Văn hóa 11:03:50 Ngày 24/04/2024 GMT+7
Mèo trong văn hóa các quốc gia
Mỗi dân tộc trên thế giới, trong quá trình hình thành và phát triển, đều đã từng trải qua sự sùng bái vật tổ trong thời kỳ xã hội nguyên thủy. nếu chúng ta thừa nhận văn hóa 12 con giáp có liên hệ tới tín ngưỡng của những người nguyên thủy, thì mỗi quốc gia, dù ít dù nhiều cũng có nền văn hóa 12 con giáp của riêng mình.

Mèo đã sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm, cho đến gần đây, mèo được cho rằng đã bị thuần hóa trong thời kỳ Ai Cập cổ đại, nơi chúng được thờ cúng. Hiện nay, chúng là vật cưng phổ biến nhất trên thế giới với hơn 600 triệu con và trở thành con vật quen thuộc của nhiều gia đình, là người bạn thân thiết của trẻ em và các thiếu nữ.

Sự kết hợp giữa con người và loài mèo dẫn tới việc nó thường được khắc họa trong các truyền thuyết và thần thoại tại nhiều nền văn hoá như: Ai Cập cổ, Trung Quốc cổ, Na Uy và vị Vua xứ Wales thời Trung Cổ. Hywel Dda (người Tử tế) đã thông qua bộ luật bảo vệ động vật đầu tiên trên thế giới bằng cách đặt ra ngoài vòng pháp luật hành động giết hại hay làm tổn hại tới mèo, với những hình phạt nặng nề cho những kẻ vi phạm.

Tình yêu của người Ai Cập dành cho mèo là rất lớn, đến mức họ coi trọng sự an toàn của chúng hơn cả bản thân. Ví dụ như khi gặp hỏa hoạn, người Ai Cập sẽ cứu mèo của họ trước rồi sau đó mới quay lại lấy tư trang cá nhân.

Trong thời đại mà các pharaoh cai trị sông Nile, nền văn minh cổ đại này không thiếu những đồ thủ công mỹ nghệ được lấy cảm hứng từ loài mèo. Từ những bức tượng lớn hơn người thật cho đến những đồ trang sức phức tạp, những tác phẩm nghệ thuật sống động này đã được lưu giữ qua hàng nghìn năm và chúng vẫn còn giữ được chất lượng tuyệt vời cho đến tận ngày nay.

Người Ai Cập cổ đại đã biến vô số con mèo thành xác ướp, thậm chí còn xây dựng cả "nghĩa trang vật nuôi" đầu tiên trên thế giới. Những nghĩa trang này có lịch sử gần 2.000 năm, hầu hết những con mèo được chôn cất tại đó đều đeo vòng cổ bằng sắt và cườm.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng các vị thần và những người cai trị cần phải có những phẩm chất giống như loài mèo. Cụ thể, người Ai Cập cổ đại tin rằng mèo có một số tính cách lý tưởng như: một mặt, chúng sẽ yêu thương, nuôi dưỡng con cái và rất trung thành; mặt khác, chúng cũng có thể rất hung dữ, độc lập và quyết đoán.

Đối với người Ai Cập cổ đại, những đặc điểm này khiến mèo giống như một loài động vật đặc biệt và đáng được quan tâm, điều này có thể giải thích tại sao họ lại xây dựng rất nhiều bức tượng liên quan đến loài mèo.

Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo, tên là Madfet. Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ.

Trong tâm thức sâu thẳm, người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người. Vì thế mà ở Ai Cập, hình ảnh con mèo đã xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống: trên các loại đồ trang sức bằng vàng, trên cán cầm tay của chiếc gương soi của phụ nữ, hình vẽ trên khuôn mặc các xác ướp… và nếu một người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, anh ta sẽ coi đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.

Ở Trung Quốc cổ đại, mèo hay được xem như một con vật báo lành và người ta bắt chước điệu bộ của nó cũng như con báo, trong các điệu múa nông nghiệp. Người Trung Quốc tin rằng nếu một người sinh vào năm con Mèo, người đó sẽ có tính cầu toàn, thông minh và nhiều đức tính đáng quý khác.

Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, giống như ở nhiều nước khác, mèo được xem là một sinh vật tượng trưng cho sự xảo quyệt và nỗi sợ hãi, được gán cho nhiều năng lực siêu nhiên. Tuy nhiên, trong khi những con mèo đuôi dài được xem là miêu hựu, một dạng "mèo ác", thì mèo cộc đuôi Nhật Bản được xem như là biểu tượng của triển vọng tốt đẹp và tương lai hứa hẹn. Hình tượng maneki neko - biểu thị cho may mắn - thường thể hiện một con mèo cộc đuôi trong tư thế ngồi bằng hai chân sau với một chân trước giơ lên cao. Mèo cộc đuôi Nhật Bản cũng xuất hiện nhiều trong hội họa truyền thống của nước này. Tại Nhật Bản, tượng mèo Maneki Neko là biểu tượng của sự phú quý, giàu có.

Nekomata được cho do mèo nhà nhiều tuổi (40 hoặc 100 tuổi trở lên) biến hóa thành. Trong tiếng Nhật, "neko" nghĩa là con mèo, "mata" nghĩa là chạc cây phân nhánh, đầu chĩa ba phân nhánh, vật có dạng hình chạc cây. Khi Nekomata nguyền rủa yểm hại người thì nó đứng chồm trên hai chân để rủa người đó. Người Nhật còn tin rằng những người thường hay hành hạ mèo sẽ bị nó ám hại. Nếu con Nekomata tu luyện thêm thì nó sẽ sống lâu đến bất tận và được gọi là Nekoshō. Tại Trung Quốc cũng có truyền thuyết về loài yêu quái tên là "tiên ly" (âm Nhật đọc là Senri) có nhiều điểm tương đồng với Nekomata. Tiên ly là loài mèo núi sống lâu thành tinh, có thần thông biến hóa thành mỹ nam mỹ nữ để hút tinh khí của con người.

Ở Nhật Bản, trong các truyện thần thoại, mèo được coi là vật có khả năng biến thành các thần linh siêu đẳng khi chúng chết. Có lẽ nguyên do là theo Phật giáo, thân thể mèo là nơi trú ngụ của hồn vía của người rất linh thiêng. Nói chung ở các nước phương Đông, số phận của mèo dễ chịu hơn nhiều. Ngoài biển, mèo được trọng vọng chỉ vì chúng không những giết chuột trên tàu thủy, mà nhiều thủy thủ còn tin rằng mèo có thể dự báo được cơn bão tố.

Có một câu chuyện nổi tiếng về “chú mèo vẫy tay" Tama - biểu tượng may mắn của người Nhật. Người chủ của Tama là một thầy tu rất nghèo. Thầy tu từng nói với Tama: “Ngươi có thể làm được điều gì đó giúp cho cuộc sống nghèo khổ ở nơi đây không?". Vào một ngày nọ, có một vị lãnh chúa đến đứng trú mưa dưới gốc cây cổ thụ ở phía trước ngôi đền của thầy tu. Vị lãnh chúa bỗng thấy có một con mèo đang vẫy tay gọi mình đi về phía cổng đền. Khi ông ta bắt đầu đi về phía đó, thì cây cổ thụ bỗng đổ ầm xuống vì bị sét đánh. Con mèo đã gọi vị lãnh chúa tránh được nguy hiểm chính là Tama. Sau sự việc đó, vị lãnh chúa đã kết thân giao với thầy tu, chọn ngôi đền là nhà thờ tổ của mình. Ông đã quyên tặng rất nhiều tiền để sửa chữa lại ngôi đền. Khi Tama chết, thầy tu đã xây nghĩa trang cho mèo và cuối cùng là 1 điện thờ được dựng nên để dành riêng cho “chú mèo vẫy tay”. Đền thờ mèo Tama vẫn còn tồn tại đến ngày nay…

Nhiều quốc gia châu Âu gắn hình tượng mèo với sự xui xẻo, tiêu cực. Phổ biến nhất là niềm tin một con mèo đen băng qua khi ai đó đang đi sẽ mang lại vận xui. Ở Ireland, khi một con mèo đen đi qua trước mặt có nghĩa bệnh tật sẽ đến. Ở Roma, Moldavia và Cộng hòa Séc, quan niệm một con mèo đen đi ngang qua trước mặt sẽ mang lại điềm xui còn tồn tại cho đến ngày nay. Hình ảnh con mèo nằm bên cạnh mụ phù thủy mũi khoằm xuất hiện trong nhiều truyện dân gian, biến con vật này thành biểu tượng của thế lực ma quái, mang lại tai họa. Điều này dẫn đến việc lùng diệt mèo diện rộng vào thời trung cổ. Chính việc diệt mèo làm gia tăng nạn chuột hoành hành, góp phần gây ra đại dịch Cái chết đen - lây lan qua những con bọ chét trên chuột bị bệnh. Khi khoa học phát triển, người ta lý giải được một phần nguyên nhân các tai họa và không còn đổ lỗi cho mèo. Song nhiều người vẫn mang niềm tin rằng mèo đen sẽ đem lại vận xui.

Tuy nhiên, không phải nơi nào ở châu Âu cũng coi mèo mang vận xui. Ví dụ, ở Scotland, con mèo đen lạ chạy vào nhà sẽ đem lại thịnh vượng cho gia chủ. Vì vậy, vợ của các ngư dân ở đây thường giữ mèo đen trong nhà vì tin rằng chúng có thể ngăn chặn mọi điều xấu xảy ra với chồng họ khi trên biển. Freyja - nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và sự sinh sôi trong thần thoại Bắc Âu - được miêu tả là thường cưỡi trên một chiếc xe kéo bởi mèo.

Tải bản PDF tại ĐÂY


 Tuấn Kỳ - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC