Đô thị Hòa Lạc 12:40:22 Ngày 16/09/2024 GMT+7
Triển vọng nghề nghiệp của Tâm lý học lâm sàng
Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước tuyển sinh Thạc sỹ Tâm lý học lâm sàng. Năm 2012, Trường đã tuyển sinh khoá III với chỉ tiêu 20 học viên. Trao đổi với phóng viên Bản tin ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: đây là ngành học mới đáp ứng yêu cầu cấp thiết của xã hội, đồng thời có triển vọng nghề nghiệp rất lớn trong tương lai.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Triển vọng nghề nghiệp của Tâm lý học lâm sàng (pdf)

Được biết Trường ĐH Giáo dục, ĐHQHN và ĐH Vanderbilt (Hoa Kỳ) đã hợp tác triển khai một dự án nghiên cứu lớn - là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng mã ngành đào tạo Thạc sỹ Tâm lý học lâm sàng, xin Giáo sư cho biết những kết quả nghiên cứu chính của dự án này ?

Dự án “Nghiên cứu phát triển tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam” do Khoa Sư phạm (tiền thân của Trường ĐH Giáo dục) hợp tác với Đại học Vanderbilt (Hoa Kỳ) kéo dài trong 5 năm, từ năm 2001 đến năm 2006. Dự án nhằm tìm hiểu sức khoẻ tâm thần của trẻ em và vị thành niên Việt Nam, thực trạng chăm sóc và hỗ trợ cũng như nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Kết quả dự án là cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng chương trình đào tạo tâm lý học lâm sàng tại Việt Nam. Với những nghiên cứu công phu, dựa trên những số liệu khoa học với hàng trăm ca bệnh được phát hiện và chữa trị, chúng tôi nhận thấy: sức khoẻ tâm thần trẻ em và vị thành niên Việt Nam là một vấn đề rất đáng báo động với rất nhiều bệnh lý điển hình như: trầm cảm, tự kỷ, rối loạn tâm lý, tăng động giảm chú ý... Nhiều vụ việc liên quan đến học đường gây nhức nhối xã hội đều do các em gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm lý nhưng không được kịp thời phát hiện và giúp đỡ, gây những hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội và cộng đồng. Đây không chỉ là vấn đề của xã hội Việt Nam mà là vấn đề chung của các xã hội đang phát triển. Nhưng điều đáng nói là hiện Việt Nam chưa quan tâm đầy đủ và chưa nhận biết được các vấn đề tâm lý đó. Việt Nam chưa có những chuyên gia và những người làm nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, dù nhu cầu xã hội hiện là rất lớn. Chúng ta chỉ có khoa tâm thần ở các bệnh viện, chỉ đào tạo bác sĩ về tâm thần, những người điều trị khi mà bệnh đã trở nên quá muộn. Chúng ta thiếu những người có khả năng nhận biết ngay từ những lệch lạc tâm lý đầu tiên, phát hiện ra những hành vi bất thường, những biểu hiện tâm lý khác thường ở trẻ và có ngay những tác động điều trị ban đầu cũng như là xây dựng các chương trình phòng ngừa.

Cũng phải nói thêm rằng, ngành Giáo dục đã nhận diện ra nguy cơ trên và đã có một quyết định mà tôi cho là hết sức đúng đắn là: vào năm 2009, Bộ GD&ĐT quyết định trong mỗi trường sẽ có một chuyên gia tư vấn tâm lý. Nhưng rồi quyết định ấy cũng khó đi vào thực tiễn vì không lấy đâu được nhân lực nếu không có cơ sở nào đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. Tất cả những kết quả nghiên cứu trên đã thúc đẩy chúng tôi phải nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo Thạc sỹ Tâm lý học lâm sàng.

Xây dựng chương trình đào tạo này có gì đặc biệt thưa Giáo sư ?

Như tôi đã nói, để tiến tới xây dựng chương trình đào tạo này, chúng tôi đã thực hiện một dự án nghiên cứu trong 5 năm nhằm khảo sát tìm ra những đặc thù riêng trong vấn đề tâm sinh lý trẻ em Việt Nam. Chúng tôi xác định là không thể đưa nguyên chương trình đào tạo ở các trường đại học nước ngoài vào giảng dạy bởi ngành học này rất đặc thù. Nghiên cứu tâm lý con người phải gắn với từng trường hợp cụ thể. Mà tâm lý con người Việt Nam được định hình từ môi trường, hoàn cảnh sống, gắn chặt với các đặc điểm xã hội, văn hoá riêng của Việt Nam. Đương nhiên là sẽ có phần lý thuyết chung và các môn học chung nhưng phải có những cải tiến để thích ứng với tâm lý trẻ em Việt Nam. Chính các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Úc, Mỹ với kiến thức chuyên môn tốt, am hiểu tâm lý người Việt đã cùng chúng tôi tham gia thiết kế chương trình.

Chúng tôi cũng tạo lập mối quan hệ, hợp tác chặt chẽ với một hệ thống các bệnh viện như: khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Tâm thần TW I, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng... để giúp các học viên thực hành điều trị trên các ca bệnh thực tế. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có đào tạo về lâm sàng khác như Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ... để có được hiệu quả đào tạo tốt nhất.

 Nhân lực được đào tạo từ chương trình  này  sẽ có khả năng làm gì ?

Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo ra các chuyên gia tâm lý lâm sàng, những người có thể phát hiện sớm các lệch lạc về tâm lý của học sinh, trẻ em và vị thành niên, từ đó có thể đưa ra những tác động ban đầu để điều chỉnh. Các học viên không được đào tạo để trở thành bác sĩ. Với những ca bệnh nặng, họ có thể hướng dẫn các em hoặc phụ huynh tìm gặp các chuyên gia, bác sĩ để điều trị. Chương trình đào tạo thiên về thực hành chứ không phải là lý thuyết. Các em được đào tạo cả năng lực nghiên cứu để có thể tham gia các dự án hoặc theo các bậc học cao hơn.

Giáo sư có thể cung cấp thông tin về đội ngũ giáo viên giảng dạy ?

Trong giai đoạn đầu, những chuyên gia hàng đầu của thế giới sẽ tham gia trực tiếp vào đào tạo tại Trường, họ là những chuyên gia rất giỏi về tâm lý học lâm sàng, lại rất am hiểu về văn hoá, xã hội Việt Nam và có khả năng nói tiếng Việt rất tốt. Phải nói đây là một điều cực kỳ may mắn cho chúng tôi - những người xây dựng chương trình và cho chính các học viên. Bởi không dễ có những chuyên gia giỏi chuyên môn, lại tâm huyết và có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, với trẻ em Việt Nam và quan tâm đến giáo dục đào tạo ngành học này ở Việt Nam như vậy. Ví dụ: các chuyên gia Hoa Kỳ như: GS. TS. Bahr Weiss, TS. Amei Pollack... đã phối hợp cùng với chúng tôi chuẩn bị dự án đăng ký với Viện Sức khoẻ Mỹ để giảng dạy tại Việt Nam. Về lâu dài, các chuyên gia nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ và giúp chúng tôi đào tạo đội ngũ giảng viên Việt Nam.

Là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai đào tạo sau đại học ngành học này, Trường gặp khó khăn và thuận lợi gì ?

Thuận lợi lớn nhất là chúng tôi đã gặp được những chuyên gia tâm huyết với việc đào tạo ngành học này tại Việt Nam. Họ đã đi cùng chúng tôi một chặng đường rất dài, từ nghiên cứu thực tiễn, xây dựng chương trình đến chuẩn bị các điều kiện đào tạo, rồi trực tiếp tham gia đào tạo.

Còn khó khăn lớn nhất là dù nhu cầu thực tế về nhân lực trong ngành này là rất lớn nhưng Nhà nước chưa công nhận đây là một nghề chính thức. Trong nhận thức của cộng đồng xã hội Việt Nam, người ta chưa quan niệm đây là một nghề. Nếu nhà nước chưa có một mã nghề và chưa có hệ thống nhân lực quy định thì tất yếu tự xã hội sẽ trả tiền cho các dịch vụ họ muốn. Cho nên dễ hiểu khi thấy hiện nay chưa có chuyên gia mà các trung tâm điều trị tâm lý đã mọc lên như nấm và khách hàng tìm đến rất nhiều. Hiện nay những gia đình có trẻ em gặp vấn đề tâm lý thường phải tự tìm đến các chuyên gia và việc điều trị là những thoả thuận cá nhân giữa hai bên. Ngay cả các trường học dù có nhu cầu về chuyên gia tâm lý học đường cũng không có chỉ tiêu để tuyển hoặc không có cơ chế tài chính để thuê. Để thúc đẩy việc phát triển chuyên ngành này, Nhà nước cần phải có chính sách đồng bộ từ vấn đề về nhân lực, đào tạo cho đến cơ chế tài chính ...

Đánh giá của Giáo sư về triển vọng nghề nghiệp của ngành học này  ?

Đây là một ngành học đầy triển vọng ở Việt Nam trong tương lai. Trên thực tế, những người làm nghề này ở nước ngoài có thu nhập rất cao. Nhưng đây cũng là ngành học khó, phải được đào tạo bài bản và công phu mới có thể thực hành được. Người học cũng cần có những phẩm chất nhất định như: tính kiên trì, tinh tế, nhạy cảm, khả năng thấu hiểu và đọc được suy nghĩ của người khác hay còn gọi là kỹ năng trực cảm. Những người hành nghề tâm lý học lâm sàng là những người phải có tấm lòng, biết chia sẻ, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ người bệnh. Ngoài việc Trường ĐH Giáo dục đào tạo các chuyên gia về lĩnh vực Tâm lý lâm sàng thì trong đào tạo giáo viên của Trường cũng cung cấp các hiểu biết cơ bản về sức khoẻ tâm lý của trẻ em để chính các giáo viên có thể phát hiện, nhận biết những lệch lạc, bất bình thường của trẻ, sau đó báo cho chuyên gia tâm lý của nhà trường. Xa hơn nữa, khi chúng ta có điều kiện phát triển hơn thì chính thầy cô phải là những người có thể tác động điều chỉnh được tâm lý cho các em học sinh.

Kế hoạch trong tương lai của Nhà trường đối với ngành đào tạo này thưa Giáo sư ?

Trước mắt, chúng tôi muốn tìm các dự án tài trợ để các chuyên gia nước ngoài có thể tiếp tục tham gia hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực của ngành học này cho Việt Nam. Chúng tôi cũng đã đề xuất ĐHQGHN để đưa chương trình này trở thành chương trình đạt chuẩn quốc tế thuộc Nhiệm vụ chiến lược. Về tuyển sinh, năm nay sẽ tuyển một đợt vào tháng 9. Nhưng từ những năm sau, chúng tôi sẽ tuyển sinh nhiều đợt trong năm để học viên có nhiều cơ hội tham gia. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng tại Trường ĐH Giáo dục, nhưng trước mắt phải trông chờ vào những lứa thạc sĩ đầu tiên để chuẩn bị về nguồn lực đầu vào và cả lực lượng giáo viên giảng dạy. 

Xin cảm ơn Giáo sư !

 

 THANH HÀ (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 392 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC