Tham dự phiên họp có GS.TSKH. Viện sĩ Đào Trọng Thi - Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, thành viên Hội đồng ĐHQGHN; TS Nguyễn Thế Thảo - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, thành viên Hội đồng.
Trước khi bắt đầu phiên họp, Thư ký Hội đồng đã công bố các quyết định bổ nhiệm các thành viên mới của Hội đồng ĐHQGHN gồm: PGS.TS Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Nguyễn Ái Việt - Viện trưởng Viện CNTT, ĐHQGHN; bổ nhiệm TS. Đinh Văn Toàn - Chánh văn phòng ĐHQGHN làm Thư ký Hội đồng ĐHQGHN.
GS.TSKH. Viện sĩ Đào Trọng Thi - Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (bên trái) và TS Nguyễn Thế Thảo - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tại phiên họp
Hội đồng đã nghe PGS.TS Lê Kim Long - Trưởng ban Tổ chức Cán bộ - trình bày Đề án thành lập Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức; nghe PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Ban quản lý và Phát triển dự án - trình bày Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Nano và Năng lượng.
Theo đó, Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức sẽ là đầu mối phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN để phát triển các hoạt động hợp tác chuyển giao tri thức, sản phẩm KH&CN nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học; đóng gói các sản phẩm KH&CN có giá trị của ĐHQGHN để chuyển giao cho xã hội.
Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Nano và Năng lượng sẽ là đầu mối, trực tiếp thực hiện, điều phối, liên thông, liên kết và hợp tác NCKH, ứng dụng, chuyển giao và cung cấp dịch vụ, hợp tác quốc tế ở trình độ cao về lĩnh vực công nghệ Nano và năng lượng; tổ chức đào tạo sau đại học, phát triển nguồn nhân lực cao cấp về công nghệ Nano và năng lượng,
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận và góp ý, Hội đồng đã bỏ phiếu quyết nghị thông qua việc thành lập 2 trung tâm trên.
GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng - kết luận các nội dung chính:
Thứ nhất, việc thành lập các trung tâm trên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời làm cầu nối giữa ĐHQGHN và xã hội. Tuy nhiên, Hội đồng cũng lưu ý: hai trung tâm này không được trùng lặp với nhiệm vụ và chức năng của các đơn vị hiện có; phải phát huy được đặc thù và đẩy mạnh liên thông, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đã có; có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, việc thành lập Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao tri thức là cần thiết, đáp ứng việc hoàn thiện cơ cấu và mô hình của ĐHQGHN theo hướng tiếp cận mới: đó là mô hình một tổ hợp - kết hợp giữa các đại học và trung tâm chuyển giao tri thức, các khu công nghệ cao, vườn ươm công nghệ - với chính quyền. Sự ra đời của Trung tâm sẽ góp phần đẩy mạnh liên thông, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN, nâng cao hiệu quả đóng góp của ĐHQGHN vào sự nghiệp phát triển Thủ đô và cả nước, đồng thời khắc phục một điểm yếu hiện nay là thiếu cầu nối chuyển giao tri thức giữa các trung tâm nghiên cứu và xã hội.
Hội đồng nhất trí về cơ bản các nhiệm vụ, chức năng, mục tiêu của TT đã được nêu trong đề án, tuy nhiên cũng lưu ý một số điểm: TT cần tập trung chủ yếu vào việc chuyển giao tri thức; chú ý việc mở rộng chuyển giao tri thức theo cả hướng từ bên ngoài vào ĐHQGHN
Thứ ba, việc thành lập Trung tâm Khoa học Công nghệ Nano và Năng lượng là cần thiết nhằm phát triển cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực, phát huy tính tiên phong của ĐHQGHN trong triển khai các lĩnh vực tiên tiến, quan trọng của thời đại là công nghệ Nano và Năng lượng; đồng thời thúc đẩy liên thông, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư lớn của nhà nước.
Về cơ bản, Hội đồng nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng của TT được nêu trong đề án, nhưng lưu ý một số điểm: đối tượng và phạm vi nghiên cứu cần tập trung vào các vấn đề liên ngành, liên lĩnh vực trên cơ sở công nghệ Nano như Y dược, thực phẩm, sinh học, môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng...; tập trung nghiên cứu gắn với phát triển nhân tài công nghệ Nano; có cách thức tích hợp tổ chức, quản lý, sử dụng các nguồn lực chung được đầu tư với các nguồn lực riêng của đơn vị; tập trung đầu tư hiệu quả chi phí vận hành các nguồn lực chung.
Hội đồng ĐHQGHN cũng kiến nghị Thành phố Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi nhất để ĐHQGHN tham gia thật sự hiệu quả vào các chương trình hoạt động KH&CN, chuyển giao tri thức của thành phố; hỗ trợ để các nhà khoa học của ĐHQGHN tham gia các đề tài, dự án hoặc các chương trình liên doanh, liên kết ở những lĩnh vực hoạt động là thế mạnh của ĐHQGHN.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập 2 TT, cho rằng đây là hướng phát triển phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn phát triển KHCN của đất nước cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực nghiên cứu của ĐHGQHN. Việc thành lập hai TT trên sẽ giúp thúc đẩy ứng dụng KHCN vào thực tiễn phát triển kinh tế Thủ đô. Ông cũng hy vọng hai TT sẽ là đầu mối của Hà Nội với ĐHQGHN không chỉ xung quanh lĩnh vực chuyển giao tri thức và chuyển giao công nghệ mà còn tư vấn cho TP về những vấn đề có liên quan.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đánh giá cao mong muốn, ý chí mạnh mẽ của ĐHQGHN, của các nhà khoa học được đóng góp sức mình vào sự phát triển của Thủ đô. Ông khẳng định: các các cơ quan, đơn vị của Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐHQGHN để phát huy hiệu quả hoạt động của các TT này.
TS. Nguyễn Thế Thảo và các thành viên hội đồng thăm phòng thí nghiệm Trường ĐH Công nghệ (ảnh trên) và Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ảnh dưới)
|