1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Vũ Đình Quang 2. Giới tính: Nam 3. Ngày sinh: 08/01/1984 4. Nơi sinh: Hà Nội 5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Số 4050/QĐ-KHTN-CTSV ngày 19/9/2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. 6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Gia hạn theo Quyết định số 597/QĐ-ĐHKHTN ngày 06/3/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. 7. Tên đề tài luận án: “Nghiên cứu một số biến đổi di truyền và mối liên quan với các yếu tố tiên lượng, định hướng điều trị bệnh nhân u nguyên bào thần kinh” 8. Chuyên ngành: Di truyền học 9. Mã số: 62420121 10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: Hướng dẫn chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Vân; Hướng dẫn phụ: TS. BS. Phùng Tuyết Lan 11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án: - Phát hiện một số biến đổi di truyền trên bệnh nhân nhi mắc bệnh u nguyên bào thần kinh. - Khuếch đại gen MYCN phát hiện được ở 21/141 bệnh nhân u nguyên bào thần kinh bằng kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ, chiếm tỷ lệ 14,89%. - Kỹ thuật MLPA được thực hiện trên 10 bệnh nhân u nguyên bào thần kinh nguy cơ thấp để tìm bất thường nhiễm sắc thể số 2 và 17. Có 2 bệnh nhân được phát hiện có bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể số 17, gồm 1 bệnh nhân mang mất đoạn cánh ngắn nhiễm sắc thể số 17 và 1 bệnh nhân có thêm đoạn cánh dài nhiễm sắc thể số 17. Các bệnh nhân còn lại không phát hiện bất thường trên 2 nhiễm sắc thể này. - Kỹ thuật lai so sánh hệ gen được thực hiện trên 6 bệnh nhân u nguyên bào thần kinh nguy cơ thấp. Kết quả cho thấy 2 bệnh nhân thuộc nhóm bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể và 4 bệnh nhân thuộc nhóm bất thường số lượng nhiễm sắc thể. Các bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể xuất hiện ở cả 2 bệnh nhân là mất đoạn 1p và thêm đoạn 17q. Các bất thường số lượng nhiễm sắc thể xuất hiện chủ yếu là mất nhiễm sắc thể số 4, 10, 14, 19 và 21 cùng với thêm nhiễm sắc thể số 7. - Có 2 bệnh nhân được thực hiện cả 2 xét nghiệm MLPA và lai so sánh hệ gen. Trong đó, 1 bệnh nhân không được phát hiện bất thường NST bằng kỹ thuật MLPA nhưng được xác định thêm NST số 17 bằng kỹ thuật lai so sánh hệ gen. Bệnh nhân còn lại được phát hiện mất đoạn 17q bằng kỹ thuật MLPA nhưng kết quả lai so sánh hệ gen cho thấy bệnh nhân này có cả mất đoạn 17p và thêm đoạn 17q. - Kỹ thuật lai so sánh hệ gen có nhiều ưu điểm hơn so với kỹ thuật MLPA như sàng lọc 23 nhiễm sắc thể trong 1 lần chạy, độ nhạy và độ đặc hiện cao hơn. Do vậy, kỹ thuật lai so sánh hệ gen có thể thay thế kỹ thuật MLPA khi cần phát hiện các thay đổi về số lượng bản sao ở bệnh nhân u nguyên bào thần kinh. - Xác định được các bước đánh giá biến đổi di truyền trên bệnh nhân u nguyên bào thần kinh như sau: Tất cả các bệnh nhân u nguyên bào thần kinh được xác định trạng thái gen MYCN để phân nhóm nguy cơ. Tiếp theo, các bệnh nhân nguy cơ thấp (không có khuếch đại gen MYCN) cần thông tin thêm về biến đổi bộ NST được làm xét nghiệm lai so sánh hệ gen để định hướng điều trị. - Xác định sự liên quan giữa các biến đổi di truyền với một số yếu tố tiên lượng và định hướng điều trị u nguyên bào thần kinh. - Trong nghiên cứu này, 48,2% bệnh nhân dưới 1 tuổi và 99,3% bệnh nhân dưới 5 tuổi. Chỉ 5/21 bệnh nhân khuếch đại gen MYCN ít hơn 1 tuổi, còn lại phần lớn bệnh nhân khuếch đại gen ở các nhóm tuổi lớn hơn. Trạng thái gen MYCN và tuổi chẩn đoán không có sự liên quan với nhau (χ2 = 5,895 với p<0,05). - Tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái=1,56, và khuếch đại gen MYCN gặp nhiều hơn ở trẻ trai. Trạng thái gen MYCN và giới tính không có sự liên quan với nhau (t-Student = 0,574 với p<0,05). - Có 122/141 bệnh nhân ở giai đoạn khu trú (L1, L2), chiếm tỷ lệ 86,53%. Còn lại 19 bệnh nhân ở giai đoạn di căn (M và Ms), chiếm tỷ lệ 13,47%. Tỷ lệ khuếch đại gen MYCN cao nhất ở giai đoạn M (8/12 bệnh nhân) và Ms (2/7 bệnh nhân). Trạng thái MYCN và giai đoạn bệnh không có mối liên quan với nhau (χ2 = 37,577 với p<0,05). - Chỉ số VMA niệu được định lượng trên 115 bệnh nhân với 61,5% bệnh nhân tăng nồng độ trên 2,5 lần. Chỉ số HVA niệu được định lượng trên 117 bệnh nhân với 50,4% bệnh nhân tăng nồng độ trên 2,5 lần. Tỷ lệ VMA/HVA > 1 gặp nhiều ở các bệnh nhân có tiên lượng tốt. Trong nghiên cứu này, 13/14 bệnh nhân khuếch đại gen có tỷ lệ VMA/HVA < 1. Trạng thái gen MYCN và nồng độ VMA, HVA không có mối liên quan với nhau (χ2 = 2,562 với p<0,05). - Khoảng 52,48% bệnh nhân u nguyên bào thần kinh không tăng nồng độ LDH khi chẩn đoán và 15,6% bệnh nhân có nồng độ LDH tăng cao. Phần lớn bệnh nhân có khuếch đại gen MYCN đều có chỉ số LDH tăng cao (16/21 bệnh nhân). Kết quả nghiên cứu này cũng chỉ ra có mối liên hệ giữa trạng thái gen MYCN với nồng độ LDH (χ2 = 69,123 với p<0,05). - Hơn 90% bệnh nhân trong nghiên cứu này thuộc nhóm u nguyên bào thần kinh ít biệt hóa. Tương tự như vậy, 85% bệnh nhân có khuếch đại gen MYCN cũng thuộc nhóm biệt hóa này. Không có bệnh nhân khuếch đại gen nào thuộc nhóm u nguyên bào thần kinh đang biệt hóa. Kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra có mối liên hệ giữa trạng thái gen MYCN với trạng thái biệt hóa của khối u nguyên bào thần kinh (χ2 = 7,307 với p<0,05). - Khối u có tiên lượng mô bệnh học thuận lợi chiếm tỷ lệ 64,7% và có tiên lượng mô bệnh học không thuận lợi chiếm tỷ lệ 35,3%. Khoảng 75% khối u có khuếch đại gen MYCN có tiên lượng mô bệnh học không thuận lợi. Trạng thái gen MYCN và tiên lượng mô bệnh học không có mối liên quan với nhau (χ2 = 16,187 với p<0,05). - Trong số 21 bệnh nhân có khuếch đại gen MYCN, có tám bệnh nhân giai đoạn M, nguy cơ cao không cần phải thay đổi phác đồ điều trị. Còn lại 13 bệnh nhân ở các giai đoạn khác đều cần phải điều trị phác đồ mạnh hơn: một bệnh nhân giai đoạn L1 từ phác đồ nguy cơ thấp chuyển sang phác đồ nguy cơ trung bình. Các bệnh nhân giai đoạn L2 và Ms đều chuyến sang điều trị nguy cơ cao. - Có 6 bệnh nhân được đánh giá toàn bộ các nhiễm sắc thể bằng kỹ thuật lai so sánh hệ gen. Nhóm bất thường số lượng nhiễm sắc thể có 4 bệnh nhân, trong đó có 1 bệnh nhân mới, 2 bệnh nhân đang theo dõi sau 2 đợt hóa chất và 1 bệnh nhân đã điều trị 3 đợt hóa chất. Do xác định được đặc điểm di truyền của bệnh nhân, bệnh nhân mới không cần điều trị hóa chất, 3 bệnh nhân còn lại không cần tiếp tục hóa trị. Nhóm bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể có 2 bệnh nhân, trong đó có 1 bệnh nhân giai đoạn L2 và 1 bệnh nhân giai đoạn M. Kết quả di truyền đã xác định bệnh nhân giai đoạn L2 cần tiếp tục điều trị hóa chất và bệnh nhân giai đoạn M có 50% cơ hội thành công với phác đồ điều trị nguy cơ cao. Hiện nay, cả 6 bệnh nhân đều đang ở giai đoạn ổn định. 12. Khả năng ứng dụng thực tiễn: - Kết quả nghiên cứu của luận án đã và đang được sử dụng trong phân nhóm nguy cơ cho bệnh nhân cũng như lựa chọn cách thức điều trị cho các bệnh nhân u nguyên bào thần kinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. 13. Các hướng nghiên cứu tiếp theo: - Tiếp tục triển khai kỹ thuật lai so sánh hệ gen trên các bệnh nhân u nguyên bào thần kinh không có khuếch đại gen MYCN, không chỉ ở nhóm bệnh nhân nguy cơ thấp mà có thể cả nhóm nguy cơ trung bình và cao để có một cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn về trẻ nhi mắc u nguyên bào thần kinh ở Việt Nam. - Tiến hành nghiên cứu đột biến trên một số gen có liên quan đến các khối u nguyên bào thần kinh như gen ALK, gen PHOX2B, gen MDM2… bằng kỹ thuật giải trình tự gen, hướng đến việc điều trị đích và cá nhân hoá hơn nữa việc điều trị cho các bệnh nhân ung thư nhi. 14. Các công trình công bố liên quan đến luận án: [1] Vũ Đình Quang, Nguyễn Xuân Huy, Phùng Tuyết Lan, Trần Đức Hậu, Trần Ngọc Sơn, Hoàng Ngọc Thạch, Lê Đình Công, Ngô Diễm Ngọc (21014), “Đánh giá khuếch đại gen MYCN trên bệnh nhân UNBTK”, Tạp chí Y Dược Lâm Sàng 108(9), trang 283-288. [2] Vũ Đình Quang, Nguyễn Thị Hồng Vân, Phùng Tuyết Lan, Trần Ngọc Sơn, Lê Đình Công, Hoàng Ngọc Thạch, Nguyễn Xuân Huy, Ngô Diễm Ngọc (2015), “Nghiên cứu mối quan hệ giữa trạng thái gen MYCN với một số yếu tố tiên lượng khác trên 41 bệnh nhân UNBTK”, Tạp chí Khoa học ĐHQG: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 31(4S), trang 288-293. [3] Vu Dinh Quang, Nguyen Thi Hong Van, Phung Tuyet Lan, Tran Ngoc Son, Le Dinh Cong, Hoang Ngoc Thach, Nguyen Xuan Huy, Ngo Diem Ngoc (2016),“Study on the Relationship Between MYCN Status and Certain Prognostic Factors in 131 Patients with Neuroblastoma”, Journal of Clinical Medicine 36, pp 30-36. [4] Vũ Đình Quang, Nguyễn Thị Hồng Vân, Phùng Tuyết Lan, Trần Ngọc Sơn, Lê Đình Công, Hoàng Ngọc Thạch, Nguyễn Xuân Huy, Ngô Diễm Ngọc (2016), “Nghiên cứu mối quan hệ giữa trạng thái gen MYCN với tuổi và kết quả mô bệnh học trên 41 bệnh nhân UNBTK”, Tạp chí Nhi khoa 9(3), trang 46-50. [5] Q.D. Vu, V.T.H. Nguyen, N.D. Ngo, N.X. Huy, L.T. Phung, C.D. Le, T.N. Hoang, M.T.C. Tran, H.T. Le (2016), “Association of MYCN Status with Certain Prognosis Factors of Vietnamese Neuroblastoma from 2013-2015”, Pediatric Blood and Cancer 63, pp S205-S206. [6] Q. Vu, N. Nguyen, L. Bui, H. Pham, C. Le, N. Le, T. Hoang, N. Ngo, H. Nguyen, L. Phung, V. Nguyen, H. Le (2017), “Treatment of non high risk neuroblastoma patients following SIOPEL protocol in Vietnam from 2013 to 2015”, Pediatric Blood and Cancer 64, pp S448-S449. [7] Vũ Đình Quang, Nguyễn Thị Hồng Vân, Phùng Tuyết Lan, Nguyễn Xuân Huy, Ngô Diễm Ngọc, Bùi Ngọc Lan, Phạm Duy Hiền, Lê Đình Công, Hoàng Ngọc Thạch, Dương Hồng Quân, Nguyễn Thanh Liêm, Lê Thanh Hải (2017), “Ứng dụng kỹ thuật lai so sánh hệ gen trong xác định biến đổi di truyền ở bệnh nhân UNBTK không khuếch đại gen MYCN”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 33(2S), trang 109-113.
|