TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 09:09:24 Ngày 06/11/2021 GMT+7
Chi hội Hữu nghị Việt – Nga tại ĐHQGHN đóng góp tích cực trong hợp tác khoa học giáo dục giữa hai quốc gia
Liên bang Nga là nước có quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam, có nền khoa học kỹ thuật phát triển, đồng thời nhiều trường đại học ở Liên bang Nga đã có quan hệ hợp tác với ĐHQGHN. Rất nhiều nhà khoa học của ĐHQGHN đã từng học tập, tu nghiệp và công tác tại Liên bang Nga. Với sự gắn kết sâu sắc đó, ĐHQGHN đã trang trọng tổ chức tổ chức buổi lễ mít - tinh kỷ niệm 104 năm Cách mạng tháng Mười, 71 năm quan hệ hữu nghị Việt - Nga và 1 năm ngày thành lập Chi hội Hữu nghị Việt - Nga ĐHQGHN.

Tham dự sự kiện có Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên Bang Nga tại Việt Nam Ngài Gennady Stepanovich Bezdetko, Đại diện Trung tâm Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Cựu Chủ tịch TW Hội hữu nghị Việt Nga GS. Viện sĩ Đào Trọng Thi, Cựu Đại sứ VN tại LB Nga Ngô Đức Mạnh, lãnh đạo Chi hội Hữu nghị Bộ Công an, Đại diện Phân hội Viện Puskin tại Việt Nam, đại diện các trường đại học Nga, lãnh đạo các trường đại học thành viên ĐHQGHN và các hội viên của Chi hội Hữu nghị Việt – Nga tại ĐHQGHN.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên buổi lễ được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Lễ kỷ niệm là sự tri ân đối với tình cảm và sự giúp đỡ của Nhân dân và Chính phủ Liên xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đối với Việt Nam. Tình hữu nghị thân thiết, thủy chung, sâu sắc giữa hai dân tộc vẫn bền vững qua thời gian và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ...

Ngày 26/12/2019, Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga đã ra quyết định số 73/QĐ-VNTU thành lập Chi hội Hữu nghị Việt - Nga tại ĐHQGHN, là đầu mối trực thuộc trực tiếp TW Hội hữu nghị Việt – Nga.

Ngày 26/5/2020, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga Trần Bình Minh đã ký quyết định số 28/QĐ-VNTU công nhận ban lãnh đạo Chi Hội Việt – Nga ĐHQGHN và quyết định số 29/QĐ-VNTU phê duyệt Quy chế tổ chức hoạt động của Chi hội.

Theo đó, lãnh đạo của Chi hội hữu nghị Việt - Nga tại ĐHQGHN được công nhận là: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN - Chủ tịch; GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Giáo dục học - Phó Chủ tịch; Trung tướng, GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Xuân Yêm, Nguyên Giám đốc Học Viện Cảnh sát Nhân dân, Giám đốc Trung tâm Khoa học Quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN - Phó Chủ tịch.

Chủ tịch Chi hội Hữu nghị Việt – Nga tại ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức cho biết, một năm qua chi hội đã tham gia và có mặt trong tất cả các sự kiện lớn. Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế 70 năm hợp tác Việt Nga về khoa học và giáo dục; Tham gia diễn đàn kinh tế Phương đông, tham dự diễn đàn hợp tác với các đại học vùng Donbacz; Triển khai thúc đẩy hợp tác hiệu quả với ĐH Năng lượng, Học Viện Hàng không và Đại học Viễn Đông Nga. Các nhà khoa học của ĐHQGHN cũng tham gia rất tích cực các hội nghị, hội thảo quốc tế do các trường đại học của Nga tổ chức.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam Ngài Gennady Stepanovich Bezdetko bày tỏ đánh giá rất cao những đóng góp của Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga trong việc củng cố và kết nối các tổ chức xã hội ở các cấp giữa hai quốc gia, đồng thời ghi nhận hoạt động tích cực của Chi hội Hữu nghị Việt – Nga ĐHQGHN trong việc hợp tác và củng cố quan hệ trong lĩnh vực giáo dục giữa LB Nga và Việt Nam.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam Ngài Gennady Stepanovich Bezdetko

Phát biểu tại lễ mít-tinh, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn khẳng định sự thành lập Chi hội Hữu nghị Việt Nga tại ĐHQGHN – Chi hội với số lượng thành viên đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo được đào tạo từ Liên xô và Liên bang Nga đã góp phần đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu. Các chương trình, nội dung hợp tác giữa Chi hội và các đối tác Nga là những định hướng nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao đối với Việt Nam và phù hợp với nhiều Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ mà ĐHQGHN đang xây dựng.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn

Nhân dịp này, Chủ tịch Chi hội Hữu nghị Việt – Nga tại ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức và Phó Chủ tịch Chi hội Hữu nghị Việt – Nga tại ĐHQGHN Nguyễn Xuân Yêm đã được nhận Kỷ niệm chương của Trung ương Hội hữu nghị Việt Nga cho các đóng góp vì sự phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, hai quốc gia.

Buỗi lễ cũng dành thời gian để lắng nghe những tâm sự, hồi tưởng về quãng thời gian gắn bó với xứ sở Bạch Dương của các hội viện Chi hội

Với uy tín học thuật cao và truyền thống giảng dạy ngôn ngữ Nga lâu năm, ĐHQGHN đã xây dựng nhiều chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các đối tác Liên Bang Nga, đồng thời, trở thành một đầu mối tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia dân tộc.

65 năm qua, Khoa tiếng Nga của Trường Đại học Ngoại ngữ vẫn đang đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngôn ngữ Nga và môn tiếng Nga vẫn đang được giảng dạy tại trường THPT Chuyên ngữ, ĐHQGHN.

Quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN với các trường đại học, các viện nghiên cứu của Liên Bang Nga vẫn ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Hiện nay, ĐHQGHN đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đại học lớn của LB Nga như ĐH Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên M.V. Lomonosov, ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, ĐH Tổng hợp Hữu nghị Mát-xcơ-va, Đại học Khí tượng Thuỷ văn Liên bang Nga, Đại học Năng lượng Mát-xcơ-va, ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông… trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ, thực hiện trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên. ĐHQGHN và các đại học hàng đầu của LB Nga đã có truyền thống hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, cũng như nghiên cứu và đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Nga tại Việt Nam. Các bên đã tích cực tham gia và tổ chức các Hội nghị quốc tế về Việt Nam học, nghiên cứu Nga ngữ học tại Việt Nam. Các đại học và viện nghiên cứu của LB Nga luôn là đối tác truyền thống, tin cậy trong hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ. Trong thời gian qua, một số chương trình/dự án hợp tác giữa ĐHQGHN với LB Nga tiêu biểu như: Đề tài “Nghiên cứu kích thích plasmon bề mặt của cấu trúc nanophotonic kim loại” với ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva; Đề tài “Nghiên cứu động thái và cố định kim loại nặng có độc tính cao (Cd và Pb) trong đất ô nhiễm bằng những hợp chất hấp thụ tự nhiên” với Viện Thủy lợi và cải tạo đất; Dự án hợp tác với Viện triết học,… Hiện nay, ĐHQGHN cũng chú trọng phát triển hợp tác với các đối tác Nga trong nhiều ngành công nghệ mũi nhọn như công nghệ vật liệu mới, công nghệ hàng không – vũ trụ, năng lượng mới và điện hạt nhân…

Cùng với đào tạo và nghiên cứu khoa học, quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai bên những năm gần đây còn được thể hiện qua việc ĐHQGHN phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa, văn nghệ lớn với các đối tác LB Nga.

>>> Các tin liên quan:

Chi hội Hữu nghị Việt - Nga ĐHQGHN: cầu nối tri thức giữa hai quốc gia

Tổng thống Liên bang Nga trao tặng Huy chương Pushkin cho nhà khoa học của ĐHQGHN

[Video] Cán bộ, sinh viên Việt - Nga hào hứng giao lưu văn hoá, nghệ thuật

Hai nhà khoa học ĐHQGHN được xếp hạng trong nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới 

 Nguyễn Nhàn - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ