TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Khoa học và Công nghệ 18:07:17 Ngày 09/09/2020 GMT+7
[Nghiên cứu khoa học sinh viên] Sinh viên VNU - ULIS nêu 3 kiến nghị nhằm cải thiện công tác dạy và học tiếng Anh
Nhóm 5 sinh viên: Nguyễn Tuấn Hưng, Lê Thị Thu Uyên, Hoàng Minh Anh, Nguyễn Thị Huyền My và Nguyễn Hồng Phương, đến từ khóa QH-2017-F hệ chất lượng cao của Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN (VNU-ULIS) đã đưa ra các kiến nghị, sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên: Ứng dụng của bảng chú giải đối với độ thông hiểu văn bản và học từ vựng tự nhiên/không chủ đích. Đây là một trong các nhóm sinh viên nhận Giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN năm 2020.

Sinh viên Nguyễn Tuấn Hưng đang thuyết trình tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN 

Lợi ích của bảng chú giải đối với học ngoại ngữ

Sinh viên Nguyễn Tuấn Hưng - Trưởng nhóm cho biết, nhóm thực hiện đề tài với mong muốn có cái nhìn sâu hơn về lợi ích của chú giải nghĩa từ vựng, đặc biệt là trong kỹ năng đọc hiểu cũng như cơ chế học từ vựng của các nhóm người học tiếng Anh. Cụ thể, bằng việc cung cấp bảng chú giải một số từ mới ở lề văn bản và sử dụng các bài kiểm tra đọc hiểu và hồi nghĩa từ ở các thời điểm giãn cách nhau, nhóm nghiên cứu đã trình bày rõ tính hiệu quả của bảng chú giải qua các con số thống kê mô tả và thống kê suy luận.

Để đi đến được một phương pháp nghiên cứu hiệu quả, nhóm đã dành rất nhiều thời gian tổng hợp và hệ thống lại các quan điểm lý thuyết và quan điểm nghiên cứu về phương pháp học từ vựng tự nhiên (incidental vocabulary learning), cũng như lợi ích của bảng chú giải (glosses/glossaries).

Từ kết luận xác định rõ rằng đối với người học ở trình độ trung cấp, chú giải tiếng Việt vừa giúp hiểu văn bản sâu hơn, vừa giúp ghi nhớ nghĩa từ lâu hơn, và ngược lại (chú giải tiếng Anh có lợi ích hơn) ở nhóm trình độ cao cấp, đề tài đưa ra một số kết luận và kiến nghị đối với việc giảng dạy tiếng Anh cũng như thiết kế và phát triển tài liệu dạy học. 

Đề tài thể hiện tiềm năng ứng dụng ở cả mặt lý thuyết và thực tế. Với sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong khâu tổng quan tài liệu, nhóm đã đi đến những lý luận logic nhằm hình thành lên những quan điểm nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của nhóm, mà chính những lý luận này có thể trở thành cơ sở khoa học để các nghiên cứu khác có thể tham khảo và phản biện, phát triển theo nhiều góc độ khác nhau. Thêm nữa, kết quả của đề tài cũng là gợi ý cho những người dạy và học tiếng Anh, cũng như những nhà thiết kế tài liệu, rằng việc học vựng cũng như phát triển kỹ năng đọc hiểu nên có sự sử dụng hợp lý ngôn ngữ nguồn (input) nhằm giúp người học đạt kết quả cao hơn. 

Về lý luận, đề tài đã phân tích, tổng hợp và hệ thống lại nghiên cứu về học từ vựng không chủ đích và phương pháp học từ vựng này một cách hợp lý hơn. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu hệ thống lại các quan điểm nghiên cứu, kiểm định lại và đi đến quan điểm nghiên cứu vừa tuân thủ theo lý thuyết trước đó vừa có tính đóng góp mới (V.D. các nghiên cứu trước đó lấy khách thể nghiên cứu Nhóm tác giả đã sử dụng giả từ, từ đó kiểm tra chính xác số lượng từ đã học trong thời gian can thiệp; mở rộng quy mô nghiên cứu sang khách thể nghiên cứu là các đối tượng người học khác nhau; Kéo dài thời gian kiểm tra bằng việc bổ sung các mốc thời gian kiểm tra hồi nghĩa; Đặt bối cảnh nghiên cứu ở Việt Nam với cách tiếp cận mới mẻ hơn về phạm vi lãnh thổ.

Nhóm sinh viên VNU-ULIS thực hiện đề tài

Những con số từ thực tiễn

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm. Nhóm thực hiện nghiên cứu nhằm phân tích sự ảnh hưởng của các loại bảng ghi chú (tiếng Việt và tiếng Anh) đến khả năng đọc hiểu văn bản và ghi nhớ từ vựng của hai nhóm người học tiếng Anh ở trình độ trung cấp và cao cấp. Số liệu được thu thập thông qua các bài kiểm tra đọc hiểu, trích xuất từ Cambridge Reading Exam Database và một số bài kiểm tra hồi nghĩa lặp lại ngắt quãng.

Nhóm đã tiến hành nghiên cứu tại một trường trung học ở Việt Nam. Có tổng số 180 học sinh lớp 11 được chọn tham gia vào nghiên cứu này.

Để giảm thiểu chênh lệch, tất cả khách thể tham gia đều là người Việt Nam và học tiếng Anh như một ngôn ngữ nước ngoài. Nhóm nghiên cứu sử dụng bài kiểm tra IELTS để đo khả năng đọc hiểu, và từ kết quả bài thi, 180 người tham gia được chia thành hai nhóm với trình độ trung cấp và cao cấp.

Theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR), điểm IELTS 4.0 và 6.5 lần lượt biểu thị cho trình độ thông thạo Tiếng Anh ở bậc trung và cao cấp.         

Theo đó, đối tượng học sinh tham gia có điểm số 4.0-5.0 được xếp vào nhóm có trình độ trung cấp, còn lại một nửa với điểm số 6.5-7.5 được xếp vào nhóm có trình độ nâng cao. Kiểm định Levene về phương sai bằng nhau sử dụng kết quả bài thi IELTS cũng cho thấy hai nhóm mẫu thử tương đồng lẫn nhau về trình độ tiếng Anh và đủ điều kiện để phân tích. Tổng số 90 học sinh tham gia ở trình độ trung cấp được chia vào 3 nhóm nhỏ: nhóm can thiệp 1 (đọc tài liệu có bảng ghi chú tiếng Việt), nhóm can thiệp 2 (đọc tài liệu có bảng ghi chú tiếng Anh) và nhóm chứng (đọc tài liệu không có bản ghi chú). Việc chia nhóm đọc này cũng được áp dụng tương tự với 90 người học ở trình độ nâng cao.

Nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng thực nghiệm cụ thể để khẳng định rằng việc sử dụng phương pháp học từ vựng qua bảng chú giải có tác động tích cực đến mức độ hiểu văn bản của người học ngoại ngữ 2 trung cấp và nâng cao, bất kể loại bảng chú giải nào. Việc cung cấp định nghĩa cho các từ chưa biết có thể đóng góp tích cực cho sự thông hiểu về văn bản.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng đưa ra kết quả tương tự cho rằng sử dụng bảng chú giải sẽ giúp hiểu sâu bài khóa hơn nếu không được tham chiếu đến ý nghĩa. Để dễ dàng thu thập và đánh giá dữ liệu, bài kiểm tra đọc hiểu được thiết kế để các nhà nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu số hóa của khả năng đọc hiểu.

Việc phân tích dữ liệu thu thập được cho thấy rằng có người học trình độ trung cấp ngôn ngữ 2 có chiều hướng phản ứng tích cực hơn với việc sử dụng chú giải ngôn ngữ 1, và người học trình độ nâng cao ngôn ngữ 2 thì ngược lại. Nguyên nhân quy cho sự khác biệt về ngôn ngữ chú giải. Việc chú giải ngôn ngữ 2 đã chứng minh hiệu quả của nó đối với những người học trình độ nâng cao, thay vì những người học trung cấp, người có kết quả vượt trội so với những người học trình độ nâng cao trong các bài kiểm tra đọc hiểu khi được sử dụng bảng chú giải ngôn ngữ 1.

Ngoài ra, những phát hiện của nghiên cứu hiện tại cũng có điểm tương đồng với nghiên cứu của Bell và LeBlanc, (2000) và Chen (2002) bởi họ cũng kết luận rằng sự khác biệt về ngôn ngữ chú giải không gây ra sự chênh lệch quá lớn đối với các thông số được kiểm tra. Tuy nhiên, khi xét trong nghiên cứu hiện tại, các đối tượng người học khác nhau phản ứng với can thiệp khác khác nhau (nhóm nâng cao nhớ nhiều được từ vựng ở chú giải ngôn ngữ 2 hơn và nhóm trung cấp nhớ nhiều được từ vựng ở chú giải ngôn ngữ 1 hơn). Giải thích cho hiện tượng này là việc những người học trình độ trung cấp tiếp xúc thường xuyên hơn với tiếng mẹ đẻ và do đó, ngôn ngữ 1 ở đây đóng vai trò là cầu nối từ vựng kết nối các từ NN ngôn ngữ 2 và ý nghĩa khái niệm của các từ đó (Nelson, 2001). Mô hình biểu diễn từ vựng và khái niệm đề xuất bởi Kroll & Stewart (1994) có thể áp dụng ở đây với khẳng định rằng giữa NN1 ​​và các khái niệm có sự liên kết mạnh mẽ hơn so với giữa ngôn ngữ 2 và các khái niệm. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về việc những người học trình độ nâng cao ngôn ngữ 2 với bảng chú giải ngôn ngữ 2 làm các bài kiểm tra đọc hiểu và từ vựng tốt hơn người học cùng trình độ nhưng dùng bảng chú giải ngôn ngữ 1. Có thể giải thích rằng họ ngày càng quen với việc sử dụng ngôn ngữ thứ hai trong cuộc sống hàng ngày một cách chủ động, do đó họ có thể thoải mái thực hiện các chức năng ngôn ngữ bằng ngôn ngữ 2.

Nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu với mục đích nhằm tìm hiểu tính hiệu quả của việc sử dụng bảng ghi chú như một công cụ giúp tăng cường khả năng đọc hiểu và vốn từ vựng đối với hai nhóm đối tượng có trình độ tiếng Anh trung cấp và cao cấp. Bằng việc phân tích kết quả qua phương sai một yếu tố ANOVA và T-Test nhóm nghiên cứu đã có thể trả lời được các câu hỏi đề ra ở đầu.

Đầu tiên, việc sử dụng bảng ghi chú trong cả tiếng Việt và tiếng Anh đã có tác động tích cực đến việc đọc hiểu văn bản. So sánh với nhóm đối chứng - nhóm không sử dụng bảng ghi chú, học sinh thuộc hai nhóm thực nghiệm trả lời đúng nhiều hơn 2 câu. Tuy nhiên, dù chênh lệch không quá lớn, có thể thấy rằng nhóm học sinh trình độ trung cấp nhớ được nhiều từ vựng mục tiêu hơn khi sử dụng bảng ghi chú bằng tiếng Việt hơn tiếng Anh, và nhóm trình độ cao cấp thì ngược lại. Bên cạnh đó, các bài kiểm tra hồi nghĩa cách tuần còn thể hiện rằng có hiện tượng học từ vựng không chủ đích. Ở giai đoạn thử nghiệm cuối, những người tham gia đã có thể nhớ lại khoảng 25-30% tổng số từ vựng mục tiêu.

Cuối cùng, khi đặt cạnh nhau dữ liệu thu được từ hai nhóm học sinh tham gia (trình độ trung cấp và nâng cao) cho thấy người học tiếng Anh ở trình độ trung cấp nhớ được nhiều từ mục tiêu hơn với sự trợ giúp của bảng ghi chú tiếng Việt, và ngược lại đối với nhóm nâng cao. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không quá lớn. Từ việc phân tích các bài kiểm tra đọc hiểu và từ vựng có thể kết luận rằng bảng ghi chú bằng tiếng Việt phù hợp với nhóm học sinh trình độ trung cấp, còn tiếng Anh phù hợp với học sinh ở trình độ nâng cao.

3 kiến nghị nhằm cải thiện công tác dạy và học tiếng Anh

Nhóm sinh viên cho biết, đề tài nghiên cứu đề cập đi sâu vào tìm hiểu bối cảnh hóa việc học từ vựng qua việc kiểm tra kết quả học từ vựng ngẫu nhiên và thụ đắc ngôn ngữ, cũng như độ thông hiểu văn bản qua các bài kiểm tra định lượng. Kết quả từ nghiên cứu đã gợi mở một số đề xuất, kiến nghị nhằm cải thiện, nâng cao và hoàn thiện công tác dạy và học tiếng Anh cho đối tượng người học có trình độ trung và cao cấp.

Kiến nghị cho các nhà quản lý, tổ chức giáo dục. Với nhiệm vụ đổi mới toàn diện nền giáo dục, mà cụ thể là từng bước thay đổi phương pháp giảng dạy (Quyết định số 2080/QĐ-TTg), việc đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện những công nghệ tiên tiến trong dạy và học ngoại ngữ là hoàn toàn cần thiết. Từ sự hữu ích của việc ứng dụng bảng chú giải trong việc dạy và học nhằm nâng cao kỹ năng đọc hiểu văn bản và ghi nhớ từ vựng, đội ngũ nghiên cứu viên có thể tìm hiểu sâu hơn phương án kiểm định và áp dụng bảng chú giải trong việc dạy và học ở quy mô rộng hơn, đảm bảo một cái nhìn toàn cảnh hơn về phương pháp học tập này. Ngoài ra, việc phát triển và thí điểm các tài liệu dạy và học tiếng Anh có sử dụng bảng chú giải cũng là thiết thực. Khi đảm bảo được tính hiệu quả và khả thi của phương pháp học từ vựng tự nhiên/không chủ đích, các nhà tổ chức giáo dục có thể cân nhắc việc phổ cập phương pháp này với đội ngũ giáo viên ngoại ngữ.

Kiến nghị cho các nhà biên soạn tài liệu giảng dạy môn Tiếng Anh. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng bảng chú giải trong tài liệu đọc tiếng Anh bước đầu mang lại những kết quả thuận lợi trong việc nâng cao khả năng đọc hiểu và ghi nhớ từ vựng của người học. Ngoài việc cung cấp định nghĩa mà mặt chữ giúp gián tiếp học từ vựng, bảng chú giải còn cho phép người học hiểu văn bản sâu hơn, hạn chế việc ngắt mạch suy nghĩ khi đang đọc hiểu của học sinh. Từ đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị việc cân nhắc thiết kế bảng chú giải trong các sách giáo khoa và tài liệu học tiếng Anh nói chung, nhằm từng bước phát triển năng lực đọc hiểu và kiến thức từ vựng của người học.  Việc này góp phần đạt được mục tiêu phát triển kỹ năng từ vựng trong văn cảnh theo như TT 5333. Ngoài các tài liệu học có định hướng học thuật, việc phát triển tài liệu đọc rộng (extensive reading) như tiểu thuyết hay truyện ngắn dịch kèm bảng chú giải cũng có thể đem lại những kết quả tích cực cho việc học trong lúc đọc. Tuy nhiên, phải lưu ý không cung cấp nghĩa cho tất cả từ vựng mà có thể người đọc không biết nghĩa. Về vấn đề này, Hulstijn (1992) cũng cho rằng người học sẽ ghi nhớ nghĩa từ vựng sâu hơn nếu sử dụng suy luận để đi đến nghĩa từ.

Kiến nghị cho các giáo viên và học sinh trong hệ thống giáo dục phổ thông và cơ sở đào tạo tiếng Anh.  Mặc dù không có ý nghĩa về mặt thống kê, có thể thấy người học tiếng Anh trình độ trung cấp sẽ hiểu văn bản sâu hơn và ghi nhớ được nhiều từ vựng hơn khi được cung cấp bảng ghi chú tiếng Việt. Ngược lại, học sinh trình độ cao hơn sẽ học được nhiều từ vựng một cách không chủ đích hơn nhờ bảng ghi chú tiếng Anh. Có thể suy ra từ kết quả nghiên cứu rằng trong giai đoạn chuyển tiếp - khi học sinh chuyển từ trình độ thấp lên cao hơn - người học phải được tiếp xúc nhiều hơn với các định nghĩa tiếng Anh thay vì tiếng Việt như trước. Hơn nữa, để tương thích với việc ghi nhớ sâu các từ vựng, học sinh trung cấp nên được cung cấp nghĩa từ bằng tiếng Việt, trong khi học sinh có trình độ cao hơn nên được cung cấp chú giải bằng tiếng Anh. Điều này cũng có nghĩa là, trong thời điểm chuyển tiếp lên cấp học cao hơn nên có sự cân bằng giữa nghĩa bằng tiếng Việt và tiếng Anh khi dạy từ vựng.

>>>>> Các tin bài liên quan:

- Một công trình nghiên cứu cũng như xây dựng một ngôi nhà

Chiếc thìa chống rung: sản phẩm hỗ trợ người mắc bệnh run tay

Hiện tượng nở trên vành ma trận

ĐHQGHN và Bộ Khoa học và Công nghệ: Hoạt động khoa học gắn chặt với thực tiễn

Chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản phẩm KHCN phát triển bền vững vùng Tây Bắc

 Khoa học công nghệ tiên phong trong phát triển AI

Trí tuệ nhân tạo: từ giáo dục đến ứng dụng

Nhóm SISLAB Vietnam đạt giải Nhất tại IEEE SEACAS Hackathon 2019

Thủ khoa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên giành học bổng vào ĐH hàng đầu nước Pháp

Bí quyết học Hóa của chàng trai vàng Olympic Hóa quốc tế 2020

 Kim Dung
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ