Văn hóa 13:07:14 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Sân khấu và cuộc đời

 Ai là người nghệ sĩ viết được kịch bản cho chính số phận của mình?

Mong manh đến mơ hồ là khoảng cách giữa sân khấu và cuộc đời. Ta không thể diễn như đã sống và cũng đừng sống như đã diễn…

Đạo diễn Nguyễn Hoàng vỗ vai tôi thân mật: “Tùng này, tôi nghĩ rồi, cậu sẽ là người sắm vai Hecnani trong vở bi kịch Khoa ta sắp diễn vào tối hôm tới, cậu hãy chuẩn bị đi…”. Yên lặng gật đầu, trong lòng tôi khấp khởi mừng thầm.

Chiều, anh bạn cùng phòng đi đâu về vừa đẩy cửa vào đã bô bô: “Ông biết tin gì chưa…Thục Uyên, nàng sẽ nhập vai Đônhaxon… không rõ ai sẽ là người may mắn được cặp cùng nàng nhỉ…”. Hắn khoa chân múa tay một hồi rồi đi tắm. Tôi thở phào, vậy là y như những gì tôi ao ước.

Thiên hạ hay bảo: Phụ nữ đẹp thường “rỗng”, lại đỏng đảnh, chỉ giỏi tiêu tiền đàn ông. Nhưng Thục Uyên thì khác. Em đẹp quyến rũ, mái tóc dài tới eo, đôi mắt trong sáng luôn ánh lên những tia nhìn ấm áp, thân thương. Không những học giỏi, Thục Uyên còn rất tự trọng, chưa bao giờ tôi thấy em dùng sắc đẹp của mình để lợi dụng ai hay lả lơi như bao cô gái khác. Người như em thời này đâu phải dễ tìm, việc bao chàng trai cùng khoa, ngoài trường để ý cũng là đương nhiên.

Vốn tôi và Thục Uyên học cùng lớp nhưng qua năm thứ hai em được chuyển lên hệ Chất lượng cao. Không gặp em thường xuyên tôi thấy nhớ. Hình như... Năm cuối đại học vù đến, bao bạn bè giục nhau sống “gấp” để một mai xa thời sinh viên đỡ tiếc, riêng tôi vẫn canh cánh trong lòng vì chưa có dịp nào đó tỏ bày tình cảm riêng. Phải chăng đây là cơ hội...?.

Ngược lại, Thục Uyên tỏ vẻ khó chịu khi phải diễn cặp với tôi. Những lúc trên sàn tập em luôn tìm cách tránh không để tôi chạm vào người ngay cả khi đạo diễn bắt. Có một cảnh trong vở kịch chàng Hecnani và nàng Đônhaxon ôm hôn nhau say đắm. Thục Uyên nằng nặc đòi Nguyễn Hoàng phải cắt cảnh đó đi. Em tranh luận: “Ngày xưa các cụ làm gì đã biết hôn nhau, chẳng qua là các nhà văn thích thế thì gán vào cho nhân vật thôi mà!”.

Đạo diễn nghe thế gật gù, rồi anh cười: “Bỏ cảnh hôn cũng được nhưng Hecnani vẫn phải ôm Đônhaxon trong vòng tay, phải nâng cằm nàng lên nhìn nhau một cách đắm đuối nếu không kịch bản sẽ bỏ. Mà chúng mày chỉ lắm chuyện, diễn kịch chứ có phải là thực đâu, mà thực thì đã sao, hai đứa đẹp đôi hết nói…”.  Tôi nhìn anh vừa hân hoan vừa cảm động. Còn Thục Uyên thì im lặng, gương mặt em lạnh tanh không tỏ thái độ.

Những ngày tập vở trôi qua nhanh chóng, đêm hội diễn văn nghệ toàn trường đến gần. Trên sàn tập nàng Đônhaxon duyên dáng, đắm say biết bao nhiêu thì ngoài đời em lại nhìn tôi dửng dưng, lạnh lùng bấy nhiêu. Tôi cũng giữ sĩ diện chẳng hay vồ vập, săn đón em như buổi đầu. Những khi không có mặt tôi hình như Thục Uyên tự nhiên, thoải mái hơn. Tiếng cười đùa của em với mọi người như những mũi kim chích mạnh vào trái tim tôi đau nhói...

Đêm hội diễn rồi cũng đến. Theo rút thăm, Khoa Văn học sẽ diễn thứ 5, ở giữa chương trình. Trong trang phục của chàng Hecnani vừa hào hoa, si tình lại rất phong trần, dũng cảm trông tôi thật khác ngày thường. Ngồi ở hậu trường tôi kín đáo quan sát Thục Uyên. Hình như em không quan tâm đến buổi diễn tối nay. Hoá trang xong em tư lự ngồi nơi lối vào như cố ý trông đợi ai đó. Tôi ngập ngừng đến bên:

- Uyên này! Hai ta cùng thoại lại đoạn tỏ tình nhé!

- Không. Mình không thích đoạn ấy!

Em nhíu mày, khuôn mặt càng xinh đẹp nhưng giọng nói thì dấm dẳng và  thật ghê gớm. Tôi gượng cười:

- Nhưng đó không phải là độc thoại?

- Độc thoại thì đã sao? Cần gì cứ phải theo một kịch bản cứng nhắc nhỉ?

Bị chạm lòng tự ái mặc dù tự nhủ cần phải kiên nhẫn, mặt tôi vẫn nóng ran...

Có tiếng người dẫn chương trình gọi tên Khoa Văn học. Không hiểu vô tình hay cố ý nàng Đônhaxon vịn vào tay tôi lấy đà đứng dậy. Một cảm giác kỳ lạ chiếm lĩnh, tôi bắt đầu vào vai diễn...

Cả hội trường nín lặng dõi theo từng bước đi của nàng Đônhaxon kiều diễm, lộng lẫy. Dưới ánh đèn sân khấu cả thân hình em như rực sáng lên, từng sợi tóc dài óng ánh bao lấy gương mặt đẹp như thiên thần. Em là ai, là nàng tiên lạc xuống cõi trần hay Hằng Nga trong vũ điệu Nghê Thường tuyệt thế, mê hồn. Tôi lắp bắp:

- Thục… Uyên, anh yêu... em!

Lời tôi vẳng như hơi thở, những khán giả thính nhất có lẽ cũng không nghe thấy, duy có tiếng của đạo diễn từ trong cánh gà nhắc với ra: “Thoại to lên, nhỏ quá!”

- Đônhaxon! Anh muốn nói ngàn lần... yêu em…!

Tôi thốt lên như con rối. Đạo diễn đã có vẻ bực bội: “Ta  - nàng chứ anh - em gì ở đây!”.

Chết thật ngôn ngữ hiện đại đã được tôi đặt vào miệng của nhân vật thế kỷ thứ 17. Nhìn sang Uyên tôi thấy em suýt phì cười. Đôi mắt đắm đuối, si mê của nàng Đônhaxon như xoáy vào hồn tôi...

- Hecnani! Thiếp yêu chàng, mãi mãi chỉ có chàng thôi...

- Thực vậy không em? Ôi! Anh…!

Tôi hoảng thực sự, lại một câu thoại khác từ trái tim tôi lạc ra ngoài kịch bản. Giọng Uyên nhỏ nhẹ nhưng rành rọt: “Kìa! sai hết lời rồi!”.

Đạo diễn từ phía cánh gà rít lên giận dữ: “Trời đất, có một đoạn thoại ngắn tũn mà cũng quên, chỉ giỏi ba hoa!”.

Tôi bừng tỉnh, hướng về phía Đônhaxon... lần này tôi mới đủ tỉnh táo. Cảnh đẹp nhất, cao trào nhất của vở kịch là cảnh đôi tình nhân bên nhau trong đêm trăng sáng. Vòng tay qua bờ vai tròn lẳn, mịn màng của nàng Đônhaxon, trong giây lát tôi có cảm giác nàng run nhe nhẹ. “Đến lúc diễn hẵng hay” tôi nhớ lại lời Uyên mỗi khi tập muốn lảng tránh cảnh này. Giờ đây trước hàng ngàn con mắt, trước mặt Ban Giám khảo em không thể chạy trốn được vòng tay tôi. Đôi mắt em nhìn sâu vào trong mắt tôi, có điều gì vừa như muốn nói vừa như đang cố lẩn tránh, khó diễn tả lắm.

Tôi đặt nụ hôn lên cặp môi run rẩy của nàng Đônhaxon nghe rõ từng hơi thở trong lồng ngực của người thiếu nữ. Trái tim tự nhiên run lên loạn xạ. Bất chợt một ý nghĩ từ đâu ùa về: “Hecnani - Tùng... hãy cố làm được cái điều mà ở ngoài đời không dễ gì thực hiện!”.

- Đônhaxon… Ta yêu nàng!

Hơi thở tôi bị ngắt quãng. Rõ là tiếng mình đấy mà như không phải. Từ trong đến ngoài hội trường lặng đi mấy giây rồi tiến vỗ tay ào lên như thác đổ: “Tuyệt quá! Nhập vai giỏi quá…!”.

Đôi tay Uyên đang bám hờ lưng tôi từ từ thõng xuống. Uyên tái mặt, đôi mắt dại đi vì ngạc nhiên và xấu hổ. Em vùng dậy cuống cuồng chạy về phía hậu đài. Tôi đứng chôn chân như Từ Hải giữa sân khấu, tiếng cổ vũ, hoan hô vẫn rộn lên. Phút cuồng si tan nhanh, tôi hiểu mình đang đứng trong hoàn cảnh điển hình của bi kịch. Cố giữ bình tĩnh tôi nói lời đáp từ rành rọt đến mức ngay sau đó không còn nhớ gì nữa. Lại một tràng vỗ tay ào lên tôi cúi gập người chào khán giả...

Lao ra khỏi hội trường tôi chạy tìm Thục Uyên khắp nơi mà không thấy. Buồn, mặc hội diễn vẫn tiếp tục tôi bỏ về. Những ngày sau đó thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Uyên. Chỉ có điều mỗi lần giáp mặt em đều thận trọng, ít nói và lảng tránh những cái nhìn của tôi. Sự im lặng của một người con gái đôi khi là dấu hiệu của một sự đổ vỡ...

Chúng tôi nhận bằng Tốt nghiệp trong một buổi sáng mùa hè nắng đẹp. Cái nóng nực không thể tách rời những cái bắt tay nồng nàn và làm khô được những giọt nước mắt chia li. Tối ấy, tôi đang bần thần trong căn phòng trống trải thì Uyên đến:

- Anh Tùng, em gặp anh một chút!

Tôi lặng người đi vì vui sướng, đây là lần đầu tiên kể từ khi quen nhau em gọi tôi bằng anh. Tôi luống cuống:

- Mình... Uyên đợi một chút nhé!

- Không cần đâu, em đang rất vội. Có người nhờ gửi anh bức thư này. Anh hãy đợi em đi đã rồi hẵng mở!

Đặt lá thư vào tay tôi em nở một nụ cười khó hiểu rồi quay lưng bước đi. Tôi bóc thư, không tin vào mắt mình: “…Tùng! Anh sẽ gặp được những người con gái yêu thương anh hết lòng. Đừng trách em vô tình anh nhé. Số phận đã dành cho người phụ nữ những giới hạn mà em thì không đủ bản lĩnh để vượt qua giới hạn đó. Tùng ơi! Chỉ trách anh rằng sao những điều cần phải nói, phải làm ở ngoài đời thì anh lại mang lên diễn trên sân khấu…Chào anh!”

Tôi lặng người đi, vội lao theo bóng em ra cổng nhà B1. Nhưng đã quá muộn. Thục Uyên bước lên chiếc xe máy đã đợi sẵn, một khuôn mặt thanh niên trắng trẻo quay lại nhìn tôi nở nụ cười cũng thật khó hiểu.

Thục Uyên không quay lại.

Chiếc xe nổ máy, phóng đi. Ánh đèn chiếu hậu đỏ rực. Tôi sững người chới với. Ánh đèn đỏ như một tín hiệu dừng ta vẫn thường gặp trên những lối rẽ giữa các con đường…

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC