Tham dự buổi làm việc có đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng các đồng chí đại diện các Bộ Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo; các vụ, đơn vị thành viên của Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía ĐHQGHN có Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cùng các Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hoàng Hải, Lê Quân; lãnh đạo Văn phòng, Trưởng ban chức năng và Hiệu trưởng các trường đại học thành viên.
Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQGHN là mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết, học tập kinh nghiệm có sàng lọc mô hình các đại học danh tiếng trên thế giới. Cơ chế quản trị đại học tiên tiến đặt dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho ĐHQGHN phát huy được quyền tự chủ cao trong mọi hoạt động, vừa thực hiện được sự liên thông, liên kết vừa phát huy tính sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng đơn vị thành viên và trực thuộc, đáp ứng nhanh yêu cầu đào tạo chất lượng cao, trình độ cao.
Đại diện lãnh đạo ĐHQGHN nhấn mạnh, sau một thời gian triển khai thực hiện, các kết quả nghiên cứu ban đầu của Chương trình đã bám sát mục tiêu; được tách chiết để chuyển giao các tỉnh thông qua việc góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học và trong các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương.
Các hoạt động của Chương trình đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi việc lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; được các địa phương đánh giá cao và mong muốn hợp tác sâu rộng với Chương trình và ĐHQGHN; qua đó, đã góp phần thiết thực mở rộng quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN với các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình chia sẽ tại buổi làm việc với ĐHQGHN
Trong quá trình thực hiện, việc phối hợp giữa ĐHQGHN, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Chủ nhiệm Chương trình được các bên tham gia đánh giá là hiệu quả, trách nhiệm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN Vũ Minh Giang bày tỏ, việc phát triển khoa học và công nghệ ứng dụng, chuyển giao triển khai trên nền khoa học cơ bản mới phát triển bền vững.
Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng ĐHQGHN Mai Trọng Nhuận bày tỏ, tự chủ là vấn đề sống còn của đại học. Để ĐHQGHN tiếp tục là đầu tàu đổi mới thì phải có cơ chế tự chủ và ưu tiên trong việc khai thác và xây dựng một cơ sở vật chất tương xứng.
Đồng chí Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ chia sẻ, các đồng chí lãnh đạo trung ương và địa phương đã từng đến Tây Bắc đều có chung một nhận định rằng, không có khoa học và công nghệ thì Tây Bắc không thể phát triển bền vững được. Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc đã thực hiện các qui trình hết sức bài bản, khoa học, dân chủ, bám sát mục tiêu thiết thực và hiệu quả.
Ban Chủ nhiệm đã có nhiều cách để huy động nhà khoa học, nhà quản lí, doanh nghiệp cùng tham gia vào việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học cho thực tiễn. Gần 60 đề tài đã được các nhà khoa học triển khai hết sức trách nhiệm.
Tây Bắc là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số có trình độ đào tạo ở nhiều mức độ khác nhau. Ông Trường Xuân Cừ chia sẻ, tỉ lệ người lao động là dân tộc Kinh ở Tây Bắc có trình độ cao đẳng, đại học là 22%, người Tày 14%, người Mường 7%, người Thái 4%, người Mông 0,5%. Từ đặc trưng xã hội như vậy, thực tiễn Tây Bắc tiếp tục đòi hỏi có các cơ sở giáo dục đại học cùng đồng hành trong sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng nhân lực.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng, Đảng và Chính phủ cần có những quan tâm sâu sắc, cụ thể hơn đến vùng Tây Bắc thông qua chương trình Tây Bắc do ĐHQGHN triển khai năm 2013. Bộ ủng hộ ĐHQGHN trong việc đề xuất triển khai giai đoạn 2 của Chương trình này cùng với việc đánh giá, tổng kết, chuyển giao các kết quả nghiên cứu của giai đoạn 1.
Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam Dương Ngọc Hải, một trong những nhà khoa học đồng hành cùng Chương trình Tây Bắc từ những ngày đầu thì cho rằng, chương trình đã có những tác động ban đầu đến đời sống, phong tục, tập quán vùng Tây Bắc bằng cách tiếp cận khoa học công nghệ. Ông đề xuất với các cơ quan quản lí cần nghiên cứu thực tế để có những chính sách riêng, đặc thù với từng vùng. Cùng với đó, ông đề nghị các cơ quan trung ương quan tâm để Chương trình Tây Bắc tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, 2017 – 2020.
Trong khi đó Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát thì cho biết, các ứng dụng do các cơ sở đại học đưa ra thường bền vững hơn, do được dựa trên các nền lý thuyết chuẩn mực. Ông minh họa, ở Mĩ có nhiều đại học là trung tâm khoa học công nghệ uy tín của thế giới.
Về Chương trình Khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc do ĐHQGHN chủ trì, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng đây là chương trình khoa học công nghệ hết sức cần thiết. Ông đồng thời chia sẻ về tâm nguyện của cá nhân mà quãng thời gian làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa làm được. Đó là chưa kích được sự phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc và chưa giải quyết triệt để vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến ngành nông nghiệp.
Vì thế, ông Cao Đức Phát bày tỏ sự ủng hộ và nhất trí cao với các hướng mà ĐHQGHN đề xuất trong buổi làm việc này. Ông cho rằng, phải tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vùng đất này thì mới tạo sự thay đổi. Tuy nhiên, ông cũng phân tích thêm, các ứng dụng khoa học kỹ thuật đi vào đời sống được thì phải đáp ứng 3 tiêu chí: tốt về mặt kỹ thuật; hiệu quả về mặt kinh tế và được chấp nhận về mặt xã hội. Người dân Tây Bắc rất cần những chương trình nghiên cứu khoa học và các cấp quản lý của Trung ương và địa phương cần coi khoa học công nghệ là giải pháp chiến lược cho việc tập trung phát triển Tây Bắc.
Nhận định về những đóng góp của đội ngũ cán bộ khoa học với vùng Tây Bắc, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của ĐHQGHN và Chương trình Tây Bắc về những kết quả hoạt động của Chương trình trong thời gian qua.
Ông đề nghị việc nghiệm thu và chuyển giao kết quả nghiên cứu sớm được thực hiện, song hành cùng với việc tổng kết, đánh giá Chương trình. Phó Trưởng ban thường trực Hầu A Lềnh đề nghị Chương trình Tây Bắc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 để khoa học và công nghệ có thêm thời gian cùng đóng góp vào sự phát triển của vùng đất này.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh, trong thời gian qua, ĐHQGHN đã có nhiều nỗ lực vượt qua những khó khăn, triển khai nhiều giải pháp đổi mới và đạt được những kết quả nổi bật trên tất cả các mặt hoạt động. Xếp hạng quốc tế của ĐHQGHN đã có những bước phát triển nhanh chóng, đến nay được xếp hạng 139 trong hệ thống các trường Đại học hàng đầu Châu Á. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã có nhiều thành tựu nổi bật với nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao, phục vụ thực tiễn. Đặc biệt, ĐHQGHN đã và đang được triển khai hiệu quả "Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" với nhiều sản phẩm cụ thể được hoàn thành và chuyển giao, được các đơn vị ứng dụng đánh giá tốt.
Nghị quyết hội nghị TW5 vừa qua nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường, trong đó bao gồm cả lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Đại học Quốc gia HN cần phát huy tự chủ về tài chính để giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách, các sản phẩm phải mang tính thực tiễn và tạo ra giá trị; việc đầu tư phải trọng tâm trọng điểm tránh dàn trải để mang lại hiệu quả cao nhất..., xây dựng thương hiệu và vị thế của Đại học Quốc gia HN.
Ban Kinh tế Trung ương và BCĐ Tây Bắc ủng hộ về chủ trương các đề xuất của ĐHQGHN liên quan tới: ưu tiên nguồn lực và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc; cơ chế, chính sách thu hút nhân tài; cơ chế, chính sách phát triển Đào tạo và Khoa học công nghệ; tiếp tục triển khai "Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" giai đoạn sau năm 2018.
Đánh giá cao nỗ lực của ĐHQGHN và Ban chỉ đạo Tây Bắc trong việc triển khai "Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc", đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận lần đầu tiên có một chương trình thu hút nhiều nhà khoa học đến với Tây Bắc. Đồng chí đề nghị có báo cáo đánh giá toàn diện về kết quả Chương trình giai đoạn 2013-2018 và đề xuất tiếp tục triển khai sau năm 2018, tập trung vào các nội dung như: xây dựng cơ ở dữ liệu vùng; các đề tài nghiên cứu về vấn đề trồng rừng, phát triển du lịch, nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Tây Bắc.
Nhấn mạnh khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế đất nước, đồng chí đánh giá bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo lên hàng đầu, nếu không sẽ bị tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đây là cơ hội để đi tắt đón đầu cho những nước đi sau như Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục phối hợp với ĐHQGHN để có các cơ chế phù hợp tạo đột phá để tiếp tục phát triển trong thời gian tới, thực sự trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Từ năm 2013, ĐHQGHN được Chính phủ giao cho chủ trì triển khai "Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) - chương trình khoa học công nghệ quốc gia đầu tiên được triển khai tại địa bàn này.
Chương trình có mục tiêu: Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
|
|