Tham dự chương trình có Giáo sư Alex Lubotzky và phu nhân, PGS. TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Phó Chủ tịch CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN, PGS. GS Nguyễn Trần Thuật - Phó trưởng ban điều hành CLB Nhà khoa học ĐHQGHN, GS.TSKH Trần Văn Nhung - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN; các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên trong và ngoài Trường ĐHKHTN cùng những người quan tâm tới nội dung bài giảng. Bài giảng đại chúng là chương trình sinh hoạt khoa học được Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức thường xuyên dành cho tất cả những người quan tâm tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, các thành tựu khoa học của thế giới và Việt Nam. Các diễn giả của bài giảng đều là những nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước. Có một quan niệm phổ biến trong giới khoa học rằng những thành tựu lớn nhất và đổi mới nhất trong khoa học và công nghệ đều đến từ các trung tâm lớn. Điều này chắc chắn đúng về mặt thống kê nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Israel là một trong số đó. Đôi khi sự biệt lập cũng là một lợi thế chứ không chỉ là một bất lợi. Vậy, bí quyết biến Israel thành “quốc gia công nghệ cao” là gì? Trong bài thuyết trình của mình, Giáo sư Alex Lubotzky đã chỉ ra những điểm bất lợi của đất nước Israel trong việc phát triển khoa học. Đó là: Israel là quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt lịch sử kể từ khi thành lập và từng trải qua các cuộc xung đột, bất ổn chính trị. Do đất nước trải qua chiến tranh ác liệt, những tài năng khoa học trẻ - những người được coi là rường cột tương lai của nền khoa học và công nghệ nước nhà đã phải lên đường nhập ngũ phục vụ Tổ quốc và nhiều người không trở về. Thêm nữa, dân số Israel rất ít, chỉ khoảng 9 triệu người, trong đó cộng đồng người Do Thái chính thống (ultra orthodox) không thúc đẩy mạnh giáo dục các môn Khoa học và công nghệ. Israel còn là một quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đó, Israel đã trở thành quốc gia được mệnh danh là “Quốc gia khởi nghiệp” với nhiều phát minh đột phá. “Bí quyết” khiến Israel vươn lên trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ của thế giới - theo ý kiến cá nhân của Giáo sư Alex Lubotzky – do một số điều sau: (1) Người dân Israel nói chung rất coi trọng giáo dục; (2) Israel là đất nước của những người nhập cư. Người nhập cư luôn có khát vọng đổi mới, tư tưởng vươn lên hiện thực. Khi ở một vùng đất khác để xây dựng cuộc sống, họ rất mạnh mẽ đối mặt với khó khăn và luôn tìm cách vượt qua chúng; (3) Sự cô lập về địa lý của Israel cũng là một thách thức khiến người Israel buộc phải nỗ lực vươn lên; (4) Người Israel có tinh thần Chutzpah - tinh thần không chấp nhận thực tại, luôn tìm tòi, đặt câu hỏi để tìm ra những phương pháp tốt hơn, sáng tạo hơn. Sau những chia sẻ của diễn giả, các đại biểu đã đặt câu hỏi và cùng nhau thảo luận, qua đó nhận diện những điểm tương đồng và khác biệt giữa Israel và Việt Nam, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để có thể làm khoa học xuất sắc dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Giáo sư Alex Lubotzky là một nhà Toán học chủ yếu nghiên cứu về lý thuyết nhóm và mối liên hệ của nó với Lý thuyết số, Hình học, Tổ hợp và Khoa học máy tính. Ông đã xuất bản hơn 160 bài báo, 1 giáo trình, 3 cuốn sách nghiên cứu (2 trong số đó đã nhận được Giải thưởng Ferran Sunyer I Balaguer – giải thưởng quốc tế dành cho sách nghiên cứu). Ông là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Israel (2014), Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ (2005) và Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (2022), Chủ tịch Liên minh Toán học Israel (2019-2020). Ông đã nhận được một số giải thưởng: Giải thưởng Erdos (1990), Giải thưởng Rothschild (2002), Giải thưởng Israel (2018) và bằng danh dự của Đại học Chicago (2006). Ông đã ba lần nhận được các khoản tài trợ nâng cao của Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu (2009-2014, 2015-2020, 2021-2026). Đại học Hebrew là trường đại học hàng đầu ở Israel. Trường có 23.500 sinh viên, 6.000 nhân viên làm việc tại 6 cơ sở. Tính đến năm 2018, cựu sinh viên và giảng viên của Trường đạt 15 giải Nobel, 2 Huy chương Fields, 3 giải Turing (Giải thưởng thường được coi như là giải Nobel trong lĩnh vực Khoa học máy tính). |
|