Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, đại biểu đến từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả, học viên đến từ các cơ sở giáo dục.
Trong thế giới ngày nay, những thay đổi về chính trị, kinh tế và công nghệ đang diễn ra với tốc độ chưa từng có. Các vấn đề như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và môi trường đòi hỏi những giải pháp không chỉ mang tính toàn cầu mà còn phải gắn liền với những đặc thù của từng quốc gia. Theo đó, kinh tế chính trị, với tư cách là một ngành khoa học, đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc cung cấp nền tảng lý thuyết và công cụ phân tích để chúng ta hiểu và giải quyết các vấn đề này.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Đào Thanh Trường nhấn mạnh, Kinh tế chính trị học là lĩnh vực có sức ảnh hưởng sâu rộng, đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc khai mở những chiều sâu giá trị của các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị. Ngành kinh tế chính trị cũng đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bền vững và Trường ĐH Kinh tế là một trong những đơn vị thành viên của ĐHQGHN cũng đang tích cực triển khai.
Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc hội thảo
Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh, sứ mệnh của Trường ĐH Kinh tế là cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.
Chủ tịch Hội đồng trường kỳ vọng, hội thảo sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần giúp Việt Nam thành công hơn trong việc phục hồi kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các tham luận, với nhiều góc nhìn chuyên sâu về kinh tế, chính trị đặc biệt chỉ rõ những thách thức giữ vững, hài hoà mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội; và tác động của khoa học và công nghệ đối với kinh tế, lao động, việc làm cũng như phát triển, bảo tồn văn hoá dân tộc.
PGS.TS Phạm Văn Dũng, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đưa ra suy nghĩ về một số vấn đề kinh tế chính trị cấp bách ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, PGS.TS Phạm Văn Dũng nhấn mạnh cần hài hòa mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển. Phát triển đất nước là cơ sở, điều kiện để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phát triển các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Do vậy, phát triển đất nước là lợi ích lớn nhất, là mục tiêu quan trọng nhất phải thực hiện. Phát triển đất nước đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề nhưng tiền đề quan trọng nhất là phải đổi mới, vì không có “cái mới” sẽ không có phát triển. Đổi mới lại đòi hỏi phải có ổn định chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa - xã hội… Đây là điều kiện, tiền đề của đổi mới. Đồng thời, đổi mới, phát triển lại tạo tiền đề giữ vững ổn định. Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Văn Dũng cho hay, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là mối quan hệ lớn thể hiện quan hệ giữa kinh tế với một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Trong mối quan hệ này, tăng trưởng kinh tế được coi là trung tâm nhưng vẫn phải phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ thể hiện mục tiêu phát triển con người, phát triển bền vững, mà còn vì tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định lâu dài.
GS.TS Bùi Quang Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thế giới đang chuyển từ “đơn cực” sang “đa cực”; công nghệ đang lên ngôi với những đột phá lớn, đặc biệt là AI, dữ liệu lớn, IoT, block chain, tự động hoá, công nghệ sinh học, vật liệu… Cùng với đó là xu hướng toàn cầu hoá, khu vực hoá và chủ nghĩa dân tộc đan xen nhau. Cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu và đa dạng hoá thị trường như là phản ứng của bối cảnh mới; Xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, cam kết phát triển bền vững. Đặc biệt, làn sóng công nghệ mới đang định hình lại nền kinh tế thế giới, các thế hệ trí tuệ nhân tạo đang tiến tới AI tổng quát sẽ thay thế hoặc cạnh tranh với con người và có tác động rất căn bản và tác động mạnh mẽ đến lực lượng sản xuất.
Do vậy, các thức thách thức đặt ra đó là sự tự động hóa do AI gây ra có thể dẫn đến việc thay thế con người trong nhiều công việc, đặc biệt là các công việc lặp đi lặp lại và đòi hỏi ít kỹ năng. Việc sở hữu và kiểm soát công nghệ AI tập trung vào một số ít công ty lớn có thể làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo. Mặt khác, sự phát triển của AI cũng đi kèm với những rủi ro về an ninh mạng, khi mà các hệ thống AI có thể bị tấn công và lợi dụng để thực hiện các hành vi xấu.
Hội thảo cũng nghe và thảo luận các nội dung: Vai trò của Nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay; sự biến đổi và thích ứng trong các chính sách giảm nghèo của Việt Nam từ thập niên 1990 cho tới nay; Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng và phát triển bền vững, công bằng xã hội.
Trong khuôn khổ hội thảo, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã ra mắt cuốn sách chuyên khảo/kỷ yếu “Khoa học kinh tế chính trị: Các vấn đề đương đại”. Đây là tập hợp các bài viết của hơn 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý hàng đầu về các vấn đề kinh tế chính trị đương đại hiện nay, bao gồm cả trên thế giới và tại Việt Nam.
>>> Các tin tức liên quan: