TIN TỨC & SỰ KIỆN
GS. Phạm Hùng Việt: Miệt mài, nỗ lực vì trách nhiệm với cộng đồng
Là 1 trong 21 cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN năm 2015, GS.TS Phạm Hùng Việt với nhiều thành tích nổi bật, trong đó phải kể đến công trình về cơ chế phát sinh ô nhiễm ASEN trong nước ngầm của ông và nhóm nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature vào năm 2013.

GS. Phạm Hùng Việt cùng các đồng nghiệp tại hiện trường nghiên cứu

Tác giả chính của công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature – GS.TS Phạm Hùng Việt quan niệm, ở thời đại nào cũng vậy, tính trách nhiệm với cộng đồng rất quan trọng.

Tạp chí danh tiếng Nature chỉ đăng các nghiên cứu khoa học cơ bản có tính đột phá. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam mới chỉ có 5 bài báo với sự cộng tác của các nhà khoa học nước ngoài được công bố trên tờ tạp chí danh tiếng này. Các công bố trên tạp chí Nature cũng được xem là một trong những chỉ số quan trọng để xếp hạng đại học, đồng thời là thước đo trình độ phát triển khoa học cơ bản của các quốc gia.

Công trình của GS. Phạm Hùng Việt và nhóm nghiên cứu thành công là nhờ chủ trương kết hợp phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản đỉnh cao hướng đến cộng đồng – khoa học vị nhân sinh của trường ĐHKHTN, ĐHQGHN và cũng chính bằng cách đó Nhà trường đã xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh.

Chia sẻ về thành quả bước đầu này, GS. Phạm Hùng Việt cho biết, từ đầu những năm 2000, ông đã “thai nghén” ý tưởng xây dựng một nhóm nghiên cứu. Khi đó việc xây dựng một nhóm nghiên cứu chưa thành chủ trương chung, nhưng trong quá trình học tập ở Đức, Thụy Sĩ, ông nhận thấy đó là cách hiệu quả, mang lại nhiều thành quả tốt đẹp.

“Từ thực tế đó, chúng tôi quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu về vấn đề địa hóa môi trường và ô nhiễm asen trong nước ngầm. Xuất phát điểm của dự án có từ 15 năm trước, trải qua nhiều cấp bậc thăng trầm khác nhau và quá trình hợp tác với nhiều đối tác như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản…, những nghiên cứu ban đầu được nâng tầm theo thời gian và chúng tôi mới có được thành quả như hôm nay”, GS. Phạm Hùng Việt cho biết thêm.

Cũng theo GS. Phạm Hùng Việt, ông và nhóm nghiên cứu của mình đã có hơn 40 bài báo quốc tế ở lĩnh vực này trong đó phải kể đến những bài có tầm ảnh hưởng lớn như bài báo đăng trên Tạp chí Nature - công trình được lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học tiêu biểu của nước ta năm 2013.

GS. Phạm Hùng Việt nhận định: “Đó là nghiên cứu phục vụ cho đời sống dân sinh, liên quan tới sức khỏe cộng đồng, sự an toàn của người dùng nước sạch.  Hơn nữa, dự án này không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn có ý nghĩa với khu vực và quốc tế. Các nước khác có thể dựa trên kết quả nghiên cứu đó để chủ động đề xuất phương án cấp nước sạch cho người dân. Đó có thể là lý do chính giúp kết quả nghiên cứu dự án được chọn đăng trên Tạp chí Nature”.

Chưa dừng lại ở đó, GS. Phạm Hùng Việt cho hay, hiện ông và nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu cơ chế, từ đó đề xuất các giải pháp để tạo ra nguồn nước không bị nhiễm Asen.

Với quan niệm, ở thời đại nào cũng vậy, tính trách nhiệm với cộng đồng rất quan trọng và đó là sứ mệnh của mỗi con người, GS. Phạm Hùng Việt luôn miệt mài, hăng say với công việc nghiên cứu và giảng dạy.

“Tôi cho rằng cần phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội mình đang sống và giúp cho thế hệ sau phát triển hơn nữa. Những quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ có tới vài chục triệu người dân bị ảnh hưởng bởi vấn đề này, thậm chí nhiều người đã bị bệnh nặng qua đời. Tại Việt Nam, một trong những lý do khiến chúng ta chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề này là do chúng tôi đã đối mặt với nó từ rất sớm, tư vấn cho nhà nước thay dần nguồn nước ngầm bằng nước mặt của sông Đà.

Nguồn nước ngầm chúng ta đã khai thác từ gần một thế kỉ nay và có một số địa điểm đã phát sinh ô nhiễm. Dự án này góp phần vào việc ngăn ngừa thảm họa đó ở Việt Nam nên chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu”, GS. Phạm Hùng Việt khẳng định.

Có lẽ chính vì thế mà người cha, người chồng - Phạm Hùng Việt ít có thời gian cho bản thân và gia đình. Ông kể: “Tôi cũng giống như nhiều nhà khoa học khác đều có đam mê và có sự hi sinh cho công việc. Phải dành thời gian, công sức để đọc, tìm hiểu, tổ chức nghiên cứu theo đội, nhóm, ít thời gian cho gia đình, đời sống riêng…”.

Sau những chia sẻ hết sức ngắn gọn về cuộc sống riêng, ông Phạm Hùng Việt lại tiếp tục câu chuyện về những đam mê, dự định mới của mình một cách đầy say sưa.

Ông nói, sau khi đi hết con đường nghiên cứu về ô nhiễm môi trường và đánh giá để tư vấn cho những người làm về công nghệ xử lý, những người làm công tác quản lý nhà nước chủ động đề xuất phương án ứng phó, ông và nhóm nghiên cứu sẽ đi bước thứ hai là nghiên cứu đánh giá ô nhiễm để phục vụ cho vấn đề an toàn thực phẩm. Sau đó, ông sẽ tập trung nghiên cứu về các độc chất hóa học, ứng dụng trong y sinh học - chế tạo các thiết bị phục vụ chẩn đoán bệnh tật, giúp con người có sức khỏe tốt hơn.

Với quan niệm con người là quan trọng nhất, là trung tâm của xã hội và xuất phát từ thực tế vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam đang trở thành vấn nạn, ông đã đặt ra các kế hoạch trên.

“Ai cũng biết nếu môi trường bị ô nhiễm do giao thông đô thị, rác thải…hay nguồn nước bị ô nhiễm do asen, thuốc trừ sâu, những hóa chất con người thải ra…; không khí bị ô nhiễm hay nguồn đất bị ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng lớn tới vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là con người. Nói cách khác, con người chính là nạn nhân cuối cùng bị xâm hại. Đa số ô nhiễm là do chính con người.

Chúng tôi cũng đang đi theo hướng chế tạo ra các thiết bị đo như thiết bị điện di mao quản thu nhỏ xách tay phục vụ vấn đề đánh giá chất lượng nước trong môi trường, đo hợp chất hữu cơ như dược phẩm, định lượng thuốc giả thuốc thật, ứng dụng trong khoa học hình sự để phát hiện nhanh những người nghiện, sử dụng ma túy tổng hợp bị cấm.

Cùng với doanh nghiệp có chung chí hướng, chúng tôi muốn chuyển các sản phẩm đó thành sản phẩm thương mại, thay thế các thiết bị nhập ngoại phục vụ cho các đối tượng liên quan môi trường, thực phẩm, hình sự…”, ông chia sẻ.

GS. Phạm Hùng Việt cũng được biết đến là một trong số những người đặt nền móng cho việc xây dựng các dự án hợp tác quốc tế của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN  - nguồn lực lớn của sự phát triển, bao gồm, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghiên cứu sinh, trao đổi học viên cao học, cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn.

“Tôi đã phát triển được nhiều dự án hợp tác quốc tế, trong đó đặc biệt là những dự án được Nhật Bản tài trợ, do tôi chủ trì. Đó là đề tài hợp tác Việt  - Nhật được thực hiện 10 năm liền. Trong 10 năm, tôi đã đề cử được 360 lượt người ở Việt Nam sang Nhật và ngược lại, tạo ra niềm hứng khởi và nền móng cho việc tạo ra nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chung ở nhiều lĩnh vực như hóa học, môi trường, địa chất, địa lý, sinh học, toán học…

Điều đó giúp tạo nên mạng lưới các nhà khoa học ở Việt Nam và mạng lưới các nhà khoa học Nhật Bản; từ đó tạo ra nhiều dự án lớn như dự án JICA của Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) mà hiện nay khoa Hóa đang chủ trì làm về nhiên liệu sinh học…

Thành công thứ hai là phối hợp với Nhật Bản, Hàn Quốc đào tạo tiến sĩ chất lượng cao nhờ quỹ Đề án 322 của Chính phủ. Tính đến nay, tôi đang chủ trì 2 đề tài hợp tác quốc tế với Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju, Hàn Quốc và Viện Khoa học và Tiên tiến của Nhật Bản, đào tạo được hơn 40 tiến sĩ trong 2 lĩnh vực: công nghệ môi trường; khoa học và công nghệ Nano.

Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác quốc tế với các trường đại học, các quỹ, các cơ quan nghiên cứu và nhận tài trợ qua ODA của chính phủ, Đan Mạch, Mỹ, Thụy sĩ; hợp tác với các công ty, các tổ chức như  Tập đoàn Shimadzu của Nhật Bản để tạo ra được nguồn lực trang thiết bị phục vụ quá trình nghiên cứu, tiết kiệm nguồn ngân sách cho nhà nước”, ông nói thêm.

Không những miệt mài trong nghiên cứu, giảng dạy, GS. Phạm Hùng Việt còn tích cực trong việc tạo tiền đề phát triển cho các thế hệ sau. Với mục đích đó, trong nhiều năm liền ông đã tập trung vào việc xây dựng các nhóm nghiên cứu.

Mỗi nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhánh, ở các nhánh đều có các tiến sĩ, phó giáo sư trẻ phụ trách. Thông qua con đường xây dựng nhóm nghiên cứu, ông đã truyền đạt, chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức cho thế hệ trẻ, từ đó hướng tới xây dựng trường phái khoa học để đến khi về hưu hay không còn đủ sức khỏe tiếp tục công việc, theo đuổi đam mê thì các thế hệ trẻ vẫn có thể tiếp tục con đường mà những thế hệ đi trước đã vạch ra.

Dựa trên những đóng góp không ngừng, ông và nhóm nghiên cứu đã 2 lần được giải thưởng tiêu biểu về nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN vào năm 2011 và năm 2013.

Bày tỏ sự lạc quan về thành quả của những dự án ông đang theo đuổi, trước khi khép lại câu chuyện với chúng tôi, GS. Phạm Hùng Việt trần tình: “Vẫn còn nhiều thách thức mới, nhưng tôi hi vọng hướng nghiên cứu chúng tôi đặt ra sẽ tiếp tục tạo ra được những kết quả đột phá".

Thay lời kết, có lẽ không chỉ ông mà nhiều người khác cũng rất mong những ước nguyện trên sớm trở thành hiện thực, góp phần vào sự phát triển của đất nước nói chung, của ĐHQGHN nói riêng.

>>> Tin bài liên quan:

- Hội nghị Điển hình tiên tiến Trường ĐHKHTN giai đoạn 2010 – 2015

- Công bố quốc tế đừng là đích đến cuối cùng và duy nhất của một nghiên cứu

Các nhà khoa học của ĐHQGHN ghi danh trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật 2013

Giảm thiểu ô nhiễm thạch tín (Asen) trong nước ngầm tầng nông

Tặng Giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu năm 2013 

 Bùi Thị Vui (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ