TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin các đơn vị 10:24:19 Ngày 25/03/2023 GMT+7
Công trình tham quan ảo Cổng Maroc: Góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam và Maroc
Ngày 24/3/2023, Khoa Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN (IFI) phối hợp cùng Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) tổ chức Lễ ra mắt công trình tham quan ảo Cổng Maroc (Ba Vì - Hà Nội).

Phát biểu khai mạc, Ngài Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Maroc tại Việt Nam cho biết: “Công trình lịch sử này là biểu tượng của tình hữu nghị truyền thống bền chặt giữa Việt Nam và Maroc và là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn lịch sử và ký ức chung của chúng ta. Những người lính Maroc, cùng với anh em và đồng đội của họ thuộc các quốc tịch khác nhau, một số người trong số họ là tù nhân hoặc lính đào ngũ, được đối xử tử tế, được cấp một trang trại và được phép kết hôn và theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc bình thường. Việc xây dựng Cổng (Gate of Morocco), mang ý nghĩa tưởng nhớ và bày tỏ tình cảm trân trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại này (Hồ Chí Minh), đối với nhân dân Việt Nam và đối với đất nước đã đón nhận họ. Cổng Maroc, minh chứng cho những giá trị nhân văn quý giá đó. Biểu tượng của nó có ý nghĩa siêu phàm. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng công trình lịch sử này sẽ không còn là ẩn số mà trở thành một địa điểm tham quan cho cả người dân địa phương và du khách nước ngoài. Câu chuyện tuyệt vời đằng sau nó rất đáng để mọi người biết đến và chia sẻ.”

Ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm IFI, cho biết: “Công trình tham quan ảo Cổng Maroc nằm trong chương trình Số hoá di sản văn hoá đã trở thành thương hiệu của IFI. Đây là một trong những sản phẩm được thực hiện để kỷ niệm 62 năm ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam Maroc (27/3/1961). Sản phẩm này là sự kết hợp về nội dung văn hóa, lịch sử và công nghệ với sự phối hợp của Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện nghiên cứu Châu Phi – Trung Đông (IAMES) và sự đóng góp to lớn của IFI và các đối tác của IFI. Công trình tham quan ảo Cổng Maroc được tiến hành trong một thời gian dài dưới sự nỗ lực to lớn của IFI và các đối tác đặc biệt là trải qua giai đoạn Covid-19.”

Ông Ngô Tự Lập, nguyên Viện trưởng IFI chia sẻ về những giá trị lịch sử đằng sau Cổng Maroc tại Ba Vì. Chiếc cổng mang phong cách Arab này là biểu tượng của tình hữu nghị quốc tế chống thực dân, một di tích vô cùng độc đáo nằm dưới chân núi Ba Vì, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, nhưng còn ít người biết đến.. Dự án nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người đối với lịch sử chung của hai quốc gia, đối với mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Maroc cũng như đối với văn hóa Maroc thông qua việc thúc đẩy quan hệ song phương và phát triển du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cổng là di tích còn sót lại của Nông trường Việt Phi - Ba Vì, là minh chứng lịch sử cho giá trị tư tưởng Nhân văn Hồ Chí Minh. Cổng được xây dựng bởi những hàng binh đến từ hơn hai mươi nước châu Âu và châu Phi được chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm hóa, sau đó ở lại sinh sống tại Việt Nam. Cổng được trùng tu năm 2016 với sự tài trợ một phần của Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Việt Nam.

Công trình tham quan ảo Cổng Maroc được thiết kế như là một sản phẩm nghe nhìn đa phương tiện độc đáo, trong đó những ưu thế của công nghệ số được bổ sung bằng nội dung văn hoá mang tính thẩm mỹ cao, bao gồm cả âm nhạc, hình ảnh, văn bản và lời thoại bằng ba thứ tiếng Việt - Pháp - Anh. Tại buổi lễ, sau khi đại diện IFI, Đại sứ quán Vương quốc Maroc thực hiện nghi thức kích hoạt công trình tham quan ảo Cổng Maroc, các đại biểu có mặt tại hội trường đã trải nghiệm một phần chương trình tham quan ảo của cổng Maroc.

Lễ ra mắt công trình tham quan ảo Cổng Maroc đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Đại học Quốc gia Hà Nội, thứ Sáu ngày 24 tháng 3 năm 2023. Đây chính là cầu nối đưa các Di tích lịch sử - văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam và Maroc.

IFI là tổ chức đại học tiêu biểu của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á Thái Bình dương. IFI được biết đến là sự hợp nhất của hai đơn vị IFI (1993) và PUF (2006) hiện là đơn vị phát triển dựa trên các thế mạnh chính: đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao. Với nền tảng là đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, IFI hiện đào tạo 4 chương trình thạc sĩ quốc tế với 2 chương trình thạc sĩ về công nghệ thông tin, thạc sĩ về truyền thông số, thạc sĩ về công nghệ tài chính và trong tương lai gần sẽ mở thêm các ngành đào tạo cử nhân và thạc sĩ mới gắn với công nghệ thông tin và liên ngành. IFI tự hào là đơn vị đóng góp lớn vào chỉ số quốc tế hóa cho ĐHQGHN với hàng trăm học viên đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đào tạo, thì nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm là một thế mạnh của IFI. Những sản phẩm của IFI dựa vào công nghệ thông tin nhưng rất đặc sắc nhờ vào giá trị của các nội dung văn hóa. Chương trình số hóa di sản của IFI là một trong số ít ỏi những chương trình nghiên cứu ở Việt Nam có thể chuyển giao để thương mại hóa được sản phẩm. Những sản phẩm nổi tiếng của IFI như công trình tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội, Bảo tàng Hưng Yên, Cây đa và đền La Tiến, Bảo tồn các di sản Hà Nội. 

 VNU IFI
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ