TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 28/10/2020 GMT+7
UCIT2020: Tìm các giải pháp tối ưu cho công tác dịch thuật và đào tạo dịch thuật trong thời đại 4.0
Ngày 27/10/2020, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đã tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến với chủ đề “Dịch thuật thời đại 4.0: đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn” – UCIT2020.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn: (1) Kết nối các cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm chia sẻ và thảo luận những vấn đề liên quan đến thực trạng dạy và học biên phiên dịch hiện nay trong các cơ sở đào tạo trên thế giới và Việt Nam; (2) Trao đổi để tìm ra những giải pháp tối ưu cho công tác giảng dạy và học tập biên phiên dịch, đồng thời nâng cao khả năng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay về công tác biên phiên dịch; (3) Kết nối các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biên phiên dịch nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo, thực hành, thực tập; (4) Kết nối các chuyên gia nước ngoài nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biên phiên dịch.

Sử dụng 2 ngôn ngữ Việt – Anh (có phiên dịch đồng thời), hội thảo thu hút khoảng 500 đại biểu đến từ hơn 10 quốc gia (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức, Nhật Bản, Australia, New Zealand..). 

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia dịch thuật như: bà Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Bỉ và EU, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội; ông Phạm Văn Chương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực – Ban Đối ngoại Trung ương; ông Bùi Thế Giang – nguyên Đại sứ, Phó Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc; ông Nguyễn Vinh Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương; ông Phạm Bình Đàm – Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia;…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN rất quan tâm đến ngành biên phiên dịch nói chung và công tác đào tạo kỹ năng biên phiên dịch phù hợp với thị trường lao động nói riêng. Sử dụng hình thức trực tuyến với mong muốn kết nối nhiều chuyên gia trên thế giới, Hội thảo được tổ chức với kỳ vọng góp phần phát triển ngành biên phiên dịch nước nhà. 

Ông Trần Trọng Hưng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia nhận định, hội thảo là một trong những sự kiện học thuật giúp thực hiện nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trong thời gian qua, Đề án đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác dạy và học ngoại ngữ như xây dựng các chương trình đạo tạo mới thân thiện hơn, đẩy mạnh công tác đào tạo ngoại ngữ trực tuyến trong bối cảnh "bình thường mới" của đại dịch Covid-19 và hậu dịch.

Về phần mình, TS. Daniel Hu, Giám đốc Viện Nghiên cứu biên phiên dịch, ĐH Sư phạm Quốc gia Đài Loan cho rằng, biên phiên dịch cơ bản là cách giao tiếp xuyên qua thời gian và không gian. Bằng phương pháp giao tiếp này, chúng ta có thể hiểu rõ nhau hơn và từ đó xây dựng một mối quan hệ cộng đồng dịch thuật chặt chẽ, mạnh mẽ hơn. "Hội thảo là cơ hội tuyệt vời để các khách mời có thể hiểu thêm về công tác nghiên cứu biên phiên dịch ở Việt Nam", TS. Daniel Hu khẳng định.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia cho biết, hội thảo là dịp vô cùng đặc biệt dành cho giới nghiên cứu, giảng dạy dịch thuật và những người làm công tác biên phiên dịch. "Có lẽ đã từ rất lâu rồi mới có một hội thảo quốc tế quy mô lớn, quy tụ các học giả, dịch giả hàng đầu trong và ngoài nước để thảo luận các chủ đề mang tính học thuật cao và có tính thiệt thực cho giới dịch thuật như thế này", ông Phạm Bình Đàm nói.

"Việt Nam chưa có hiệp hội nhà nghề, tổ chức giám sát chất lượng dịch thuật, cũng như chưa có quy chuẩn thống nhất cho đào tạo hay quy chế hành nghề... Nói cách khác, ngành dịch thuật đang bị thả nổi. Vì vậy, hội thảo diễn ra vô cùng đúng thời điểm để thảo luận những vấn đề, những xu hướng quan trọng và chắc chắn sẽ đem lại những kết quả có ý nghĩa", ông Bình Đàm cho hay.

Hội thảo bao quát các nội dung chính như hiện trạng biên phiên dịch (chất lượng, mức độ đáp ứng nhu cầu, vấn đề nổi cộm cần giải quyết, tiêu chí đánh giá chất lượng biên phiên dịch); nhu cầu xã hội (yêu cầu, đòi hỏi của khách hàng; vai trò của khách hàng đối với công tác đào tạo biên phiên dịch, chương trình đào tạo biên phiên dịch; khả năng khách hàng đón nhận sinh viên thực tập; kết nối giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo, đào tạo dịch thuật gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp; lý luận dịch thuật và đánh giá, phê bình dịch thuật; các hướng đi mới nhằm thúc đẩy nghiên cứu dịch thuật.

UCIT 2020 đã nhận được 80 báo cáo, trong đó có 20 báo cáo của các đại biểu quốc tế. Hội thảo được tổ chức với 5 phiên liên tục sáng 27/10, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ về 3 chủ đề đang rất được quan tâm của ngành biên phiên dịch: thực trạng biên phiên dịch với những chia sẻ đầy kinh nghiệm của các gương mặt huyền thoại của cộng đồng biên phiên dịch Việt Nam, đào tạo biên phiên dịch và nhu cầu doanh nghiệp nêu lên các trăn trở của doanh nghiệp để làm sao đào tạo cho phù hợp nhu cầu thị trường lao động và gắn kết giữa doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân sử dụng biên phiên dịch với cơ sở đào tạo, công nghệ 4.0 và biên phiên dịch thể hiện sức trẻ và tương lai ngành biên phiên dịch Việt Nam.

Trong chương trình hội thảo khoa học trực tuyến buổi chiều là phần trình bày báo cáo của các đại biểu. Phiên toàn thể có 2 báo cáo của PGS.TS. Lê Hùng Tiến – Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN (Xu hướng và thách thức trong đào tạo biên phiên dịch) và PGS.TS. Đinh Điền – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM (Ứng dụng ngôn ngữ học máy tính trong biên phiên dịch). 

Sau đó, 80 báo cáo của các tác giả ở nhiều quốc gia đã được trình bày tại 12 tiểu ban song song, tập trung vào các vấn đề thực trạng biên phiên dịch, công tác đào tạo biên phiên dịch, ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong dịch thuật,… Nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu mới, góp ý hữu ích đã được chia sẻ tại hội thảo.

 Minh Khuê
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ