Home   >   >    >  
Chiến tranh phải thành động lực
PGS.TS Phạm Thành Hưng - Phó Chủ nhiệm Khoa Văn học, sinh viên Khoa Ngữ văn khóa 15 là một trong số hàng nghìn sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội - nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN - khoác áo lính ra mặt trận thực hiện nghĩa vụ của một công dân khi đất nước nguy nan. Cho đến tận bây giờ, sự dữ dội và bi tráng của chiến tranh vẫn còn đọng lại trong lòng thầy một nỗi niềm day dứt khôn nguôi …

Xin thầy chia sẻ kỷ niệm nhập ngũ của mình khi đang là sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội ?
Tôi và hàng trăm sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lên đường vào mùa thu năm 1971. Tháng 9 năm đó cũng là mùa lũ. Hà Nội báo động đỏ vì có thể vỡ đê Sông Hồng. Trước ngày lên đường tôi còn tham gia lao động cứu lũ cùng Khoa Ngữ Văn. Công việc là khuân sách thư viện từ tầng 1 lên tầng 4, đề phòng vỡ đê, ngập trường, hỏng sách. Ôm những tập giáo trình nặng nề leo từng bậc cầu thang. Sau chiến tranh, liệu mình có sống để trở về đọc những giáo trình này ? Thơ Việt Nam có những câu rất hay về buổi lên đường của những người lính Hà thành ngày kháng chiến toàn quốc: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng…” hay” Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy …”. Còn năm 1971 chúng tôi lên đường, sau lưng không có lửa, cũng không thấy nắng chân thềm. Sau lưng đám lính sinh viên chúng tôi là những đồng nước bạc mênh mang. Nước ngập úng những cánh đồng khoai ngoại thành, ngập toàn bộ ga Yên Viên, nhiều kho gạo chuẩn bị chuyển ra chiến trường bị ngâm sâu hàng mét. Chúng tôi tặng lại những cuốn vở viết dở cho bạn gái. Giấy khi đó rất hiếm, phải viết chữ nhỏ, chắt chiu, tiết kiệm từng trang. Bạn bè cũng chẳng có nhiều thời gian mà chia tay, sụt sùi. Người ra chiến trường, người đi cứu lũ. Miền Bắc hối hả chuẩn bị đạn, gạo, tân binh. Miền Nam im ắng tiếng súng. Nhưng đó là cái im lặng rất đáng ngờ của chiến tranh. Đất nước như người lính, im lặng vì cần nín thở để chuẩn bị bóp cò: Chiến dịch 1972 sắp mở.
Lúc bấy giờ, ấn tượng về chiến tranh dữ dội thế nào đối với một thanh niên trí thức trẻ như thầy?
Ấn tượng dữ dội nhất về chiến tranh đối với tôi là khi dự trận đánh đầu đời lính. Tôi bị đạn địch bắn sượt vành tai, mũ sắt xoay đi nửa vòng, choáng váng… Lúc vượt sông Bến Hải, tôi nghĩ vào trận thế nào mình cũng phải thành một anh hùng, cùng lắm là một nhà thơ. Khi bị phát đạn đầu tiên, tôi lạnh gáy, thầm nghĩ: có lẽ tạng thần kinh mình không làm được anh hùng. Mà chưa chi đã run thế này, làm thơ cũng khó !
Ngày ấy, những người lính - sinh viên ra trận hẳn có những khác biệt nhất định so với những đồng đội khác?
Sinh viên vào lính thường được biên chế vào các đơn vị kỹ thuật, hoặc được xếp cho những công việc đòi hỏi sự tính toán. Như liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc chẳng hạn, sinh viên khoa Toán, cùng đại đội huấn luyện với tôi, anh biên chế trong sư đoàn bộ binh (F 325), nhưng khi đó lại được giao sử dụng máy liên lạc vô tuyến 2 W. Anh cũng đã hy sinh với chiếc máy 2 W trên vai. Nói chung, số lính sinh viên đánh giáp lá cà, trực diện với địch là không nhiều. Cái khác của lính sinh viên có lẽ là ở nhu cầu tinh thần: họ khát khao thể nghiệm nhiều hơn khát khao chiến thắng. Họ chiến đấu và cố gắng tìm hiểu bản chất cuộc chiến. Họ cố thu thập thông tin để biết cục diện chiến dịch, dự đoán tình hình chiến sự mặt trận và thời sự quốc tế. Họ trăn trở, nghĩ ngợi nhiều hơn. Chàng sinh viên nào ra trận cũng có nhật ký hoặc một cuốn sổ tay ghi chép. Ghi để làm gì ? Chưa cần biết. Nhưng cần ghi, vì ai cũng linh cảm có thể đó là bút tích cuối cùng để lại. Riêng sinh viên hai khoa Văn - Sử bấy giờ thì ghi chép vì thêm một động cơ khác: Cần tích lũy tư liệu, vì mình có bổn phận làm chứng nhân của một thời đại hiếm hoi, bi tráng. Những tháng ngày nếm mùi học đường đại học đã biến họ thành những người cầm súng trong tư duy.
Cho đến giờ, quãng thời gian là lính trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường có ý nghĩa thế nào đối với cuộc đời thầy ?
Giữa tháng 7 vừa rồi, tôi mới cùng đoàn Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV vào Quảng Trị. Gần như năm nào tôi cũng vào Quảng Trị, tìm tới nghĩa trang Đường Chín, thắp hương cho đồng đội, bạn bè trong đại đội tôi đang nằm yên nghỉ rải rác trên từng khu mộ. Từ nghĩa trang trở về, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn, thấy yêu hơn cuộc đời này và tự thấy mình là người may mắn, hạnh phúc. Tôi cũng tự hào vì mình từng chung chiến hào với những liệt sỹ đang nằm lặng lẽ dưới những hàng bia nọ. Họ đã hy sinh như những anh hùng, như những chàng trai vô tư, trong trắng và cao thượng, họ ngã xuống không cần ai ghi nhận công trạng. Tôi tự nhắc mình không nên "ăn mày dĩ vãng", cố xóa đi nỗi ám ảnh chiến tranh, cố gắng hướng tới tương lai, nhưng rõ ràng quá khứ chiến trận đọng lại trong tôi thành một thứ tài sản tạm gọi là "của để dành". Mỗi khi buồn, tôi lấy nó ra nhấm nháp, an ủi: thời trai trẻ, mình đã làm được một việc có ý nghĩa ở đời. Nhấm nháp những hồi ức, tôi trở nên rộng lượng, dễ tha thứ cho người khác và cho cả chính bản thân mình.
“Chất” lính hay tính cách lính ảnh hưởng thế nào đến công việc là một nhà khoa học, một giảng viên hiện nay của thầy?
Tôi thì nghĩ, chất lính là khái niệm rất chung chung, đôi khi mơ hồ. Vì có rất nhiều kiểu lính, có lính thời bình, lính chiến tranh, có lính văn phòng, lính kỹ thuật, lính bộ binh. Có lẽ ta đang nói tới và nên nói tới chất lính chiến. Thật ra phong cách sống của lính chiến, theo tôi, ảnh hưởng không tốt tới hoạt động khoa học. Vì chiến thắng trước mắt, vì cái chết bất ngờ ập đến, người lính chiến trận thường không có thói quen suy nghĩ, cân nhắc lâu. Sự phóng túng, tự do, liều lĩnh, bất cần đời chính là bản tính cố hữu của người lính. Nét tính cách này không phải hoàn toàn tiêu cực. Chính cái phong cách ngang tàng và máu giang hồ làm nên vẻ quyến rũ và nét đẹp của người lính. Nhưng vẻ đẹp ấy, phong cách ấy chỉ lợi cho nghệ thuật chứ không lợi cho khoa học. Tuy nhiên khi bàn tới công việc giảng dạy, hoạt động lên lớp của một giảng viên, “chất” lính lại có thể thành một chất xúc tác tích cực. Mỗi khi nhớ mình là một người lính, một thương binh sót lại từ chiến trường Quảng Trị năm 1972, tôi thấy mình gần gũi sinh viên hơn. Rất nhiều sinh viên sau khi tiếp xúc, nghe tôi giảng vài câu đã phát hiện ra tôi là một người lính. Họ quá thông minh, nhạy cảm. Cố nhiên một phần cũng vì họ thấy tôi giống cha họ, ông họ - những người thuộc thế hệ cầm súng nhiều hơn cầm bút.
Đã từng là một người lính, nay là một người thầy trên giảng đường, thầy muốn truyền đạt điều gì đến các bạn sinh viên qua các bài giảng của mình?
Với các em sinh viên, lời kêu gọi quen thuộc hằng năm của tôi là: hãy bớt thời gian ngao du lêu têu để học và sử dụng cho được một ngoại ngữ. Trí nhớ của thế hệ chúng tôi có thời được dùng để ghi nhận các thứ vũ khí, nhận dạng các kiểu bom mìn. Hết chiến tranh rồi, không phải lãng phí trí nhớ nữa. Hãy tranh thủ khi não người ta còn trẻ. Và ngoại ngữ sẽ mở khóa cho ta bước vào thế giới, đi xa hơn, sâu hơn vào cuộc đời này.
Xin cảm ơn những chia sẻ tận đáy lòng của thầy! 

 Thanh Hà (thực hiện) - Bản tin số 261 - VNU Media
  Print     Send