1. Tổng quan về dự án Ngay từ những ngày đầu thành lập, với sứ mệnh và vai trò quan trọng là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đầu tầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Hà Tây cũ). Ngày 21/02/2003, tại Văn bản số 181/CP-KG, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Dự án ban đầu gồm 13 dự án thành phần, diện tích chiếm đất 1000ha, tổng nhu cầu vốn đầu tư năm 2003 ước tính 7.230,8 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ năm 2003 – 2015. Tuy nhiên, sau 10 năm (2003-2013) tiến độ triển khai dự án rất chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược phát triển của ĐHQGHN, không đáp ứng được kỳ vọng của các Bộ, Ban ngành và Chính phủ. Vì vậy, ngày 18/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1907/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc sẽ bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 63.500 học sinh, sinh viên; diện tích sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, trong đó khu dự án ĐHQGHN là 887,9 ha; khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1 ha; khu tái định cư là 113,7 ha. Tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng (đơn giá năm 2012, chưa bao gồm dự phòng và lãi vay). Thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2025, được phân kỳ thành 3 giai đoạn: Giai đoạn I (2013-2016), Giai đoạn II (2017-2020), Giai đoạn III (2021-2025). 2. Tình hình thực hiện dự án 2.1. Giai đoạn 2015-2018 Nửa đầu nhiệm kỳ, Bộ Xây dựng với vai trò cơ quan quyết định dự án ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc là đầu mối thực hiện. ĐHQGHN với vai trò là đơn vị thụ hưởng chỉ là cơ quan phối hợp thực hiện. Trong giai đoạn này, Bộ Xây dựng chỉ thi công một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật tuy nhiên không thể hoàn thành do vướng mặt bằng thi công. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư không có tiến triển do thiếu nguồn vốn. Tính đến thời điểm 2018: giải phóng mặt bằng được 877,45/1225,68 ha (đạt 71,5%); dự án tái định cư phân khu phía Bắc mới triển khai được cơ bản hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 35/113.7 ha (đạt 30,7%). 2.2. Giai đoạn 2018-2020 Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chuyển giao dự án từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN. Với vai trò cơ quan quyết định đầu tư dự án, ĐHQGHN đã tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, đây nhanh tiến độ triển khai dự án, kết quả đạt được như sau: 2.2.1. Công tác chuẩn bị đầu tư - Hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát quy hoạch tổng thể dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc; hoàn thành việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 một số dự án thành phần ưu tiên đầu tư; - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng thế giới để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách thiết yếu bao gồm giai đoạn 1 trường Đại học Công nghệ; nhà điều hành và thư viện trung tâm; khu Viện và trung tâm nghiên cứu 22,9ha. - ĐHQGHN đang phối hợp nhà đầu tư triển khai dự án ĐTXD khu KTX sinh viên theo hình thức hợp tác công tư. - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng trường Đại học Việt Nhật sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. ĐHQGHN đang triển khai lập báo cáo tiền khả thi và lập đồ án QHCT xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án. 2.2.2. Công tác thực hiện đầu tư - ĐHQGHN đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và các công trình dở dang với tổng kinh phí 500 tỷ từ nguồn vốn dự phòng trung ương trung hạn. - Hoàn thành cải tạo nâng cấp và đưa vào khai thác hiệu quả các công trình được Bộ Xây dựng bàn giao: cơ sở đào tạo giáo dục quốc phòng an ninh; nhà khách của ĐHQGHN tại Hòa Lạc; - Hoàn thành công trình HT1, đang triển khai công trình HT2 thuộc Zone 4 dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên với tổng diện tích sàn xây dựng 34.400 m2. Giai đoạn 2018-2020, ĐHQGHN ước thực hiện giá trị khối lượng xây lắp khoảng 1000 tỷ đồng, gấp 03 lần khối lượng thực hiện giai đoạn khi Bộ Xây dựng là cơ quan quyết định đầu tư dự án (2015-2018) 3. Một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai 3.1 Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư - Không di chuyển được hộ dân ra khỏi qui hoạch dự án do Dự án Tái định cư chưa hoàn thiện. Thực tế rất nhiều các công trình thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật (đường, trạm điện, cấp thoát nước,…) đều dở dang do không có mặt bằng sạch để thi công, không thể nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. - Chế độ chính sách cho người dân có đất bị thu hồi thay đổi liên tục, hồ sơ quản lý đất đai không đầy đủ theo quy định - Việc triển khai thu hồi các khu đất thuộc của Bộ Quốc phòng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả cho các đơn vị quân đội và chồng lấn ranh giới của các dự án được giao trong khu vực. 3.2 Đối với công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án - Khó khăn về vốn, về khả năng kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách Đây là khó khăn lớn nhất của dự án. Theo khái toán sơ bộ, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành dự án là 25.000 tỷ VN đồng (đơn giá năm 2013). Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách bố trí cho dự án lũy kế đến 2019 chỉ khoảng 2.000 tỉ đồng, đáp ứng chưa tới 10% kế hoạch vốn để triển khai. Do không đủ vốn để hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các cụm công trình phụ trợ dẫn đến các công trình đã hoàn thành không khai thác được tối đa hiệu quả, lãng phí trong công tác đầu tư, đồng thời gây khó khăn cho việc kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức xã hội hóa. - Khó khăn từ đặc thù phức tạp của một dự án lớn – khu đô thị đại học bền vững liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực với hàng trăm hạng mục công trình đặc thù phục vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức trong các lĩnh vực khác nhau. Thu thập số liệu chuyên ngành sâu để xây dựng nhiệm vụ thiết kế cho hàng trăm hạng mục công trình đặc thù cho các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, với khu thí nghiệm đơn ngành và liên ngành, nghiên cứu trọng điểm có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt là hết sức phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước.. Do dự án có quy mô lớn trong khi nguồn vốn cấp hạn chế vì vậy phải phân kỳ đầu tư hợp lý để đáp ứng nhu cầu phát triển của ĐHQGHN theo từng giai đoạn, vừa xây dựng vừa khai thác sử dụng, 4. Kế hoạch triển khai giai đoạn 2020 - 2025 Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo cho 12.000 sinh viên, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 670.000m2, ưu tiên cho khối ngành công nghệ, khoa học tự nhiên và nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ; đến năm 2025, ĐHQGHN có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ ngang tầm với một số trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần để ĐHQGHN được xếp hạng ở trong nhóm 100 đại học hàng đầu Châu Á, nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới. Kế hoạch cụ thể như sau: - Hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thành dự án tái định cư phân khu phía Bắc; - Hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu phía Nam của dự án đảm bảo đấu nối cho các công trình được ưu tiên đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả; - Hoàn thành thực hiện đầu tư dự án ĐTXD công trình cấp bách thiết yếu sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng thế giới, bao gồm: khu Viện và Trung tâm nghiên cứu VNC2-22,9ha; giai đoạn 1 dự án ĐTXD Trường Đại học Công nghệ đáp ứng quy mô đào tạo cho 5000 sinh viên; giai đoạn 1 dự án ĐTXD Khu trung tâm bao gồm nhà điều hành và thư viện trung tâm kèm hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng; - Hoàn thành đầu tư xây dựng 50% khối lượng xây lắp dự án Trường Đại học Việt Nhật bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản; - Hoàn thành đầu tư xây dựng Trung tâm giáo dục Quốc phòng; hoàn thành cụm công trình zone 4, thuộc dự án ĐTXD Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; - Hoàn thành một số dự án đầu tư bằng nguồn vố xã hội hóa: giai đoạn 1 dự án ĐTXD Khu ký túc xá sinh viên; Viện Trần Nhân Tông; khu trải nghiệm giáo dục,… 5. Một số bài học kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai dự án - Ưu tiên công tác giải phóng và tái định cư Nếu không quan tâm, ưu tiên để triển khai dứt điểm công tác này thì công tác thực hiện đầu tư xây dựng dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, đặc biệt đối với dự án có quy mô lớn như dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Vì vậy, phải xác định đây là công việc trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên trước tiên trong quá trình triển khai dự án. - Triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật Đầu tư dàn trải, không đồng bộ làm hạn chế khả năng khai thác sử dụng hiệu quả các công trình đã hoàn thành dẫn đến lãng phí trong công tác đầu tư. Trong điều kiện vốn khó khăn, cần xác định rõ khu vực cần đầu tư để tập trung nguồn lực đầu tư dứt điểm, đồng bộ cho khu vực đó, đảm bảo đấu nối hạ tầng và khai thác hiệu quả. - Thực hiện tốt công tác quy hoạch, chấp hành các quy trình thực hiện dự án theo đúng quy định Công tác quy hoạch phân khu 1/2000 và QHCT 1/500 của dự án cần được rà soát, điều chỉnh theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đúng quy định của Nhà nước, phù hợp chiến lược phát triển của ĐHQGHN và nhu cầu sử dụng của các đơn vị thụ hưởng; hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, dự án và thiết kế, dự toán nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án. - Đa dạng hoá các nguồn vốn Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách bố trí cho dự án hết sức khó khăn, việc đa dạng hoá nguồn tài chính như: vốn vay ODA, vốn vay ngân hàng thế giới, ngân sách sự nghiệp của các đơn vị, tài chính đi vay từ ngân hàng, tài chính đóng góp theo hình thức hợp tác công tư, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa sẽ tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy tiến độ triển khai dự án. 6. Giải pháp thực hiện 6.1. Chỉ đạo của Đảng ủy ĐHQGHN - Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc phải được xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá then chốt của Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Do vậy, công tác này trong nhiệm kỳ tới cần tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban thường vụ Đảng ủy, Ban chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp ĐHQGHN đến cấp đảng bộ cơ sở và từng chi bộ. - Đảng uỷ ĐHQGHN cần ban hành Nghị quyết và các chương trình hành động nhằm thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc; thống nhất, chỉ đạo các cấp uỷ cơ sở, chính quyền, đoàn thể quán triệt và triển khai thực hiện Nghị Quyết; đồng thời, hoàn thiện bộ máy quản lý, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực thúc đẩy tiến độ dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc. - Quán triệt và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ĐHQGHN về việc tiếp nhận và khai thác cơ sở vật chất tại Hòa Lạc; các đơn vị thành viên, trực thuộc chủ động kêu gọi hợp tác đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tích cực tham gia thực hiện dự án từ khâu lập quy hoạch xây dựng, chuẩn bị dự án. 6.2. Thực hiện của ĐHQGHN - Phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư phân khu phía Bắc, tiếp tục triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khung, tạo điều kiện hạ tầng thuận lợi để đầu tư xây dựng các dự án thành phần còn lại. - Chỉ đạo tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, chủ động làm việc với phía Nhật Bản, Ngân hàng thế giới, các Bộ, ngành có liên quan đảm bảo đến năm 2025 hoàn thành giai đoạn 1 Trường Đại học Việt Nhật và hoàn thành toàn bộ dự án vay vốn Ngân hàng thế giới. - Triển khai đồng bộ khu Viện và Trung tâm nghiên cứu của ĐHQGHN tại Hòa Lạc thành một tổ hợp các phòng thí nghiệm trọng điểm, liên ngành, kết hợp với doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước để nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ, tạo bước đột phá về cơ sở vật chất tại cơ sở Hoà Lạc, góp phần đưa ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. - Chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng tổ chức tiếp nhận đưa các công trình tại Hòa Lạc vào sử dụng, khai thác hiệu quả; giảm tải cơ sở vật chất trong khu nội thành và tạo động lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. - Tổ chức các diễn đàn, hội thảo xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu các lĩnh vực ưu tiên mà ĐHQGHN cần sự tham gia hợp tác của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời là cơ hội để tiếp cận và tạo mối quan hệ với các nhà tài trợ chiến lược; 7. Kiến nghị, đề xuất Nhằm đạt được mục tiếu, kế hoạch đề ra, ĐHQGHN đề xuất với Bộ, ngành, địa phương có liên quan và Chính phủ hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc về nguồn vốn, về cơ chế, chính sách, thủ tục phê duyệt dự án,... cụ thể như sau: 7.1. Với UBND TP Hà Nội - Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; - Sớm triển khai thi công các hạng mục hạ tầng dùng chung của toàn khu đô thị Hòa Lạc có kết nối với khu ĐHQGHN: tuyến đường ngoại vi; hệ thống xe buýt nội khu; các công trình văn hóa, thể thao; khu xử lý rác, nước thải tập trung;... - Hỗ trợ nguồn vốn để triển khai dự án khu KTX sinh viên của ĐHQGHN như một số dự án nhà ở sinh viên đã được đầu tư xây dựng và khai thác trên địa bàn Hà Nội. - UBND TP Hà Nội là cơ quan quyết định đầu tư dự án khu tái định cư QGHN01 thuộc dự án ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc và chủ động bố trí kinh phí để triển khai thực hiện (hiện nay UBND huyện Thạch Thất đang là chủ đầu tư dự án) - Cho ĐHQGHN vay vốn ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách, thiết yếu dùng chung và dùng ngân sách Trung ương để hoàn trả phần thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung gương - Giới thiệu địa điểm và hỗ trợ thủ tục triển khai dự án nhà ở, cán bộ, giảng viên ĐHQGHN tại Hòa Lạc theo hình thức xã hội hóa đầu tư; 7.2. Với Bộ, Ngành có liên quan và Chính phủ - Đề xuất Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi nhằm tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng dự án theo hình thức xã hội hóa; - Ưu tiên bố trí vốn trung hạn 2021-2025 để ĐHQGHN hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, dự án tái định cư phân khu phía Bắc và các công trình cấp bách, thiết yếu đáp ứng nhu cầu khai thác cơ sở vật chất giai đoạn 1 của ĐHQGHN tại Hòa Lạc, đáp ứng quy mô đào tạo cho 12.000 sinh viên; - Sớm phê duyệt dự án và ký hiệp định vay vốn ngân hàng thế giới cho dự án ĐTXD công trình cấp bách thiết yếu của ĐHQGHN tại Hòa Lạc; vay vốn ODA Nhật Bản cho dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Việt Nhật.
|