TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 12:57:34 Ngày 26/10/2021 GMT+7
Giám đốc Trung tâm Khảo thí Nguyễn Tiến Thảo giải đáp thắc mắc về kì thi Đánh giá năng lực tuyển sinh SĐH đợt 2 năm 2021
Ngày 23-24/10/2021, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức thi trực tuyến bài thi Đánh giá năng lực (ĐGNL), một trong những phương thức thi tuyển sinh SĐH đợt 2 năm 2021 của ĐHQGHN. Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN (VNU Media) có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí về kì thi này.

Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo

VNU Media: Thưa Giáo sư, xin ông giới thiệu khái quát về bài thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ tuyển sinh sau đại học của ĐHQGHN?

Giám đốc TTKT Nguyễn Tiến Thảo: Bài thi Đánh giá năng lực bậc sau đại học gồm 2 phần: Viết luận và Trắc nghiệm và được sử dụng như môn Cơ bản trong tổ hợp xét tuyển sinh vào các chương trình đào tạo bậc cao học ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Đề thi ĐGNL được thiết kế định hướng chuyên sâu theo khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ. Phần viết luận khoảng 550-600 từ thể hiện khả năng lập luận, năng lực sáng tạo và thể hiện mục tiêu -định hướng phát triển học tập và nghiên cứu ở bậc sau đại học của thí sinh. Phần trắc nghiệm đánh giá khối kiến thức chung và chuyên sâu của thuộc khối ngành khoa học tự nhiên, công nghệ hoặc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tổng thời gian làm bài 150 phút cho cả phần Viết Luận (50 phút) và Trắc nghiệm (100 phút).

Kì thi Đánh giá năng lực tuyển sinh sau đại học đợt 2 năm 2021

VNU Media: Đây là lần đầu tiên Trung tâm Khảo thí tổ chức môn thi ĐGNL bậc SĐH phục vụ tuyển sinh? Vậy khác với cách thức thi truyền thống trước đây, bài thi có những yêu cầu gì đặc biệt, thưa Giáo sư?

Giám đốc TTKT Nguyễn Tiến Thảo: Đây là lần đầu tiên ĐHQGHN giao cho Trung tâm Khảo thí tổ chức môn thi ĐGNL bậc SĐH phục vụ tuyển sinh. Về dạng thức bài thi thì không có sự thay đổi gì so với những đợt thi trước đây. Điểm khác biệt duy nhất là phương thức tổ chức thi và làm bài trực tuyến. Hồ sơ đăng ký dự thi môn ĐGNL có 1.201 thí sinh xét tuyển vào các chương trình đào tạo thạc sỹ của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Giáo dục, Khoa Luật, Khoa các Khoa học Liên ngành... Với tính chất của một kỳ thi tuyển sinh, việc tổ chức thi trực tuyến có nhiều thách thức so với cách thức thi truyền thống trước đây. Yêu cầu tin học cơ bản, cơ sở hạ tầng, thiết bị máy tính, đường truyền mạng internet và hệ thống thiết bị giám sát là những rào cản ban đầu với thí sinh lần đầu tiên làm quen với hình thức thi trực tuyến. Phần mềm thi trực tuyến chuyên dụng của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đòi hỏi thiết bị máy tính làm bài, dụng cụ hỗ trợ giám sát phải đáp ứng tối thiểu các tiêu chuẩn kiểm tra đánh giá. Ngoài ra thi trực tuyến cũng phải thực hiện đúng quy chế thi tuyển sinh và nền tảng hạ tầng kỹ thuật số hiện có. Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã kết hợp đồng bộ hệ thống phần mềm thi với thiết bị giám sát thứ hai để cán bộ coi thi kiểm soát được hình ảnh, âm thanh liền kề khu vực thí sinh dự thi trong thời gian thi. Ngoài ra, hệ thống phần mềm thi còn ghi lại hình ảnh của thí sinh một cách ngẫu nhiên trong quá trình làm bài để xác minh và hậu kiểm. Các thao tác trên máy tính của thí sinh không phục vụ cho quá trình làm bài đều được ghi nhận, cảnh báo tới cán bộ coi thi và thí sinh.

Ban chỉ đạo Tuyển sinh sau đại học đợt 2 năm 2021 kiểm tra công tác tổ chức thi trực tuyến tại Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN

VNU Media: Công tác chuẩn bị cho kì thi diễn ra như thế nào, thưa Giáo sư?

Giám đốc TTKT Nguyễn Tiến Thảo: Không phải tất cả các thí sinh đều có thể tiếp cận với máy tính hàng ngày. Để thực hiện kỳ thi, Trung tâm Khảo thí đã tiến hành tập huấn nhiều lần cho cán bộ và người dự thi; cung cấp hạ tầng phục vụ thí sinh luyện tập, làm quen với các thao tác xử lý trên hệ thống thi trực tuyến từ ngày 19/10 đến 22/10/2021. Do đó, hầu hết các thí sinh tham gia luyện tập không còn bỡ ngỡ hay gặp khó khăn gì khi thao tác trên hệ thống phần mềm thi và phần mềm giám sát ca thi trước ngày thi. Các nhóm cán bộ cũng tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho thí sinh bằng nhiều hình thức khác nhau trước ngày thi, giải đáp thắc mắc về quy chế, hướng dẫn, quy trình thực hiện trên hệ thống phần mềm thi và quy định về giám sát, bảo mật tài khoản và dữ liệu cá nhân. Điều này giúp thí sinh an tâm hơn trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh Sau đại học.

VNU Media: Tính đến thời điểm hiện tại, kết quả của thí sinh dự thi như thế nào, thưa ông?

Giám đốc TTKT Nguyễn Tiến Thảo: Sau hai ngày thi 23 và 24/10/2021 có 1.035 thí sinh có mặt dự thi (đạt 86,2%) và 1.020 thí sinh hoàn thành bài thi Đánh giá năng lực. Một số thí sinh phải chuyển ca thi do gặp sự cố đường truyền internet, điện lưới hay không tham dự tập huấn hướng dẫn làm bài trên máy tính… Các thí sinh chuyển ca thi dự phòng sẽ tiếp tục thi vào chiều ngày 29/10/2021.

Ngoại trừ phần thi Viết luận sẽ được chấm điểm và công bố sau, điểm phần thi Trắc nghiệm được công bố ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Điểm khá lý thí là bài thi ĐGNL theo cả khối ngành Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thì đạt điểm cao nhất đều đạt 86/100. Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN sẽ hoàn thành việc chấm điểm bài thi Đánh giá năng lực (phần Viết luận) trước ngày 5/11/2021 theo đúng kế hoạch.

 Bảo An - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ