TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 14/04/2017 GMT+7
Cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam và toàn cầu cho sinh viên ngành địa lý
Chọn được ngành học thú vị, có cơ hội phát triển và phát huy khả năng bản thân cũng như được theo học đội ngũ thầy cô giỏi và giàu nhiệt huyết là nguyện vọng của đa số người học. Với kinh nghiệm 50 năm, Khoa Địa lý thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đào tạo các bậc học từ cử nhân đến tiến sĩ sẽ giúp những thí sinh yêu thích ngành học này thực hiện khát vọng trang bị kiến thức, khám phá, chinh phục ngành học thú vị này.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể
Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên

Ghi nhận của phóng viên (Đài tiếng nói Việt Nam – VOV) tại các lớp học cũng như qua trao đổi với cán bộ, giảng viên và các cựu sinh viên Khoa Địa lý sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho phụ huynh, học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang làm chuẩn bị làm hồ sơ nguyện vọng 1 vào các trường đại học cao đẳng năm học 2017 – 2018.

Sinh viên Nguyễn Văn Trãi đến từ Quảng Trị cho biết, “Các giảng viên của Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên không chỉ giảng dạy giỏi mà còn rất tâm huyết với nghề. Ở đây, em được học tập trong môi trường đào tạo tốt, các thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo tận tình không chỉ trong học tập mà trong các hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập. Chúng em được đi nhiều nơi, tham quan và học hỏi kinh nghiệm”. Nguyễn Văn Trãi cho biết, sau khi tốt nghiệp em sẽ học thêm khóa đào tạo chuyên sâu để phục vụ công việc sau này.

Là cựu học sinh Trường Chuyên THPT Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đỗ Thị Kim Chi đã từng rất buồn vì không đủ điểm vào học ngành Sinh học như em mong ước nhưng rồi sự tận tình của thầy cô và những kiến thức mới về chuyên ngành Địa lý mà em được học mỗi ngày đã khiến em ngày càng thích thú và dự định sẽ học lên bậc thạc sĩ.

Thi đại học với điểm số cao, Nguyễn Phúc Minh lựa chọn ngành Địa lý bởi vì niềm đam mê với lĩnh vực khoa học này. Theo Minh, điều khác biệt khi theo học tại Khoa Địa lý thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đó là khả năng truyền đạt của các giảng viên với những kỹ năng và phương pháp học giúp sinh viên chủ động, tự học.

“Điều quan trọng khi theo học là những kiến thức và tư duy logic mà Địa lý học đem lại cho bọn em sau này có thể áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác”, Nguyễn Phúc Minh cho hay. Em cũng chia sẻ về  đề tài nghiên cứu khoa học với chủ đề “Biến động ảnh hưởng sinh kế sau khi có chính sách thay đổi vỉa hè” sẽ được báo cáo trước Hội đồng khoa học vào ngày 16/4 này. Đây là đề tài thuộc lĩnh vực địa lý nhân văn gắn với sự kiện nóng hổi về chủ trương, chính sách của UBND thành phố Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hải – giảng viên có nhiều năm giảng dạy tại Khoa, để thu hút được nhiều sinh viên đăng ký học tập cần cung cấp thông tin về chương trình học tập cũng như cơ hội phát triển lên các bậc học cao hơn, đặc biệt là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp khi theo học ngành này. “Sinh viên học địa lý ra có thể làm việc được ở các cơ quan nghiên cứu, quy hoạch nghiên cứu về môi trường và các em có kiến thức cơ bản, tổng hợp về các vấn đề về môi trường”, cô Nguyễn Thị Hải cho biết thêm.

Hãy theo đuổi đam mê để có thành công là chia sẻ của rất nhiều người thành đạt, 2 trong số đó là cựu sinh viên Khoa địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Họ rất hài lòng với sự lựa chọn của mình để rồi đã và đang đi tiếp con đường của niềm đam mê ấy, vừa phục vụ mục đích khám phá, vừa để cống hiến.

Anh Trần Văn Hiến – cựu sinh viên K44, hiện công tác tại Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) kể lại, năm 2003, chỉ 2 tuần sau khi tốt nghiệp, anh về Quảng Ninh nộp hồ sơ xin việc và được nhận vào công tác tại BQL Vịnh Hạ Long. Những kiến thức về khoa học trái đất được anh ứng dụng trong công việc thực tiễn và gặt hái những thành công để rồi bây giờ anh lại tiếp tục trở lại trường theo học bậc cao học chuyên ngành địa mạo và cổ địa lý.

Là cựu sinh viên trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà nội), trong khi các bạn cùng khóa lựa chọn những ngành “hot” như công nghệ thông tin, ngoại thương, ngân hàng thì Phạm Văn Mạnh lại lựa chọn học Khoa Địa lý, chuyên ngành Bản đồ - Viễn thám. Khi theo học tại Khoa, Mạnh có cơ hội thực hiện những đam mê, sáng tạo của mình, tìm hiểu không gian vũ trụ. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các thầy cô, Phạm Văn Mạnh có cơ hội phát triển đam mê của mình. Ngay sau khi tốt nghiệp, Mạnh được nhận vào làm việc tại Cục Viễn thám, đồng thời đã hoàn thành việc học thạc sĩ và đang theo học hệ đào tạo tiến sĩ tại Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

Phạm Văn Mạnh chia sẻ, Địa lý học có tính ứng dụng rất cao trong giám sát, tài nguyên thiên nhiên, tai biến thiên nhiên, ứng dụng trong an ninh quốc phòng. Theo học lĩnh vực này, người học có nhiều cơ hội việc làm, cả ở trong nước và quốc tế.

PGS.TS Phạm Quang Tuấn – Chủ nhiệm Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ, Địa lý học là một khoa học mang tính không gian, mang tính ứng dụng và góp phần giải quyết rất nhiều vấn đề cả ở Việt Nam và thế giới đang quan tâm như các vấn đề khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường... Có rất nhiều cơ hội học bổng và cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên có năng lực vì hàng năm Bộ Công an, bộ Quốc phòng đều đặt hàng đào tạo và cấp học bổng tuyển dụng những sinh viên tiềm năng sau khi tốt nghiệp. Tính ứng dụng cao mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên theo học chuyên ngành này.

Chủ nhiệm Khoa Phạm Quang Tuấn cho biết: “Suốt chặng đường nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã đạt được những thành tích đáng tự hào trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu đứng đầu trong cả nước về lĩnh vực địa lý và quản lý đất đai. Nhiều sinh viên tốt nghiệp tại Khoa làm việc ở nhiều cơ quan trung ương và khắp mọi miền trên cả nước”.

Vượt qua những khó khăn của thời kì đầu, đến nay Khoa Địa lý đã chính thức trở thành một trong những đơn vị hàng đầu của cả nước về đào tạo cán bộ trong lĩnh vực địa lý và địa chính với 2 ngành đào tạo ở bậc cử nhân.

Song song với công tác đào tạo bậc đại học, Khoa Địa lý đã trở thành cơ sở đào tạo Sau đại học lớn nhất trong cả nước với 6 chuyên ngành ở bậc thạc sĩ và 5 chuyên ngành ở bậc tiến sĩ.

Đến nay, Khoa đã đào tạo được được hơn 2.500 cử nhân hệ chính quy, gần 900 thạc sĩ  và trên 120 tiến sĩ đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.

Đội ngũ cán bộ của khoa đã chủ trì, tham gia nhiều chương trình, đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước và nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ nhu cầu thực tiễn tại nhiều địa phương trong cả nước. Đến nay, hơn 70 đề tài các cấp đã được thực hiện trong đó có 11 đề tài cấp Nhà nước và Nafosted. Bình quân mỗi năm, các nhà khoa học của Khoa đã công bố 40 - 50 bài báo khoa học trên tạp chí chuyên ngành ở trong và ngoài nước cùng với các báo cáo trình bày tại các Hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế.

Tin liên quan:

- VOV: Cơ hội cho sinh viên ngành địa lý

- Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: Nửa thế kỉ - một chặng đường phát triển

 

 

 Sinh Vũ (tổng hợp) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ