TIN TỨC & SỰ KIỆN
“Hợp tác để phát triển là một trong những yêu cầu sống còn của giáo dục đại học”
Đó là khẳng định của Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tại Hội nghị giao ban công tác Hợp tác phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng diễn ra vào sáng ngày 29/12/2022 tại Hòa Lạc.

Theo đó, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh rằng tất cả các đại học hiện nay đều cần quan tâm đến công tác hợp tác phát triển bởi mỗi cơ sở giáo dục đều cần có những sự thay đổi linh hoạt, liên tục đổi mới để có thể thích ứng nhanh chóng, đảm bảo sự phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh quốc tế biến động hiện nay. Một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình này là thúc đẩy sự kết nối giữa các bên để cùng phát triển. Hợp tác chính là phương thức để thu hút nguồn lực để phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học, thu hút giảng viên, sinh viên và nâng tầm các khu đô thị đại học quốc gia.

Về phía Đại học Quốc gia TP. HCM có sự tham dự của Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển Dự án Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển dự án Nguyễn Thái Bình Long

Trưởng ban Hợp tác và Phát triển, ĐHQGHN Nguyễn Thị Anh Thu bày tỏ hy vọng mặc dù có những đặc thù trong triển khai và quản lý các hoạt động tại từng đơn vị, nhưng ba đại học cũng có rất nhiều điểm chung và đang cùng triển khai một số hoạt động chung như Dự án World Bank và Dự án PHER, nên sẽ có thể học hỏi từ các bên còn lại và có thể cùng nhau tìm kiếm, khai thác các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Hội nghị là sáng kiến chung của ba đại học và lần đầu tiên được tổ chức tại ĐHQGHN cơ sở Hòa Lạc còn có sự tham dự của lãnh đạo phụ trách công tác Hợp tác và Phát triển tại các trường thành viên của ĐHQGHN. Đây là cơ hội để các bộ phận phụ trách đối ngoại gặp gỡ, giao lưu, kết nối, tăng cường nâng cao năng lực, góp phần triển khai hiệu quả hoạt động này tại mỗi đại học và là tiền đề để ba đại học tổ chức thành Hội nghị thường niên công tác HTPT giữa ba bên trong những năm tiếp theo.

Về phía Đại học Đà Nẵng có sự tham dự của Trưởng ban Hợp tác quốc tế Nguyễn Phúc Nguyên

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong các mảng hoạt động như công tác xây dựng kế hoạch đoàn ra, và các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả công tác đoàn ra; công tác quản lý và tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc tế; công tác đoàn vào và tăng cường công tác quản lý người học và giảng viên nước ngoài tại ĐHQGHN; công tác ký kết thỏa thuận Hợp tác quốc tế, xây dựng, triển khai và quản lý dự án viện trợ, tài trợ; kinh nghiệm xây dựng và quản lý các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ; xây dựng và quản lý các chương trình hợp tác về liên kết đào tạo tại ĐHQGHN; chỉ số hợp tác quốc tế liên quan đến sinh viên quốc tế, giảng viên quốc tế, chương trình dự án hợp tác quốc tế.

Phiên thảo luận tập trung vào đề xuất ba đại học sẽ cùng xây dựng các kiến nghị chung gửi các Bộ, ngành liên quan đề xuất nâng cao hiệu quả trong triển khai hoạt động hợp tác phát triển; quản lý cơ sở dữ liệu về các đối tác trong nước và quốc tế một cách hợp lý để cùng khai thác, sử dụng chung; tạo lập mạng lưới các nhà khoa học để xúc tiến nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức hoạt động trao đổi sinh viên giữa ba đơn vị để tiến tới trao đổi tín chỉ học tập; cuối cùng là đẩy mạnh tư vấn chính sách, thực hiện trách nhiệm quốc gia.

Dựa trên các đề xuất nêu ra tại Hội nghị, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Đà Nẵng sẽ tiếp tục thảo luận để đi tới ký kết một thỏa thuận chung giữa ba bên để cụ thể hóa những lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Đà Nẵng là ba đơn vị cùng tham gia hai Dự án lớn hiện nay là Dự án World Bank và Dự án PHER.

Dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam” sử dụng nguồn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (gọi tắt là Dự án World Bank), có mục tiêu nâng cao chất lượng, đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học của ba đại học tại Việt Nam là ĐHQGHN, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng.

Dự án gồm 03 hợp phần:

- Hợp phần 1: Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập;

- Hợp phần 2: Vượt trội trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các lĩnh vực trọng điểm;

- Hợp phần 3: Nâng cao năng lực quản trị và quản lý thực hiện dự án.

Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục đại học (Partnership for Higher Education Reform - PHER project) là dự án do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua sự điều phối và thực hiện của Đại học Indiana, Hoa Kỳ và sự tham gia của 3 đại học hàng đầu Việt Nam. Dự án được triển khai trong 5 năm, từ năm 2022 đến năm 2026, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường năng lực quản trị và khả năng đáp ứng thị trường của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc triển khai các hoạt động xoay quanh 4 trụ cột: Đổi mới quản trị đại học; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo và Thúc đẩy liên kết đại học - doanh nghiệp.

>>> Các tin liên quan:

Hợp tác giữa hai Đại học Quốc gia: Cùng phát huy các nguồn lực, cộng hưởng thế mạnh để phát triển bứt phá, nâng cao vị thế

Tổng quan Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER)

Dự án PHER: Chia sẻ - Học hỏi – Kết nối

Hội thảo Dự án PHER: Sự kiện học thuật đầu tiên tổ chức tại khu giảng đường mới của ĐHQGHN tại Hòa Lạc

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ