TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 20:24:43 Ngày 11/12/2021 GMT+7
Tháo gỡ những “rào cản” về tự chủ cho 2 Đại học Quốc gia
Kể từ khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) có hiệu lực (tháng 7/2019), câu chuyện tự chủ đại học vẫn nóng trên các diễn đàn.

Để tự chủ đại học thực sự giúp các cơ sở đào tạo bứt phá, hiện Chính phủ đang xem xét ban hành Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ mới của Đại học quốc gia (ĐHQG) – là hai đại học đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học, để thay thế cho Nghị định 186 ban hành từ năm 2013.

Đây là việc làm cấp bách, nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” để Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và ĐHQG TP Hồ Chí Minh với hàng chục trường đại học thành viên, khoa trực thuộc, viện, trung tâm… thoát khỏi lúng túng, khó khăn, để phát triển đúng tầm là hai đại học trụ cột của giáo dục đại học.

 

Khi được tự chủ, các trường đại học sẽ đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên tài năng.

ĐHQGHN hiện có 8 trường đại học thành viên, 2 trường, 2 khoa trực thuộc, 7 viện nghiên cứu, 2 trung tâm đào tạo và nghiên cứu, 16 đơn vị phục vụ. Theo Giáo sư Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN, so với trước thì các đơn vị thành viên trực thuộc ĐHQGHN đã được tự chủ về chuyên môn và nghiên cứu khoa học; tự chịu trách nhiệm xã hội, mở và liên thông, liên kết, đồng thời được tự chủ trong nghiên cứu khoa học.

ĐHQGHN còn được xây dựng và triển khai thực hiện quy chế đào tạo riêng về đào tạo các loại trình độ, được mở ngành, chuyên ngành đào tạo mới ngoài danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo đã được quy định nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn thực hiện tự chủ về bộ máy, với việc chia 3 cấp quản lý (cấp ĐHQGHN, cấp đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và cấp khoa, viện, trung tâm…) và tự chủ về tài chính.

Tuy nhiên, quá trình tự chủ của ĐHQGHN đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là quá trình triển khai thực hiện Luật số 34, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 120 ngày 7/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 60 ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng lại chưa có quy định cụ thể, chi tiết với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ĐHQGHN và ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

Chính vì thế, ĐHQGHN đang gặp khó khăn trong triển khai mô hình hội đồng các trường đại học thành viên; khó khăn trong phân định mức độ tự chủ của các đại học thành viên… Về cơ chế chính sách, ĐHQGHN cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc; đồng thời “nghẽn” ở việc ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù.

“Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQGHN vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định. Vì vậy, ĐHQGHN đề xuất, kiến nghị được Chính phủ trao các quyền tự chủ cao hơn nữa cho ĐHQGH”, Giáo sư Lê Quân bày tỏ.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định ĐHQGHN có 4 sứ mệnh: Đào tạo nhân tài, tiên phong, đầu tàu đổi mới và trụ cột. Để thực hiện được 4 sứ mệnh đó, ĐHQGHN phải có quyền rất cao, đó là quyền tự chủ. Thực tế, ĐHQGHN đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, như Giáo sư Ngô Bảo Châu, chứng minh trí tuệ của Việt Nam có thể tiếp cận với thế giới. ĐHQGHN đã tiên phong trong đào tạo hệ đào tạo tài năng, sau đó lan tỏa mô hình đào tạo này ra cả nước. ĐHQGHN cũng là cơ sở đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.

Đây cũng là nơi mở ra hơn 50 ngành học mới, trong đó có những ngành mà chưa cơ sở nào đào tạo, như An ninh phi truyền thống. “Nhưng hiện nay, ĐHQGHN quyền tự chủ chưa được cao, ngay cả quyền thu học phí, ĐHQGHN còn chịu rất nhiều ràng buộc, không được quyền quyết định”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh băn khoăn, tính tự chủ cao của 2 ĐHQH sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong Nghị định mới, liệu có mới không?

“Sau khi Luật số 34 có hiệu lực, quyền tự chủ của các trường đại học dân lập tăng lên rất nhiều, họ được quyền quyết định về tuyển sinh, được quyết định về nghiên cứu khoa học, được liên kết đào tạo, còn 2 ĐHQG tuy được đánh giá là tự chủ rất cao nhưng tôi tìm mãi trong dự thảo Nghị định mới không thấy quyền tự chủ cao ở chỗ nào, vấn đề nào cũng yêu cầu phải theo quy định của pháp luật.

Tôi lấy ví dụ, quy chế tuyển sinh hiện đang áp dụng với các trường đại học, trong đó có cả những trường mới thành lập, nếu áp dụng vào hai ĐHQG thì tôi thấy “cái mũ” đó hơi chật. Tôi mong muốn 2 ĐHQG có một quy chế tuyển sinh đào tạo thoáng hơn, theo khung năng lực và trình độ quốc gia. Hay về tài chính, ĐHQG được quyền thẩm định, phê duyệt đề án tự chủ của các đơn vị thành viên trực thuộc, nhưng quyền phê duyệt đó cũng phải xin ý kiến của Bộ Tài chính, phải gửi đi gửi lại, như vậy, nội hàm của từ “chủ động cao” của ĐHQG trong Luật số 34 được giải thích như thế nào? Tôi đề nghị khi xây dựng Nghị định mới cho 2 ĐHQG, phải cho chúng tôi quyền tự chủ thực sự”, PGS Vũ Hải Quân thẳng thắn.

Bà Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Tổ chức của ĐHQG TP Hồ Chí Minh nói rõ thêm, theo Luật số 34, hội đồng trường có thẩm quyền công nhận phó hiệu trưởng, nhưng theo Quy chế tổ chức hoạt động của ĐHQG thì thẩm quyền này lại thuộc về Giám đốc ĐHQG, như vậy có độ “vênh” giữa 2 văn bản pháp lý.

Văn bản hiện nay cũng chưa rõ nội hàm quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ của hội đồng đại học, hội đồng trường, đảng ủy ban giám đốc và ban giám hiệu. Luật số 34 quy định, hội đồng trường là một tổ chức quản trị, nhưng hội đồng đại học lại không phải là một tổ chức quản trị, như vậy về thành phần, cơ cấu, hội đồng đại học có khác với hội đồng trường hay không?

“Luật quy định hội đồng trường có quyền quyết định nhiều chính sách quan trọng, trong đó có vấn đề tài chính, vậy nếu quá trình triển khai nếu có vướng mắc, sai phạm, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, pháp luật, chủ tịch hội đồng trường, hội đồng trường, giám đốc hay hiệu trưởng?”, bà Lê Thị Anh Trâm nói…

Mới đây, trong buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với 2 ĐHQG Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, 2 ĐHQG rất nỗ lực, đạt nhiều thành tựu và tiến bộ, xứng đáng là cơ sở nòng cốt, tiên phong của giáo dục đại học nước nhà, do đó, nhận thức về mô hình của 2 ĐHQG không cần phải bàn nhiều.

“Để chuẩn bị cho việc sửa Nghị định, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị nội dung rất sâu về tự chủ đại học. Và chúng tôi chọn 2 ĐHQG để khảo sát, làm việc vì đây là mô hình rất đặc biệt, cần được quan tâm, nên phải lắng nghe câu chuyện tự chủ đại học từ đây. Do đó, cần phải nghiên cứu để Nghị định mới có nhiều sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tinh thần tự chủ, tạo điều kiện để hai ĐHQG "cất cánh", làm tròn trách nhiệm quốc gia”, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay…

>>> Nguồn: Báo Công an Nhân dân

 Thu Phương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ