TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:19 Ngày 16/04/2020 GMT+7
Quả cầu vàng năm 2019 Hoàng Văn Xiêm: Không ngừng nỗ lực sau Giải thưởng
TS. Hoàng Văn Xiêm, giảng viên Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã vinh dự được nhận đạt Giải thưởng Quả Cầu vàng năm 2019. Đây là giải thưởng uy tín tôn vinh các tài năng trẻ Việt Nam có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tiến sĩ Hoàng Văn Xiêm chia sẻ:

Ngay khi biết tin bản thân được Đoàn Thanh niên Trường ĐHCN đề cử tham gia xét duyệt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2019, tôi cảm thấy rất bất ngờ. Bởi vì, đây là giải thưởng danh giá và cao quý do Trung ương Đoàn TNCS HCM và Bộ Khoa học và Công nghệ xét duyệt hàng năm từ danh sách rất nhiều tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập vào nghiên cứu khoa học cả trong lẫn ngoài nước. Điều bất ngờ và hạnh phúc nhất là khi tôi có tên trong danh sách 10 tài năng trẻ nhận Quả Cầu Vàng.

Thông qua giải thưởng này, những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học của cá nhân tôi nói riêng và tập thể nghiên cứu khoa học của Trường ĐHCN nói chung đã được ghi nhận xứng đáng và trở thành niềm tự hào đối với các nhà khoa học.

{ảnh từ trái qua phải} TS. Hoàng Văn Xiêm và GS Ken Tomiyama, GS. Kazuhito Komiya (Hiệu trưởng Viện Công nghệ Chiba) trong chuyến công tác

Có thể nói rằng, so với các đồng nghiệp cùng trang lứa thì thành tích nghiên cứu khoa học của bản thân không quá nổi bật, nhưng ngay từ khi còn trên giảng đường đại học tôi đã thích làm nghiên cứu, thích tìm hiểu những ý tưởng, giải pháp mới để giải quyết những bài toán mở trong khoa học. Một trong những vấn đề mang đến cho tôi nhiều hứng thú và quan tâm là việc khai thác, ứng dụng các mô hình toán học trong tối ưu bài toán mã hóa và xử lý tín hiệu Video. 

- Với 14 bài báo quốc tế, Tiến sĩ chia sẻ đôi điều về “sở thích” đặc biệt này?

Năm 2011, là năm đầu tiên tôi độc lập viết một bài báo quốc tế và cũng là bài báo để lại nhiều kỷ niệm, kinh nghiệm cho tôi nhất. Bài báo đó viết về lĩnh vực mã hóa video phân tán, một trong những hướng nghiên cứu rất được chú ý trong thời gian đó. Trong bài báo này, tôi công bố các giải pháp tối ưu thời gian mã hóa video một cách linh hoạt với chỉ một tham số cho người, sử dụng trong các ứng dụng như mạng cảm biến hình ảnh không dây, hệ thống video giám sát.

Mặc dù trước khi độc lập viết bài báo này, tôi đã tham gia đồng tác giả khá nhiều bài báo hội nghị quốc tế khác; tuy nhiên, các bài báo trước đây được sự hỗ trợ rất nhiều từ thầy hướng dẫn các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.  Bài báo này tôi tự mình đề xuất các ý tưởng, chắp bút viết tất cả các nội dung. Khi bắt tay vào viết bài báo khoa học tôi đã phải sửa và viết lại hàng chục lần. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng bài báo của tôi được chấp nhận đăng trên tạp chí IEEE Transactions on Broadcasting, một tạp chí rất uy tín trong lĩnh vực truyền thông video quảng bá.

TS. Hoàng Văn Xiêm và TS. Trần Thanh Tùng trong chương trình hợp tác chuyển giao đào tạo kỹ thuật Robot

Qua đó tôi có thêm tự tin, cùng với đam mê dấn thân sâu hơn nữa vào con đường khoa  học. Tuy nhiên, để duy trì và nuôi dưỡng đam mê thì lại không phải điều dễ dàng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ ngày nay khiến cho con người ta có thêm nhiều đam mê cũng như mối bận tâm khác. Nhưng sau thời gian làm việc tại Trường ĐHCN, tôi đã tiếp tục được theo đuổi niềm đam mê và đặc biệt được học hỏi từ những thầy/cô, đồng nghiệp rất tài năng, nhiệt huyết trong môi trường nghiên cứu.

Thưa Tiến sĩ, sản phẩm khoa học và định hướng nghiên cứu mà bản thân anh tâm đắc đến thời điểm này là gì?

Tới nay, tôi đã làm về xử lý thông tin ảnh và video hơn mười năm. Nhưng tôi cảm thấy nếu hướng nghiên cứu này chỉ dừng lại ở đó thì rất khó có thể triển khai ra các ứng dụng đáp ứng được những nhu cầu của xã hội hiện tại. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang là một trong những chủ đề được quan tâm bởi Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trên cơ sở đó, tôi cũng đã và đang triển khai các hướng nghiên cứu khai thác các công cụ học máy cho bài toán về hình ảnh và video. Gần đây tôi cùng với các đồng nghiệp tại trường ĐHCN đã triển khai thành công nhiều khóa học về học máy, về xử lý ảnh và khai thác dữ liệu cho các công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam và Nhật bản như: Tổng công ty SamSung Display Việt Nam, Công ty Cổ phẩn Aimesoft, …

Khi tham gia hướng nghiên cứu về mã hóa và xử lý tín hiệu video, tôi có cơ hội được làm việc và kết nối với những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này như giáo sư Fernando Pereira (ĐH Lisbon), giáo sư Stuart Perry (ĐH Công nghệ Sydney, Úc), và giáo sư Byeungwoo Jeon (ĐH Sungkyunkwan). Một trong những kết quả gần đây của nhóm nghiên cứu cùng với TS. Đinh Triều Dương (Chủ nhiệm Khoa ĐTVT) là đề xuất và xây dựng thành công một mô hình mã hóa video phân tán cho thế hệ mới với hiệu năng mã hóa đạt tới trên 30% so với mô hình cũ. Kết quả cũng được công bố trên 02 tạp chí quốc tế và đăng ký 02 bằng sáng chế. Tôi hy vọng mô hình mã hóa này sẽ được triển khai và áp dụng ở các hệ thống cảm biến không dây trong tương lai gần.

Là một giảng viên trẻ, Tiến sỹ đã làm thế nào để cân bằng được thời gian nghiên cứu, công việc, cuộc sống…?

Tôi cũng giống như bao nhiêu đồng nghiệp và nhà khoa học khác đều có cuộc sống riêng, bởi vì công việc nghiên cứu không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhưng những lúc như vậy, tôi luôn cố gắng toàn tâm toàn ý để hoàn thành mục tiêu. Sau đó, tôi tự thưởng cho bản thân những thời gian riêng tư để giảm stress, F5 lại suy nghĩ và cảm hứng giống như các bạn trẻ khác là đọc tin tức, lướt facebook, ngồi café với bạn bè hoặc đồng nghiệp.

Nhớ lại những ngày đầu mới về nước, đến nay đã tròn 4 năm, cũng chính là khoảng thời gian tôi được làm việc trong môi trường ĐH Công nghệ.

Ngay khi về nước tôi đã quyết định nộp hồ sơ vào vị trí giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐHCN. Trước đó, tôi có hai năm học cao học ở Hàn Quốc và hơn bốn năm nghiên cứu sinh ở Bồ Đào Nha, cùng các khoảng thời gian ngắn thực tập, nghiên cứu ở Úc. Tôi luôn có một mục tiêu rõ ràng là tiếp tục các nghiên cứu của mình tại Việt Nam, nơi có gia đình thân yêu và môi trường gắn bó với tuổi thơ của mình nhiều nhất. Trường ĐHCN là nơi tôi duy nhất tôi gửi hồ sơ, tôi cũng đã tìm hiều rất nhiều về nhà trường trước khi gửi hồ sơ. Cũng là một cái duyên, bởi vì người đầu tiên kết nối tôi đến với khoa Điện tử viễn thông là PGS.TS Nguyễn Việt Hà, rồi sau đó tôi được gặp và làm việc với GS.TS Chử Đức Trình và chính GS.TS Chử Đức Trình đã giới thiệu tôi với TS. Đinh Triều Dương để cùng xây dựng nhóm nghiên cứu như bây giờ.

TS. Hoàng Văn Xiêm (giữa), GS. Stuart Perry (ĐH Công nghệ Sydney) và NCS. Phí Công Huy 

Trong những năm tháng làm việc tại Trường, các yếu tố của môi trường giảng dạy và nghiên cứu đã cho tôi cơ hội để trưởng thành và phát triển. Tôi luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thầy lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường ĐHCN nói riêng. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của các thầy/cô trẻ khi mới về đơn vị công tác như tôi. Thứ hai là, sự chia sẻ và hỗ trợ trong công việc, nghiên cứu giữa các thầy/cô đồng nghiệp. Thứ ba là, môi trường năng động đã giúp tôi có thêm động lực và nhiệt huyết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thứ tư là, sự kế thừa truyền thống từ những thành tích của nhiều nhà giáo lão thành.

Sau thành công tại giải thưởng Quả Cầu vàng năm 2019, Tiến sĩ có những dự định như thế nào đối với việc phát nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy trong thời gian tới?

Chắc chắn tôi vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu và giảng dạy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và từng bước xây dựng phát triển nhóm nghiên cứu lớn mạnh.

Cũng không có gì đặc biệt, tôi luôn quan niệm sinh viên như những người bạn, người em của mình; công việc giảng dạy với tôi bản chất là sự chia sẻ, tôi chia sẻ những cái gì tôi biết và cũng luôn sẵn sàng học hỏi lại chính từ các bạn sinh viên của mình.

Các bạn sinh viên ngày nay rất năng động và chủ động. Thế giới thì phẳng mà kiến thức thì mở. Do vậy, hướng dẫn các bạn cách học và đam mê tìm tòi, khám phá quan trọng hơn là dạy các bạn ý học gì, làm gì.

Cảm ơn Tiến sĩ!

TS. Hoàng Văn Xiêm và các học viên tại Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN  

* Thành tích nổi bật:

– 14 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế: trong đó 03 bài báo là tác giả chính thuộc danh mục Q1, 04 bài báo thuộc danh mục Q2 (03 bài là tác giả chính), 05 bài báo thuộc danh mục Q4 (01 bài báo là tác giả chính), 02 bài báo tạp chí quốc tế khác.
– 30 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội nghị khoa học trong và ngoài nước (trong đó 19 báo cáo là tác giả chính).

– Tác giả chính 02 Giải thưởng bài báo xuất sắc nhất (best paper award) tại hội nghị IEEE Picture Coding Symposium, Úc năm 2015 và hội nghị IWAIT, Thái Lan 2018. Giải thưởng phản biện xuất sắc (Outstanding reviewer award) của tạp chí Elservier Signal Processing: Image Communication (SCI Q2, Impact factor: 2.814.) năm 2018. 01 bài báo Top 3 best paper, hội nghị IEEE ICCE-Asia năm 2019.

– Chủ nhiệm 01 đề tài cấp nhà nước (Nafosted) đã nghiệm thu năm 2019; Thư ký khoa học 01 nhiệm vụ cấp nhà nước đã nghiệm thu (Xuất sắc) giai đoạn 1 năm 2019. Thư ký khoa học, thành viên chính 01 đề tài cấp bộ (ĐHQGHN) đã nghiệm thu (Đạt) năm 2019.

– Tác giả chính của 01 Chương sách chuyên khảo được xuất bản bởi Nova Science Publishers, Inc. † New York.

– 02 bằng độc quyền sáng chế đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2019.

– Giải thưởng Fraunhofer Portugal Award cho kết quả nghiên cứu Tiến sĩ có kết quả nghiên cứu xuất sắc (1/70 Luận án) năm 2015.

– Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2017 – 2018, 2018-2019

– Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN năm 2019 cho các thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và giảng dạy.

- Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN 2019.

* Hoạt động cộng đồng:

– Tham gia phản biện cho 12 tạp chí ISI/SCI Q1, Q2 và Quỹ Nafosted, trong đó có: IEEE Transactions on Image Processing (SCI Q1), IEEE Transactions on Broadcasting (SCI Q1), IEEE Transactions on Circuits and Systems for Video Technology (SCI Q1), IEEE Transactions on Industrial Informatics (SCI Q1), IEEE Access (SCI Q1), IET Image Processing (SCI Q2), Elsevier Signal Processing: Image Communication (SCI Q2)….
– Thành viên Ban Tổ chức 11 Hội nghị quốc tế, như: International Workshop on Advanced Image Technology 2018, 2019; IEEE International Symposium on Embedded Multicore / Many core Systems-on-Chip 2018,2019; International Conference on Advanced Technologies for Communication 2016, 2017, 2018, 2019; International Conference on Green and Human Information Technology 2018; 4th NAFOSTED Conference on Information and Computer Science 2017…
– Thành viên Ban biên tập (Editor) của Tạp chí VNU Journal of Science.

>>>>> Các tin bài liên quan:

- Phương pháp mã hóa và giải mã video phân tán

- Tài năng trẻ giành giải thưởng Quả cầu vàng

- VMINA LAB: ra mắt thiết bị sát khuẩn tự động

- 8 tiến sĩ và 1 sinh viên xuất sắc được trao Quả Cầu Vàng

 Tuyết Nga - VNUMedia
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ