Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
ĐHGD hướng tới mục tiêu giáo dục: phát triển vì cộng đồng
Trong hai ngày 24 và 25/6, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN đã phối hợp với các Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố: Thái Bình, Hải Phòng, Vĩnh phúc, Hòa Bình, Bắc Giang tổ chức “Tọa đàm trực tuyến: Hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm” và "Dạy học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay".

Về phía đơn vị tổ chức – Trường ĐH Giáo dục có sự tham gia của TS. Nguyễn Đức Huy – Phó Hiệu trưởng; diễn giả PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục; PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng; TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục.

Tọa đàm được phát trực tiếp trên ứng dụng họp trực tuyến Zoom dưới sự tham gia, theo dõi của đại diện các Phòng Giáo dục và hơn 500 giáo viên, giáo viên chủ nhiệm các tỉnh, thành phố; chương trình cũng được phát trực tiếp trên Fanpage của Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN.

Phát biểu Khai mạc, TS. Nguyễn Đức Huy cảm ơn và chào mừng các thầy cô đã tham dự và theo dõi buổi Tọa đàm. Giới thiệu sơ lược về Trường ĐH Giáo dục, TS Nguyễn Đức Huy cho biết: Trường ĐH Giáo đục là đơn vị thành viên của ĐHQGHN – đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hàng đầu của Việt nam, TOP 1000 đại học hàng đầu thế giới.

Cùng với sứ mạng đào tạo nghiên cứu chất lượng cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nguồn nhân lực khác trong giáo dục Trường ĐH Giáo dục đã và đang triển khai 15 chương trình đào tạo cử nhân dựa trên nền tảng và thế mạnh về khoa học giáo dục cơ bản trong đại học đa ngành, các chương trình đào tạo được nghiên cứu phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại và nhu cầu nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Giáo dục còn có thế mạnh trong đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học giáo dục, chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách; trong nhiều năm qua, Nhà trường luôn tích cực tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng, trong đó nhiều chương trình về nâng cao năng lực cho giáo viên đã được tổ chức.

TS. Nguyễn Đức Huy hy vọng với tiềm năng và thế mạnh đó, Trường ĐH Giáo dục luôn nỗ lực, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ và hợp tác với các đơn vị, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Buổi Tọa đàm hôm nay cũng là một trong những nội dung hữu ích và cần thiết cho giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay – một trong những mục tiêu phát triển vì cộng đồng mà Nhà trường hướng tới.

Tọa đàm trực tuyến: Hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm diễn ra với 02 chủ đề:

Chủ đề 1: Trường học hạnh phúc và phòng chống bạo lực học đường

Tại buổi Tọa đàm PGS.TS Trần Thành Nam đã chia sẻ với các đại biểu về khái niệm trường học hạnh phúc; những bằng chứng nghiên cứu về trường học hạnh phúc; khung tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc; và một số hoạt động cốt lõi phòng chống bạo lực học đường và xây dựng trường học hạnh phúc.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trường học hạnh phúc là nơi họ cảm thấy được an toàn, yêu thương, tôn trọng, được hiểu và có giá trị. Trái ngược với nó, trường học không hạnh phúc là trường học bị áp lực, bị điều khiển bạn sẽ không thể hy vọng có bất cứ sự sáng tạo nào từ học sinh. Trẻ cần có ước mơ và niềm hy vọng, vì vậy giáo viên, hiệu trưởng phải là những người hạnh phúc trước.

Từ đó, diễn giả đưa ra những gợi mở về xây dựng trường học hạnh phúc ở các cấp, bậc học: mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở dựa trên lý luận và thực tiễn. Đó là nơi mà thầy trò đều cảm thấy hào hứng và chủ động hoàn thành nhiệm vụ; mọi người đều tìm thấy ý nghĩa trong việc dạy và học; các thành viên thỏa mãn, thích thú với mọi hoạt động, mọi quan hệ; mọi người cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe, được hiểu và được tự chủ thể hiện bản thân.

Vấn đề phòng chống bạo lực học đường, trường học an toàn được coi như là nền tảng tạo ra trường học hạnh phúc. Để phòng chống bạo lực học đường ở trường học diễn giả Trần Thành Nam nhấn mạnh cần có môi trường học đường an toàn; hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm học sinh có nguy cơ mất an toàn/ bạo lực cao: đội phản ứng khi khủng hoảng, bạo lực xảy ra; xây dựng hệ thống xử lý sự cố trong trường học; đảm bảo sức khỏe tâm thần cho giáo viên – học sinh;

Thông điệp mà PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra trong buổi tọa đàm là: (1) muốn có trường học hạnh phúc, các chủ thể phải hạnh phúc, bắt đầu từ hiệu trưởng và giáo viên; (2) thay đổi tư duy về phương pháp giáo dục, ứng dụng công nghệ, kỷ luật tích cực, quản lý tích cực; (3) học sinh được tự chủ, vun trồng ước mơ khát vọng; (4) thống nhất và đồng thuận giữa các bên về mục tiêu hạnh phúc; (5) trường học an toàn, không bạo lực là nền tảng của trường học hạnh phúc.

Chủ đề 2: Tư vấn hướng nghiệp mùa thi

Chia sẻ của PGS.TS Trần Mạnh Hà, giáo viên chủ nhiệm cần định hướng được cho học sinh nghề nghiệp phù hợp, có sự nghiệp vững vàng và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới của đất nước. Hướng nghiệp như thế nào để học sinh lựa chọn được trường, lựa chọn được ngành và hạnh phúc đối với sự lựa chọn đó là một việc làm khó. Tuy nhiên, mỗi người giáo viên đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đều có thể làm tốt nếu chú tâm và giành thêm thời gian, kiến thức để công việc đạt hiệu quả. Nội dung chia sẻ của PGS.TS Phạm Mạnh Hà xoay quanh 3 nội dung cốt lõi đối với người làm tư vấn hướng nghiệp theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà là: (1) hiểu biết về thị trường lao động; (2) hiểu biết người lựa chọn; (3) hiểu biết nơi đào tạo và tuyển dụng.

Trước yêu cầu của chuyển đổi số, dạy học trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Làm thế nào để triển khai dạy học trong bất kỳ hoàn cảnh và tình huống nào một cách hiệu quả? Làm thế nào để tiếp tục duy trì, phát triển được những mặt mạnh của phương thức triển khai dạy học trực tuyến? Làm thế nào để có được kho dữ liệu học liệu số và kho tài nguyên số cho giáo dục, cho dạy học ngày một giàu lên, phong phú, sinh động và trở thành tài nguyên dùng chung? Đó là những vấn đề được diễn giả TS. Tôn Quang Cường trao đổi và thảo luận tại buổi Tọa đàm “Hỗ trợ dạy học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay”.

Cũng trong năm 2020, trong thời gian cách ly xã hội vì dịch COVID-19 một số hoạt động trực tuyến được Trường ĐHGD tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ giáo viên các trường THPT, THCS từ Huế trở ra miền Bắc thích ứng hoạt động dạy học, giáo dục trong thời gian đại dịch. Đã có tổng cộng hơn 50.000 lượt giáo viên tham gia chuỗi toạ đàm giáo viên chủ nhiệm với công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp. Chuỗi các chủ đề có thể kể đến như: tọa đàm Tư vấn hướng nghiệp mùa thi; tọa đàm Tư vấn tâm lý học đường; tọa đàm Kỹ năng giáo viên chủ nhiệm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục; tọa đàm chuyên đề kỹ năng, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm.

 Hồng Anh
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   |