TIN TỨC & SỰ KIỆN
Sinh viên 15:32:43 Ngày 11/12/2024 GMT+7
Người trẻ tạo cầu nối lan tỏa giá trị lịch sử, văn hoa việt
Giáo sư Phan Huy Lê từng nhận định: “Sử học là cuộc đối thoại không ngừng giữa hiện tại và quá khứ”, hiểu về lịch sử là hành trình tiếp nối, không bao giờ dừng lại. hành trình hiểu về lịch sử hiện nay còn có sự tham gia của những tiếng nói từ người trẻ - thế hệ với góc nhìn tươi mới và tinh thần nhiệt huyết. Tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, câu lạc bộ tuyên truyền văn hóa - lịch sử USSH là nơi tập trung những bạn trẻ đam mê với lịch sử như thế. Bền bỉ tới nay đã 10 năm, câu lạc bộ là nơi tình yêu lịch sử, văn hóa việt được lan tỏa, tiếp nối qua những hoạt động phong phú, giàu ý nghĩa.
NGƯỜI TRẺ LAN TỎA GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ DÂN TỘC
Được thành lập từ năm 2014, CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử USSH, tiền thân là Đội Tuyên truyền Văn hóa Thăng Long - Hà Nội ra đời nhằm chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trải qua nhiều thế hệ sinh viên, đến nay CLB đã bước vào năm thứ 10 hoạt động và trở thành một trong những hội nhóm sinh viên tiêu biểu với nhiều hoạt động, thành tích nổi bật trong hành trình lan toả những giá trị văn hoá truyền thống.
Xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê dành cho văn hóa - lịch sử dân tộc, các thế hệ sinh viên đầu tiên của CLB đã lan tỏa tới cộng đồng nhiều nét đẹp lịch sử, văn hóa thông qua việc trở thành tình nguyện viên và hướng dẫn viên du lịch tại các điểm di tích nổi tiếng của Hà Nội như: Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Văn Miếu Quốc Tử Giám... Bên cạnh đó, CLB còn kết hợp với các đơn vị tổ chức những sự kiện liên quan đến lịch sử văn hóa bao gồm nhiều sự kiện thường niên như: Hành Trình Văn Hóa, Bách Hoa Khánh Hội, Dệt Gấm Thêu Hoa.
Kế thừa những giá trị tinh thần và nhiệt huyết từ thế hệ sinh viên đàn anh, CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử USSH đã phát triển đội ngũ ngày càng chuyên nghiệp trong suốt hơn 10 năm hoạt động. Các bạn trẻ không chỉ mang trong mình tình yêu lớn với văn hóa, lịch sử dân tộc mà còn trang bị những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ bài bản. Mỗi thành viên đều phải trải qua 2 vòng phỏng vấn, các hoạt động đào tạo và vượt qua bài kiểm tra hàng tháng mới chính thức được chọn và trở thành hướng dẫn viên tại các điểm di tích. Các bài kiểm tra được đánh giá dựa trên tiêu chí sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tư duy xử lý tình huống linh hoạt, đảm bảo đem đến hình ảnh CLB những người trẻ chỉn chu từ kỹ năng đến diện mạo.
Bạn Đinh Ngọc Nguyên - Chủ tịch CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử USSH cho biết, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm hoạt động, CLB rất may mắn khi nhận được vô vàn tình cảm quý mến từ cộng đồng, từ những vị khách chỉ có cơ hội gặp mặt một lần nhưng nhờ có chung niềm đam mê văn hóa, lịch sử đã vô tình gắn kết mọi người với nhau. "Chính những lời động viên, tâm sự từ mọi người đã tiếp thêm sức mạnh và là động lực để chúng mình vững tin duy trì hoạt động của CLB đến tận bây giờ", Nguyên chia sẻ.
Với mong muốn khơi dậy và truyền ngọn lửa tình yêu văn hóa - lịch sử dân tộc đến cộng đồng, CLB không chỉ thu hút sự quan tâm từ các bạn sinh viên trong trường mà còn thu hút được đông đảo những bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên khắp địa bàn Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, CLB cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các đơn vị truyền thông. Ngọc Nguyên tự hào vì nỗ lực lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc của CLB đang một ngày tiến gần hơn đến các bạn trẻ, đồng thời khẳng định vai trò của người trẻ trong việc kế thừa và lan tỏa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
KỂ CHUYỆN VĂN HÓA - LỊCH SỬ THEO CÁCH TIẾP CẬN CỦA NGƯỜI TRẺ
Ngoài việc hoạt động dưới vai trò là hướng dẫn viên ở những địa điểm văn hoá - lịch sử, CLB Tuyên truyền Văn hoá - Lịch sử còn trực tiếp đứng ra tổ chức các sự kiện, talkshow, chương trình về văn hóa, lịch sử tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời là đơn vị đồng tổ chức các hoạt động của Sở Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hà Nội nói chung.
Trải qua hơn 10 năm hoạt động, CLB đã tổ chức nhiều sự kiện về văn hoá - lịch sử. Từ những buổi talkshow như “Nghệ thuật truyền thống - Đường trường chông chênh” - một trong chuỗi sự kiện thuộc dự án “Đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình vào sân trường”, đến dự án được tổ chức thường niên vào mỗi năm “Hành trình văn hoá” với chủ đề “Cựu kiến tân” năm 2018 và “Một cõi phượng thành” vào năm 2019 nhằm lan toả những tinh hoa Việt đến gần hơn với công chúng.
Những chủ đề mang đậm dấu ấn văn hoá - lịch sử được CLB lồng ghép khéo léo với các giá trị văn hoá thời xưa cũ đan xen trong cuộc sống hiện đại, những tiếng nhạc dân gian vọng lại tiếng dạy ông cha phải biết gìn giữ truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đồng thời, trong năm 2020, mang nỗi lòng đau đáu với nghệ thuật truyền thống, những câu ca, lời hát từ ngàn đời của cha ông đang dần mai một, CLB tổ chức talkshow “Âm hưởng linh thiêng” lấy chủ đề là hai loại hình nghệ thuật hát văn và hát then. Chương trình có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu văn hóa như: Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, Cung văn - NSƯT Văn Ty, Nghệ nhân then Xuân Bách, TS. Trịnh Lê Anh.
Không chỉ hăng hái hoạt động trong môi trường Đoàn - Hội và công tác thanh niên ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, CLB còn đồng hành cùng nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - lịch sử và ra mắt một số chuỗi dự án được đông đảo bạn trẻ có niềm yêu thích lịch sử đón nhận như Series “Châm chước" với 2 mùa thành công liên tiếp. Lý giải về tên gọi đặc biệt của series, đại diện CLB cho biết: “Rót rượu vào chén gọi là Châm. Cầm chén rượu mời người khác gọi là Chước. Theo Tầm nguyên từ điển thì Châm chước có nghĩa là bàn luận, thương lượng với nhau về một vấn đề gì đó cho thỏa đáng. Ngoài ra, Châm chước còn có nghĩa là bỏ qua những điều sai nhỏ nhặt để người khác sửa chữa, hoàn thiện thêm. Chúng tôi - những người tổ chức chương trình mong muốn tạo mở một không gian để những người chung niềm yêu thích, quan tâm về một vấn đề nào đó có thể tự do bày tỏ quan điểm. Ở "Châm chước" bạn được quyền bày tỏ ý kiến. Ở "Châm chước" bạn được quyền nghe người khác bày tỏ ý kiến mà không lo quan điểm của mình sai, không lo quan điểm của mình trái ngược với ý kiến số đông. "Châm chước" đón nhận tất cả những quan điểm liên quan tới chủ đề của chương trình”.
Gần đây, với tinh thần tôn vinh cổ phục và văn hóa truyền thống, dưới sự chỉ đạo của Đoàn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng với CLB Truyền thông VUMCC và BTC Bách Hoa Bộ hành, CLB Tuyên truyền Văn hoá - Lịch sử đã đồng tổ chức sự kiện “Bách Hoa Khánh Hội” nhằm tạo ra không gian để các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa - lịch sử giới thiệu và chia sẻ thành quả nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác, thổi hồn những giá trị tươi mới cho các bạn trẻ có niềm say mê văn hóa, lịch sử Việt Nam. Sự kiện đã diễn ra với chuỗi hoạt động ý nghĩa bao gồm: Lễ diễu hành Việt phục “Bách Hoa Bộ Hành”, Hội trại và trưng bày “Bách Hoa Thị Hội”, Tọa đàm “Bách Hoa Đối Thoại” và điểm nhấn cuối cùng là đêm trình diễn “Bách Hoa Dạ Hội”.
Tiếp nối dòng chảy di sản, năm 2023, CLB đồng hành cũng một số đơn vị trong và ngoài trường thực hiện chương trình “Dệt Gấm Thêu Hoa” với mong muốn mang đến hướng tiếp cận mới mẻ và đặc sắc về Cổ phục truyền thống, khơi gợi sự đam mê và yêu thích của đông đảo công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ đối với trang phục truyền thống bởi lẽ Cổ phục Việt Nam là di sản quý giá, chứa đựng hồn cốt của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời, cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Là một CLB với đa số các thành viên là người trẻ tuổi, CLB không thể tránh khỏi những khó khăn trong quá trình thực hiện các sự kiện, đặc biệt là những sự kiện do chính CLB tổ chức. Chủ tịch CLB - bạn Đinh Ngọc Nguyên chia sẻ: “Chúng mình đều là những người trẻ, cái tôi cá nhân cao, ai cũng muốn ý kiến của mình được công nhận nên việc thống nhất cả nhóm để đưa ra phương án cuối cùng là điều khá khó khăn. Nhưng cũng chính việc là những người trẻ nên chúng mình luôn hừng hực khí thế, nhiệt huyết, đam mê, và đặc biệt niềm yêu văn hoá lịch sử sục sôi là bức tường thành vững chắc giúp chúng mình vượt qua mọi khó khăn và lan tỏa các giá trị văn hoá lịch sử tới công chúng”.
 Mang màu sắc mới mẻ và đầy năng lượng của tuổi trẻ vào kể những câu chuyện văn hoá - lịch sử, các thành viên trong CLB luôn ý thức chính mình cần liên tục “cập nhật” kiến thức, nâng cấp “hệ điều hành” cá nhân để những câu chuyện lịch sử không khô khan. Tiếp cận những giá trị văn hoá xưa với các hình thức hiện đại như talkshow, tương tác, trình diễn trực tiếp, diễu hành, CLB đã đưa những nét đẹp truyền thống của cha ông đến gần hơn với công chúng. Đứng trước thị hiếu tiêu thụ nội dung nhanh của công chúng, CLB cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ triển khai được các tuyến nội dung dạng video ngắn, thú vị, vui nhộn để tiếp cận đa dạng hơn tệp người xem trên các nền tảng TikTok, Facebook, Instagram…, đưa câu chuyện của “một thời vang bóng” lên không gian mạng.
NHỮNG DẤU ẤN RIÊNG TRÊN HÀNH TRÌNH LAN TỎA GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VIỆT
Ngày kỷ niệm đặc biệt
Chính thức thành lập vào ngày 28/8/2014, tuy nhiên, còn một cột mốc khác cũng không kém phần đặc biệt với các thành viên CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử, đó là ngày 29/11 hằng năm. Tại Lễ công bố quyết định của Ban Chấp hành Đoàn trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn về CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử, Ban Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ đầu tiên đã lựa chọn ngày 29/11 hằng năm là ngày Kỷ niệm của CLB. Bộ nhận diện đặc trưng Bộ nhận diện độc đáo này được thiết kế bởi nguyên Phó chủ nhiệm CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử nhiệm kỳ 2014 - 2016, chứa đựng những thông điệp ý nghĩa từ những chi tiết bên trong cho đến tổng thể.
Đồng phục của CLB mang màu vàng - màu của niềm tin, hy vọng, biểu tượng cho những điều tích cực trong cuộc sống. Ngực trái của áo là logo của CLB với hình ảnh rồng thời Lý ngậm huy hiệu của Đoàn Thanh niên. Đại diện CLB chia sẻ, logo này mang ý nghĩa: “CLB trực thuộc Đoàn trường, mang trên vai sứ mệnh phát huy tinh thần đoàn viên trong công cuộc quảng bá các giá trị cổ truyền. Trên hết, logo thể hiện tinh thần yêu chuộng văn hóa - lịch sử của các thành viên đối với thủ đô nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung từ thời kỳ quân chủ cho tới thời kỳ cách mạng”.
Thân áo in bản đầy đủ của chú rồng ấy, với thân rồng uốn lượn mềm mại giống như đang bay lên hướng về logo. Mặt sau của áo là hình ảnh lá cờ Long Tinh Kỳ dưới thời nhà Nguyễn, tượng trưng cho ước vọng tỏa sáng, cho sự nhiệt thành mãnh liệt, sắc vàng là biểu tượng cho toàn dân tộc Việt Nam máu đỏ da vàng. Tổng hòa lại trên chiếc áo đồng phục là tinh thần CLB vẫn luôn muốn truyền tải: Lan tỏa những giá trị lịch sử tốt đẹp và gìn giữ những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc trong hôm nay và cả cho những lớp thanh niên mai sau.
Tiếp nối tình yêu lịch sử, văn hoá
Trong suốt quá trình phát triển, tình yêu lịch sử - văn hóa được tiếp nối không ngừng qua các thế hệ thành viên của CLB. Bạn Đinh Ngọc Nguyên - Chủ tịch CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử chia sẻ rằng: Đến nay, “Sức trẻ - Nhiệt huyết - Lan tỏa” là những từ khóa đại diện tiêu biểu nhất cho tinh thần của các thành viên và là động lực thúc đẩy CLB làm tốt hơn nữa việc trở thành cầu nối văn hóa, đem những giá trị tốt đẹp tới với các bạn trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung.

 Nguyễn Yến - Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ