>>>> Bản tin số 264 (pdf)

Trong quá trình đàm phán, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Các phiên công khai là diễn đàn để tuyên truyền, vì khi mình sang tới Paris, không phải người ta hiểu mình hết đâu. Với Trung Quốc thì họ muốn mình tiếp tục đánh, chưa đàm vội, mà đàm thì phải có điều kiện. Cho nên khi đoàn của cố vấn Lê Đức Thọ qua Pháp dừng lại ở Bắc Kinh, họ phê phán ta, nói là các đồng chí vội quá, các đồng chí nhượng bộ Mỹ nhiều quá... Trung Quốc họ không thích Paris, họ nói đáng lẽ phải họp ở Campuchia, Myanma hay Lào. Còn với Liên Xô thì lúc nào cũng như lúc nào, rất tôn trọng ta, nhưng đồng thời cũng rất khéo léo khuyên ta nên sớm kí được Hiệp định, nếu đã có lợi, để chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cũng theo ông Lợi: Các phiên họp riêng giữa các anh Xuân Thuỷ, Lê Đức Thọ và Kissinger, Cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon, đều là những ngày làm việc dài. Có ngày làm việc đến 13 tiếng đồng hồ, lấn sang cả đêm. Anh Lê Đức Thọ sinh năm 1911, lúc ấy hơn 60 tuổi, nhiều hơn Kissinger gần một giáp. Kissinger rất mánh lới, vào đầu các cuộc họp riêng thì cứ đưa chuyện nọ - chuyện kia dài lê thê, và cứ nhè vào lúc chiều hay gần tối mới đưa việc chính ra tranh cãi.. Đó là lúc ông ta nghĩ rằng ông già kia (Lê Đức Thọ) mệt mỏi rồi, chắc dễ ừ, dễ gật. Nhưng ông ta không biết gì về anh Thọ! Lúc nghỉ, tôi hỏi thăm, anh Thọ nói: "Mình phải cảnh giác, mình biết thằng này hoạt động theo kiểu tình báo, mình phải giữ...". Đàm phán càng muộn, anh Thọ càng tỉnh và thậm chí có lúc diễn thuyết làm cho Kissinger sau này phải nói là: "Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật. Có những lúc ông ấy nói cả tiếng đồng hồ, tôi bảo cái điều này tôi đã nghe nhiều lần rồi, thì ông Thọ bảo: Ông nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại...".
Năm 1972 là giai đoạn đi vào thương lượng cụ thể. Hồi đó lập trường của hai bên khác nhau lắm, Mỹ muốn rút, nhưng muốn giữ nguyên chế độ Thiệu - Kì, mà lại không công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN). Lúc bấy giờ đã đi vào thảo luận về Hiệp định rồi, hôm trước vừa thoả thuận như thế, nhưng hôm sau họ lật lại. Mỹ luôn lấy cớ rằng chính quyền Sài Gòn không chấp nhận. Ở nhà, đồng chí Lê Duẩn đã dặn đồng chí Lê Đức Thọ: Anh sang bây giờ, anh sẽ là Tư lệnh ở mặt trận ngoại giao, làm thế nào thì làm, nhưng anh phải đạt được là "Mỹ rút, quân ta ở lại".
Tháng 10 tưởng đàm phán xong rồi. Tổng thống Nixon đã gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói rằng Hiệp định đã có thể hoàn chỉnh, rồi Kissinger cũng huênh hoang nói rằng không còn điểm bất đồng gì lớn nữa. Đã thoả thuận là tháng 10 Kissinger sẽ sang Hà Nội kí tắt, rồi sau đó về Paris kí chính thức. Mỹ đã nhượng bộ không đòi quân Bắc Việt Nam rút, chỉ yêu cầu một số điều, thí dụ như hồi hương một ít, hay di chuyển quân, tượng trưng cũng được, để máy bay chụp ảnh, chứng minh cho dư luận Mỹ biết rằng cũng đòi được quân Bắc Việt Nam rút lui. Lúc đầu ta còn trả lời vòng vo, nhưng sau nói thẳng: Người Việt Nam sống trên đất Việt Nam, mà quân đội miền Bắc gồm cả những người miền Nam tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ và Thiệu - Kì, chính là những người đã tập kết ra Bắc. Hơn nữa, người Việt Nam bất cứ ở đâu đều có nghĩa vụ đánh Mỹ.
Ông Lợi cho biết thêm: Tôi nhớ có một lần họp riêng, Kissinger đưa cho Cố vấn Lê Đức Thọ khoảng 30 cái ảnh màu cỡ bằng cái khay, chụp từ vệ tinh rất rõ, toàn ảnh quân đội ta không đội mũ tai bèo mà đội mũ cối, vai đeo lon, rõ cả sao trên mũ. Kissinger nói: "Đã thoả thuận là từ tháng 3 các ông thôi không đưa thêm quân vào nữa. Đây, ông vào đây này". Anh Thọ cười, tiếng cười lạ lắm, cười khoẻ, kiểu vừa khinh lại vừa ở thế thắng. Anh bảo Kissinger: "Mấy cái ảnh này các ông chụp ở đâu chẳng được, ông ra Bắc, rừng chỗ nào chả giống nhau. Tình báo các ông tồi lắm, lúc chúng tôi không đưa quân thì các ông lại bảo chúng tôi đưa quân, nhưng lúc chúng tôi đưa xe tăng và đại pháo vào sát Sài Gòn thì các ông chả biết tí gì cả. Cho nên các ông thua là phải". Kissinger ngồi không nói được câu nào!

Ông Lưu Văn Lợi tiếc rẻ: Tôi không dự Lễ kí chính thức hôm 27/1 vì ngày 26/1, tôi theo đồng chí Lê Đức Thọ về Matxcơva. Ngay tối hôm đó, Liên Xô tổ chức mít tinh hoành tráng ở nhà Công đoàn, có các nhà lãnh đạo Liên Xô đến dự. Máy bay đưa đồng chí Lê Đức Thọ về lại quay sang Paris đón đồng chí Nguyễn Duy Trinh, rồi cả đoàn cùng về nhà. Đi qua Trung Quốc thì vào đúng Tết ta. Chúng tôi ăn giao thừa ở Bắc Kinh, đầu bếp là một ông người Trung Quốc đi học nấu cơm ở Hà Nội, mới về nước. Thế là bữa tất niên có bánh chưng, nem...Chính phủ Trung Quốc cũng tổ chức cuộc mít tinh cực kì lớn ở ngoài trời, phải đến vạn người tham gia. Lúc đó, ai cũng mừng cho ta. Về đến Hà Nội, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị và Trần Duy Hưng ra đón đoàn. Đó là những kí ức không thể nào quên của người Thư kí - nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi tại một Hiệp định lịch sử của dân tộc Việt Nam.