TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 18:00:04 Ngày 26/11/2021 GMT+7
“Y tế thông minh: Mang nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào ứng dụng thực tế”
Vừa qua, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị khoa học về ứng dụng CNTT trong Y tế (2021 Smart Health Workshop) lần thứ hai với chủ đề: “Y tế thông minh: Mang nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào ứng dụng thực tế”.
 
Tham gia Hội nghị có hơn 500 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành, Cơ quan trung ương và Hà Nội cùng các bệnh viện, viện nghiên cứu và trường đại học; đại diện các tập đoàn VinGroup, Tập đoàn CMC.
PGS.TS Lê Hoàng Sơn- Trưởng Ban tổ chức Hội nghị khoa học cho biết, Hội nghị truyền tải các thông điệp chốt yếu, thể hiện xu thế phát triển y tế thông minh và đặc biệt như tên gọi, hội nghị mong muốn mang các sản phẩm nghiên cứu đến gần hơn với thị trường góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số hướng đến y tế thông minh theo tinh thần tại Quyết định số 4888/QĐ-BYT ban hành Đề án ứng dụng và phát triển CNTT y tế thông minh của Bộ trưởng Bộ y tế.
 PGS.TS Lê Hoàng Sơn - Trưởng Ban tổ chức Hội nghị khoa học
Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, trong Đề án, Bộ Y tế đã vạch rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai, đó là: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin y tế; Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam; Xây dựng hệ thống khám chữa bệnh thông minh; Xây dựng nền quản trị y tế thông minh; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thông minh trong y tế; Tăng cường hợp tác quốc tế; và Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về y tế thông minh.Trong đó, với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, theo Đề án, hàng loạt giải pháp sẽ được ngành y tế triển khai thời gian tới, tiêu biểu như: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thông minh trong phòng bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phòng chống HIV/AIDS, ưu tiên triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc theo dõi và cảnh báo dịch bệnh trên cả nước.
Tham dự trình bày trong phần 1 của hội thảo, các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của ĐHQGHN như: Hệ thống chẩn đoán nha khoa ứng dụng Trí tuệ nhân tạo của PGS.TS Lê Hoàng Sơn,Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN; Hệ thống phần mềm tích hợp thiết bị Y sinh trong hỗ trợ giám sát sức khỏe của PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Hệ thống thông tin & Công nghệ, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đã bước đầu xây dựng được công cụ hỗ trợ các bác sĩ tại bệnh viện trong nghiệp vụ khám chữa bệnh và theo dõi giám sát sức khỏe.
Các diễn giả đã trình bày tại hội thảo những thành tựu trong nghiên cứu và ứng dụng. Từ nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán bệnh nha khoa của PGS.TS Lê Hoàng Sơn tới nền tảng (platform) hỗ trợ tích hợp AI và IoT trong chăm sóc sức khỏe của VINBRAIN, từ nghiên cứu tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế (vùng miền núi phía Bắc) của PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng tới ứng dụng công nghệ BLOCKCHAIN trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe để thay đổi mô hình quản lý, lưu trữ và tiếp cận dữ liệu y tế của TS. Đặng Minh Tuấn đã mang tới một bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe thông minh.
PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN với nghiên cứu tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế (vùng miền núi phía Bắc)  
Thông qua các công trình nghiên cứu và hệ thống phần mềm được trình bày, có thể thấy các trụ cột quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, IoT đã và đang đóng vai trò quan trọng để tạo những đột phá về khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Hệ thống chẩn đoán nha khoa thực hiện phân tích và xác định vùng bệnh nha khoa từ ảnh X-Quang răng hàm mặt của bệnh nhân nhanh chóng và chính xác kèm theo các công cụ thống kê và quản lý hồ sơ bệnh nhân trên môi trường Web đã được ứng dụng rất hiệu quả tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Hình 2). Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, bên cạnh phần cứng máy tính được nâng cấp mạnh mẽ qua từng năm, các công nghệ phần mềm học máy học sâu ngày càng đạt được thành tự đột phá, nhu cầu hỗ trợ chẩn đoán ảnh X-Quang trong y tế giúp bác sỹ tiết kiệm thời gian, cải thiện chất lượng, nâng cao nâng xuất làm việc đang là thiết yếu. Hệ thống ứng dụng các mô hình học sâu trong nhận diện vùng bệnh Viêm quanh cuống từ ảnh X-Quang nhằm hỗ trợ nha sỹ trong chẩn đoán bệnh với giao diện website thân thiện, dễ sử dụng giúp bác sỹ dễ dàng quản lý, tổ chức và lưu trữ dữ liệu khám bệnh, chẩn đoán của bệnh nhân.
Sản phẩm Hệ thống chẩn đoán nha khoa ứng dụng Trí tuệ nhân tạo của PGS.TS Lê Hoàng Sơn đã được Bệnh viện ĐH Y Hà Nội sử dụng và đánh giá cao
Hệ thống phần mềm tích hợp thiết bị Y sinh trong hỗ trợ giám sát sức khỏe kết nối các thiết bị điện tử y sinh qua Internet, nhằm truyền dữ liệu về các thông số sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học theo tuyến quản lý y tế, từ các sở y tế / bệnh viện vùng Tây Bắc đến Bệnh viện Trung ương Hà Nội (Bệnh viện ĐHQGHN). Phần mềm đã triển khai thí điểm hệ thống kết nối, truyền dữ liệu giữa bệnh viện tuyến tỉnh, một số bệnh viện tuyến huyện khu vực Tây Bắc với bệnh viện tuyến Trung ương Hà Nội (Bệnh viện ĐHQGHN).
 Hệ thống phần mềm tích hợp thiết bị Y sinh trong hỗ trợ giám sát sức khỏe ứng dụng tại Mộc Châu
Để hướng tới mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời, cần thiết phải phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường web, di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, kết nối với hệ tri thức Việt số hóa. Phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.
Một trong các ứng dụng Y tế thông minh này là Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn trong quản lý bệnh nhân tiểu đường của TS. Chử Đức Hoàng - Start-up ứng dụng quản lý bệnh tiểu đường ZINMED, và ứng dụng DrAid hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh của Công ty Cổ phần VinBrain (tập đoàn Vingroup).
Ứng dụng quản lý bệnh tiểu đường ZINMED
Ứng dụng quản lý bệnh tiểu đường ZINMED nhằm phân loại và chẩn đoán bệnh tiểu đường, đây là một bệnh mãn tính kéo dài ảnh hưởng đến cơ thể. Hầu hết thực phẩm được phân giải thành đường (còn gọi là glucose) và được giải phóng vào máu. Khi lượng đường trong máu tăng lên, nó báo hiệu tuyến tụy tiết ra insulin. Tiểu đường xảy ra khi lượng glucose trong máu quá cao. Đường huyết là nguồn năng lượng chính của con người và đến từ thực phẩm ăn hàng ngày. Insulin, một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, giúp glucose từ thức ăn đi vào tế bào của con người để được sử dụng làm năng lượng. Đôi khi cơ thể con người không sản xuất đủ insulin thì Glucose sẽ ở trong máu và không đến được các tế bào. Ứng dụng ZINMED được cài đặt trên điện thoại, để xây dựng các mô hình học máy trong dự báo bệnh tiểu đường hiệu quả (Hình 3).
Trong đó hệ thống DrAid™ - sử dụng bởi hơn 600 bác sĩ với trên 379,000 ảnh Y tế xử lý mỗi tháng, ứng dụng AI hỗ trợ gợi ý về chẩn đoán và tiên lượng điều trị COVID-19. Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, đội ngũ VinBrain đã trực tiếp đi thu thập dữ liệu từ 26 khu cách ly F1 tại Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh, 10 bệnh viện dã chiến và trung tâm cấp cứu COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh. Đến nay DrAid đã có nguồn dữ liệu lớn nhất thế giới về COVID-19, gồm 21.421 hình ảnh X-quang ngực của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và 118.018 ảnh X-quang ngực tiêu chuẩn. DrAid hiện là ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đã được Hội đồng Khoa học Bộ Y tế nghiệm thu và kiến nghị đưa vào phác đồ chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại các bệnh viện trên toàn quốc.
 Ứng dụng DrAid™ trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19
Ngoài mục tiêu Đề án về xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, các công nghệ về xác thực hồ sơ bệnh nhân hay quản lý chuỗi cung ứng thuốc ứng dụng công nghệ Blockchain. Blockchains là 1 công nghệ tiên tiến trong CMCN 4.0, cung cấp một nền tảng an toàn và bảo mật và ngăn chặn sự cố gian lận vì một bản ghi trong blockchain chỉ có thể được xác nhận và cập nhật thông qua hợp đồng thông minh, do vậy nâng cao tính minh bạch dữ liệu và khả năng truy xuất nguồn gốc của dữ liệu Y tế được cải thiện. Nội dung này do TS. Đặng Minh Tuấn- Viện trưởng Viện công nghệ CMC trình bày (Hình 5).
Các Ứng dụng chăm sóc sức khỏe dựa trên công nghệ Blockchain
Các chủ đề nghiên cứu cũng được trao đổi sôi nổi tại hội thảo với nhiều góc nhìn, từ những điểm riêng biệt và khó khăn trong nghiên cứu với dữ liệu y tế, những thách thức đặt ra khi phát triển ứng dụng chăm sóc sức khỏe thông minh tới những vấn đề triển khai tới người dùng cuối cùng, các bác sỹ và bệnh nhân đã được các diễn giả chia sẻ và thảo luận với người tham dự một cách tích cực và xây dựng.
Hội thảo một diễn đàn tri thức, nơi gặp gỡ nhà nghiên cứu, chuyên gia, và nhà phát triển ứng dụng để chung tay nâng tầm các thành tựu nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thông minh. Bên cạnh đó, không khi sôi nổi của hội thảo cũng cho thấy tính lan tỏa của các chủ đề của hội thảo tới người tham dự trực tiếp nói riêng và cộng đồng nói chung.
“Các kết quả trong hội thảo đã góp phần nâng cao tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tại trường Đại học, góp phần hình thành nên các spin-off và đưa sản phẩm khoa học công nghệ đã đi từ giảng đường đến thị trường, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, trong mục tiêu Chương trình sức khỏe Việt Nam”- PGS.TS. Lê Hoàng Sơn nhấn mạnh.
>>>>> Các tin bài liên quan:
 Kim Chi - VNUMedia
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ