Vũ Thị Ngọc Hân là thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 với điểm trung bình tích lũy GPA 3.85/4.0, điểm rèn luyện đạt loại xuất sắc. Đặc biệt, không chỉ là thủ khoa tốt nghiệp, cách đây 4 năm, Ngọc Hân từng là thủ khoa đầu vào của trường dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 24,75 điểm. Ngọc Hân là 1 trong số 98 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 được tuyên dương. Ảnh: NVCC Vốn yêu văn chương từ khi còn học phổ thông, cộng thêm sự định hướng từ cô giáo dạy Địa của mình, Ngọc Hân đã xác định trở thành giáo viên dạy Văn ngay từ khi mới vào học cấp 3 tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội). Chính vì vậy, khi đăng ký xét tuyển đại học, để theo đuổi niềm đam mê văn học của mình, 2/2 nguyện vọng của nữ thủ khoa đều là sư phạm Ngữ văn. Xác định được mục tiêu hướng tới, ngay từ khi đặt chân vào giảng đường đại học, Ngọc Hân đã lên kế hoạch học tập cho bản thân. Đặc biệt, em luôn tự nhắc mình phải tự lập, tự học và chủ động tìm hiểu kiến thức, không để bản thân bị động. “Mỗi một người sẽ có một phương pháp học tập phù hợp riêng với bản thân mình. Theo em, có ba nguyên tắc tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất đó là quan sát tự nhiên, suy ngẫm và thử nghiệm. Đặc biệt, trong suốt những năm tháng còn là sinh viên, phương pháp học tập em luôn áp dụng đó là chủ động - tích cực - sáng tạo. Cụ thể, trước mỗi buổi học trên lớp, em sẽ đọc trước tài liệu, không chỉ tài liệu của bài mới mà còn là kiến thức, tài liệu mà thầy cô giới thiệu thêm để tham khảo. Đồng thời, em luôn chăm chú nghe thầy cô giảng bài, ghi chép lại kiến thức mới, ý mở rộng nhấn mạnh một cách khoa học, dễ nhìn để sau này dễ dàng trao đổi với thầy cô, bạn bè. Trong các tiết dạy thử, em không ngừng tìm ra phương pháp dạy học mới dựa trên sự tích lũy kiến thức của bản thân và học hỏi các thầy cô đi trước”, Ngọc Hân nói. Ngọc Hân bắt đầu đi dạy, làm gia sư từ khi mới là sinh viên năm thứ nhất đại học. Đến nay, nữ thủ khoa đã tiếp xúc với nhiều lứa học sinh nhưng người để lại ấn tượng trong em nhiều nhất đó là một em học sinh lớp 1. “Em kèm học sinh luyện viết và học Tiếng việt. Vì đó là học trò mắc chứng tự kỷ nhẹ nên lúc đầu khi dạy, em gặp khá nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, trò chuyện. Để học sinh có thể mở lòng hơn với mình, mỗi ngày đi dạy em đều cố gắng từng chút một kéo gần khoảng cách giữa hai cô trò. Sau 1 năm dạy học, em thấy rằng học trò viết ổn và đọc tốt hơn. Ngay cả trong giao tiếp cũng cởi mở, vui vẻ hơn. Thấy học sinh của mình thay đổi tích cực như vậy, em cảm thấy đó là vừa là niềm vui, vừa là kinh nghiệm quý giá tích lũy được trong chặng đường rèn nghề của mình. Qua đó, em ý thức sâu sắc hơn rằng, nghề giáo cần nhiều hơn sự yêu thương và thấu hiểu học sinh. Nhà giáo không chỉ là người truyền dạy kiến thức khô khan mà còn là người bạn đồng hành, là điểm đến tin cậy để học sinh chia sẻ”, Ngọc Hân nói. Ngọc Hân nhận thấy rằng "nghề giáo cần nhiều hơn sự yêu thương và thấu hiểu học sinh". Ảnh: NVCC Hiện tại, Ngọc Hân đang làm công tác giáo viên chủ nhiệm và phụ trách giảng dạy bộ môn Ngữ văn cho học sinh lớp 6 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 (Hà Nội). Với vai trò là giáo viên dạy Văn, trực tiếp giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng tiếp cận và đánh giá mới, tách rời văn mẫu, bản thân Ngọc Hân cũng đã có sự chuẩn bị về phương pháp dạy học từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Nữ thủ khoa luôn chú trọng tích lũy, tìm tòi, nghiên cứu bài dạy và tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chương trình mới; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, trò chơi trên các phần mềm như Kahoot, Classkick, Quizizz, Blocket,… trong các tiết học để tạo không khí vui vẻ, hào hứng cho học sinh. Ngoài ra, Ngọc Hân cũng luôn áp dụng song song các phương pháp và hình thức dạy học môn Ngữ văn. Bên cạnh các phương pháp truyền thống như thuyết trình, đàm thoại thì đẩy mạnh những phương pháp hiện đại như thảo luận nhóm, đóng vai, giải quyết vấn đề, hợp tác, trò chơi, dự án, thiết kế các chương trình sân khấu hoá tác phẩm văn học. Điều này giúp học sinh chủ động tìm hiểu và có cái nhìn sâu sắc nhất về tác phẩm. Sau một thời gian triển khai giảng dạy chương trình mới đối với lớp 6 kết hợp cùng các bài kiểm tra đánh giá, Ngọc Hân cảm thấy rất vui và thú vị khi đọc bài của từng em học sinh trong lớp. Mỗi bài viết là một câu chuyện khác nhau đầy sáng tạo, không rập khuôn. Điều này là sự thay đổi tích cực, dễ dàng nhận thấy của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình cũ. Tuy nhiên, kiểm tra đánh giá lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cũng đem lại những hạn chế nhất định. Một số học sinh học lực trung bình hoặc yếu gặp khó khăn để có thể đưa ra quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Các em không biết làm cách nào để xây dựng một bài văn của riêng mình, không tìm được ý để viết. Đối với những học sinh này, cần nhiều thời gian hơn để làm quen và thích ứng. “Trong suốt quá trình thực tập và đi dạy thực tế ở các trường đã giúp em thêm yêu và gắn bó với nghề giáo. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy và các công việc tại trường học luôn có những điều khác với lý thuyết, sách vở trên giảng đường. Vì vậy, em luôn không ngừng tự nhủ bản thân phải phấn đấu, học hỏi và nỗ lực nhiều hơn nữa để trở thành một người giáo viên tốt”, Ngọc Hân nói. Mới đây, Ngọc Hân đã đăng ký và được xét tuyển thẳng cao học chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Ngữ văn tại Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) với mong muốn được trau dồi nhiều hơn về kiến thức, chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Một số thành tích nổi bật Ngọc Hân đạt được: Liên tiếp nhận được học bổng của Quỹ phát triển Châu Á, Hàn Quốc trong 4 năm học (2018 - 2019; 2019 - 2020; 2020 - 2021; 2021 - 2022) Học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên đạt kết quả học tập và rèn luyện loại xuất sắc. Bằng khen sinh viên 5 tốt cấp Trường Đại học Giáo dục, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, cấp thành phố Hà Nội năm học 2019 - 2020 và năm học 2020 - 2021. Bằng khen Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021 Đạt giải Nhì trong cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc năm học 2020 - 2021 cấp Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Là 1 trong số 98 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 được tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. | Nguồn: giaoduc.net.vn
|