TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 25/05/2018 GMT+7
[+Video] VNU - UET ra mắt Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông và ký kết hợp tác với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Sáng ngày 25/05/2018, Trường Đại học Công nghệ (viết tắt là VNU - UET) - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Bộ môn Công nghệ Xây dựng - Giao thông và ký kết hợp tác với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Sự kiện này ghi dấu sự phát triển phong phú các chương trình đào tạo, đồng thời cho thấy quan hệ hợp tác giữa các đại học ngày càng rộng mở, hứa hẹn những bước phát triển mới trong tương lai.

1. Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết, VNU – UET là một trong 7 trường đại học thành viên của ĐHQGHN, được thành lập 25/5/2004 theo Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường được thành lập trên cơ sở phát triển Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN.

Tại Quyết định thành lập, Thủ tướng chính phủ đã giao hai nhiệm vụ cho VNU - UET là: “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ” và “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Trải qua 14 năm xây dựng và trưởng thành, VNU - UET đã không ngừng lớn mạnh trong mọi mặt hoạt động. Trong đó, VNU - UET phát triển các ngành/lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu được mở rộng theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với bốn lĩnh vực truyền thống là Công nghệ Thông tin, Điện tử - Viễn thông, Công nghệ Micro-Nano; Cơ kỹ thuật, Cơ điện tử, VNU - UET đã phát triển những ngành/lĩnh vực mới như ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ với sự đồng hành của Viettel, ...

Đặc biệt, ngày 29/03/2018, Hiệu trưởng VNU - UET Nguyễn Việt Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-ĐHCN về việc thành lập Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông trực thuộc Trường trên cơ sở Phòng thí nghiệm Vật liệu linh kiện và kết cấu tiên tiến trực thuộc Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà cho rằng, các điều kiện tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học đã được VNU - UET chuẩn bị kĩ lưỡng, do đó việc thành lập Bộ môn sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy hợp tác, đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực đào tạo, khoa học công nghệ.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông cho biết, Bộ môn là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc VNU - UET và hoạt động theo quy chế tổ chức, hoạt động của Bộ môn trực thuộc trường. Về mặt hành chính, Bộ môn thuộc trường tương đương cấp Khoa.

Bộ môn có chức năng đào tạo các bậc đại học, sau đại học, ngắn hạn và chứng chỉ trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật xây dựng, giao thông. Bộ môn thực hiện nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành vật liệu và kết cấu tiên tiến kỹ sư cơ học kỹ thuật; đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cơ học kỹ thuật; Nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng công nghệ, chuyển giao tri thức, triển khai các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước, trong lĩnh vực xây dựng, giao thông; Tham gia đào tạo, triển khai các hoạt động thực hành, thực tập cho người học các ngành/chuyên khác theo phân công.

2. Mở rộng hợp tác với các đại học

VNU - UET là một trong những đơn vị tiêu biểu trong ĐHQGHN về việc gắn kết giữa đại học với viện nghiên cứu, tập đoàn công nghiệp và đại học. Trường là hình mẫu trong việc hình thành và phát triển các đơn vị phối thuộc, nhằm triển khai các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

VNU - UET cũng là điểm đến của nhiều đại học trong và ngoài nước, nhằm hướng đến sự phát triển các chương trình đào tạo, thực hiện các nghiên cứu chung.

Ngày 25/5/2018, Hiệu trưởng VNU - UET và Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đại diện 2 cơ sở đại học, kí kết văn bản thỏa thuận hợp tác song phương. Hai Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà và Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng bày tỏ sự tin tưởng vào sự hợp tác của 2 ĐH trong tương lai.

Theo văn bản thỏa thuận được kí kết, VNU – UET và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cam kết cùng phát triển chương trình đào tạo, xây dựng giáo trình, đào tạo đội ngũ giảng viên; giao lưu trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo của mỗi bên; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kết nối, khai thác các cơ hội phát triển quan hệ quốc tế trong học thuật với hệ thống các trường đại học tiên tiến trong khối ASEAN và thế giới. 

Chia sẻ về lí do chọn VNU - UET là điểm đến trong các hoạt động hợp tác, Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, sự hợp tác này nằm trong lộ trình phát triển hợp tác toàn diện hơn nữa của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với các đơn vị thuộc ĐHQGHN. Ông bày tỏ sự trân trọng đặc biệt và đánh giá cao những thành tựu của ĐHQGHN trong những năm vừa qua. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có những hợp tác với Trường ĐH Kinh tế và ĐH Việt Nhật thuộc ĐHQGHN.

“Với thế mạnh của một đơn vị mới thành lập, với mong muốn được hợp tác với ĐHQGHN - cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của cả nước, có nhiều hoạt động tiên phong trong đổi mới giáo dục đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hy vọng có sự phát triển đột phá trong thời gian tới” - Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

3. Đào tạo gắn với thực tiễn

Trong khuôn khổ của Lễ ra mắt Bộ môn Công nghệ Xây dựng - Giao thông, TS. Dương Trọng Vĩnh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng CONINCO khẳng định, Công ty sẽ tuyển dụng những sinh viên, nghiên cứu sinh của VNU - UET ngay khi tốt nghiệp.

TS. Dương Trọng Vĩnh cho rằng, việc hợp tác giữa các đại học có sự đồng hành của doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để sinh viên đến gần hơn với thực tiễn của công việc sau khi tốt nghiệp. Sự ra đời của Bộ môn Công nghệ Xây dựng - Giao thông vào thời điểm này được ông Vĩnh đánh giá là thiên thời, địa lợi, nhân hòa, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đối với cơ sở hạ tầng và xu hướng công nghệ 4.0 trên thế giới có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Việt Nam.

Đại diện của CONINCO bày tỏ, sự kết nối, hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam với trường đại học quốc tế nói riêng và Việt Nam với bạn bè quốc tế nói chung là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Các thế mạnh về khoa học công nghệ, thương hiệu, danh tiếng sẽ giúp cho ĐHQGHN nói chung và Trường ĐHCN nói riêng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tính đặc sắc trong các môn học mang tính thời sự như: Công nghệ mới trong xây dựng – giao thông; Thiết kế, thi công các công trình đặc biệt, Thiết kế hệ thống, Phát triển bền vững; Năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng; Quản lý và phát triển dự án; công trình xanh; Thích ứng với biến đổi khí hậu, phong thủy,...

Không chỉ gắn với nghiên cứu, chương trình đào tạo chú trọng đến các đồ án và các kỳ thực tập: 2 Đồ án bắt buộc (một đồ án sau khi kết thúc các môn cơ sở của ngành, đồ án 2 sau khi sinh viên đi vào các chuyên ngành), với 3 đợt thực tập: Thực tập tìm hiểu về nghề nghiệp, Thực tập kỹ thuật và Thực tập tốt nghiệp, cung cấp cho sinh viên kỹ năng học đi đôi với hành, thông qua các bài tập và các bài tính toán thiết kế trong đồ án và kỳ thực tập này. và tạo cơ hội cho sinh viên có điều kiện cho sinh viên thực hành thực tập ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cũng như trao đổi sinh viên với các trường đại học của nước ngoài trong quá trình học tập.

>>>>> Các tin bài liên quan

- Ngành Kỹ thuật hạ tầng - hợp tác sâu sắc Nhật Bản - Việt Nam

- Tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật Xây dựng – Giao thông

 Đỗ Ngọc Diệp - Vũ Ngọc Tùng / Video: Lan Anh - Hoàng Giang - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ