TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:10:44 Ngày 07/09/2023 GMT+7
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp để đất nước phát triển bền vững
Ngày 6/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với ĐHQG TP.HCM và ĐHQGHN. Hai đại học quốc gia kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định riêng để hoạt động, theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cần chính sách và nguồn lực mang tầm quốc tế

Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQG TP.HCM Vũ Hải Quân cho biết, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đến nay, hai đại học quốc gia vẫn thực hiện tự chủ tương tự các trường đại học khác. Ông mong muốn nghị định riêng làm rõ mức độ tự chủ, tổ chức bộ máy và những cơ chế đặc thù khác.

Cùng với đó, Giám đốc ĐHQG TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung ĐHQG TP.HCM kiến nghị trong Dự thảo Đề án “Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”. Đồng thời, giao ĐHQG TP.HCM thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của đại học này.

Kiến nghị về công tác thi đua, khen thưởng, theo Giám đốc ĐHQG TP.HCM, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đã quy định ĐHQG được trình trực tiếp Thủ tướng Chính phủ các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước tương tự như các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ. Theo đó, ĐHQG TP.HCM kiến nghị quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua khen thưởng xem xét và bổ sung, làm rõ các nội dung như: Quy định về các danh hiệu thi đua, cờ thi đua và Bằng khen cấp ĐHQG và kết quả thi đua, khen thưởng cấp ĐHQG được công nhận tương đương cấp Bộ, ngành và được tính tích lũy khi xét khen thưởng cấp cao hơn.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho hay, ông hoàn nhất trí với kiến nghị của Giám đốc ĐHQG TP.HCM. Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, do quy định của Luật Giáo dục đại học và một số luật khác mà quyền hạn trong một số vấn đề chuyên môn, tài chính, nguồn lực của hai ĐHQG hiện vẫn chưa có tính đặc thù, đặc sắc.

Giám đốc ĐHQGHN mong muốn Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQG, tạo cơ chế chính sách cho hai đại quốc gia để xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế.

“Nếu chúng ta đầu tư cho hai ĐHQG để trở thành đai học tầm cỡ quốc tế thì cần có những cơ chế chính sách và nguồn lực mang tầm cỡ quốc tế. Hai ĐHQG kiến nghị Phó Thủ tướng và các bộ ngành ủng hộ để có những cơ chế đặc thù, đặc biệt là cơ chế về tổ chức. Để có thể phát triển và thực hiện những nhiệm vụ chiến lược, cơ cấu tổ chức của hai ĐHQG phải có tính đặc thù” - Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh.

Giám đốc Lê Quân cho biết thêm, cơ chế đặc thù tiếp theo là cơ chế sử dụng con người. Muốn sử dụng chuyên gia cấp cao thì phải có nguồn lực. Do đó, đi liền với nó là cơ chế về nguồn lực tài chính. Đó là 3 cơ chế rất quan trọng.

Đồng thời, Giám đốc ĐHQGHN cho rằng hai ĐHQG là nơi thí điểm nhiều chính sách về đổi mới giáo dục đại học. Do đó, hai ĐHQG rất mong được thí điểm về cơ chế đào tạo, đặc biệt là mô hình đào tạo mới và những quy chế đào tạo tương ứng để đảm bảo sự khác biệt và mang lại chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội đang biến đổi liên tục và không ngừng.

Giải pháp để đất nước phát triển nhanh, bền vững là phát triển nguồn nhân lực

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hai ĐHQG là mô hình đại học được hình thành từ những chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trải qua 30 năm phát triển, đã đến lúc chúng ta phải có tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng những điều đã làm được, vấn đề cần tư duy mới hơn, phát triển hơn để ĐHQG phát huy được cao nhất khả năng tự chủ, sức mạnh trí tuệ và tính tiên phong trong đổi mới sáng tạo.

Để phát triển hai ĐHQG trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đã giao một số nhiệm vụ quan trọng cho hai ĐHQG.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng hai ĐHQG, sau 30 năm hoạt động, cần nêu lên được những vấn đề gì vướng về con đường đi, tầm nhìn để phát triển trong quá trình cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước thành các chính sách, pháp luật để kiến nghị với Chính phủ.

“Trong đó, tôi rất quan tâm vấn đề cơ chế tổ chức, mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, về doanh nghiệp, các trung tâm khởi nghiệp trong ĐHQG, về liên thông giữa sự nghiệp với các doanh nghiệp trong ĐHQG, về hệ sinh thái của ĐHQG cần như thế nào để tạo ra sự khác biệt” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiều vấn đề cần quan tâm như thu hút nhân tài; các mối quan hệ như hệ sinh thái giữa nhà trường với nhà nghiên cứu, nhà quản lý với các trung tâm đào tạo… để chúng ta tiên phong đi đầu trong hội nhập.

Phó Thủ tướng lưu ý, hai ĐHQG cần phải đặt ra tầm nhìn và mong muốn của mình về ĐHQG. Từ đó, bằng nguồn lực nhà nước, cơ chế chính sách, mô hình để vận hành đạt những mục tiêu này.

Tiếp đến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hai ĐHQG cần có đề án tổng thể trên cơ sở pháp lý và trên cơ sở nhìn nhận về vị trí, tầm quan trọng của mình để đề xuất với Nhà nước những vấn đề Nhà nước phải đầu tư, cần đặt hàng; đề xuất những vấn đề mà ĐHQG với sứ mệnh và chiến lược phát triển của mình sẽ phải thực hiện.

“Trong đó, cần tập trung vào những vấn đề mà các trường đại học khác có thể chưa quan tâm. Đó là đầu tư có tính dài hạn, đầu tư các lĩnh vực về khoa học cơ bản, khoa học xã hội hay các vấn đề trong tương lai. Những vấn đề này phải được đặt ra và ĐHQG phải lấy đó làm nhiệm vụ và không nên đặt quá nhiều tham vọng trong việc đào tạo các ngành nghề nóng. ĐHQG phải xây dựng cho mình triết lý phát triển riêng, đúng tầm và vai trò của mình” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị ĐHQG cần tập trung vào đổi mới quản lý khoa học công nghệ, trong đó tập trung đổi mới các vấn đề liên quan đến đầu tư và ngân sách, về tổ chức bộ máy.

Phó Thủ tướng nói: “Chúng tôi đề nghị ĐHQG sẽ tham gia cùng Chính phủ, các bộ ngành để hoàn thiện những cơ chế, giúp ĐHQG hoạt động thuận lợi hơn trong thời gian tới. Tôi kỳ vọng mô hình ĐHQG trong tương lai không chỉ có hai ĐHQG mà có thể thêm nhiều ĐHQG với vai trò, sứ mệnh dẫn dắt vùng trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo 2 ĐHQG chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Vietnamnet

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với ngành giáo dục nói chung cần xác định rõ vị thế, vai trò của ngành đối với đất nước. Giải pháp để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi tổng kết Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương liên quan đến giáo dục đào tạo, chúng ta cần phải xác định lại hệ thống quan điểm, tư duy trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi. Bài toán đặt ra đối với giáo dục và đào tạo là làm sao có thể phát triển đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và kỳ vọng của đất nước.

>>> Các tin tức liên quan:

- Tăng cường hợp tác, ưu tiên đầu tư trọng điểm để nâng cao vị thế và vai trò tiên phong của hai Đại học Quốc gia

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: ĐHQGHN truyền cảm hứng cùng khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

- Nghị định mới về đại học quốc gia – đảm bảo sự ổn định để phát triển

Mô hình ĐHQGHN: khẳng định bản chất của giáo dục Đại học hiện đại

Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định mới về Đại học Quốc gia

Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập

 Thái An - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ