Tiến tới Đại hội Thi đua Yêu nước ĐHQGHN lần thứ IV
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >   Tiến tới Đại hội Thi đua Yêu nước ĐHQGHN lần thứ IV
Phong trào thi đua yêu nước phải gắn với thực tiễn
Trong thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng của ĐHQGHN đã có những bước chuyển tích cực cả về nội dung và hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Việc khen thưởng theo đúng thủ tục, quy trình, kịp thời, đúng người, đúng việc đã có tác dụng động viên khuyến khích rất lớn đối với công chức, viên chức và học sinh, sinh viên. Thông qua các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học và những đợt thi đua đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân đã được suy tôn và đề nghị khen thưởng. Điều này đã tạo niềm tin, cơ sở vững chắc để triển khai thắng lợi chiến lược phát triển ĐHQGHN. Trả lời phỏng vấn Bản tin ĐHQGHN trước thềm Đại hội Thi đua yêu nước ĐHQGHN lần thứ IV, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng ĐHQGHN cho biết:

Đại hội Thi đua yêu nước ĐHQGHN lần thứ III, 29/9/2010

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, phấn đấu hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và các ngày lễ lớn trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về Thi đua yêu nước, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên tinh thần đó, công tác thi đua khen thưởng của ĐHQGHN lien tục đổi mới theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của Hội đồng thi đua khen thưởng T.Ư và Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, mang tính sáng tạo.

Công tác thi đua, khen thưởng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo ĐHQGHN và Thủ trưởng các đơn vị thành viên, trực thuộc; tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng được kiện toàn. ĐHQGHN cũng đã ban hành đầy đủ, cập nhật các quy định, văn bản nhằm nâng cao chất lượng khen thưởng, đảm bảo khen thưởng chặt chẽ, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc. Chú trọng khen thưởng cho cá nhân, cho trực tiếp người lao động làm tốt công tác khen thưởng đột xuất, khen thưởng chuyên đề, tăng cường phát hiện đối tượng để khen thưởng. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác, ĐHQGHN đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ đặt ra. Có thể khẳng định trong thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng của ĐHQGHN đã có những bước chuyển tích cực cả về nội dung và hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều đổi mới trong nhận thức và đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, quản lý của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể thể hiện rõ trong việc phát động và triển khai các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; công tác thi đua, khen thưởng đã từng bước đi vào nề nếp, không ngừng có những cải tiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động của từng khối đơn vị, từng nhóm đối tượng, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, có tác dụng động viên, khuyến khích cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ĐHQGHN và các đơn vị.

Vậy những kết quả nổi bật trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị trọng tâm đó là gì, thưa Giám đốc?

Thực hiện kế hoạch công tác thi đua, khen thưởng năm 2014 theo nội dung trong giao ước thi đua năm 2014 của Khối thi đua các Bộ, ngành Khoa học - Văn hóa - Xã hội, với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, ĐHQGHN đã đạt được những kết quả nổi bật.

Thứ nhất, trong năm 2014, ĐHQGHN đã triển khai thực hiện thành công giai đoạn 1 của Đề án điều chỉnh, sắp xếp lại và phát triển tổ chức. Trường ĐH Việt-Nhật được thành lập, xây dựng các Đề án thành lập Viện Trần Nhân Tông và Viện Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, thành lập Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN, Trung tâm Hà Nội học, góp phần phát triển ĐHQGHN thành một thực thể hữu cơ, thống nhất, có cơ cấu hợp lý, có tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) đa ngành, đa lĩnh vực, có khả năng giải quyết các vấn đề trọng điểm của đất nước theo định hướng đại học nghiên cứu. Tính đến tháng 12/2014, cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN được củng cố với 31 đơn vị thành viên và trực thuộc có quy mô hợp lý. Cùng với đó tỷ lệ cơ cấu các hoạt động đào tạo, khoa học, dịch vụ của ĐHQGHN đã được chuyển dịch từ tỷ lệ 6,5/2,5/1 năm 2010 đến gần 6/3/1 năm 2014 (chỉ tiêu đến năm 2020 là 5/3/2).

Đặc biệt, vị thế pháp lý của ĐHQGHN đã được xác định trong Luật Giáo dục đại học. Quyền tự chủ cao của ĐHQGHN được quy định trong Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ và Quy chế Tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên ban hành kèm theo Quyết định 26/2014/QĐ-TTg ngày 26/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Giám đốc ban hành theo Quyết định số 4488/QĐ-ĐHQGHN, ngày 18/11/2014. Trong đó, chỉ rõ mục tiêu, nội dung, giải pháp để ĐHQGHN phát triển thành một đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học tiên tiến trong khu vực. Trong năm 2014, các chỉ số xếp hạng quốc tế của ĐHQGHN tiếp tục gia tăng: ĐHQGHN thuộc nhóm 161-170 trong bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) Asia, tăng 40 bậc so với năm 2013, đứng đầu Việt Nam; 3 lĩnh vực của ĐHQGHN thuộc nhóm 100 châu Á (khoa học tự nhiên: 59, kỹ thuật - công nghệ: 59 và khoa học xã hội - quản lý: 87), khẳng định uy tín học thuật tầm Châu lục. ĐHQGHN xếp thứ 899 thế giới, đứng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics và thuộc nhóm 3 cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu của Việt Nam trong bảng xếp hạng Scimago về thành tích NCKH.

Thứ hai, ĐHQGHN đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ về phát triển nhân lực trong năm 2014. Trong đó, 19 nhà khoa học được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú, 36 nhà khoa học được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, bồi dưỡng và thu hút được 54 tiến sĩ. Đến nay, đội ngũ cán bộ trình độ cao của ĐHQGHN khá hùng hậu. ĐHQGHN có 51 giáo sư và 336 phó giáo sư, chiếm 20,6% tổng số cán bộ khoa học, cao hơn khoảng 3 lần so với tỷ lệ trung bình của cả nước; riêng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế, tỷ lệ này đạt trên 65%; đặc biệt tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ dưới 45 tuổi đạt 25%. ĐHQGHN cũng đã xây dựng và nghiệm thu Đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học và quản lý trình độ cao của ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Đề án được hoàn thành với chất lượng cao và có đề án thành phần tại các đơn vị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khai giảng tại ĐHQGHN, ngày 15/9/2014

Thứ ba, trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài: Quy mô đào tạo đại học chính quy được giữ ổn định. Quy mô đào tạo vừa làm vừa học giảm; quy mô đào tạo sau đại học tăng đồng bộ với quy mô đào tạo đại học, giữ tỷ lệ quy mô đào tạo sau đại học khoảng 28% tổng quy mô đào tạo chính quy.

Năm 2014, ĐHQGHN đã triển khai áp dụng thí điểm phương thức tuyển sinh mới cho cả bậc đại học và sau đại học; phương án tuyển sinh này tiếp cận theo hướng đánh giá toàn diện năng lực bằng cách kết hợp giữa thi và tuyển chọn, căn cứ trên kết quả đo lường và đánh giá những năng lực và phẩm chất cốt lõi của ứng viên cần có để học ở bậc đại học và sau đại học. Đánh giá toàn diện năng lực tức là đánh giá năng lực của ứng viên qua nhiều căn cứ, nhiều nguồn thông tin, từ nhiều chiều và bằng nhiều phương pháp. Kỳ thi tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực bậc đại học và sau đại học năm 2014 của ĐHQGHN đã thành công. Kết quả của kì thi đã bước đầu khẳng định tính đúng đắn trong việc lựa chọn phương án tuyển sinh mới – một phương án tuyển sinh giúp tuyển chọn được người học có năng lực, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Bên cạnh đó, quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo cũng đã được ban hành. Chuẩn chất lượng đầu ra tiếng Anh và kỹ năng mềm đã được áp dụng cho tất cả các chương trình đào tạo. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của ĐHQGHN và các đơn vị. Theo đó, tới năm 2020, ĐHQGHN sẽ tiến tới tổ chức đào tạo 415 ngành/chuyên ngành bao gồm 110 chương trình đào tạo bậc cử nhân, 168 chương trình bậc thạc sĩ và 137 chương trình tiến sĩ. Các chương trình được quy hoạch theo hướng phát triển tính liên ngành, có nhu cầu xã hội cao, tiếp cận theo chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu đào tạo toàn diện phẩm chất, tầm nhìn, năng lực và kỹ năng cho người học.

Tỷ lệ sinh viên các hệ chất lượng cao, tài năng, tiến tiến, chuẩn quốc tế đạt 16%; 56% nghiên cứu sinh thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật - công nghệ tốt nghiệp có công bố trên các tạp chí ISI/Scopus. Nâng tỷ lệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp có việc làm và tiếp tục học tập, nghiên cứu ở nước ngoài hoặc các doanh nghiệp có uy tín trong nước đạt 15%. Học sinh trung học phổ thông chuyên đã giành được nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng... Olympic quốc tế, tiếp tục khẳng định truyền thống phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu khoa học cơ bản của ĐHQGHN.

Thứ tư, ĐHQGHN đã tập trung phát triển quy mô và nâng cao chất lượng khoa học, giá trị thực tiễn của các hoạt động khoa học và công nghệ; đến năm 2014 các cán bộ khoa học ĐHQGHN đã công bố khoảng 600 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và 200 bài đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín trong hệ thống ISI và SCOPUS, trong đó có cả Tạp chí Nature. Số trích dẫn quốc tế tương đương với các trường đại học lớn ở Đông Nam Á. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích phục vụ cộng đồng. Một số công nghệ lõi theo định hướng sản phẩm quốc gia đã được nghiên cứu thành công như công nghệ thiết kế chip, công nghệ tính toán hệ gen người...

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ (hơn 50% NCS thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ có công bố khoa học trên hệ thống tạp chí quốc tế).

Giám đốc đánh giá thế nào về vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên?

Các phong trào thi đua tại ĐHQGHN luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, trực thuộc. Cùng với các phong trào thi đua, cuộc vận động chung có quy mô toàn quốc như đợt thi đua đặc biệt nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, ĐHQGHN đã phát động tổ chức phong trào và các hoạt động thi đua phấn đấu thực hiện thành công kế hoạch nhiệm vụ năm học. Chủ trương “Đổi mới quản lý giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được ĐHQGHN cụ thể hoá thành mục tiêu “Đổi mới quản trị đại học để nâng cao chất lượng hiệu quả” với những giải pháp thực hiện và tiêu chí thi đua cụ thể. Để có thể kiểm tra, giám sát đồng thời hỗ trợ việc triển khai các phong trào trên, ĐHQGHN thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các lĩnh vực hoạt động, giúp đỡ các đơn vị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện để các hoạt động thi đua thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua, cuộc vận động do tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng phát động có vị trí quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước chung. Các đảng bộ, chi bộ phấn đấu đạt danh hiệu đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, có nhiều đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công đoàn thi đua phấn đấu đạt danh hiệu công đoàn/tổ công đoàn vững mạnh, đoàn viên công đoàn xuất sắc, tích cực hưởng ứng phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, đồng bào các vùng bị thiên tai...

Đồng thời, ĐHQGHN tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn các phong trào thi đua yêu nước với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong thời gian qua, việc tuyên truyền tập trung vào các chủ đề chính như: Văn hóa công sở, Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Cải tiến lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp,... Có thể khẳng định hiệu quả sâu rộng của cuộc vận động đã có tác dụng đối với cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên ĐHQGHN nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ĐHQGHN, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

Như Giám đốc vừa đề cập, một trong những hoạt động thiết thực thể hiện trách nhiệm của ĐHQGHN đối với xã hội đó là tiếp tục tập trung chỉ đạo có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”?

Trách nhiệm xã hội, phục vụ cộng đồng là nhiệm vụ và cũng là sứ mệnh của ĐHQGHN. Với vị thế là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của đất nước với lực lượng đông đảo các nhà khoa học uy tín, đầu ngành, ĐHQGHN đã có nhiều kết quả nghiên cứu được triển khai ứng dụng trong thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là những nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ trực tiếp, hiệu quả và đi vào chiều sâu đối với sự phát triển bền vững vùng núi, nông thôn.

Các nhà khoa học của ĐHQGHN chuyển giao công nghệ nhiên liệu xanh cho tỉnh Quảng Ninh

Hợp tác với địa phương là một trong những chủ trương quan trọng của ĐHQGHN trong việc chuyển giao tri thức vào cuộc sống. Bởi vậy,  ĐHQGHN đã ưu tiên phát triển KHCN và đào tạo gắn với các địa phương. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã trực tiếp giải quyết các đặt hàng, đặc biệt đã có nhiều sản phẩm KH&CN đã và đang được chuyển giao và được đánh giá cao. Là đơn vị được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao chủ trì Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước về Phát triển bền vững vùng Tây Bắc, từ đây đã có 5 chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN được hình thành. Đây là những chương trình mang tính thực tiễn cao góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Trong khuôn khổ của Chương trình, ĐHQGHN đã triển khai đào tạo nhiều khóa học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương.

Các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN luôn đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, tham gia giải quyết các vấn đề mang tính xã hội trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của Đảng hiện nay, qua đó phát huy nhiệt huyết, trí tuệ vì cộng đồng của nhà khoa học ĐHQGHN. Điển hình như các công trình nghiên cứu của ĐHQGHN đã cung cấp những cơ sở lý luận trong việc hoạch định các chính sách phát triển nông thôn mới; những sản phẩm KHCN trực tiếp giải quyết các bài toán phát triển ở địa phương như chuyển giao nhiên liệu sinh học thân thiện môi trường (BDF), hệ thống lọc nước vi sinh, phát triển các nguồn dược liệu… Hay việc các nhà khoa học, cán bộ của ĐHQGHN hỗ trợ tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ nói chung cũng như hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng nấm, xử lý môi trường nói riêng cho các hộ gia đình làm kinh tế tại địa phương. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên ĐHQGHN phối hợp với Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức ĐHQGHN đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật hệ thống tưới nước thông minh cho Thành đoàn Hải Phòng đưa vào lắp đặt thí điểm cho các hộ gia đình điển hình làm kinh tế giỏi. Đây là hệ thống tưới nước bằng ống nhựa mềm áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới cho phép tưới nước dạng phun sương tự động, tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí nhân công lao động và chi phí lắp đặt (còn 30%) so với các phương pháp truyền thống đang áp dụng ở các trang trại trồng nấm, trồng hoa, rau xanh ở Hải Phòng.

Đây là những việc làm thiết thực thể hiện trách nhiệm của nhà khoa học ĐHQGHN trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Nghiên cứu khoa học không được tự phát, cảm tính mà phải hướng tới phục vụ cộng đồng. Khoa học vị nhân sinh. Nhà khoa học của ĐHQGHN luôn tự nhủ là đã đóng góp gì cho cộng đồng, chính vì vậy phải không ngừng tìm kiếm xem cộng đồng cần gì.

Ngoài những danh hiệu, phong trào thi đua của đất nước, ĐHQGHN cũng có những hoạt động mang đậm bản sắc ĐHQGHN và điều này không chỉ nâng cao vị thế, uy tín của ĐHQGHN trong khu vực và thế giới mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong chính ĐHQGHN, thưa Giám đốc?

Với vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước, được xem là tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam, hàng năm, ĐHQGHN vinh dự được đón tiếp nhiều chính khách, chính trị gia, học giả, nhà khoa học hàng đầu thế giới đến thăm và làm việc. Tiến sĩ danh dự là một danh hiệu cao quý của ĐHQGHN trao tặng cho những nhà khoa học hàng đầu thế giới, những chính trị gia lỗi lạc, các nhà hoạt động xã hội xuất sắc và những người có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của ĐHQGHN. Điều này góp phần khẳng định vị thế của ĐHQGHN trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng có nhiều danh hiệu, phong trào thi đua mang bản sắc ĐHQGHN như: Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN, các giải thưởng KHCN… Những danh hiệu, giải thưởng này như chất xúc tác, tạo hiệu ứng lan tỏa đến từng tập thể và cá nhân trong toàn ĐHQGHN để xây dựng văn hóa chất lượng, tinh thần cộng đồng, xây dựng ĐHQGHN thành một thực thể hữu cơ, thống nhất trong đa dạng, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước.

Để các hoạt động thi đua đi vào thực chất, ĐHQGHN đã tiên phong tạo dựng môi trường học thuật sáng tạo mà ít cơ sở đào tạo và nghiên cứu có được, chẳng hạn như CLB Nhà khoa học ĐHQGHN. Việc thành lập CLB Nhà khoa học ĐHQGHN là một trong các nhiệm vụ trong lộ trình xây dựng ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu. Với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, CLB đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ các nhà khoa học trẻ. Các hoạt động của CLB là sân chơi bổ ích cho các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN có cơ hội được thỏa sức thể hiện đam mê với khoa học, được cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết và niềm say mê khoa học cho sự phát triển khoa học công nghệ của ĐHQGHN nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đồng thời, CLB tạo sự gắn kết các nhà khoa học để từ đó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành có khả năng triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học lớn trong và ngoài nước. Chương trình hỗ trợ nhà khoa học ĐHQGHN công bố quốc tế là động lực góp phần thúc đẩy, động viên các cán bộ trẻ của ĐHQGHN công bố quốc tế. Có thể thấy CLB Nhà khoa học ĐHQGHN đã thực sự góp phần thúc đẩy phong trào thi đua học tập nghiên cứu của các nhà khoa học trong toàn ĐHQGHN.

Giám đốc Phùng Xuân Nhạ chủ trì một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN về chủ đề Kinh nghiệm phát triển các nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác thi đua, khen thưởng ở ĐHQGHN chắc hẳn còn tồn tại những hạn chế, thưa Giám đốc?

Đúng vậy, một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng. Sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng còn chưa sát sao, sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể, quần chúng còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, có lúc còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Việc triển khai các phong trào thi đua do cấp trên phát động thành những mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị đối với từng khối đơn vị, từng nhóm đối tượng còn chưa cụ thể và thiếu chiều sâu. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết tại một số đơn vị còn chưa được tiến hành thường xuyên và kịp thời. Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở các đơn vụ chủ yếu là kiêm nhiệm; trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác của các cán bộ làm công tác này còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp lãnh đạo chỉ đạo, điều hành phong trào thi đua một cách hệ thống, bài bản; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa thường xuyên.

GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học với sinh viên và cán bộ trẻ của ĐHQGHN

Xin Giám đốc cho biết công tác thi đua, khen thưởng cần làm gì để đáp ứng được sự phát triển của ĐHQGHN trong thời gian tới?

Năm học 2014 - 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm ĐHQGHN đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW6 về phát triển khoa học và công nghệ, Nghị quyết TW8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V (nhiệm kỳ 2015 – 2020). ĐHQGHN xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện: Tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh, sắp xếp lại và phát triển tổ chức cấp ĐHQGHN và cấp các đơn vị, triển khai Đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học và quản lý trình độ cao của ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Tiếp tục triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học, phát triển và nâng cao hiệu quả Nhiệm vụ chiến lược phù hợp với thực tiễn của ĐHQGHN và các đơn vị; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao khả năng có việc làm của người học, nâng cao năng lực hội nhập và kết nối với yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, làm hạt nhân cho các hoạt động khoa học và công nghệ của ĐHQGHN; phát triển cơ sở vật chất, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác phát triển, tăng nguồn thu.

Để đáp ứng được những yêu cầu phát triển đó thì các nội dung thi đua, khen thưởng cần tập trung vào nâng cao chất lượng, hiệu quả, kết quả công việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như tập trung nguồn lực tạo ra các sản phẩm mới, kết quả mới, hữu ích mang đậm dấu ấn của ĐHQGHN. Đặc biệt, công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục đổi mới quy trình, tiêu chí, cách thức tổ chức công tác thi đua, khen thưởng: Sử dụng các tiêu chí của đại học nghiên cứu, các tiêu chuẩn của kiểm định chất lượng làm căn cứ để đánh giá thi đua cho từng đơn vị, các đơn vị dựa vào đặc thù riêng của mình để điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị cần thường xuyên cập nhật thành tích của cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên trong hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ hoạt động quản lý điều hành của các mảng công việc, trong đó có công tác thi đua khen thưởng. Phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng thuận, công bằng, dân chủ, khách quan, thân thiện để đẩy mạnh tinh thần sáng tạo, đổi mới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của ĐHQGHN trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu khoa học công nghệ đỉnh cao, phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu đổi mới và làm nòng cột trong hệ thống giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn của đất nước và của ngành giáo dục đào tạo, đặc biệt  là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn các phong trào thi đua yêu nước với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy đam mê cống hiến, sáng tạo đổi mới cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp để làm tốt hơn công tác hàng ngày, tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao cho xã hội.

Lấy khẩu hiệu “Sáng tạo - Tiên phong - Chất lượng cao” vừa làm động lực, vừa làm mục tiêu để thực hiện thành công kế hoạch nhiệm vụ năm học, tạo cơ sở vững chắc triển khai thắng lợi chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Xin trân trọng cảm ơn Giám đốc!

>>> Tin bài liên quan trên website ĐHQGHN:

- Các nhà khoa học ĐHQGHN tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị tỉnh Tuyên Quang

- Trường ĐHKHTN: Nhiệm vụ chiến lược góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế - GS. Phạm Hùng Việt: Miệt mài, nỗ lực vì trách nhiệm với cộng đồng

- GS. Phạm Hùng Việt: Miệt mài, nỗ lực vì trách nhiệm với cộng đồng

 

 Đức Phường (thực hiện) - Bản tin ĐHQGHN số 291
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :