1. Họ và tên: Đinh Minh Thu 2. Giới tính: Nữ 3. Ngày sinh: 20/01/1979 4. Nơi sinh: Hải Phòng 5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 1456/QĐ-ĐHNN của ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc Gia Hà Nội ngày 31 tháng 07 năm 2017 6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không 7. Tên đề tài luận án: Nghiên cứu tác động của bài thi tiếng Anh cuối học phần đối với giáo viên tại một trường Đại học ở Việt Nam 8. Chuyên ngành: Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn tiếng Anh 9. Mã số: 914023101 10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Văn Trào; TS Dương Thu Mai 11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án: Luận án có tính mới về cả lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, luận án đã kết hợp các lý thuyết trước đây nghiên cứu về tác động dội ngược của các bài thi với các khảo cứu về lý thuyết nhận thức và hành động của giáo viên để xây dựng một khung khái niệm mới cho nghiên cứu hiện tại. Có những yếu tố mới được thêm vào, đặc biệt là yếu tố tác động của bài thi lên việc phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên. Thêm nữa, một khung phương pháp nghiên cứu được thiết kế mới so với các khung lý thuyết trước. Nghiên cứu chính thức dựa trên nghiên cứu nền để tìm ra các thông tin nền có ý nghĩa hỗ trợ việc giải thích kết quả của nghiên cứu chính. Qua quá trình nghiên cứu thực nghiệm, khung lý thuyết trên được cải biến phản ánh đúng vấn đề nghiên cứu trong điều kiện cụ thể. Về mặt thực tiễn, phát hiện mới trong nghiên cứu là tìm ra tác động dội ngược của bài thi lên nhận thức và hành động của giáo viên theo bốn chủ điểm. Hai chủ điểm mới được thêm vào so với các nghiên cứu trước đây. Đó là chủ điểm giáo viên xác định mục tiêu dạy học và giáo viên phát triển chuyên môn. Vai trò của giáo viên được đặc biệt quan tâm trong cơ chế tác động dội ngược. Hai điểm mới có liên quan tới giáo viên là vị trí nghề nghiệp và nhu cầu phát triển chuyên môn của giáo viên. Hai điểm này có ý nghĩa quan trọng khiến tác động dội ngược diễn ra đa dạng. 12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Về mặt lý thuyết, khung khái niệm sử dụng cho nghiên cứu có thể được sử dụng để nghiên cứu tác động dội ngược của các bài thi khác nhau. Các bài thi không chỉ giới hạn ở việc đánh giá năng lực ngôn ngữ mà còn có thể đánh giá các năng lực khác. Khung lý luận này cũng có thể được sử dụng linh hoạt trong các hoàn cảnh nghiên cứu khác nhau. Về mặt phương pháp, các nghiên cứu sau này có thể sử dụng cách tiến hành thu thập dữ liệu qua hai bước từ nghiên cứu sơ khảo đến nghiên cứu chính thức. Cách kết hợp các công cụ nghiên cứu khác nhau giúp tăng tính tin cậy của kết quả nghiên cứu. Về mặt thực tiễn, các kết quả thu được có thể giúp giáo viên tại cơ sở nghiên cứu chiêm nghiệm bản thân trong nhận thức và thực hành giảng dạy dưới tác động của một bài thi và có thể giúp các nhà quản lý tại cơ sở nghiên cứu đó đưa ra các chính sách giáo dục ngôn ngữ phù hợp. Về mặt giáo dục, nghiên cứu gợi ý công tác đào tạo giáo viên trong giảng dạy nói chung và trong kiểm tra đánh giá nói riêng. 13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Kết quả nghiên cứu và thảo luận kết quả nghiên cứu gợi ý các tiềm năng nghiên cứu ý nghĩa giúp khắc phục các hạn chế của luận án cũng như mở rộng ra các lĩnh vực nghiên cứu khác. Có ba hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực nghiên cứu về tác động dội ngược. Thứ nhất, luận án này mới bàn tới các yếu tố cụ thể trong một hoàn cảnh nghiên cứu cụ thể. Do đó, có thể có các tiềm năng nghiên cứu trong các môi trường nghiên cứu khác ở các bậc học khác và các bài thi khác. Khung khái niệm của luận án (Hình 2.6) và khung tóm tắt kết quả luận án (Hình 4.2) có thể áp dụng sang các hoàn cảnh nghiên cứu mới. Các yếu tố mới xuất hiện trong các khung chưa có trong các nghiên cứu khác. Thứ hai, luận án gợi ý về sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu từ các trường đại học có điều kiện nghiên cứu tương tự. Sự hợp tác tiềm năng này hứa hẹn những đóng góp quan trọng trong lĩnh giáo dục ngoại ngữ ở bậc đại học trên diện rộng quốc gia. Thứ ba, luận án có thể là nghiên cứu nền cho những nghiên cứu tiếp theo cùng chủ đề tác động của bài thi tới nhận thức và giảng dạy của giáo viên từ góc độ người học, theo đường hướng định tính, hay nghiên cứu sự biến chuyển trong hành động và nhận thức của giáo viên sau nghiên cứu và sau kỳ thi. Luận án cũng gợi ý những nghiên cứu mới trong các lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực kiểm tra đánh giá, các nghiên cứu mới có thể gắn với căn tính giáo viên, yếu tố văn hóa, sự hiểu biết của giáo viên về kiểm tra đánh giá, động lực của giáo viên và học viên trong kiểm tra đánh giá, tính chủ động của người học, sự chuyển ngữ, hay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá…. Những gợi ý đó có thể làm phong phú thêm các lĩnh vực nghiên cứu và đóng góp cho sự phát triển của công tác giáo dục ngôn ngữ và các công tác khác. Thêm vào đó, khung khái niệm của luận án (Hình 2.6) có thể áp dụng thành khung khái niệm cho việc nghiên cứu các bài thi ở các môn học khác như toán, văn hay sinh học. 14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án: Thu, D.M. (2020). Washback to language teachers: A review of models and empirical research in and beyond Vietnam. VNU Journal of Foreign Studies. (36).4. 1-14. Thu, D.M. (2020). Washback of an English achievement test on teachers’ perceptions at a Vietnamese university. VNU Journal of Foreign Studies. (36).3. 1-16. Thu, D.M. (2019). Developing a washback framework of English tests to teachers’ perceptions and practices. Proceeding of the International Graduate Research Gymnasium. pp. 757-767. Vietnam National University Press, Hanoi. Thu, D.M. (2018). Developing a conceptual framework for washback of English tests to EFL teachers’ perceptions of teaching aspects. Proceeding of the International Graduate Research Gymnasium. pp. 620-633. Vietnam National University Press, Hanoi.
|