Con người & Thành tựu
Trang chủ   >  Chuyên trang chào mừng 20 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội  >   Con người & Thành tựu  >  
Đại học Quốc gia Hà Nội: Kỳ vọng một tầm nhìn
Trong sự phát triển, giáo dục đại học (ÐH) Việt Nam những năm qua, Ðại học Quốc gia Hà Nội được đánh giá là đơn vị tiên phong gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển xứng tầm khu vực, tiến tới trình độ thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

>>> Một số hình ảnh của Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ĐHQGHN (Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5)

Thế giới đang vận hành trong một nền kinh tế tri thức và phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Trong hàng loạt các giải pháp xây dựng một thế giới hài hòa và thịnh vượng, phát triển dựa vào giáo dục ÐH được minh chứng là bền vững và tối ưu nhất. Với tầm nhìn chiến lược, Ðảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục và khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam (khóa VII) đã ra Nghị quyết, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ "xây dựng một số trường ÐH trọng điểm quốc gia" để làm đầu tàu và nòng cốt cho giáo dục ÐH nước nhà. Với vai trò và sứ mệnh đó Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQGHN) được thành lập và đến nay đã phát triển theo hướng tích hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học, công nghệ theo mô hình ÐH nghiên cứu tiên tiến.

Với mô hình quản trị ÐH tiên tiến, ÐHQGHN nỗ lực xây dựng thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam và khu vực dựa trên triết lý "đạt đỉnh cao dựa vào tri thức" và phát huy sáu giá trị cốt lõi là chất lượng cao, sáng tạo, tiên phong, tích hợp, trách nhiệm xã hội cao và phát triển bền vững; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước; có những đóng góp quan trọng cho sự phồn thịnh của Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.

Ðến nay, ÐHQGHN về cơ bản đã xây dựng được mô hình ÐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống về khoa học cơ bản và ngoại ngữ, các lĩnh vực khoa học mới mà ÐHQGHN có thế mạnh như công nghệ, kinh tế, luật, giáo dục, y dược đã được hình thành và phát triển vững chắc. ÐHQGHN cũng tiên phong xây dựng nhiều ngành, chuyên ngành mới có tính liên ngành cao như khoa học môi trường, toán - tin, quản lý tài nguyên thiên nhiên, hóa dược, Việt Nam học, nhân học, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh phi truyền thống... ÐHQGHN đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, tiên phong trong việc phát triển theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo, chuẩn khu vực và chuẩn quốc tế; hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy định nội bộ về đào tạo ÐH và sau đại học theo những triết lý và định hướng mang tính tiên phong, đổi mới, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ðáng chú ý, ÐHQGHN cũng đã đi tiên phong trong cả nước trên phương diện đổi mới quản trị ÐH, thực hiện triết lý đào tạo mới, phương pháp giảng dạy mới. Những năm qua, bình quân mỗi năm, ÐHQGHN đào tạo được khoảng 5.000 cử nhân các hệ, trong đó gần 10% số sinh viên thuộc các chương trình tài năng, chương trình tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế, chương trình chất lượng cao. Bình quân hằng năm đào tạo được khoảng 3.000 thạc sĩ, tiến sĩ. Trong số đó, gần 20% số sinh viên tốt nghiệp tiếp tục học tập và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, được làm việc tại các tập đoàn công nghiệp hàng đầu quốc tế. Ngoài ra, ÐHQGHN cũng đã được tin tưởng giao trọng trách đảm nhiệm việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các bộ, ban, ngành, địa phương thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chính sách công, công nghệ thông tin, kiểm định chất lượng, pháp luật, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững, phát triển tài nguyên miền núi, các môn lý luận chính trị cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng, phương pháp giảng dạy tiên tiến cho giáo viên các trường trung học phổ thông... góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước.

20 năm qua, ÐHQGHN đã kiên trì theo đuổi triết lý phát triển đào tạo chất lượng cao, đào tạo tinh hoa, không dựa vào số lượng. Ðến năm 2012, tỷ lệ học viên đào tạo sau đại học đã chiếm gần 30% tổng số sinh viên, học viên chính quy. Ðào tạo không chính quy bậc cử nhân giảm 10% mỗi năm, tăng quy mô đào tạo ÐH chính quy hợp lý để có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo chất lượng cao. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, tỷ lệ cán bộ ÐHQGHN có trình độ cao lớn nhất cả nước, với tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đạt 45%, riêng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế, tỷ lệ tiến sĩ đạt hơn 65%. Có 19 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 18 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đã được dành tặng cho các nhà giáo, nhà khoa học của ÐHQGHN. Mặt khác, ÐHQGHN còn thu hút được đông đảo các nhà khoa học có uy tín cao ở trong nước và thế giới, trong đó có nhiều người đạt Giải Nô-ben và các giải thưởng lớn có uy tín khác cùng tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các đơn vị đào tạo và nghiên cứu.

Mỗi năm, các cán bộ khoa học ÐHQGHN đã công bố hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín ở trong nước và quốc tế. Năm 2013, đã có gần 200 công trình khoa học công bố trong hệ thống tạp chí quốc tế ISI, đặc biệt, có công trình được đăng trên tạp chí Nature hàng đầu của thế giới. Trên 100 sản phẩm khoa học công nghệ của ÐHQGHN đã có mặt trên thị trường, tham gia các hội chợ thiết bị khoa học công nghệ toàn quốc. Các công trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các định hướng chiến lược, chính sách, chủ trương, kế hoạch, quy hoạch phát triển đất nước của Ðảng và Nhà nước. Nhiều chương trình, dự án, đề tài KHCN quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như các công trình về "Luận cứ khoa học lịch sử, địa lý và pháp lý của nước CHXHCN Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", "Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, biên giới Tây Nam"... Nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ những đặc trưng cơ bản của hệ thống chính trị và bộ máy điều hành, quản lý đất nước trong các thời kỳ lịch sử.

Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành T.Ư lần thứ sáu về khoa học và công nghệ và lần thứ tám về giáo dục và đào tạo (khóa XI) khẳng định mục tiêu đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 xác định Ðào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong lần thăm và làm việc với ÐHQGHN ngày 18-3-2013 cũng đánh giá cao việc năm 2013, ÐHQGHN được tổ chức xếp hạng uy tín thế giới QS xếp vị trí 213 trong nhóm 250 các ÐH hàng đầu châu Á và thứ 61 về ngành khoa học tự nhiên. Ðây không phải là mục tiêu cao nhất và cũng không phải là mục tiêu cuối cùng của ÐHQGHN. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thì đây là thành tựu rất đáng trân trọng. Vì vậy, là một ÐH đa ngành, đa lĩnh vực định hướng nghiên cứu, không áp dụng một cách máy móc mô hình và kinh nghiệm của các ÐH nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài mà đầu tư tìm tòi, nghiên cứu và đúc kết, học tập kinh nghiệm của các ÐH này một cách có chọn lọc, sáng tạo nên một dấu ấn riêng của ÐHQGHN, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm ÐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực tiên tiến, nằm trong nhóm 100 ÐH hàng đầu châu Á vào năm 2020... đang từng bước khẳng định vị thế ÐHQGHN trở thành nòng cốt và tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục ÐH Việt Nam hướng tới đẳng cấp quốc tế.

->>> Xem thông tin chi tiết trên Báo Nhân dân số ra ngày 9/12/2013.

 Giang Nam - Báo Nhân dân
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :