Sự kiện gồm nhiều hoạt động như: toạ đàm, triển lãm poster, tặng sách và tài liệu về phương pháp giảng dạy, thăm quan không gian sách của Nhà xuất bản ĐHQGHN. Tất cả các hoạt động được gắn kết với nhau bằng tinh thần OneVNU đoàn kết và đầy sáng tạo.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQGHN chụp ảnh cùng các giảng viên tham dự sự kiện Tọa đàm "Đổi mới giảng dạy theo tiếp cận liên ngành và cá thể hoá" 04 báo cáo tham luận của Toạ đàm tập trung chủ đề “Đổi mới giảng dạy theo tiếp cận liên ngành và cá thể hoá” đã thực sự đem đến cho người tham dự những kiến thức và thực hành giảng dạy rất mới mẻ, nguồn cảm hứng về tinh thần đổi mới, dấn thân và luôn vì học sinh, sinh viên thân yêu. PGS.TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục điều hành buổi tọa đàm Tại tọa đàm, Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính liên ngành trong đổi mới giảng dạy. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải nhận định, trong môi trường toàn cầu hoá và biến động nhanh chóng, xã hội đối mặt với các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất công xã hội, tri thức khoa học, công nghệ ngày càng nhiều và sâu, cùng với sự phát triển đột phá của công nghệ (đặc biệt là AI), đòi hỏi sự đổi mới trong giáo dục cần tập trung vào tính liên ngành và phát triển cá nhân toàn diện. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải đề xuất xây dựng một xã hội học tập khuyến khích học tập suốt đời, với nội dung giảng dạy hiện đại. Phương pháp giảng dạy và học tập hiệu quả tuân theo nguyên tắc MEMM, bao gồm bốn yếu tố chính: Hiện đại (Modern) trong tiếp cận và ứng dụng, tập trung vào Bản chất (Essence) của vấn đề, đảm bảo Ý nghĩa (Meaning) thực tiễn, và áp dụng các Phương pháp (Methodology) khoa học, sáng tạo. Các ví dụ điển hình về tính liên ngành, như giải Nobel Vật lý 2021 (nghiên cứu hệ phức hợp spinglass) hay Nobel Hóa học 2024 (AI giải mã cấu trúc protein), cho thấy sự kết hợp giữa vật lý, hóa học, sinh học và công nghệ mang lại giá trị lớn. Tuy nhiên, đổi mới giáo dục còn đối mặt với các thách thức như nội dung giảng dạy lạc hậu và sự thiếu cân bằng giữa nghiên cứu và giảng dạy. Để giải quyết, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ chuyên môn mạnh, phát triển môn học mới kết hợp triết học và khoa học tự nhiên, cùng triển khai các dự án nghiên cứu liên ngành. Tính liên ngành không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa để đổi mới giáo dục và phát triển con người toàn diện. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ với giảng viên về chủ đề tính liên ngành trong đổi mới giảng dạy Tiếp nối câu chuyện đổi mới giảng dạy, TS. Chu Đình Tới, Trưởng Khoa Các khoa học ứng dụng, Trường Quốc tế, ĐHQGHN chia sẻ về mô hình đào tạo cá thể hoá và tài năng hoá theo nhóm nghiên cứu liên ngành về Y sinh và Sức khỏe tại Trường Quốc tế, ĐHQGHN. TS. Chu Đình Tới cho biết, nhóm nghiên cứu liên ngành về Y sinh và Sức khỏe đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2021 với tên tiền thân là Nhóm nghiên cứu Khoa học Y sinh và Sức khỏe, thuộc Trường Quốc tế – ĐHQGHN thành lập vào 03/2021. Nhóm được hình thành với mục tiêu thúc đẩy các nghiên cứu khoa học tại Trường Quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực Y sinh học và Sức khỏe, và ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong y sinh. Nhóm nghiên cứu liên ngành về Y sinh và Sức khoẻ đã phát triển một mô hình đào tạo cá thể hóa và nhân tài hóa thành công. Mô hình này không chỉ chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu của từng thành viên mà còn tối ưu hóa tiềm năng cá nhân thông qua các chương trình hướng dẫn nghiên cứu, tập huấn, đào tạo và hỗ trợ cung cấp các cơ hội tham gia vào các dự án nghiên cứu. Mô hình này đã chứng minh hiệu quả khi nhóm liên tục thực hiện được các đề tài nghiên cứu thành công và đào tạo được thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ, người học sau khi tốt nghiệp có đầy đủ tài năng và sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng. TS. Chu Đình Tới, Trưởng Khoa Các khoa học ứng dụng, Trường Quốc tế, ĐHQGHN chia sẻ về mô hình đào tạo cá thể hoá và tài năng hoá theo nhóm nghiên cứu liên ngành về Y sinh và Sức khỏe tại Trường Quốc tế, ĐHQGHN TS. Nguyễn Ngọc Quý, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN tham gia chia sẻ với giảng viên về vấn đề “Dạy học cùng AI và video trực tuyến: Thực hành và kinh nghiệm”. Với sự đam mê nghiên cứu và áp dụng công nghệ, cô Nguyễn Ngọc Quý đã thiết kế và sử dụng hơn 70 video bài giảng trực tuyến để tăng tính hiệu quả và hấp dẫn của bài học, giúp sinh viên chủ động học tập và kiến tạo một môi trường học tập sáng tạo. TS. Nguyễn Ngọc Quý đã xây dựng được một hệ thống video trực tuyến phong phú, bao gồm: Nghiên cứu khoa học (16 video); Học phần Quản trị học (9 video); Học phần Quản trị chiến lược (9 video); Học phần Khởi sự và tạo lập doanh nghiệp (8 video); Học phần Quản trị kinh doanh (6 video); Hướng dẫn làm khóa luận, luận văn, hướng dẫn bảo vệ khóa luận tốt nghiệp (11 video); Hướng dẫn ôn thi – làm bài thi (11 video); Niên luận, báo cáo thực tập, bài tập lớn (9 video); Văn nghệ sinh viên (18 video); Các video khác: bài tập, hướng dẫn học tập, chọn nghề, chia sẻ về cuộc sống, … Người tham dự sự kiện vô cùng thích thú khi lắng nghe các câu chuyện thực tế của cô về quá trình xây dựng video bài giảng với ứng dụng AI. TS. Nguyễn Ngọc Quý, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI trong xây dựng video bài giảng TS. Lâm Thị Hòa Bình, Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đại diện cho nhóm giảng viên gồm 18 thành viên tham gia xây dựng học phần trực tuyến Tiếng Anh B1 trên hệ thống VNU LMS chia sẻ về Hành trình chuyển đổi số trong dạy và học tiếng Anh B1 (TAB1-LMS). 18 giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ tham gia giải thưởng Nhà giáo đổi mới sáng tạo cùng thống nhất một số quan điểm và triết lý giáo dục sau: Giáo dục khai phóng (Liberal Education); Học tập suốt đời (Lifelong Learning); Lấy người học làm trung tâm (Learner-Centered Learning); Trải nghiệm để tự hoàn thiện bản thân (Experiential Learning for self-improvement ); Học tập theo định hướng nghề nghiệp (Career-Based Learning); Học tập để phục vụ cộng đồng (Service Learning). Những quan điểm và triết lý giáo dục trên đây đã định hình cách tiếp cận và phương pháp giảng dạy của nhóm giảng viên Khoa Tiếng Anh, đặc biệt là trong quá trình nghiên cứu xây dựng học phần Tiếng Anh B1 trực tuyến, học phần hoàn toàn mới mang phong cách rất riêng của các giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. TS. Lâm Thị Hòa Bình, giảng viên Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN chia sẻ về hành trình chuyển đổi số trong dạy và học học phần trực tuyến tiếng Anh B1 (TAB1-LMS) Triển lãm poster: Không gian sáng tạo đổi mới giảng dạy Một trong những điểm nhấn đặc biệt tại Ngày hội Đổi mới giảng dạy ĐHQGHN năm 2024 là khu vực triển lãm poster, nơi các giảng viên và nhóm nghiên cứu giới thiệu những ý tưởng và sáng kiến đổi mới trong giảng dạy. Đây không chỉ là không gian trưng bày mà còn là diễn đàn trao đổi thực tế, nơi người tham dự được trực tiếp thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm với các tác giả. Các poster triển lãm mang đến nhiều chủ đề sáng tạo, từ thiết kế học phần, xây dựng bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ trong dạy học, đến đổi mới kiểm tra đánh giá và phát triển học liệu. Một số sản phẩm tiêu biểu bao gồm: “Phân tích văn bản văn học qua các bộ phim chuyển thể” – TS. Trần Hoài Anh, giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Thiết kế và sử dụng video bài giảng trực tuyến – TS. Nguyễn Ngọc Quý, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Hành trình số hóa giảng dạy tài chính – Sản phẩm từ nhóm giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, với hai nội dung: “Ứng dụng bài giảng điện tử môn Tài chính doanh nghiệp”; “Tích hợp tranh biện và trò chơi trong giáo dục tài chính cá nhân”. Mô hình đào tạo cá thể hóa và tài năng hóa trong nghiên cứu Y sinh và Sức khỏe – Nhóm giảng viên Trường Quốc tế, ĐHQGHN. Hành trình chuyển đổi số trong dạy và học tiếng Anh B1 (TAB1-LMS) – Nhóm giảng viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Các sáng kiến từ giáo viên Trường THCS Ngoại ngữ: “Tích hợp Văn học các nước nói tiếng Anh vào giảng dạy Tiếng Anh”; “Ảnh hưởng của các hoạt động study tour đến phát triển môi trường học ngoại ngữ”; “Thiết kế và sử dụng phiếu học tập trong giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý”; “Thực hành kiến thức Toán học qua trải nghiệm”. “Đổi mới xây dựng và phát triển học liệu môn Ngữ văn ở trường phổ thông” – TS. Hồ Thị Giang, giáo viên Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Triển lãm poster không chỉ giới thiệu các ý tưởng đổi mới mà còn là nguồn cảm hứng để giảng viên và người tham dự khám phá những phương pháp giảng dạy mới mẻ, hiệu quả. Giảng viên thăm quan và check-in tại khu vực triển lãm poster về đổi mới giảng dạy tại sự kiện Trải nghiệm sự kiện thú vị tại không gian kết nối của VNU Bookstore Tham gia Ngày hội Đổi mới giảng dạy ĐHQGHN năm 2024, người tham dự không chỉ được hòa mình vào bầu không khí sáng tạo mà còn có cơ hội tận hưởng nhiều hoạt động thú vị tại không gian kết nối của VNU Bookstore. Người tham dự sự kiện được thưởng lãm không gian sách với những đầu sách mới của Nhà xuất bản ĐHQGHN và mua sách với giá ưu đãi đặc biệt từ VNU Bookstore nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Không gian sự kiện mang lại cho giảng viên cơ hội giao lưu với đồng nghiệp và trải nghiệm văn hóa sách tại VNU Bookstore. Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy cũng dành tặng những món quà ý nghĩa để tri ân nhà giáo như tặng sách "Sống một cuộc đời trọn vẹn" (Đỗ Ngọc Khanh, 2020), tặng Tài liệu hướng dẫn thực hành dạy học tích cực "Dạy học tích cực – Dạy học vui, vui dạy học", được biên soạn bởi Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, như một cẩm nang hỗ trợ giảng viên đổi mới phương pháp dạy học. PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục tặng sách cho giảng viên Ngày hội Đổi mới giảng dạy 2024 tại ĐHQGHN là dịp tôn vinh những nỗ lực của giảng viên, đồng thời thúc đẩy tinh thần sáng tạo và kết nối cộng đồng giáo dục. Sự kiện không chỉ nâng cao nhận thức về đổi mới giảng dạy mà còn tạo cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại. Khép lại với nhiều ấn tượng sâu sắc, chương trình hứa hẹn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới trong giáo dục ĐHQGHN. Một số hình ảnh tại sự kiện: >>> Tin bài liên quan: - Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục: 25 năm tạo lập chất lượng để phát triển - Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - VNU-INFEQA: Thúc đẩy và lan tỏa văn hóa chất lượng đến các cơ sở giáo dục - Công tác Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học áp dụng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo
|