1. Họ và tên: Trần Huy Sáng 2. Giới tính: Nam 3. Ngày sinh: 18/09/1980 4. Nơi sinh: Nam Định 5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 3253/2016/QĐ-XHNV, ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN 6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: - Đề tài cũ (9/2016): Nghiên cứu về ngôn điệu trong phát âm tiếng Anh chuyên ngành Y của sinh viên y khoa Học Viện Quân Y. - Lần điều chỉnh thứ nhất (8/2017): Đối chiếu và chuyển dịch Anh – Việt thành ngữ nói về sức khỏe. - Lần điều chỉnh thứ hai (11/2019): Đối chiếu và chuyển dịch thành ngữ Anh – Việt nói về sức khỏe. 7. Tên đề tài luận án: Đối chiếu và chuyển dịch thành ngữ Anh – Việt nói về sức khỏe 8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu 9. Mã số: 62 22 02 41 10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Văn Chính 11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án: - Về cấu trúc, ở nhóm các thành ngữ nói về sức khỏe (TNSK) dạng so sánh, tiếng Anh sử dụng bảy cấu trúc, trong khi đó tiếng Việt sử dụng chín cấu trúc. Hai ngôn ngữ sử dụng chung ba cấu trúc so sánh giống nhau. Các TNSK tiếng Anh chỉ có duy nhất một thành ngữ có chứa vế A, trong khi đó ở TNSK tiếng Việt, dạng thành ngữ này khá phong phú. Đặc điểm hình thái – cấu trúc vế B có khá nhiều điểm tương đồng khi cùng xuất hiện ở dạng danh từ, tính từ, từ ghép, danh ngữ, động ngữ, và tiểu cú. Tuy nhiên, đặc điểm hình thái – cấu trúc của thuộc tính so sánh trong các TNSK tiếng Anh lại đa dạng hơn trong tiếng Việt. Ở các TNSK dạng miêu tả ẩn dụ, do có sự khác biệt về loại hình ngôn ngữ nên phương thức phân tích mô hình cấu trúc của hai ngôn ngữ có sự khác nhau, tuy nhiên khi đối chiếu các TNSK tiếng Anh dạng ẩn dụ và TNSK tiếng Việt dạng ẩn dụ phi đối xứng, luận án cho thấy rằng mô hình cấu trúc của chúng chia sẻ rất nhiều điểm tương đương khi cả bốn cấu trúc cấu tạo nên TNSK tiếng Việt dạng ẩn dụ phi đối xứng đều tương đương với các cấu trúc cấu tạo nên TNSK tiếng Anh dạng ẩn dụ, mặc dù số lượng cấu trúc của nhóm TNSK tiếng Anh dạng ẩn dụ đa dạng hơn. - Về ngữ nghĩa, các TNSK ở cả hai ngôn ngữ đều sử dụng các trường ngữ nghĩa vế B và phạm vi biểu hiện nghĩa tương đương nhau. Các hình ảnh biểu trưng được sử dụng trong nhóm TNSK ở hai ngôn ngữ Anh và Việt khá đa dạng với nghĩa biểu trưng phong phú. Hình ảnh con người được sử dụng trong các TNSK tiếng Anh khá đa dạng và phản ánh những nét đặc trưng rất Anh, rất đời thường nhưng cũng khá cá nhân, còn trong tiếng Việt lại tập trung vào người già, trẻ em và mối quan hệ gia đình. Các hình ảnh vật dụng thường ngày của mỗi dân tộc cũng được sử dụng một cách đa dạng để khắc họa rõ nét và phản ánh đặc trưng của mỗi dân tộc. Hình ảnh tôn giáo cũng được phản ánh rõ nét trong TNSK Anh – Việt. Người Anh tin vào Chúa, kinh thánh nên luôn sử dụng các từ liên quan đến Chúa và các từ ngữ, điển tích được mượn trong kinh thánh. Trong khi đó, người Việt dù bị ảnh hưởng bởi Phật giáo nhưng cũng có những đặc trưng rất Việt liên quan đến tín ngưỡng Việt. Ngoài ra, hình ảnh của thế giới tự nhiên được sử dụng trong các TNSK cũng phản ánh những đặc trưng riêng của mỗi dân tộc liên quan đến văn hóa và địa lý. Chính những đặc trưng này dẫn tới sự khác biệt về phương thức tư duy của mỗi dân tộc. - Trong phần nghiên cứu trường hợp về phương thức chuyển dịch các TNSK trong Từ điển Anh – Việt của Viện Ngôn ngữ (1992), luận án khảo sát 265 TNSK tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt sử dụng hai chiến lược dịch. Ở chiến lược sử dụng các TNSK tương đương trong tiếng Việt, luận án cho rằng các dịch giả sử dụng ba phương thức chuyển dịch tương đương và bốn phương thức chuyển dịch không tương đương. Đối với phần đề xuất điều chỉnh và bổ sung chuyển dịch các phần dịch TNSK của các dịch giả trong cuốn từ điển Anh – Việt, luận án tiến hành điều chỉnh 15 thành ngữ sử dụng phương thức tương đương về hình thức và ngữ nghĩa với một số điều chỉnh về từ vựng, và 62 thành ngữ sử dụng phương thức tương đương về nghĩa nhưng khác hoàn toàn về hình thức. Ở chiến lược chuyển dịch không tương đương, luận án tiến hành điều chỉnh 03 thành ngữ sử dụng dạng dịch vay mượn, 14 thành ngữ sử dụng ngữ cố định, và 06 thành ngữ sử dụng thuật ngữ chuyên ngành y. 12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Luận án góp phần vào việc hiểu biết thêm những điểm tương đồng và khác biệt của hai ngôn ngữ, hai dân tộc Anh và Việt nhằm giúp việc giảng dạy và học tập hai ngôn ngữ Anh và Việt được dễ dàng hơn. Cụ thể, luận án cung cấp một lượng tư liệu về TNSK đáng kể nhằm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và sử dụng thành ngữ. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là những gợi ý ứng dụng trong dịch thuật, cho việc giảng dạy và học tiếng Anh và tiếng Việt cho cả người học tiếng Anh và tiếng Việt. 13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Tiếp tục nghiên cứu về TNSK Anh – Việt, đặc biệt là chuyển dịch TNSK để có thể cho ra đời một cuốn sách tham khảo liên quan đến TNSK nhằm mục đích phục vụ cho công tác nghiên cứu, trao đổi và học tập tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành y. 14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án: - Trần Huy Sáng (2019), “Đối chiếu TNSK Anh – Việt”, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư 5 (61), tr. 125-160. - Trần Huy Sáng (2020), “Một số đặc điểm và phương pháp dịch thành ngữ Anh – Việt nói về sức khỏe”, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư 1 (63), tr. 97-101.
|