TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Phổ biến pháp luật 09:28:22 Ngày 08/08/2022 GMT+7
Một số văn bản mới của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông
Trong nửa cuối tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động trong Đại học Quốc gia Hà Nội ở các lĩnh vực: Hành chính, kế hoạch tài chính, đào tạo, đoàn thanh niên, xuất bản. Nội dung tóm tắt các văn bản như sau:

1. Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19 tháng 7 năm 2022 về việc đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng.

Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với phương tiện xe ô tô, nhằm phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí ETC theo đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí một dừng (sử dụng tiền mặt), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đề nghị người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương tiếp tục chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22/02/2022; không sử dụng hình thức thu phí một dừng (dùng tiền mặt) kể từ ngày 01/8/2022.

Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 19 tháng 7 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Chỉ thị số 11/CT-TTg

2. Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 7 năm 2022 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo nội dung văn bản, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII). Phấn đấu cân đối nguồn lực để thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII). Ưu tiên nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở ở những nơi cần thiết, cấp bách, tăng cường năng lực phòng chống dịch bệnh; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn NSNN được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, việc xây dựng dự toán chi trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức chi thường xuyên NSNN năm 2022 (Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg) và quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN theo đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW; các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.

Chỉ thị có hiệu lực từ ngày: 22 tháng 7 năm 2022

>>> Xem toàn văn: Chỉ thị số 12/CT-TTg

3. Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030.

Theo nội dung Quyết định, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2022-2025 như sau: 100% cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; 100% tỉnh, thành đoàn hàng năm có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên; hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp; it nhất 80.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; 40% các tỉnh, thành đoàn thành lập Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; 40% các tỉnh, thành đoàn có các thiết chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 200 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Mục tiêu giai đoạn 2026-2030: 100% cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; 100% tỉnh, thành đoàn hằng năm có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên; hỗ trợ 12.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 2.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hằng năm, 200.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp; duy trì và xây dựng 120.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; 100% các tỉnh, thành đoàn thành lập Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; 100% các tỉnh, thành đoàn có các thiết chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 26 tháng 7 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Quyết định số 897/QĐ-TTg

4. Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26 tháng 07 năm 2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Thông tư này áp dụng đối với: Cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài; các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam. Theo nội dung Thông tư, cơ sở tổ chức thi của Việt Nam cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng như sau: Chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị; trang thông tin điện tử chính thức, hợp pháp cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác tổ chức thi, xác thực kết quả thi; cán bộ quản lý của đơn vị có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài thuộc ít nhất 01 ngôn ngữ mà đơn vị có liên kết tổ chức thi; trong trường hợp sử dụng cán bộ coi thi của Cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam: mỗi phòng thi phải có ít nhất 01 cán bộ coi thi là giảng viên hoặc giáo viên, các cán bộ coi thi khác phải có trình độ từ cao đẳng trở lên và phải được tập huấn về nghiệp vụ coi thi; có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc tổ chức thi; có đủ nhân viên phục vụ việc tổ chức thi; địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm để tổ chức thi: có đủ phòng thi và các phòng chức năng để tổ chức thi các kỹ năng theo yêu cầu của Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và theo từng đợt thi; phòng thi bảo đảm cách âm, có đủ ánh sáng, bàn, ghế và các trang thiết bị để tổ chức thi; có hệ thống camera giám sát ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi, dữ liệu camera được lưu trữ ít nhất 02 năm và được sử dụng theo quy định của pháp luật; có đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi; có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay) để kiểm soát, ngăn chặn được việc thí sinh mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi; có nơi bảo quản đồ đạc của thí sinh; có phòng làm việc của hội đồng thi, trực thi, giao nhận đề thi và bài thi; có hòm, tủ, hay két sắt có khoá chắc chắn để bảo quản đề thi, bài thi bảo đảm an toàn và bảo mật; có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị bảo mật cho hệ thống, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, các thiết bị phụ trợ bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật nếu tổ chức thi trên máy vi tính; trong trường hợp tổ chức thi theo hình thức trực tuyến, phải có đủ phương tiện, thiết bị, thiết bị bảo mật, có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và chống gian lận hiệu quả; có phòng chấm thi (nếu thực hiện chấm thi) bảo đảm an toàn, biệt lập, có camera giám sát được toàn bộ diễn biến trong quá trình chấm thi, dữ liệu camera được lưu trữ ít nhất 02 năm và được sử dụng theo quy định của pháp luật; khu vực thi và chấm thi (nếu thực hiện chấm thi) bảo đảm các yêu cầu an toàn, bảo mật và phòng chống cháy nổ; công khai, minh bạch lệ phí thi và các loại phí khác liên quan đến quá trình thi cấp chứng chỉ (nếu có); thực hiện giải trình với xã hội về tài chính và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10 tháng 9 năm 2022.

>>> Xem toàn văn: Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT

5. Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 20 tháng 7 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản sản phẩm.

Văn bản hợp nhất 02 Nghị định gồm: Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 01 năm 2022.

Văn bản có hiệu lực từ ngày 20 tháng 7 năm 2022.

>>> Xem toàn văn:  Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BTTTT

 

 VNU Media - Ban Thanh tra và Pháp chế
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ