Trang chủ   >   >    >  
Nhà báo Hữu Thọ - Người thích đối thoại
Có lẽ vẻ đẹp quán xuyến suốt toàn bộ các tác phẩm báo chí của cây bút lão thành Hữu Thọ chính là tinh thần đối thoại thẳng thắn với xã hội của người làm báo chuyên nghiệp.

 

Trong phong cách viết của ông, phẩm chất này không khi nào chịu ngưng nghỉ. Tuổi càng cao, các bài báo mang phẩm chất đối thoại càng náo động, càng trở nên độc sáng. Ông quả là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho báo chí Cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, với tinh thần đấu tranh vốn có của mình, ông đã đặt tên cuốn sách vừa xuất bản là Đối thoại. Và đặc biệt, tất cả các bài báo được tập hợp trong sách này, đều là bài viết mang đúng tinh thần “đối thoại”, cho dù ông ở vị trí nhân vật "bị" các nhà báo phỏng vấn. Và ông đã trả lời, trong tư thế và trên tinh thần đối thoại sòng phẳng, minh bạch và dũng cảm.

Các nhà báo viết về ông đều là những nhà báo giỏi tác nghiệp trong thể loại phỏng vấn. Thuộc về những tờ báo khác nhau, họ đã biết ứng dụng sáng tạo tinh thần đối thoại của chính cây bút nhà nghề Hữu Thọ vào bài phỏng vấn của mình và thật sự, họ đã tạo nên vẻ đẹp chính luận riêng biệt của từng tờ báo, của từng phong cách cá nhân, qua các bài viết hiện diện trong tập sách này: Nhân Dân, Lao động, Tuổi Trẻ, An ninh thế giới, Văn nghệ quân đội, Pháp Luật, Tiền Phong, Kinh doanh & Tiếp thị, Nhà báo & Công luận, Nông nghiệp Việt Nam, Đầu Tư, Đời sống & Pháp luật,…

Bởi vậy, tôi không ngạc nhiên khi talk show “Khi người ta trẻ” kênh VTV6 của Ban Thanh thiếu niên – Đài THVN phát sóng lần đầu vào 20h ngày 19 tháng 6 năm 2008, đã mời ông “xông đất”, thực hiện cuộc đối thoại tay đôi (thời lượng 90 phút) về nghề báo, giữa ông - 78 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi nghề, 20 đầu sách - với nhà báo trẻ Vũ Nguyên - 27 tuổi, phóng viên báo Sài Gòn tiếp thị.

Là nhà báo chuyên nghiệp, Hữu Thọ biết chắc rằng nhà báo chỉ có thể đối thoại với xã hội bằng cách thông tin về những vấn đề thời sự “nóng”, đang được cả xã hội đương đại quan tâm, trăn trở nghĩ suy, tìm cách tháo gỡ để phát triển hài hoà, vững chắc, nhất là xã hội Việt Nam hiện đại, vốn xuất phát từ một xã hội nông nghiệp tiểu nông, mang đậm căn tính nông dân, đã và đang phải tiến đến một xã hội “công nghiệp hoá”, “hiện đại hoá”, “đô thị hoá”, với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…Ông tự nghiệm sinh rằng, muốn đối thoại với công chúng báo chí, trước hết nhà báo phải biết nghe, nhìn, phát hiện, chọn lọc và phản ánh thật nhanh nhạy những vẫn đề xã hội, nảy sinh hàng ngày trong đời sống dân chúng. Nhưng muốn “biết” như thế, rất cần một điểm tựa nghề nghiệp đặc thù: “phải có mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Và hơn hết, phải xuất phát từ tinh thần dân chủ, phải thông tin vì quyền lợi dân chúng, phải đại diện cho công chúng báo chí, nhất là khi cần đối thoại với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các vấn đề phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội…của đất nước, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam gia nhập WTO…Có lẽ vì thế, Hữu Thọ sẵn lòng nhận biệt danh “người hay cãi”, cũng là tên cuốn sách (tập hợp các bài báo của ông, 1987-1991, in tại Nhà xuất bản Sự Thật 1991, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999). Cũng không ngẫu nhiên, Hữu Thọ nằm lòng lời Bác Hồ căn dặn báo chí: “Mỗi chữ viết, mỗi lời nói phải thể hiện một tư tưởng, một ước ao của nhân dân”. Bởi vậy, càng không tình cờ mà ông lấy tín niệm cho nghề báo của mình, cái “di ngôn” sâu sắc của nhân vật lịch sử Đào Duy Từ: “Ước Tôi hay gián, Ước Chúa hay nghe” (Mong rằng bề tôi hay can gián, mong rằng những người lãnh đạo biết nghe). Vì vậy, càng không ngẫu nhiên khi cánh báo chí đặt tên các bài phỏng vấn Hữu Thọ trong cuốn sách này, đều xuất phát từ sự hiểu biết tính cách báo chí đặc biệt của Hữu Thọ: “Làm thế nào để nghe được tiếng nói thật của dân?”, “Ngăn chặn bệnh “chạy” phải bịt các cửa “chạy”!”, “Người tài phải biết tự bảo vệ mình”, “Không ai hội nhập bình đẳng với cái bóng của mình”, “Nông dân chưa được hưởng thụ bình đẳng những thành quả của đổi mới”, “Cần có tư duy mới và tầm nhìn xa trong vấn đề “tam nông”, “Không thở dài trước tham nhũng”, “Báo chí là một thế lực cần được tôn trọng”, “Trong nghề buôn đừng đi buôn chữ”…

Khi viết, Hữu Thọ luôn trăn trở giữa cái nhanh và cái đúng trong cái nghề mà ông gọi là “nghề bút mực đầy gian khó” này. Ông tâm sự: “nhanh mà phải đúng”. Công chúng muốn có tin nhanh nhưng quan trọng là phải tin đúng”. Vì chỉ nhà báo luôn luôn thông tin nhanh và đúng mới là nhà báo, một tờ báo luôn luôn thông tin nhanh mà đúng mới trở thành tờ báo được công chúng tin cậy, vì trên sự đời này không ai muốn trở thành người bị lừa. “Tin cậy” luôn là sự đánh giá cao nhất của công chúng với một tờ báo, một nhà báo”.

Thành công của các bài phỏng vấn trong cuốn sách này chính là thành công “kép”, mang ý nghĩa tích cực đối với sự vận hành guồng máy báo chí ở Việt Nam. Nó hiển thị tích cực cuộc chuyển giao và tiếp nối giữa quyết liệt của thế hệ nhà báo sau với một nhà báo lão thành. Có thể rút một kinh nghiệm hữu ích cho riêng loại bài này: Bài phỏng vấn, nhất là ở đẳng cấp cao, giữa nhà báo và nhà báo, nhất định phải mang tinh thần cốt lõi là đối thoại, về các vấn đề nóng, luôn đặt ra từ thực tiễn xã hội đương đại và đặt ra từ chính thực tiễn nóng bỏng của nghề báo ở Việt Nam.

Đọc Đối thoại, theo cách làm sách về một nhà báo qua các bài phỏng vấn hay, trên tinh thần đối thoại thâm thuý như thế, tôi có cảm giác được xem một trận cầu hay với vẻ đẹp hiện đại nhất của bóng đá tấn công. Khi gấp sách Đối thoại, tôi bỗng nhớ một câu Hữu Thọ nói nhẹ như không: “Có những lúc phải biết nhu, giữ thế, nhưng làm báo thì phải dấn thân, mình có yêu cái sự kiện, nhân vật đó mười lần thì mới hi vọng làm độc giả yêu một lần”.

 PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 234
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: