu Thủy (2011), “A Brief Contrastive Analysis of Modalities in English And Vietnamese Social Science Texts from Cognitive Grammar”, In Abstracts of Presentation at International Conference on TESOL: English For All, Hue City, Vietnam, September 15-17th, 2011, pp. 23.
7. Nguyễn Thị Thu Thủy (2013), “Phương tiện biểu đạt tính tình thái trong tiếng Anh và tiếng Việt”, Tạp chí Giáo dục số đặc biệt 5/2013, pp. 92-93.
8. Nguyễn Thị Thu Thủy (2014), “Tình thái đạo nghĩa trong tiếng Anh và tiếng Việt (Nhìn từ góc độ tri nhận)”, Tạp chí Khoa Học Giáo Dục – Chuyên đề khoa học giáo dục của Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh Số 16 (5.2014), pp. 85-88.
>>>>> Xem bản thông tin tiếng Anh.
|